Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

KHI ĐẾ CHẾ OTTOMAN CHINH PHỤC CHÂU ÂU


Tôi trước đây hầu như không biết gì về chuyện một trong những quảng trường mình ưa thích ở Romania hoá ra lại là nơi có những bí mật được giấu kín dưới những đường phố hiện đại châu Âu.
Tôi từng nghe đồn ở Quảng trường Tự do (Piata Libertati) của Timisoara có một nhà tắm lộng lẫy kiểu Thổ Nhĩ Kỳ có từ thời đế chế Ottoman cai trị thành phố (1552-1716). Nhưng tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ dấu hiệu nào ngoài một bảng chữ Ả-rập nho nhỏ trên tường một tòa nhà gần đó.

Tháng Chín 2014, tôi quay lại thành phố biên giới phía tây này của Romania và biết được những điều thú vị: giới khảo cổ đã khai quật được một nhà tắm 400 năm tuổi, được biết đến với cái tên gọi Grand Hammam (Nhà tắm sang trọng).

Việc khai quật vẫn đang tiếp tục, nhưng tôi chẳng thể chờ lâu thế để khám phá “báu vật” ấy. Tôi hỏi thăm và được biết hoá ra những gì tìm thấy không chỉ là một nhà tắm kiểu Thổ.

Nhóm khảo cổ thăm dò một số điểm xung quanh trung tâm khu vực có bề dày lịch sử này, và quá khứ Đông phương của thành phố đã lộ dạng từ dưới mặt đất.

Thật là ngất ngây khi biết điều đó. Một thành phố bạn cứ ngỡ đã tường tận rồi, bỗng dưng gỡ bỏ tấm mạng che mặt để trưng ra một diện mạo hoàn toàn khác. Một nơi hoàn toàn mới, đầy quyến rũ. Giống như một chuyến du hành ngược thời gian.

Thời kỳ sức mạnh Hồi giáo thống trị Trung Âu

Timisoara bị Đế chế Ottoman chinh phục vào tháng Bảy 1552.

Dưới sự chỉ huy của Kara Ahmed Pasha người gốc Albania, đội quân hung bạo đông khoảng 16.000 người đã chiếm thành phố và nhanh chóng biến nó thành thủ phủ của vùng Banat (nay thuộc ba nước Trung Âu là Romania, Serbia và Hungaria).

Trong hơn 160 năm, Timisoara được các vị hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ (Sultan) trực tiếp cai trị và trở thành trận tiền trong cuộc chiến khốc liệt giành giật lãnh thổ giữa Ottoman và đế quốc Áo-Hung, từ đó định hình vùng đất này trong những thế kỷ tiếp theo.


Quảng trường Timisoara, Romania
 
Đứng trong khu vực khảo cổ Grand Hammam, ta có thể thấy tàn tích các buồng tắm cổ cùng các ống thông hơi đang được phục chế chậm chạp. Tôi đã đến Piata Libertati hàng chục lần mà chẳng hề biết là ở dưới lòng đất lại có những thứ như vậy.
Quảng trường nằm ngay giữa quảng trường Piata Unirii - nơi hẹn hò ưa thích với các quán bar, tiệm cà phê, và quảng trường Piata Operei - nơi tổ chức các hoạt động văn hoá và và sinh hoạt cộng đồng lớn của thành phố. Hai nơi ồn ào náo nhiệt đó khiến Piata Libertati như một ốc đảo yên tĩnh với những hàng cây lặng lẽ chỉ dành cho những ai ưa nhàn tản ngồi ngắm sự đời.

Hồi thế kỷ thứ 17, các quảng trường phải nằm ở vị trí lý tưởng để dân chúng có thể tụ họp.

Trong khi đó, nhà tắm kiểu Thổ dù ở nơi nào trên thế giới cũng phải là phòng tắm và là nơi thư giãn. Nó không chỉ là nơi khiến mọi người gần gũi nhau hơn, mà còn có vai trò tôn giáo trong việc giúp con người ta gột rửa tâm hồn.

Dấu ấn Thổ Nhĩ Kỳ

Quá trình khai quật tại Piata Libertati cho thấy Grand Hammam gồm 15 phòng tắm xếp xung quanh một đại sảnh nằm chính giữa.

Sàn phòng tắm được đặt trên các cột trụ vuông xây bằng gạch, nhằm để khí nóng từ lò hơi được lưu thông dễ dàng.

Ở mỗi phòng tắm đều có ống dẫn khí nóng vào và ống thoát hơi. Bên ngoài, những khu vườn xanh mát và sân sau các toà nhà kế cận khiến không gian thật êm đềm và riêng tư, là nơi lý tưởng để chuyện trò.


Dấu tích thi hài người Thổ Nhĩ Kỳ được tìm thấy chôn cất trong cỗ quan tài lớn tại nghĩa trang Hồi giáo Timisoara
Lần trước, khi tới thăm quảng trường trong một buổi sáng mùa xuân lành lạnh, tôi đã ước các nhà tắm hơi vẫn còn đó để mình được sưởi ấm.

Do muốn tìm hiểu thêm về những phế tích đang làm thay đổi bộ mặt của thành phố, tôi đã đến quảng trường thánh George - Piata Sf Gheorghe, nằm cách Piata Libertati gần 100m về phía tây.
Quảng trường nhỏ nhắn hình vuông này nằm lọt thỏm giữa các toà nhà mang lối kiến trúc thành Vienna của Áo.

Những lần trước đến Timisoara, tôi vẫn thường dạo qua nơi đây để ghé một trong các tiệm mua bánh mỳ xoắn hay nhặt vài quyển sách tiếng Anh bày trên những kệ sách tạm bợ. Nhưng những khám phá quan trọng tại Piata Sf Gheorghe gần đây thì lại giúp nhà khảo cổ Romania Florin Drasovean đưa ra tuyên bố đây là "thế giới của các vị thần, thế giới của sự sống và cái chết".

Trong nửa đầu thế kỷ 18, Đại úy François Perette của đội quân đế quốc Áo đã vẽ lại bản đồ Timisoara, trong đó ông đánh dấu một số “mục tiêu” quan trọng có từ thời Ottoman. Một trong những điểm quan trọng nhất là Đại thánh đường Hồi giáo Timisoara.

Cây bút lữ hành nổi tiếng từ thời Ottoman, nhà văn Evliya Celebi (1611-1682) trong tác phẩm của mình đã mô tả Đại thánh đường Timisoara như "chốn tuyệt vời để cầu nguyện".

Sau cuộc chinh phục của người Áo vào năm 1716, Thánh đường Hồi giáo bị chuyển thành nhà thờ Thiên chúa giáo và sau đó bị phá hủy.

Một nhà thờ mới được xây dựng tại đúng nơi mà Thánh đường Hồi giáo đã bị xoá sổ gần như mọi dấu vết - cho đến cuộc khai quật năm 2014.

Sau hàng thế kỷ ẩn mình, nền móng và các tuyệt tác khác có từ ngày xưa dần dần lộ dạng, khiến cho nhà khảo cổ Drasovean tái phát hiện ra "thế giới của các vị thần".


Việc khai quật làm lộ diện cả một thành phố văn minh dưới lòng đất
Nhưng đó chưa phải là tất cả! Ngoài thánh đường Hồi giáo, các nhà khảo cổ trong quá trình đào bới Piata Sf Gheorghe còn tìm thấy vết tích của các ngôi nhà bằng gỗ và các ống dẫn nước.
Các ống nước này chính là hệ thống cấp nước đô thị đầu tiên tại Romania.

Tuy không phải là những người đầu tiên làm những ống nước nhưng người Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng chúng để cấp nước cho các tòa nhà công cộng.


Những ngôi nhà gỗ đã có từ thời Trung cổ, trước khi người Thổ đến đây, và chúng đã tồn tại cho tới khi người Áo bắt đầu hiện đại hóa thành phố vào thế kỷ 18.

Các nhà khảo cổ cũng khai quật 160 ngôi mộ xung quanh Thánh đường Hồi giáo; hầu hết là mộ chôn cất tầng lớp thứ dân với các thi thể được bọc trong mảnh vải nguyên tấm theo tập tục Hồi giáo.

Để duy trì hòa bình và kiểm soát chính trị trong thời Ottoman, người Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận các thành phần tôn giáo, sắc tộc khác và không can thiệp vào lối sống của dân địa phương.

Điều này giữ cho Timisoara được yên ổn từ bên trong, thế nhưng thành phố vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa từ bên ngoài. Vì vậy, người Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường khả năng phòng thủ cho thành phố.

Tận dụng lợi thế của các con sông Bega và Timis gần đó, họ đào hào xung quanh thành phố và xây một pháo đài. Pháo đài cao chót vót trên mặt nước với những bức tường dày tới ba mét được binh lính Ottoman canh gác.

Lối phòng thủ của Timisoara rất hữu dụng. Đội quân của Hoàng tử Eugene xứ Savoy (nay thuộc Pháp) chỉ hạ được thành vào năm 1716 nhờ việc người Thổ buộc phải quy hàng sau nhiều ngày bị vây hãm trong điều kiện thời tiết xấu bất thường.

Các nhà khảo cổ tin rằng những phát hiện gần đây mới chỉ là sự khởi đầu. Timisoara là thành phố có bề dày lịch sử với nhiều bí mật vẫn chưa được khám phá. Quả là lý do thật hấp dẫn để chúng ta đến thăm những quảng trường đầy hứa hẹn nơi này.



 http://www.bbc.co.uk/vietnamese/culture_social/2015/05/150527_an-ancient-ottoman-capital-surfaces_vert_tra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét