Thứ Năm, 28 tháng 5, 2015

SIÊU CƯỜNG ĐI NGANG

Hoa Kỳ đang lên hay xuống?

Nguyễn-Xuân Nghĩa
 

Đây là thời sự nhé:

Cứ mươi ngày lại có một vụ tai tiếng ở Hoa Kỳ về nạn bạo hành người da đen, thường là bị cảnh sát bắn hạ, sau đó, nghi can là cảnh sát viên có bị truy tố hay không thì cũng có biểu tình phản đối, dẫn tới bạo động.

Đâu là vấn đề? Hệ thống cảnh sát hay chánh sách dân quyền nhằm nâng đỡ người da đen khiến họ sống trong từng khu vực riêng với nhiều bất ổn bên trong? Thành phần nào cũng có câu giải đáp, và bất đồng với nhau. Đệ nhất siêu cường mà như vậy sao?

Tổng Thống Barack Obama vừa tổ chức một thượng đỉnh về an ninh với sáu quốc gia Á Rập Hồi Giáo trong vùng Vịnh Ba Tư, nhưng có bốn nguyên thủ không tham dự, kể cả quốc vương Saudi Arabia. Một trong bốn người từ chối vào lúc chót vì bận đi Anh xem... đua ngựa. Bá chủ họp chư hầu mà bị tẩy chay? Ngay sau đó, tổ chức Nhà nước Hồi Giáo chiếm luôn hai thành phố quan trọng tại Iraq và Syria, trong khi hai cường quốc Iran và Saudi Arabia gián tiếp đụng trận tại Yemen và một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ trong Minh Ước NATO là Turkey thì tìm mua vũ khí của Trung Quốc.

Hoa Kỳ hết bạn?

Mà tại sao đi ngược quan điểm của Hoa Kỳ, nhiều đồng minh của Mỹ lại tham gia dự án thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á châu AIIB? Và một cách phản đòn của Hoa Kỳ là hoàn thành Hiệp Ước TPP thì lại gặp trở ngại ở nhà vì dự luật TPA? Sau khi vượt qua sóng gió và dăm ba điều kiện tiên quyết, Thượng Viện đã thông qua dự luật, để trái banh sẽ lăn vào một nơi còn gai góc hơn nữa, là Hạ Viện.

Nói tới Trung Quốc thì việc Bắc Kinh ra sức xây dựng và củng cố nhiều căn cứ quân sự tại quần đảo Trường Sa đã gây lo ngại cho các nước. Khi Hoa Kỳ gửi máy bay trinh sát P8-A Poseidon tới nơi do thám tình hình thì bị Hải quân Trung Quốc hăm dọa và người ta nói tới rủi ro đụng độ Mỹ-Hoa trên vùng biển Đông Nam Á.

Chiến Tranh Lạnh đang tái xuất hiện?

Câu hỏi kinh hãi ấy chưa thể có giải đáp vì Tổng Thống Obama tuyên bố rằng nguy cơ chiến lược nhất cho nhân loại là nạn... nhiệt hóa địa cầu, trong khi truyền thông Mỹ theo dõi cuộc tranh cử tổng thống vào năm tới.

Bên đảng Dân Chủ, ứng cử viên Hillary Clinton đang là ngôi sao, mỗi ngày sáng rực một chuyện. Ngày chẵn thì có một tiết lộ về tiền, ăn quá nhiều của thiên hạ, kể cả thế lực ngoại quốc thì bà trả bằng gì? Hối mại quyền thế? Ngày lẻ là chuyện thư. Điện thư của bà trong thời gian làm ngoại trưởng đã bị xóa thế nào trong trương mục cá nhân? Tại sao không dùng trương mục có bảo vệ và lưu trữ của bộ Ngoại giao? Giữa những tin xấu dồn dập ấy, người ta cũng theo dõi xem con ong chúa đang được bầy ong thợ là báo chí cánh tả của phe ta bênh vực thế nào.

Bên Đảng Cộng Hòa tình hình còn nhiễu nhương gấp bội.

Chuẩn ứng cử viên thì có hàng tá, và sáu tay dẫn đầu thì cãi nhau về mọi chuyện mà chưa thể trả lời rằng nếu đắc cử thì sẽ làm gì cho dân Mỹ, hoặc sẽ dẫn Hoa Kỳ về đâu trong một thế giới đang có quá nhiều thách đố? Thí dụ như phe diều hâu về an ninh thì đòi tăng chi quốc phòng, phe diều hâu về kinh tế thì đòi giảm chi ngân sách, phe bồ câu về an ninh muốn Mỹ quay về lo việc ở nhà và đừng xía vào thiên hạ sự, như thế mới là yêu nước Mỹ. Chưa xác định chương trình hành động trong tương lai, ngần ấy người đều tập trung vào việc phê phán chánh sách đối ngoại của chính quyền Obama, và thành tích của Hillary khi làm ngoại trưởng. Việc đó tương đối dễ!

Một vòng thời sự như vậy cũng khiến người ta tá hỏa tam tinh: Hoa Kỳ chưa thể thảo luận về các vấn đề hệ trọng của năm tới vì trước mắt, ở trong nhà, lại có nhiều chuyện hệ trọng hơn!

Nhìn từ bên ngoài, và trong một viễn cảnh dài hơn một chu kỳ chứng khoán hay một cuộc khảo sát dư luận, chúng ta thấy Hoa Kỳ có phản ứng của chiến lược gia ưu hạng về... chiến thuật.

***

Tình trạng ấy thật ra khởi sự từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của liên bang Xô Viết.

Trên đà tan rã của Liên Xô, Iraq tấn công Kuweit và đe dọa Saudi Arabia sau khi thắng thế trong trận chiến với Iran. Hoa Kỳ lập tức can thiệp, với các đồng minh của Minh Ước NATO và các nước Á Rập cùng một số quốc gia vừa thoát khỏi đế quốc Xô Viết. Ngay sau đó, trên sự hoang tàn của đế quốc đỏ, nội chiến bùng nổ trong vùng Balkan với sự tan rã của liên bang Nam Tư Yugoslavia. Trước sự phân vân và bất lực của các nước Âu Châu, Hoa Kỳ đành nhập cuộc để ổn định vùng Balkan và còn bênh vực Kosovo sau khi giáng đòn cho Cộng Hòa Serbia.

Hai loại biến cố trên đều có sự tham dự thật ra là miễn cưỡng của nước Mỹ.

Người ta vội nói đến một “Trật tự mới” của thế giới, chữ của chính quyền George W. H. Bush (ông Bush cha), và chào mừng sự xuất hiện của Liên hiệp Âu châu trong đà thắng thế của chế độ dân chủ và kinh tế thị trường. Chứ đấy là một trật tự bất ổn, báo hiệu những biến động ngày nay tại Đông Âu, Trung Âu và các nước Hồi Giáo Trung Đông.

Loạt biến cố thứ hai là vụ khủng bố 9-11 vào năm 2001 với phản ứng của Hoa Kỳ là trận chiến toàn cầu chống khủng bố Hồi Giáo.

Nước Mỹ muốn vừa trả đòn vừa thiết lập một trật tự khác trong thế giới Hồi Giáo. Sau cả chục năm chiến tranh tại Afghanistan, Iraq và nhiều nơi khác, với phí tổn là ba ngàn tỷ đô la chưa kể cả vạn sinh linh, Hoa Kỳ không dàn xếp được thế giới Hồi Giáo mà tình hình lại còn suy đồi hơn. Hậu quả là người dân thất vọng và muốn thu quân kéo về.

Biến cố thứ ba là vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 rồi nạn suy trầm kinh tế.

Các nước Âu Châu bắt đầu vất vả về kinh tế, khối Euro bị khủng hoảng tài chánh và Liên Âu khủng hoảng về chính trị. Ngần ấy quốc gia đều bị ảnh hưởng và Liên Âu hết thống nhất. Đấy là lúc Liên bang Nga quật khởi và tìm lại một phần không gian đã mất của Liên Xô để xây vùng trái độn. Georgia rồi Ukraine bị tấn công và Vladimir Putin không chỉ bành trướng tại Đông Âu mà còn muốn chi phối Trung Đông trước sự bất nhất và bất lực của Liên Âu.

Vụ khủng hoảng 2008 còn tác động vào phản ứng của Trung Quốc.

Bắc Kinh bơm tiền kích thích kinh tế vì sợ các thị trường Âu-Mỹ đều suy sụp và mất sức nhập cảng. Hậu quả là nạn vay tiền làm bậy khi kinh tế hết còn sức tăng trưởng như xưa. Cũng do sự bận rộn của Hoa Kỳ với hồ sơ Hồi Giáo Trung Đông, Bắc Kinh chụp lấy cơ hội bành trướng ảnh hưởng tại Đông Á. Hậu quả là sự bất ổn về an ninh cho các nước trong khu vực và khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị cho lãnh đạo Trung Quốc.

Tình trạng mâu thuẫn ấy có thể giải thích vì sao lãnh đạo mới của Trung Quốc ra tay chấn chỉnh về nội chính qua chiến dịch diệt trừ tham nhũng, mà khó cải cách về cơ chế chính trị trong khi vẫn tỏ vẻ hung hăng với bên ngoài. Hoàn cảnh kỳ lạ này khiến người ta nói đến nguy cơ Chiến Tranh Lạnh, là điều nước Mỹ không thích, dân chẳng muốn nghe mà lãnh đạo thì lúng túng.

***

Từ năm 1991 đến nay, qua ngần ấy vụ khủng hoảng, từ Iraq qua Lybia, Syria. từ Georgia qua Ukraine, từ Miến Điện tới vùng biển Đông Nam Á, Hoa Kỳ đều chỉ có phản ứng chiến thuật.

Nước Mỹ vẫn là một siêu cường mạnh nhất, mà không thể định hình được một thế giới đã có quá nhiều đổi thay. Thế giới vẫn cần một siêu cường có khả năng can thiệp để tìm sự ổn định, nhưng Hoa Kỳ phân vân giữa những yêu cầu trái ngược, hoặc buông tay, hoặc quay về vai trò lãnh đạo với những trách nhiệm, khó khăn và tốn kém mà người dân không chấp nhận.

Siêu cường Mỹ chưa biết là sẽ đi xuống hay đi lên, cho nên bèn đi ngang. Đấy là yếu tố bất ổn khác.



nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét