Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Chuyển động quốc phòng Châu Á – Thái Bình Dương



Tác giả: Nguyễn Thế Phương



Trong Báo cáo Quốc phòng Thường niên gửi Quốc hội về quân sự Trung Quốc, được công bố ngày 8 tháng 5, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đặc biệt chú ý đến quá trình hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh. Theo báo cáo này, động lực chủ yếu thúc đẩy Trung Quốc hiện đại hóa quân đội là những “xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan”. Ngân sách quốc phòng Trung Quốc hiện đã gấp hơn 10 lần chi tiêu quốc phòng của Đài Loan và vẫn tiếp tục tăng. Bản báo cáo cũng đề cập đến những hoạt động thầm lặng nhưng mạnh mẽ của Trung Quốc tại biển Đông và Hoa Đông, bao gồm cả các hoạt động cải tạo, mở rộng đảo và chiến thuật “lát cắt salami”. Lầu Năm Góc cũng lưu ý đến việc Bắc Kinh sử dụng các tàu của lực lượng Hải cảnh để bảo vệ lợi ích và tránh đẩy căng thẳng leo thang thành các xung đột quân sự trên biển Đông.

Về phần cứng, báo cáo cung cấp những cập nhật mới nhất về hệ thống vũ khí và phạm vi hoạt động của chúng. Bắc Kinh được cho là đang tìm cách nới rộng khoảng cách địa lý cho các hoạt động quân sự, đặc biệt tại Ấn Độ Dương. Báo cáo khẳng định, các tàu ngầm hạt nhân lớp Thương (Shang-class) và lớp Tống (Song-class) đã được triển khai ở Ấn Độ Dương. Trước đó, cuối năm 2014, các tàu ngầm của Trung Quốc đã từng bị phát hiện đang neo đậu tại một bến cảng của Sri Lanka.

Về lực lượng tên lửa chiến lược, tại eo biển Đài Loan, Trung Quốc tiếp tục duy trì và triển khai các loại pháo binh và tên lửa đạn đạo tầm ngắn hướng thẳng vào Đài Loan. Bắc Kinh hiện đang sở hữu khoảng 1,200 tên lửa đạn đạo tầm ngắm, bao gồm cả tên lửa DF – 16 (tầm bắn từ 800 đến 1,000 km). Số lượng tên lửa đạn đạo tầm trung tiếp tục tăng, bao gồm cả “sát thủ tàu sân bay” DF – 21.

Bản báo cáo cũng lưu ý rằng năng lực đóng tàu quân sự của Trung Quốc ngày càng được cải thiện và có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường mới trong vài năm tới. Trung Quốc đã xuất khẩu 14 tỷ USD vũ khí từ năm 2009 cho đến năm 2013. Pakistan hiện vẫn là bạn hàng nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc về vũ khí, và Bắc Kinh cũng là quốc gia dẫn đầu trong xuất khẩu vũ khí tới khu vực hạ Sahara.

Về không quân, Trung Quốc cũng cho thấy tham vọng khi sở hữu một lực lượng máy bay không người lái (UAV) hùng hậu trong những năm tới. Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, giai đoạn 2014 – 2023, Trung Quốc có kế hoạch chế tạo khoảng 41,800 UAV hoạt động cả trên đất liền và trên biển, trị giá khoảng 10,5 tỷ USD. Trong số các UAV đang được Trung Quốc triển khai, đáng chú ý nhất có 4 loại là Xianglong, Yilong, Sky Saber và Lijian. Tất cả đều được thiết kế để mang các loại vũ khí tấn công chính xác, riêng Lijian có thêm tính năng tàng hình. Báo cáo cũng lưu ý đến việc Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng UAV trong các cuộc tập trận gần đây, đặc biệt là trên biển Hoa Đông và khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp.

Hồi tháng 5 năm 2014, Forecast International – một công ty tư nhân chuyên nghiên cứu thị trường, đã công bố dự báo về thị trường UAV trong 10 năm tới. Theo đó, đến năm 2023, Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) sẽ trở thành nhà sản xuất UAV hàng đầu thế giới, với giá trị UAV được sản xuất lên tới 5,76 tỷ USD. Bản báo cáo cũng nhận định rằng Trung Quốc đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển không quân với các nước phương Tây cả về số lượng lẫn chất lượng.

Với số lượng tàu đánh cá khổng lồ, ngư dân Trung Quốc có mặt hầu hết ở các vùng biển trên thế giới, kể cả các vùng nằm sâu trong lãnh hải của nước khác. Tại biển Đông, song song với các tàu Hải giám, Hải cảnh, các lợi ích của Trung Quốc còn được hỗ trợ bởi một lực lượng gọi là “dân quân biển”. Đi đầu trong mô hình này là tỉnh Hải Nam, với lực lượng dân quân biển của làng Đàm Môn.

Bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển, trong những năm gần đây, dân quân biển vẫn được xem là “lực lượng không thể thay thế” trong các lực lượng vũ trang trên biển của Trung Quốc. Nhiều nỗ lực đã được đưa ra nhằm tổ chức và chuẩn hóa lực lượng này phục vụ cho chính sách đối ngoại chung của Trung Quốc. Trong chuyến thăm đến Đàm Môn năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã khuyên nhủ các thành viên dân quân “không chỉ nên dẫn đầu trong các hoạt động đánh bắt cá, mà còn thu thập các thông tin về đại dương và hỗ trợ việc xây dựng các đảo và bãi đá”. Một số nhà phân tích cho rằng đây là minh chứng cho việc Bắc Kinh đang âm thầm tiến hành “chiến tranh nhân dân trên biển”. Trong khi đó, các học giả Trung Quốc và chuyên gia an ninh lập luận rằng lực lượng dân quân biển phải là tuyến đầu trong chiến lược quốc phòng Trung Quốc ở các vùng biển đang tranh chấp.

Tuy nhiên, Zhang Hongzhou – một nhà nghiên cứu thuộc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng ở Singapore cho rằng đã đến lúc Bắc Kinh nên xem xét lại chính sách về lực lượng dân quân biển bởi những lý do sau đây. Thứ nhất, Trung Quốc đang sở hữu lực lượng hải quân hùng hậu và hiện đại nhất khu vực. Thứ hai, chính trị hóa công nghiệp đánh cá có thể đặt sinh mạng ngư dân vào vòng nguy hiểm. Giai đoạn 2002 – 2012, hơn 100 ngư dân Đàm Môn đã mất mạng vì xung đột với lực lượng chấp pháp các nước khác. Thứ ba, xu hướng vượt biên giới trên biển để đánh bắt cá ở những vùng biển đang tranh chấp hay lãnh hải của nước khác có nguy cơ phá hoại quan hệ giữa Trung Quốc với các nước. Thứ tư, lực lượng dân quân biển hay ngư dân có thể sử dụng lòng yêu nước như một vỏ bọc cho các hoạt động bất hợp pháp.

Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, trong nhiều năm qua, các quốc gia Đông Nam Á đều lần lượt hiện đại hóa quân đội. Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, Thụy Điển vừa công bố số liệu chi tiêu quốc phòng của các nước ĐNÁ năm 2014. Tổng cộng, những nước này đã tiêu tốn hết 38,2 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2014. Dẫn đầu là Singapore với 9,8 tỷ USD; các vị trí tiếp theo thuộc về Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Trung bình, các nước ASEAN dành khoảng 2,2% GDP cho quốc phòng trong năm 2014. Việt Nam là nước có chi tiêu quốc phòng ở mức đều đặn nhất khu vực. Giai đoạn 2005 – 2014, chi tiêu quốc phòng của Hà Nội tăng 314%. Trong khoảng thời gian đó, Việt Nam đã xây dựng cho mình những lực lượng được xem là nguy hiểm nhất Đông Nam Á, bao gồm hạm đội tàu ngầm, tàu mặt nước và các tên lửa tấn công có độ chính xác cao. Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam chiếm 2,2% GDP (khoảng 5,7 tỷ USD), bằng với mức trung bình của các nước ASEAN.

Một số tin vắn quốc phòng đáng chú ý:

Sau sự đổ vỡ của hợp đồng đóng hai tàu tấn công đổ bộ Mistral cho Nga, có thông tin gần đây cho hay Pháp sẽ cố gắng bán hai tàu này cho Trung Quốc. Một trong hai tàu của Hải quân Pháp đang thăm Thượng Hải là Dixmude – cũng là một tàu đổ bộ thuộc lớp Mistral. Do đó, nhiều lời đồn đoán cho rằng mục đích của chuyến thăm chỉ nhằm “tiếp thị sản phẩm” cho hai tàu Mistral mà Pháp đã đóng cho Nga. Tuy nhiên, trang mạng quốc phòng Sina lại cho rằng khả năng này là khá thấp. Thứ nhất là do các lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Hoa Kỳ và phương Tây. Thứ hai, là Trung Quốc hiện tại chưa cần phải sở hữu một tàu tấn công đổ bổ quá hiện đại như vậy, khi các tính toán mua sắm vũ khí đều đã có trong kế hoạch dài hạn của hải quân.

Sau bản định hướng hợp tác quốc phòng mới, Hoa Kỳ đã đồng ý bán cho Nhật Bản 17 trực thăng quân sự MV – 22B Osprey. Giá trị hợp đồng được xác định khoảng 3 tỷ USD. Số máy bay này sẽ được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Mặt đất của Nhật Bản. Tokyo có kế hoạch sẽ triển khai số máy bay này tại khu vực Saga thuộc tỉnh Tây Bắc Kyushu.

Trung Quốc vừa thử nghiệm thành công máy bay không người lái mang tên CH – 3. Điểm đặc biệt là UAV này được trang bị động cơ nội địa do chính Trung Quốc phát triển. TD0 – động cơ của CH – 3, được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Động cơ đốt trong thuộc Đại học Thiên Tân. Giá một động cơ tương tự nhập khẩu là 48,000 USD, trong khi TD0 chỉ tốn khoảng 1/3 so với giá nhập khẩu. Đây được coi là thành tựu nổi bật đáng chú ý vì là lần đầu tiên một UAV của Trung Quốc được trang bị động cơ nội địa.



 http://nghiencuuquocte.net/2015/05/12/chuyen-dong-quoc-phong-chau-a-thai-binh-duong-12052015/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét