Đang chờ đèn đỏ ở ngã tư nghe tiếng kèn xe máy tin tin, khó chịu vô cùng. “Đúng là con người ta ngày càng vội vả, thiếu văn hóa, và không tôn trọng người khác”.
Trong khi đầu tôi đang suy nghĩ những ý để viết trạng thái Facebook về
thói bấm kèn vô tội vạ của nhiều người Việt thì tiếng kèn lại vang lên
gấp rút, dù còn hơn 20 giây nữa mới hết đèn đỏ. Với bản tính “xây dựng”
và không ngại va chạm, tôi quay đầu lại định nói lớn “Đèn đỏ còn 20 giây
nữa, có ai chạy được đâu mà bóp kèn chi cho nhức tai vậy anh/chị /bạn?”
Té ra người bóp kèn là một đứa bé trai quãng 2 tuổi. Cảnh thằng bé
tròn tròn, phụng phịu cười khanh khách mỗi khi ấn còi phát ra tiếng tin
tin, dễ thương vô cùng. Tôi tự mắc cỡ với mình và cảm thấy vui vui. Thì
ra nhiều khi mình thấy vậy mà không phải vậy.
Điển tích “Khổng Tử và nồi cơm” kể
lại việc Khổng Tử nghi ngờ Nhan Hồi – một đệ tử đạo cao đức trọng của
Khổng Tử - vì đói mà đã lén ăn cơm trước khi dọn cơm ra cho Khổng Tử và
các môn đệ khác, nên mới đề nghị cúng Cha Mẹ rồi mới ăn. Không ngờ Nhan
Hồi thưa: “Khi cơm chín con mở vung ra xem thử cơm đã chín đều chưa,
chẳng may một cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm
bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó
con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi … nhưng lại nghĩ: cơm thì ít,
anh em lại đông, nếu bỏ lớp cơm bẩn này thì vô hình chung làm mất một
phần ăn, anh em hẳn phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy
và tất cả anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng
thầy và tất cả anh em. Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi …
bây giờ, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Thưa thầy,
nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử
ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những
việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự
thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”
Không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn
thấy toàn bộ sự thật, biết được ngữ cảnh xảy ra câu chuyện, hay đặt mình
trong tình cảnh của người trong cuộc để hiểu tại sao họ làm vậy. Khi có
được một dữ kiện, một tấm hình, một phần của sự thật chúng ta vội vã
phán xét, vội vả phê bình. Mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, và tâm lý
“hùa” của đám đông còn nâng cao tốc độ và sự lan truyền của những phán
xét, phê bình của chúng ta lên nhiều lần. Rất nhiều phán xét đó là đúng
và giúp cho xã hội chặn đứng được những cái xấu, giảm được sự xuống cấp
về văn hóa…, nhưng cũng không ít những nhận xét của chúng ta là chưa
thật sự chính xác, thỏa đáng.
Tháng 9/2013, tỷ phú nổi tiếng thế giới
Bill Gates đăng trên trang Facebook cá nhân của mình hình một trụ điện
điển hình của Việt Nam với nhiều dây điện và dây mạng chằng chịt, với
status tạm dịch như sau: “Tại Việt Nam, nhu cầu năng lượng đang tăng 14%
một năm. Lưới điện cũ này thật sự bị quá tải. Những đất nước như Việt
Nam làm sao để giải quyết nhu cầu điện ngày càng tăng? Phía trước là
những quyết định đầy khó khăn”. Một số người Việt Nam cho rằng đó là một
suy nghĩ chân tình và thiện chí của Bil Gates về tình hình điện năng
của Việt Nam và các nước đang phát triển tương tự. Thế nhưng cũng có rất
nhiều người Việt Nam – bị “xấu hổ” bởi cái hình trụ điện mạng nhện và
những lời bình chê trách của nhiều người các nước khác – nên đã quy cho
Bill Gates cái tội cố ý lăng nhục hình ảnh của Việt Nam. Họ đã rủ nhau
quăng các loại gạch đá – những câu chê trách, chửi mắng vô văn hóa - vào
trang Facebook của ông tỷ phú này.
Năm 2013, nhà văn Trang Hạ và đạo diễn
Lê Hoàng lời qua tiếng lại, tranh cãi về phụ nữ, đàn ông ai rửa bát.
Trong khi tranh cãi Trang Hạ có nói câu “Đàn ông về nhà chỉ có ăn - tắm -
ngủ thì khác gì con lợn! Muốn chứng minh đàn ông được vợ chăm sóc không
phải như... chăm lợn, thì các ông hãy xắn tay rửa bát đi”. Câu nói
“không hay” này sẽ làm cho nhiều người trong đó có tôi, rất không đồng
ý. Nhưng khi nằm trong cuộc tranh cãi thì đó không phải là một câu nói
quá nặng nề, cay độc. Hai tháng trước, khi câu “Đàn ông về nhà chỉ có ăn
- tắm - ngủ thì khác gì con lợn!” được làm “sống lại” và được viết độc
lập không ngữ cảnh thì nó gây một đám đông trên mạng đầy giận dữ đối
với tác giả Trang Hạ.
Vừa rồi, tấm hình thể hiện tro cốt của
phi công thiếu tá Nguyễn Anh Tú trong túi xách tay, không phủ lễ quốc kỳ
cũng gây ra một sự chê trách mạnh mẽ của cư dân mạng cho đến khi gia
đình của thiếu tá Tú giải thích rõ nguyên nhân dẫn đến việc đó.
Ngày nay, khi Việt Nam ngày càng tụt
hậu về vật chất và văn hóa so với thế giới, những Bloger, Facebooker có
ảnh hưởng, những người có lương tri, những người quan tâm đến xã hội,
đất nước cần phải đóng vai trò tích cực của mình để thúc đẩy đám đông
lan tỏa điều tốt đẹp và phê phán, đấu tranh với điều xấu. Tuy vậy mỗi
chúng ta cần phải chậm lại một chút để chiêm nghiệm, để thu nhận, tìm
thêm thông tin để tiếp cận đúng sự thật. Và trên đó nữa là một suy nghĩ
bao dung, tích cực. Khi đó “đám đông” của mạng xã hội sẽ là một đám đông
thông minh, nhân văn và đầy sức mạnh.
Lâm Minh Chánh (Một Thế Giới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét