Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Tương lai bóng đá thế giới sau những tai tiếng ở FIFA

Hà Tường Cát 




HOA KỲ - “FIFA không cần có cách mạng nhưng luôn luôn cần tiến hóa.” Chủ tịch FIFA, ông Sepp Blatter, hôm Thứ Sáu nói như vậy với đại hội ở Zurich, Thụy Sĩ, trước cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch nhiệm kỳ mới.

Chủ Tịch UEFA Michel Platini trao đổi với Chủ Tịch FIFA Sepp Blatter (trái) và Tổng Thư Ký FIFA Jerome Valcke trong đại hội ở Zurich. (Hình: Walter Bieri/Keystone via AP)

Và kết quả bầu cử là 133 trong số 209 đại  biểu tiếp tục tín nhiệm ông thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa cho tới 2019. Tuy chưa hội đủ túc số 2/3, nhưng ông Blatter vẫn đắc cử không phải qua bầu cử vòng nhì, vì đối thủ duy nhất là ông hoàng 39 tuổi Ali bin al Hussein, chủ tịch liên đoàn bóng đá Jordan, chỉ được 73 phiếu, tuyên bố rút lui.



Ông Sepp Blatter, 79 tuổi, dân Thụy Sĩ, giữ chức vụ chủ tịch FIFA 17 năm từ 1998. Sự kiện ông không hội đủ túc số 2/3 trong vòng bỏ phiếu kín lần thứ nhất chứng tỏ tác động của vụ tai tiếng vừa nổ ra hai ngày trước. Bảy viên chức FIFA bị bắt tại Zurich theo trát đòi của bộ tư pháp Mỹ, và tiếp sau đó Thụy Sĩ  mở cuộc điều tra về việc FIFA chọn quốc gia đứng tổ chức hai kỳ World Cup sắp tới.

Trong buổi họp báo ngày Thứ Tư ở New York, bà Loretta Lynch, bộ trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ, nói rằng cuộc bầu của FIFA không  liên quan gì tới thời điểm các công tố viên quyết định truy tố một số viên chức sau khi các điều tra viên tìm ra $110 triệu tiền hối lộ dính dáng với giải Copa America sẽ được tổ chức lần đầu tiên tại Mỹ năm 2016. Nhưng ông Blatter nói không úp mở: “Tôi không dùng tiếng trùng hợp, và thật sự muốn nêu một chút nghi vấn.”

Thể thao là một trong những ngành kinh doanh quan trọng và kiếm lời nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Doanh số của FIFA mỗi kỳ World Cup lên tới gần $3 tỷ, trong đó tiền bán vé chỉ là phần nhỏ, khoản thu nhập chính do từ bản quyền truyền hình, quảng cáo và bảo trợ của các đại công ty. Quốc gia đứng tổ chức phải tốn kém rất nhiều vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như sân bóng, hệ thống đường giao thông, phi cảng khách sạn; bù lại được yểm trợ một phần của FIFA và hưởng lợi ích kinh tế về du lịch.

Do vị trí và vai trò có tầm ảnh hưởng lớn ấy, chuyện tham nhũng trong nội bộ FIFA  được coi như đã có từ ít nhất hơn 20 năm nay. Đồng thời thể thao và chính trị thực sự là hai mặt không thể tách rời của một vấn đề.

Có những nghi ngờ là Nga và Qatar hối lộ một số viên chức để được đứng tổ chức World Cup 2018 và 2022, khi  FIFA đi đến những quyết định này năm 2010. Anh và Mỹ ở trong số những nước thất bại trong việc xin đứng tổ chức World Cup 2018 và 2022.

Tổng Thống Nga Vladimir Putin hôm Thứ Năm lên án Hoa Kỳ xen lấn vào các việc nội bộ của FIFA và cho rằng cuộc điều tra về tham nhũng, do Thụy Sĩ tiến hành với sự hợp tác của Hoa Kỳ, là một phần của mưu toan muốn đem World Cup 2018 ra khỏi nước ông. Ông Putin cũng đặt vấn đề cuộc điều tra và yêu cầu bắt giữ viên chức  FIFA không liên quan gì đến công dân Mỹ và vi phạm không phải xảy ra ở Mỹ. Tuy nhiên theo các giới chức công lực Mỹ thì hầu hết những số tiền sang tay mờ ám đều chuyển qua những ngân hàng Mỹ.

Trong cuộc họp báo chung với Thủ Tướng Đức ở Berlin, được hỏi về chuyện tai tiếng ở FIFA, Thủ tướng Anh David Cameron nói chủ tịch Blatter “nên từ chức, sớm chừng nào tốt chừng ấy.” Thủ Tướng Cameron cho rằng “khó có thể tin” ông Blatter là người đem tổ chức bóng đá thế giới tiến lên sau những tố cáo tham nhũng vừa xảy ra. Ông nói: “Một cách thẳng thắn, chúng ta đã nhìn thấy mặt tồi tệ của môn thể thao tốt đẹp này.” Bà Angela Merkel cũng kêu gọi FIFA sớm thanh toán hẳn những chuyện tham nhũng, tuy nhiên bà dừng lại ở ý kiến ông Blatter có nên từ chức hay không. Bà là một 'fan' bóng đá nhiệt thành, từng có mặt trong những trận quốc tế lớn.

Báo cáo trước đại hội FIFA lần thứ 65 ở Zurich hôm Thứ Sáu, ông Sepp Blatter cho rằng: “Nếu là hai nước khác được tổ chức World Cup sắp tới, tôi nghĩ là chúng ta không có những vấn đề như hôm nay.” Ông Blatter chưa bao giờ bị coi là có dính líu đến những chuyện bê bối trong FIFA. Người tiền nhiệm, ông Joao Havelange, dân Brazil, năm 2013 đã phải từ chức chủ tịch danh dự vì có liên hệ với nhiều người khác trong những chuyện mờ ám trước kia.

Nhiều nước Âu Châu muốn thay đổi chủ tịch FIFA. Chủ tịch Liên Đoàn Bóng Đá Âu Châu UEFA, cựu cầu thủ nổi danh Pháp Michel Platini cho biết đã trực tiếp gặp riêng hôm Thứ Năm và đề nghị ông Blatter từ chức nhưng ông từ chối. Tiếp đó Platini khuyến cáo các thành viên UEFA nên bầu cho ông hoàng Ali. Sau khi những nỗ lực này không thành công, Platini vẫn đưa ra một bản tuyên bố với lời lẽ bướng bỉnh: “Tôi tự hào vì UEFA đã bảo vệ và ủng hộ sự thay đổi trong FIFA, mà theo quan niệm của tôi là thiết yếu để tổ chức này lấy lại tín nhiệm.”

Luis Figo, cựu cầu thủ nổi tiếng của Bồ Đào Nha, ứng cử viên chủ tịch FIFA nhưng đã rút lui đầu tháng 5 và lên án FIFA là một chế độ độc tài. Sau khi Sepp Blatter tái cử, Figo tố giác: "Ông Blatter phải biết và cảnh giác về tham nhũng và những tệ trạng khác của FIFA, nếu không biết như ông ta đã nói thì rõ ràng không có khả năng lãnh đạo.”

Mặt khác, xét về thành phần cử tri đoàn, Sepp Blatter chiếm ưu thế Phi Châu có 54 phiếu, Âu Châu 53, Á Châu 46, Bắc-Trung Mỹ- Caribbean 35, Nam Thái Bình Dương (Oceania) 11 và Nam Mỹ 10. Các nước Phi Châu, Á Châu, Oceania mạnh mẽ ủng hộ ông. Hầu hết Âu Châu ủng hộ ông hoàng Jordan. Còn lại hai đối thủ đều có thể có một số phiếu ở CONCACAF và CONMEBOL.

Rodolfo D'Onofrio, phó chủ tịch liên đoàn bóng đá Argentine cho biết các thành viên CONMEBOL đã họp riêng sáng Thứ Sáu và đồng ý ủng hộ ông hoàng Ali bin al Hussein, tuy nhiên không thể nào biết chắc chắn họ bỏ phiếu thế nào vì đây là cuộc bỏ thăm kín.

Cuối cùng thì dư luận tin rằng có hai hạn chế khiến đa số những người bỏ phiếu ở đại hội FIFA vẫn ủng hộ Sepp Blatter. Thứ nhất là những ràng buộc phức tạp về quyền lợi trong tổ chức này. Thứ hai là sự lo ngại cơ chế hoạt động của FIFA sẽ không còn duy trì được ổn định và hiệu quả như từ trước đến nay. Chẳng hạn Âu Châu vẫn là thị trường bóng đá quan trọng nhất và lục địa này chiếm ưu tiên trong sự phân phối thành phần tham dự vòng chung kết World Cup. Cúp Euro của UEFA được coi là giải quan trọng đứng thứ nhì sau World Cup, hơn tất cả Copa America hay các giải vô địch Phi Châu và Á Châu. Liên quan đến những sự kiện ấy còn là vai trò bảo trợ và quảng cáo của các đại công ty đa quốc gia nữa. (HC)


 Nguồn: nguoi-viet.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét