Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Lý giải sự tàn bạo của Stalin








  Tác giả: Anne Applebaum | Biên dịch: Lương Khánh Ninh
 

Kho lưu trữ hồ sơ của Nga hé lộ rằng Stalin không phải là một kẻ điên rồ mà là một nhà lý luận tài tình và duy lý đến mức không gì lay chuyển được.

Làm sao mà Stalin đã trở thành Stalin? Hay nói một cách chính xác hơn: làm thế nào mà Iosif Vissarionovich Djugashvili – cháu của hai người nông nô, con của một người phụ nữ làm nghề giặt quần áo và một thợ sửa giầy – đã trở thành Nguyên soái Stalin, người chịu trách nhiệm cho những vụ giết người hàng loạt dã man nhất mà thế giới từng biết đến? Làm sao mà một cậu bé sinh ra tại một thị trấn vùng núi heo hút ở Gruzia đã trở thành một nhà độc tài nắm quyền kiểm soát một nửa châu Âu? Làm sao mà một chàng thanh niên mộ đạo, người đã chọn theo học để trở thành một linh mục, lại trở thành một người nhiệt thành với chủ nghĩa vô thần và một người theo chủ nghĩa Marx?

Chịu ảnh hưởng của Freud, nhiều nhà viết tiểu sử tham vọng – chưa kể đến những nhà tâm lý học, triết gia hay sử gia – đã tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi này dựa trên thời thơ ấu của Stalin. Giống như sự cuồng tín của Hitler được “giải thích” dựa trên nền tảng giáo dục, đời sống tình dục hay tinh hoàn được cho là chỉ có một bên của ông ta, sự tàn bạo mang hơi hướng tâm thần của Stalin được quy cho người cha của ông, người được chính Stalin miêu tả là “đã đánh đập ông ta không thương tiếc,” hay cho người mẹ vốn có thể đã ngoại tình với một vị linh mục địa phương. Những kiến giải khác đề cập đến một tai nạn khiến cho tay phải Stalin bị teo lại, việc ông bị bệnh đậu mùa làm cho khuôn mặt ông trở nên đầy sẹo, hay khiếm khuyết từ khi sinh ra khiến hai ngón chân của bàn chân trái dính vào nhau – dấu hiệu của quỷ dữ.

Chính trị cũng có tác động đến những người viết tiểu sử Stalin. Trong cuộc đời Stalin, những người ủng hộ đã biến ông ta thành một siêu anh hùng nhưng những người phản đối cũng áp đặt thành kiến của họ với ông. Leon Trotsky, đối thủ nguy hiểm nhất của Stalin, là một người đưa ra kiến giải về Stalin có tầm ảnh hưởng nhất cho đến giờ, qua đó định hình quan điểm của một thế hệ sử gia từ Isaac Deutscher trở đi. Stalin trong con mắt của Trotsky là một người trí tuệ hạn chế và tâm hồn u ám, là một anh tỉnh lẻ không có giáo dục đã thâu tóm quyền lực nhờ thao túng chính trị và bạo lực đẫm máu. Trên hết, theo Trotsky, Stalin là kẻ ban đầu đã phản bội Lenin và sau đó là sự nghiệp của chủ nghĩa Marx. Đây là những phác họa về Stalin nhằm truyền cảm hứng cho những người theo chủ nghĩa Trotsky tiếp tục trung thành với một dạng thức cách mạng Xô-viết mà “đã có thể xảy ra” nếu như người lên nắm quyền là Trotsky chứ không phải là một Stalin ảm đạm, thận trọng và luôn nghi ngờ.

Kể từ khi kho lưu trữ Liên Xô mở cửa từ những năm 1990, những bản mô tả mang màu sắc chính trị và tâm lý học kể trên về cuộc đời Stalin bắt đầu bị phủ nhận. Chính trị vẫn có ảnh hưởng đến việc ông được công chúng nhớ đến như thế nào: những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Nga đã làm nhẹ đi những tội ác của Stalin đối với chính người dân của ông ta và tổ chức lễ kỷ niệm cuộc chinh phạt châu Âu do ông tiến hành. Tuy nhiên, sự sẵn có của hàng ngàn tài liệu mật một thời và nhiều thư từ cũng như hồi ký trước đây được giấu kín đã cho phép các sử gia nghiêm túc viết về những sự thật đáng chú ý hơn.

Chẳng hạn, sau khi khai thác những nguồn tin ở Tbilisi và Moscow cho cuốn sách Stalin thời trẻ (Young Stalin), nhà sử học và nhà báo Simon Sebag Montefiore đã khắc họa nhà độc tài Stalin như một người năng nổ trong hoạt động khuấy động quần chúng, một tay mê hoặc phụ nữ kiểu Lothario, một nhà thơ và một nhà viết luận phê bình chính trị – khác hẳn với hình ảnh một tay viên chức thô lỗ ngu xuẩn như trong trí tưởng tượng của Trotsky.

Đào sâu tìm hiểu bộ sưu tập hồ sơ được ít người biết đến này, học giả người Nga Oleg Khlevniuk đã đưa ra câu chuyện vô cùng chi tiết về sự phát triển của Đảng Cộng sản Liên Xô từ sự hỗn loạn của cách mạng cho đến cái mà cuối cùng trở thành chủ nghĩa Stalin. Những cuốn sách của Khlevniuk – cùng với những bức thư đã được biên tập của Stalin gửi đến hai trong số những trợ thủ của ông, Vyacheslav Molotov và Lazar Kaganovich, cùng với rất nhiều tài liệu khác về lịch sử của Gulag (trại cải tạo lao động của Liên Xô- NBT), về quá trình tập thể hóa, về nạn đói ở Ukraine, về KGB – cho thấy Stalin không gây dựng nền độc tài Liên Xô chỉ nhờ mánh khóe, thủ đoạn, hay ông đã không làm điều này một mình. Stalin đã được trợ giúp bởi những người có cùng sự tận tâm cũng như từ hàng ngàn cảnh sát mật hết sức trung thành với lý tưởng.

Trong một cuốn tiểu sử hết sức tham vọng – tập đầu tiên của bộ ba cuốn với độ dày gần 1.000 trang viết về Stalin kể từ khi sinh (năm 1878) cho đến năm 1928 – Stephen Kotkin, giáo sư sử học tại Princeton, bắt đầu tổng hợp các công trình của những học giả trên cũng như của hàng trăm học giả khác. Mục tiêu của ông trong cuốn Stalin là quét sạch vĩnh viễn mọi lớp “mạng nhện” cũng như những câu chuyện thần bí khỏi việc chép sử Liên Xô.

Ông bác bỏ những người theo lối tư duy của Freud, lập luận rằng không có điều gì đặc biệt bất thường trong thời niên thiếu của Stalin so với một người có cùng độ tuổi và xuất thân giống ông ta. Sergei Kirov, một thành viên trong nhóm nội bộ của Stalin, lớn lên trong một trại trẻ mồ côi sau khi người cha nghiện rượu rời bỏ gia đình và người mẹ của ông chết bởi bệnh lao. Grigory Ordzhonikidze, một đồng chí khác của Stalin, mất cả cha lẫn mẹ khi ông ta 10 tuổi. Ngược lại, chàng trai Stalin có một người mẹ mà, bất chấp xuất thân của bà, là một người tham vọng và năng nổ, người đã huy động cả đại gia đình hỗ trợ cho cậu con trai tài năng của bà.

Quan trọng hơn, Kotkin lưu ý, Stalin thời trai trẻ trở nên nổi bật tại Tiflis hồi cuối thế kỷ 19 không phải bởi ông có tính du côn mà bởi ông là một học sinh xuất sắc. Mười sáu tuổi, Stalin được nhận học ở trường dòng Tiflis, “nấc thang cao nhất của hệ thống giáo dục ở vùng Cáp-ca-dơ… bước đệm để theo học tại một trường đại học nào đó của đế chế.” Dù sau này bỏ học ở trường, bị cuốn vào thế giới chính trị cực tả bí mật nhưng Stalin vẫn giữ được phong cách lôi cuốn của mình. Ông đến Baku năm 1907 để kích động các công nhân khai thác dầu, tham gia “bắt con tin đòi tiền chuộc, tống tiền và cướp biển” và cả một vụ ám sát chính trị kỳ lạ. Stalin hết ra tù lại vào tù, thể hiện khả năng trốn thoát đặc biệt tài tình và khả năng sử dụng một loạt bí danh và cải trang để tránh bị nhận dạng.

Dần dần, Kotkin xây dựng nên một cách lý giải khác về con người Stalin cũng như một vài thứ khác nữa. Thành tựu đặc trưng của quyển sách, và cũng là sai lầm chủ yếu của nó, là phạm vi đề tài vô cùng rộng lớn: Kotkin đã bắt đầu viết về không chỉ toàn bộ cuộc đời của Stalin mà còn toàn bộ lịch sử sự sụp đổ của đế chế Nga và quá trình hình thành đế chế Liên Xô thế chân đế chế cũ. Cuốn sách của ông viết về những chi tiết từ cuộc sống của Bismarck và Mussolini cũng như những chính trị gia dưới thời Sa hoàng như Sergei Witte, Pyotor Stolypin, và Pyotor Durnovo cho tới Sa hoàng và Nữ hoàng Nga; và tất nhiên là cả Lenin, Trotsky, Nadezhda Krupskaya, Nikolai Bukharin, and Felix Dzerzhinsky. Và danh sách chưa dừng lại ở đó.

Tuy nhiên, những năm tháng và những cuộc khủng hoảng trôi qua, một bức tranh rõ nét về sự phát triển nhận thức của Stalin dần xuất hiện. Người ta có thể dễ bỏ qua điều này, nhưng tại thời điểm Cách mạng Nga xảy ra Stalin đang ở độ tuổi cuối 30 và bản thân không có bất kỳ thứ gì để có thể mang ra khoe khoang được. Ông ta “không có tiền, không có nơi ở cố định, và không có chuyên môn gì ngoài việc bình luận,” tức là ông viết cho những tờ báo ngoài luồng. Stalin chắc chắn không được huấn luyện gì về thuật trị nước cũng như không có bất kỳ kinh nghiệm quản trị nào. Cuộc đảo chính của những người Bolshevik năm 1917 lần đầu tiên mang đến cho Stalin và những đồng chí của ông ta hương vị vinh quang chiến thắng. Cuộc cách mạng gần như bất khả của những con người này – kết quả ván cược mạo hiểm của Lenin – đã giúp xác thực ý thức hệ cuồng tín và mơ hồ của họ. Hơn nữa, chiến thắng này mang đến cho họ sự an toàn cá nhân, danh tiếng và quyền lực mà trước đó họ chưa từng biết tới.

Kết quả là, hầu hết những nhà lãnh đạo Bolshevik tiếp tục tìm kiếm sự dẫn đường chỉ lối từ ý thức hệ này và Stalin không phải là ngoại lệ. Những năm sau đó, người ngoài lắng nghe một cách hoài nghi những tuyên bố của giới lãnh đạo Liên Xô và không biết liệu những lời này liệu có thành thật. Câu trả lời của Kotkin là “có”. Không giống như một kẻ đa nghi vô giáo dục như trong tưởng tượng của Trotsky, Stalin ngoài đời dùng ngôn ngữ ý thức hệ để biện minh cho bất kỳ quyết định nào, kể cả trước đám đông hay trong các cuộc gặp riêng. Thật là một sai lầm nếu như ta không đánh giá nghiêm túc tầm quan trọng của thứ ngôn ngữ này bởi nó cung cấp một chỉ dẫn hoàn hảo để tìm hiểu suy nghĩ của Stalin. Stalin thường xuyên làm đúng như những gì ông ta đã nói.

Điều này chắc chắn đúng trong lĩnh vực kinh tế. Như Kotkin đã chỉ ra một cách chính xác, những người Bolshevik được thôi thúc bởi “những ý tưởng hoặc thói quen tư duy, đặc biệt là ác cảm sâu sắc đối với thị trường và tất cả những gì liên quan đến tầng lớp tư sản cũng như các phương pháp tiến hành cách mạng bằng mọi cách thức.” Ngay sau khi cuộc cách mạng kết thúc, những niềm tin mãnh liệt này đã khiến họ cấm buôn bán tư nhân, quốc hữu hóa công nghiệp, tịch thu tài sản và ngũ cốc đồng thời tái phân phối chúng tại các thành phố – tất cả những chính sách này đều phải nhờ đến bạo lực quần chúng để tiến hành. Năm 1918, đích thân Lenin đề xuất rằng nên ép nông dân chuyển ngũ cốc cho nhà nước và những ai từ chối nên bị xử bắn tại chỗ.

Mặc dù một vài trong số những chính sách kể trên bao gồm cả tịch thu ngũ cốc tạm thời bị bãi bỏ trong những năm 1920, Stalin đã mang chúng trở lại vào thời điểm cuối thập niên này và sau cùng còn áp dụng chúng rộng rãi hơn. Không có gì ngạc nhiên, những chính sách được Stalin phục hồi là kết quả logic của mọi cuốn sách ông ta đã đọc và của tất cả những lập luận chính trị mà ông đã từng đưa ra. Stalin, theo như Kotkin hé lộ, không phải là một tay viên chức rỗng tuếch hay một kẻ ngoài vòng pháp luật mà là một người đàn ông tuân thủ một cách cứng nhắc một thứ học thuyết khắt khe. Tính bạo lực của ông ta không phải là sản phẩm của tiềm thức mà là sản phẩm của sự kết hợp giữa một người Bolshevik và ý thức hệ Marx-Lenin.

Ý thức hệ Marx-Lenin đã cung cấp cho niềm tin của Stalin một điểm tựa vững chắc bất chấp những thất bại về kinh tế. Nếu những chính sách với mục đích đem lại sự thịnh vượng đã thất bại và thay vào đó đã dẫn đến đói nghèo, ông ta hoàn toàn có thể tìm ra một cách lý giải cho những thất bại này: hoặc lý thuyết bị diễn giải sai hoặc các lực lượng không liên kết với nhau một cách hợp lý hay các quan chức đã mắc sai lầm trong khâu thực hiện. Nếu những chính sách của Liên Xô không được lòng dân, trong đó có giới công nhân, điều này cũng có thể được giải thích rằng sự chống đối đang ngày càng gia tăng bởi xung đột giai cấp đang ngày càng trở nên căng thẳng.

Bất cứ điều gì có vấn đề, thì trách nhiệm luôn có thể được quy cho từ sự chống phá cách mạng, các lực lượng bảo thủ, cho đến tầm ảnh hưởng bí mật của tầng lớp tư sản. Niềm tin này được củng cố hơn nữa bởi các trận chiến khốc liệt giữa hai phe Hồng quân và Bạch vệ giai đoạn 1918-1920. Sau hết lần này đến lần khác, Stalin học được rằng bạo lực là chìa khóa dẫn đến thành công. Kotkin viết, “nội chiến không phải là thứ tiêu diệt những người Bolsheviks; nó tạo ra họ… [nó cung cấp] cho họ cơ hội phát triển và chứng thực (sự cần thiết của) cuộc chiến chống lại “những giai cấp bóc lột” và “những kẻ thù” (trong nước và quốc tế), nhờ đó đem lại một sự ngộ nhận về tính chính danh, tính khẩn cấp và động cơ đạo đức nhiệt thành để tiến hành những biện pháp dã man.”

Đối với Stalin, cuộc nội chiến mang tính chất định hình tư duy đặc biệt quan trọng bởi nó cho ông ta trải nghiệm đầu tiên về quyền lực điều hành. Năm 1918, ông được điều đến thành phố Tsaritsyn nằm ở vị trí chiến lược dọc theo sông Volga và là một đầu mối đường ray xe lửa. Nhiệm vụ của Stalin là đảm bảo nguồn lương thực cho những người công nhân đang đói khát ở Moscow và Petrograd bằng cách tịch thu ngũ cốc ở Tsaritsyn, hay nói cách khác đóng vai trò như một “thủ lĩnh băng đảng Bolshevik” trên thực tế.

Để làm được điều này, Stalin tự trang bị cho bản thân sức mạnh quân sự bằng việc chiếm quyền điều hành chi nhánh cảnh sát mật tại địa phương và trộm 10 triệu rúp từ một nhóm Bolshevik khác. Khi đường ray xe lửa không hoạt động được đúng như ông ta mong muốn, Stalin hành quyết những chuyên gia kỹ thuật địa phương, gọi họ là “những kẻ phản giai cấp.” Ông ta giết hại những người bị nghi là phản cách mạng, mà theo lập luận của Kotkin là Stalin làm những điều này “không phải bắt nguồn từ tính tàn bạo hay hoảng loạn mà từ chiến lược chính trị nhằm kích động quần chúng,” Stalin cũng cảnh báo những thuộc cấp rằng những kẻ thù của cách mạng ở trong nước đang sắp sửa tiến hành một cuộc nổi dậy, tái chiếm thành phố và chuyển giao thành phố cho phe Bạch vệ: “Đây là kịch bản phôi thai của vô số những phiên tòa được thêu dệt nên trong thập niên 1920 và 1930 sau này.”

Những biện pháp kể trên suýt chút nữa đã dẫn đến sự sụp đổ quân sự của Tsaritsyn và Lenin cuối cùng cũng phải gọi Stalin quay trở lại Moscow. Dù vậy họ cũng đã có được ngũ cốc. Sau khi cuộc nội chiến chấm dứt, những thất bại quân sự của Stalin chìm vào quên lãng. Tsaritsyn thậm chí còn đổi tên thành Stalingrad. Mẫu hình này sẽ còn lặp lại nhiều lần trong suốt cuộc đời của Stalin. Hết lần này đến lần khác, mỗi khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng quy mô lớn, Stalin sẽ sử dụng những biện pháp ngoài vòng pháp luật “mang tính cách mạng” để giải quyết. Đôi khi kết quả chỉ kéo dài và làm sâu sắc thêm cuộc khủng khoảng. Nhưng nếu ông ta đủ tàn bạo và nhẫn tâm, tất cả mọi sự chống đối sẽ dần biến mất. Tập đầu tiên trong bộ ba cuốn của Kotkin kết thúc với tuyên bố của Stalin về quyết định tập thể hóa nền nông nghiệp Liên Xô. Việc ban hành chính sách này sẽ đòi hỏi sự di tản, cầm tù người dân, và sau cùng là việc hàng triệu người bị chết đói. Tuy nhiên điều đó dẫn tới chiến thắng chính trị tuyệt đối của Stalin.

Trong xã hội phương Tây đương thời, chúng ta thường cho rằng những kẻ thực hiện bạo lực quần chúng phải có vấn đề về tâm thần hay thuộc dạng phi lý trí, nhưng theo câu chuyện của Kotkin thì Stalin không phải loại người như vậy. Theo đó, việc diễn giải Stalin như một con người duy lý và cực kỳ thông minh, được thôi thúc mạnh mẽ bởi một ý thức hệ đủ để biện minh cho cái chết của nhiều triệu người, thậm chí còn đáng ghê sợ hơn.

Điều đó có nghĩa rằng chúng ta có thể cần nhìn nhận nghiêm túc hơn những tuyên bố của các chính trị gia Nga, những người gần đây đã lập luận ủng hộ việc sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại các quốc gia vùng Baltic hay những tuyên bố của lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo kêu gọi tiêu diệt tất cả những người theo đạo Cơ đốc và người Do Thái. Chỉ vì thứ ngôn ngữ diễn đạt lý tưởng của họ xa lạ với chúng ta không có nghĩa là họ và những người theo họ không thấy được sức hút của nó hay họ sẽ không dùng logic của mình để đạt được mục đích cuối cùng của những lý tưởng này.



Nguồn: nghiencuuquocte.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét