Tác giả: Victor Sebestyen | Biên dịch: Nguyễn Phương Tú | Hiệu
đính: Lê Hồng Hiệp
Hai mươi năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, Mikhail
Gorbachev được phương Tây âm thầm ca ngợi, nhưng lại bị phớt lờ ở Moscow. Tuy
nhiên ở cả hai nơi này, danh tiếng của ông đều dựa trên việc cải tổ thất bại một
hệ thống đang hấp hối mà ông ta từng đặt trọn niềm tin.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên cách đây không lâu,
Mikhai Gorbachev hồi tưởng lại những năm tháng của ông trên đỉnh cao quyền lực ở
Liên Xô. Khi đã vào luồng vấn đề thì thường rất khó để ngắt lời ông. Nhưng lần
này thì ông lại ngập ngừng, im lặng trong một lúc lâu và nhìn chằm chằm vào người
phỏng vấn một cách khó chịu với cặp mắt soi mói. “Anh biết không, bây giờ tôi
có thể vẫn đang ở đó, trong điện Kremlin”, ông nói. “Nếu tôi bị thôi thúc chỉ
vì quyền lực cá nhân, có lẽ tôi vẫn còn sở hữu nó… Nếu trước đây đơn giản tôi
chẳng làm gì cả, chẳng thay đổi gì ở Liên Xô trong tình trạng thời đó, chỉ ngồi
yên và tiếp tục như trước, thì ai biết được…”. Rồi ông phá lên cười. Nếu ông cảm
thấy chua xót, ông đã che dấu điều này khá tốt.
Đây thường một phần là do sự tự ảo tưởng của những nhà lãnh
đạo đã về hưu, bị đánh bại, hay bị phế truất. Nhưng ở Gorbachev còn có một điều
sâu thẳm hơn, và đặc biệt là rất có liên quan trong năm nay – kỷ niệm lần thứ
20 sự kiện năm 1989,[1] năm bắt đầu dẫn tới sự kết thúc quyền hành của ông.
Ngay cả khi hồi tưởng lại, thật khó để tin là đế chế Xô-viết – một người khổng
lồ mà hai thế hệ người dân phương Tây phải nể sợ – lại biến mất trong thoáng chốc.
Những nhà phân tích từng nghĩ rằng Liên Xô có thể tiếp tục ì ạch tồn tại trong
vài thập niên nữa, cố gắng rồi thất bại trong việc cải tổ nền cộng sản (nhưng sẽ
không sụp đổ ngay): một xứ Thượng Volta[2] có hạt nhân, nhưng không phải là một
cường quốc đáng gờm nữa.
Gorbachev trông vẫn khỏe mạnh ở tuổi 78, độ tuổi mà đa số những
người tiền nhiệm của ông được cho là vẫn đang ở thời đỉnh cao quyền lực. Trong
những năm 1980, tổng bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô có thể gần như nắm trọn
quyền lực độc tài nếu ông ta muốn. Gorbachev đã có thể nắm vững quyền lực và tiến
hành những thay đổi lặt vặt. Ông có thể đã đưa ra những cải tổ nhỏ cho hệ thống
vốn hầu như không có thay đổi gì từ thời Stalin và không mạo hiểm đối với vị
trí của các nước thuộc Hiệp ước Warsaw ở Trung và Đông Âu. Nhưng ông lại tham vọng
nhiều hơn thế. Mục tiêu của ông là cứu vãn và phục hưng chủ nghĩa cộng sản – chủ
nghĩa cộng sản “chân chính” của những nhà khởi lập cho đức tin mà ông tin tưởng
đó. Cũng với nhiệt huyết đó, ông tin tưởng vào đất nước mình – không phải Nga,
mà là Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết. Nhưng chính Gorbachev hơn ai
khác đã là người khai tử chủ nghĩa cộng sản.
Thay vì điều hành từ Phòng Óc chó (Walnut Room) [3] ở điện
Kremlin như một phần trong ông vẫn tin là mình có thể tiếp tục làm được như vậy,
thì giờ đây Gorbachev đi khắp nơi hăng say không nghỉ, và đương nhiên ông vẫn bận
com-lê của Louis Vuitton, thứ ông giúp quảng cáo khắp thế giới. Ông kiếm được
những khoản kếch sù từ các buổi nói chuyện vòng quanh thế giới, và còn nhiều những
thứ bên lề khác. Mới tháng 6 vừa rồi ông đã ghi âm một vài bài dân ca mình
thích nhất rồi dành số tiền lớn thu được cho từ thiện. Đúng ra ông sống ở
Moscow, nhưng ông dành rất ít thời gian ở Nga. Bạn bè thân nhất của ông là những
ông trùm tỉ phú, những người tài trợ cho hai Quỹ Gorbachev, một nhằm lưu giữ những
tư liệu của ông, và một để giúp chống bệnh ung thư trẻ em, được lập ra để tưởng
nhớ người vợ quá cố Raisa của ông. Ông gần như là một nhân vật bị phớt lờ ở
Nga, mặc dù ông có phần hùn trong một tờ báo của Moscow với một trong những người
ủng hộ giàu có – cựu nhân viên KGB Alexander Lebedev –người mới đây đã làm cho
truyền thông dậy sóng khi mua lại tòa báo Evening Standard.
Khi Gorbachev được nhớ đến ở quê nhà, ông thường bị chỉ
trích vì là người đã làm tan vỡ một đế chế mà chẳng cần có cuộc chiến nào, và
làm cho nền kinh tế sụp đổ khi liên bang tan rã vào năm 1991. Đối với những người
theo chủ nghĩa dân tộc xung quanh Vladimir Putin, đây là một thảm họa nhục nhã
mà Gorbachev là người trực tiếp chịu trách nhiệm. Và nước Nga giờ đây mới chỉ
phục hồi lại từ thảm họa đó. Trong những sách giáo khoa mới, Gorbachev hiếm khi
được nhắc đến, hoặc chỉ xuất hiện một cách chẳng hay ho gì ở dòng chú thích cuối
trang, trong khi Stalin được ca ngợi là một “nhà lãnh đạo Nga vĩ đại” (mặc dù
ông là người Gruzia).
Ở ngoài nước Nga, lịch sử sẽ tử tế hơn. Gorbachev sẽ được nhớ
đến như một nhân vật đi đầu trong cuộc giải phóng một phần ba châu Âu khỏi sự
chiếm đóng quân sự và chủ nghĩa toàn trị, một trong những nhân vật chính yếu của
những tuần lễ rối ren trong cuộc cách mạng năm 1989, cũng như vì vai trò của
ông trong việc kết thúc Chiến tranh Lạnh. Hơn nữa, những năm cuối dưới quyền
cai trị của ông và vài năm đầu dưới quyền của người kế nhiệm Boris Yeltsin có thể
được xem như là một giai đoạn tự do ngắn ngủi và thanh bình ở Nga.
***
Dĩ nhiên Gorbachev không có ý định gây ra những điều này.
Ông được chọn lựa bởi một nhóm 18 ông trùm cộng sản già nua phần lớn là vì ông
còn khá trẻ, có sức sống và sự hấp dẫn. Đã có 3 đám tang của các lãnh đạo Liên
Xô diễn ra trong vòng 2 năm rưỡi trước khi Gorbachev được chọn vào ngày
10/3/1985. Leonid Brezhnev nắm quyền trong vòng 20 năm và đã trở thành tên gọi
để chỉ thứ mà ngay cả những người phụ tá của ông khi nói chuyện riêng đã gọi là
“thời đại trì trệ”. Trong những năm cuối cùng của mình, Brezhnev đã quá yếu đến
nỗi phải được đưa lên Lăng Lenin bằng một cái thang cuốn trong những buổi diễu
hành ở Quảng trường Đỏ.
Yuri Andropov thì mắc bệnh nan y khi ông nhậm chức. Trong gần
hết 13 tháng cầm quyền, ông đã điều hành đất nước trên giường bệnh. Konstantin
Chernenko, người đã từng có nhiệm vụ chính trong chính phủ là châm thuốc cho
người bạn thân nhất của mình là Brezhnev, trở thành người thay thế đầy bệnh tật
ở độ tuổi 70. Sự già yếu của ông ta tượng trưng cho tình trạng đất nước bấy giờ.
Những người đứng đầu đảng hồi năm 1985 hẳn đã từng muốn chọn
một trong số những người đồng chí cao niên của mình. Nhưng không có ứng cử viên nào phù hợp, và
ngay cả họ cũng từng nghe những câu chuyện châm biếm lan truyền cả nước – “Các
đồng chí, chúng ta sẽ bắt đầu đại hội theo cách truyền thống – bằng việc khiêng
đồng chí tổng bí thư vào”. Sự lựa chọn Gorbachev được ấn định bởi Andrei
Gromyko, một ngoại trưởng cứng rắn, có vẻ mặt trông nghiêm nghị, và qua bốn thập
kỷ đã được xem là “Mr. Nyet” (Ngài nói Không) của ngoại giao Nga. Ông đảm bảo với
các đồng sự rằng Gorbachev, thành viên Bộ Chính trị trẻ nhất ở tuổi 54, là người
theo khuôn khổ của họ, nhưng có nhiệt huyết để phục hồi danh tiếng của Liên Xô.
Họ chọn Gorbachev không phải vì việc vài tháng trước đó
Margaret Thatcher từng nói bà có thể làm việc được với ông ta. Họ chọn vì nghĩ
rằng ông có năng lượng để hồi sinh một hệ thống Liên Xô đã cũ nát. Gromyko nói
rằng Gorbachev tin vào sự cần thiết của một nền quốc phòng mạnh và việc duy trì
đế chế châu Âu của Liên Xô. Ông kết luận: “Anh ta có một nụ cười đẹp. Nhưng
thưa các đồng chí, Mikhail Sergeyevich (tức Gorbachev) có hàm răng thép.”
Ông dường như mang tới một làn gió mới, ngay cả ở Washington.
Jack Matlock, cố vấn chính cho Ronald Reagan về vấn đề Liên Xô ở Cục An ninh Quốc
gia (NSA), và không lâu sau được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Moscow, cũng chia sẻ
niềm hứng khởi ban đầu. “Ở cả trong và ngoài nước, ai nấy cũng mệt mỏi khi chứng
kiến đế chế Xô-viết loạng choạng dưới tay những kẻ yếu ớt bất tài”, ông nói.
“Gorbachev đi lại, nói chuyện, bộ com-lê của ông ta vừa vặn…thế nên ông ta làm
cả thế giới ngỡ ngàng”.
Gorbachev là lãnh đạo Liên Xô đầu tiên được sinh ra sau Cách
mạng tháng 10. Câu chuyện của ông là đặc trưng của một chú bé nhà nông đến từ
vùng nông thôn của Liên Xô dưới thời Stalin. Vùng Bắc Caucasus quê ông chịu thiệt
hại khủng khiếp từ những nạn đói do con người gây ra trong những năm 1930.
Gorbachev sau đó từng nhắc lại việc ông đã chứng kiến những người hàng xóm chết
đói như thế nào. Ban đầu ông được bảo vệ khỏi những điều tồi tệ nhất: ông ngoại
của ông, một người cộng sản thời kỳ đầu, đứng đầu một trang trại tập thể ở địa
phương. Nhưng sau cuộc thanh trừng của Stalin năm 1937, ông ngoại ông đã bị bắt
với tội “thành phần Trotskyist phản cách mạng hữu khuynh”. Trong vòng 14 tháng
sau đó, gia đình ông trở thành những người ngoài rìa xã hội cho đến khi ông ngoại
ông được thả ra tù.
Gorbachev đã học cách thích ứng. Ông trở thành đảng viên –
và đảng cho ông mọi thứ. Khi ông dần thăng tiến, ông không hề tỏ ra có dấu hiệu
nào đi ngược với đường lối chính thống. Ông nổi tiếng là một người chuyên bợ đỡ
trong một bộ máy quan liêu mà ở đó sự nhún nhường lót đường cho mọi thứ.
Gorbachev sau đó nói rằng: “Tất cả chúng tôi đều liếm đ*t Brezhnev, tất cả
chúng tôi”. Chỉ đến lúc vào được Bộ Chính trị thì ông mới cho phép mình thể hiện
ra một trong những tính cách khác thân thiện hơn, đó là tính hài hước. Lúc
riêng tư thì ông thể hiện là một người giỏi sưu tầm và kể các câu chuyện hài cộng
sản, và thậm chí tự nghĩ ra một vài câu chuyện của riêng mình.
Ngoài việc kể chuyện hài, Gorbachev còn khiến những cộng sự
của mình ngạc nhiên bởi niềm tin chân thành của ông vào chủ nghĩa xã hội. Khi ấy
sự hoài nghi đã ăn sâu vào hồn cốt của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô đến nỗi mà chỉ
có vài người trong hệ thống thực sự tin tưởng vào hệ tư tưởng đó. Gorbachev tin
là Lenin đã vạch ra con đường, và phận sự của ông là hướng Liên Xô quay lại con
đường đó sau “khúc cua sai lầm” của Stalin. Ông thường nhắc đến Lenin như một
“thiên tài đặc biệt” và đọc các tác phẩm của Lenin đều đặn ngay cả trong những
ngày cuối của mình ở điện Kremlin.
Nhà ngoại giao Sergei Tarasenko, người làm việc cận kề với
Gorbachev, nói rằng hầu hết đảng viên (apparatchiks) trong toàn bộ đế chế chỉ
nói ngoài miệng về những lời giáo huấn như thế: “Việc có sách của Lenin trong
thư viện là điều đúng đắn về mặt chính trị. Nếu anh phải viết một bài nói chuyện
mà anh muốn tìm một trích dẫn của Lenin thì cứ lật sang phần mục lục”.
Gorbachev là người hiếm hoi, một tín đồ thật sự nghĩ rằng (những tư tưởng của)
người sáng lập Liên bang Xô-viết vẫn còn đặc biệt phù hợp với vị trị ông đang nắm
giữ, mãi tận 70 năm sau.
Chính vào một buổi “vi hành” diễn ra ở Leningrad vào tháng
5/1989, khoảng 2 tháng sau khi nhậm chức, thì hai cụm từ được gắn liền mãi mãi
với kỷ nguyên của Gorbachev mới bắt đầu gia nhập vào từ điển các thuật ngữ
chính trị. Cải tổ (perestroika) và công khai hóa (glasnost) trở thành những thuật
ngữ toàn cầu, nhưng trong tiếng Nga thì chúng có những định nghĩa riêng. Khi
Gorbachev dùng những từ này thì chúng có ý nghĩa đúng như những gì ông muốn.
Trong thời gian đầu, perestroika – “cải tổ” – nghĩa là một
quá trình cải cách khiêm tốn để cải thiện kỷ luật nơi làm việc. Gorbachev đưa
ra hàng loạt những biện pháp năng động để cho phép các công ty thể hiện tính chủ
động cao hơn và đưa ra vài thay đổi trong việc phân phối sản phẩm. Ông đã sa thải
hàng tá thân hữu của Brezhnev và những quan chức tham những “thời kỳ đình đốn”.
Ông cũng từng bước đưa một ít quy tắc dân chủ vào hệ thống bằng cách tái sắp xếp
các danh sách bầu cử, nhưng vẫn trong hệ thống nhà nước một đảng. Nhưng không
biện pháp nào trong số này mang tính cách mạng. Ông không hề có ý định bãi bỏ
quản lý tập trung, áp dụng nền kinh tế thị trường, tự do hóa giá cả và tiền
lương, hay là bãi bỏ quyền lực độc tôn của những người cộng sản.
Tuy nhiên, sau 4 năm cầm quyền ông cũng đã có một bước đi cấp
tiến: ông cho phép bầu cử đối với Đại hội Đại biểu Nhân dân (Congress of
People’s Deputies) – theo lý thuyết là cơ quan lập pháp cao nhất của đất nước.
Và dù bảo đảm những người cộng sản được “sắp xếp” để giành số đông thắng cử,
ông cũng cho phép một vài người chỉ trích được trúng cử, như nhà vật lý bất đồng
chính kiến Andrei Sakharov. Gorbachev nói rất nhiều về dân chủ, nhưng ông không
bao giờ mạo hiểm đặt mình vào cuộc tranh cử. Ông muốn “cải tổ” mọi thứ nhưng
không muốn động tới những gì thuộc về nền tảng.
Glasnost – “công khai hóa” – cũng là một “bữa tiệc di động”.
Việc này bắt đầu một cách thận trọng nhưng, như những người chỉ trích bảo thủ của
ông đã lo sợ, một khi giới nhà báo được khuyến khích xuất bản những câu chuyện
về các cán bộ bất tài, về một giai cấp bần cùng ở những thành phố thuộc các tỉnh,
hay về sự đàn áp phong trào dân tộc chủ nghĩa và những người bất đồng chính kiến,
quá trình này sẽ trở nên khó kiểm soát.
Liên Xô của Gorbachev không có tự do báo chí hoàn toàn,
nhưng cũng phóng khoáng hơn bao giờ hết. Gorbachev thật sự nghĩ rằng việc xuất
bản ấn phẩm của các tác giả như Solzhenitsyn và Pasternak, và những tiết lộ về
sự khủng khiếp của lịch sử Xô-viết, sẽ khiến người dân cố gắng làm cho Liên Xô
vận hành một cách chân thực và hiệu quả hơn. Tất nhiên việc đó chỉ làm cho họ
căm ghét chủ nghĩa cộng sản nhiều hơn, và chỉ có một tín đồ thực thụ mới tưởng
tượng ra điều ngược lại. Glasnost có những hiệu ứng cấp tiến cả ở Liên Xô và những
nước Đông Âu vệ tinh gần kề hơn cả sự mong đợi của ông. Cũng chính nhờ ông mà
quá trình này không bị dừng lại và giới truyền thông không bị đàn áp.
Ngay cả một vài trong số những người ngưỡng mộ Gorbachev nhiều
nhất, những trợ lý thông minh và có tài đã làm việc không mệt mỏi cùng ông, thỉnh
thoảng cũng thất vọng với phương pháp của ông. Có một ví dụ kinh điển diễn ra
trong những ngày đầu ông nắm quyền.
Gorbachev quyết tâm sẽ giải quyết một tật xấu ám ảnh nước
Nga: rượu vodka. Năm 1984 hơn 9 triệu kẻ nghiện rượu đã được gom về từ các đường
phố của Liên Xô. Những cái chết yểu, tình hình tội phạm, nghèo đói và những gia
đình tan nát có thể thấy ở khắp nơi. Ngày 4/4/1985, sau 3 tuần làm “Gensek” (Tổng
Bí thư), ông triệu tập Bộ Chính trị và tuyên bố rằng từ nay trở đi, giá bán rượu
vodka sẽ tăng gấp ba lần. Sản xuất bia và rượu sẽ bị cắt giảm 75%.
Vladimir Dementsev, Bộ trưởng Tài chính, cảnh báo với ông rằng
điều này sẽ dẫn tới một lỗ hổng lớn trong ngân sách quốc gia. Gorbachev ngắt lời
ông và tuyên bố: “Những điều ông nói không có gì là mới. Chúng ta biết là không
có tiền để bù đắp vào khoản thâm hụt đó. Nhưng ông chẳng đề nghị được gì ngoài
việc tiếp tục để người ta say xỉn. Có phải ông đề nghị xây dựng chủ nghĩa xã hội
dựa trên vodka chăng?”
Không ai nghi vấn thẩm quyền của Tổng Bí thư. Gorbachev theo
đuổi việc cấm vodka của mình một cách cương quyết – và dẫn đến thảm họa. Đã có
những hàng người khổng lồ trước các cửa hàng rượu và một chợ đen vodka đã nhen
nhóm hình thành chỉ sau một đêm. Cái hố đen tài chính mà Dementsev đã cảnh báo
càng trở nên sâu hơn những gì ông ta đã dự đoán. Tỉ lệ người chết tăng vọt vì
việc tiêu thụ thứ rượu tự chế độc hại. Sau 3 năm Gorbachev thừa nhận sai lầm của
mình và bãi bỏ chiến dịch đó, nhưng đã để lại thiệt hại nặng nề. Đó là cách điều
hành đặc trưng của ông trong suốt 6 năm rưỡi.
Gorbachev có thể khơi gợi sự trung thành và lòng khâm phục mạnh
mẽ bằng tầm nhìn, trí tuệ và sự chân thành của mình. Những suy nghĩ và bản năng
về “đại cục” của ông là tử tế và thật thà, ngay cả khi chúng được dựa trên những
phân tích không chính xác. Ông muốn bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và Châu
Âu, xóa bỏ rủi ro chiến tranh Đông-Tây, cắt giảm chi tiêu quân sự và cải thiện
kinh tế trong nước của Liên Xô. Việc ông nghĩ những điều này sẽ giúp củng cố chủ
nghĩa cộng sản có quan trọng không? Không lâu sau khi nắm quyền, ông và những cố
vấn chính, đặc biệt là người chủ chốt thúc đẩy perestroika, Alexander Yakovlev,
đã đi đến kết luận rằng những nước trong Hiệp ước Warsaw là gánh nặng hơn là một
phần thưởng. Nhưng ông không bao giờ nghĩ ra một chiến lược nhất quán để dỡ bỏ
gánh nặng đó.
***
Vì sao người Liên Xô lại từ bỏ đế chế của họ một cách bình
yên như thế, chẳng hề một chút thở than? Và vì sao chỉ trong vòng vài tháng cuối
những năm 1980? Ba trong số những yếu tố quan trọng nhất lại ít được nhắc đến,
nhất là ở Mỹ và châu Âu, có lẽ bởi chúng không nhấn mạnh vai trò của những giáo
hoàng, tổng thống và thủ tướng phương Tây.
Về cơ bản là người Đông Âu đã tự giải phóng họ. Nhưng trong
số những nguyên nhân khiến họ có thể làm được điều đó có sự thất bại của Liên
Xô ở Afghanistan, tình trạng nợ nước ngoài ngập đầu của các nước cộng sản trong
khối Hiệp ước Warsaw, và việc giá dầu rớt đột ngột trong những năm 1980, điều
đã khiến Liên Xô bị phá sản. Gorbachev đã hết mình đối phó với những sự kiện
này không kém việc thương lượng lại những thỏa thuận địa chính trị với người Mỹ.
Khi xét đến yếu tố đầu tiên, có một nguyên nhân bao trùm là
vào lúc khởi đầu cuộc cách mạng của Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan những năm 1980-81,
Liên Xô đã không gửi xe tăng vào Warsaw và Gdansk – như đã từng làm ở Budapest
năm 1956 và Praha năm 1968. Câu trả lời đến từ người biện hộ cứng rắn nhất cho
chủ nghĩa đế quốc Liên Xô trong nhóm lãnh đạo điện Kremlin, trùm tư tưởng
Mikhai Suslov. “Chúng ta đơn giản là không thể đủ sức có thêm một Afghanistan nữa
trong tay chúng ta”, ông nói thế trong một cuộc tranh luận gay gắt của giới
lãnh đạo.
Người Liên Xô nhận ra họ đã phạm sai lầm trong việc xâm lược
Afghanistan không lâu sau khi quân đội của họ đặt chân đến đây vào cuối năm
1979. Gorbachev không nhúng tay vào quyết định này. Ông ta lúc đó là một đảng
viên cấp thấp và đã nghe đến việc này qua radio. Ông là một trong những cán bộ
Liên Xô đầu tiên gọi cuộc chiến này là “vết thương đang rỉ máu của chúng ta”,
và so sánh nó với Việt Nam. Đến lúc ông lên nắm quyền thì gần 10.000 quân Liên
Xô đã tử trận. Ông và những người phụ tá đã quyết tâm chấm dứt chiến tranh – đặc
biệt là khi các tướng chỉ huy nói rằng họ không thể thắng và điều tốt nhất mà
quân đội Liên Xô có thể làm là “ổn định tình hình”. Câu hỏi đặt ra là làm sao để
làm được điều này mà không bị mất mặt.
Ông có thể đã cho rút quân ngay trong vài tháng đầu mới cầm
quyền, và đổ lỗi cho những người tiền nhiệm vì đã tiến hành một cuộc chiến ngày
càng không được lòng dân. Nếu vậy thì hành động đó chắc sẽ nhận được sự tung hô
rộng khắp từ phương Tây. Nhưng ông đã gạt cơ hội này đi. Ông không thể chấp nhận
sự thất bại nhục nhã của Liên Xô trước một đám “khủng bố” cỏn con. Và ông nói:
“Những người bạn của chúng ta…sẽ quan ngại…Họ nghĩ đây sẽ là một đòn giáng mạnh
vào uy thế của Liên Xô”.
Vì thế nên trong vòng 4 năm ông thoái thác và quanh co, làm
khoảng hơn 6.000 quân Liên Xô và 200.000 người Afghanistan thiệt mạng và khả
năng ứng biến của Liên Xô ở những nơi khác đã bị suy giảm. Tới lúc hồng quân rời
khỏi Afghanistan, những người bất đồng chính kiến ở Trung và Đông Âu đã không
còn lo lắng nhiều là quân Liên Xô sẽ dùng vũ lực chống lại họ nữa.
Về yếu tố thứ hai, Miklós Németh, thủ tướng Hungary trong những
năm cuối 1980, giải thích là đất nước của ông đã dùng khoản nợ 1 tỉ Mác Đức từ
Tây Đức năm 1987 như thế nào. Số tiền này đúng ra được dùng vào việc cải cách
kinh tế, nhưng “Chúng tôi đã dùng 2/3 trong số đó để trả lãi [của những khoản nợ
trước] và dùng phần còn lại vào việc nhập khẩu hàng tiêu dùng để xoa dịu cảm
giác về một cuộc khủng hoảng kinh tế.”
Tất cả những chế độ của khối đông Âu (ngoại trừ Romania) nợ
phương Tây một khoản khồng lồ: khoảng 150 tỉ đô la vào cuối năm 1989. Họ liên tục
nói dối về nền kinh tế của mình. Đông Đức, nơi mà Ngân hàng Thế giới đã bị hố
khi liệt kê là nước giàu thứ 11 của thế giới, đã phải chi hơn 70% thu nhập quốc
dân để trả những khoản nợ nước ngoài và cảm thấy rất khó khăn để trả lãi suất.
Những lãnh đạo cộng sản như Eric Honecker và János Kádár từng nghĩ rằng cách
duy nhất để cầm cự là vay mượn từ các ngân hàng phương Tây. Các ngân hàng xem
Đông Âu như một ván cược an toàn – họ nghĩ là “sự bảo đảm” của Liên Xô sẽ loại
trừ tình trạng vỡ nợ.
Nhưng Gorbachev không còn sẵn sàng, hay có khả năng, để bảo
đảm về kinh tế hay chính trị cho các chế độ thuộc khối Warsaw. Như Németh, người
sau này trở thành một nhà kinh doanh ngân hàng, đã giải thích, “việc giết chết
hệ thống cộng sản bắt đầu vào thời điểm các ngân hàng phương Tây…cho các nước
như Hungary vay. Chúng tôi đã cắn câu.”
Yếu tố thứ ba, sự sụp đổ của giá dầu từ năm 1985-86, đã dẫn đến
sự khủng hoảng chung cuộc của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô. Thu nhập từ xuất khẩu
của Liên Xô giảm mạnh, làm cho nhiều người trong nhóm lãnh đạo hoang mang về
cách mà hệ thống kinh tế của đế chế đang vận hành. Có đáng trợ cấp dầu và khí
thiên nhiên rẻ cho các nước thuộc khối Warsaw để đổi lại những hàng tiêu dùng
kém chất lượng không?
Các kinh tế gia và viện nghiên cứu chính sách ở Moscow đang
bắt đầu đặt dấu hỏi về mối quan hệ giữa Liên Xô và các nước vệ tinh. Và rồi một
vụ xì-căng-đan nhỏ đã thúc đẩy hành động. Đồng minh thân nhất của Liên Xô,
Bulgaria, đã đem dầu giá rẻ nhận được từ Liên Xô bán cho phương Tây với giá thị
trường và bỏ túi phần tiền chênh lệch. Khi Gorbachev hay tin, ông đã hết sức giận
dữ đối với Todor Zhivkov, lãnh đạo độc tài đã nắm quyền ở Sofia trong ba thập kỷ.
Điều này làm thay đổi thái độ của ông đối với Đông Âu, nơi mà dẫu sao ông cũng
đã dần mất thiện chí. Ông thay đổi các điều khoản thương mại giữa Liên Xô và
các nước Đông Âu và nói với các lãnh đạo rằng họ hãy tự lo liệu lấy, rằng Liên
Xô sẽ không còn có thể giúp sức cho họ chống lại chính người dân của mình. Những
người cũ cứng đầu như Honecker không tin lời ông ta và nghĩ rằng Đông Âu quá
quan trọng đến mức Liên Xô không thể từ bỏ.
Phương Tây đã trở thành sự cuốn hút lớn hơn đối với
Gorbachev – không chỉ về mặt địa chính trị mà còn về mặt cá nhân. Ông ghét việc
chuẩn bị cho những chuyến đi đến thủ đô của các nước khối Warsaw, nhưng lại trở
nên hào hứng với những hội nghị ở London, Paris hay Rome. Đầu óc của ông đã bị
xoay chuyển bởi hiện tượng “phát cuồng vì Gorbachev” (“Gorbymania”) của những
năm 1980. Ông chán nản với những buổi thảo luận với các quan chức Bộ Chính trị
tối dạ ở Praha. Các buổi thảo luận đó có là gì khi so với một đoàn xe hộ tống dọc
Đại Lộ thứ Năm được tung hô bởi những người Mỹ đang vẫy cờ Liên Xô và mang những
dòng biểu ngữ ngợi ca “Chúa phù hộ người mang lại hòa bình”?
Gorbachev cũng không bao giờ có kế hoạch rút lui khỏi Đông
Âu, hay duy trì quyền lực của Liên Xô ở đó. Ông tưởng tượng rằng mình có thể khuyến
khích những “tiểu Gorbachev” để thay thế những nhà độc tài bất lực già nua đang
bị quần chúng căm ghét. Tính toán sai lầm lớn của ông là những nước này sẽ lựa
chọn được tiếp tục nằm trong quỹ đạo của phe xã hội chủ nghĩa, điều mà ông chỉ
nhận ra sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Nhưng ông từ lâu đã quyết định là sẽ
không dùng vũ lực để duy trì đế chế. Khoảng chục nhà lãnh đạo khác trong lịch sử
cũng đã làm như vậy.
Xét theo những thành tích của của mình thì Gorbachev là một
thất bại. Ông đã tin rằng ông có thể cứu vãn chủ nghĩa xã hội. Ông là một nhà
ái quốc của một quốc gia đã ngưng tồn tại khi chính ông đang đứng mũi chịu sào
lèo lái đất nước đó. Con người ông đầy những mâu thuẫn trong vai trò một con
người và một nhân vật lịch sử – và điều mâu thuẫn lớn nhất là Mikhail Gorbachev
sẽ được nhớ đến như một vĩ nhân chính vì thất bại của ông.
——-
[1] Bản gốc tiếng Anh bài viết này xuất bản năm 2009 (NBT).
[2] Tức nước Burkina Faso ngày nay (NBT).
[3] Phòng làm việc của Tổng Bí thư trong Điện Kremlin, được
lát bằng gỗ cây óc chó.
http://nghiencuuquocte.net/2014/08/18/gorbachev-anh-hung-bat-dac-di/#more-3488
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét