Trần Tiến Dũng/Người
Việt
SÀI GÒN (NV) - Cứ mỗi
năm đến ngày Tháng Tư, ký ức của nhiều thế hệ đàn ông Sài Gòn không có điều kiện
vượt biên hoặc vượt biên không thoát vào cuối thập niên bảy mươi, tám mươi của
thế kỷ trước, thì hai món giải sầu không bao giờ quên là thuốc lào và rượu Cây
Lý.
Nhắc về thuốc lào với
người Sài Gòn sau biến cố 1975, hẳn nhiên ai cũng nhớ đến khu ông Tạ, chợ Xóm Mới,
Xóm Chiếu... hình ảnh cái thùng thiếc sơn màu vàng trên đó đề chữ thuốc lào êm
say 888.
Tiệm bán điếu cày và
thuốc lào ở chợ miền núi Tây Bắc. Hình ảnh này nay đã dường như không còn thấy ở
Sài Gòn. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Cái món thuốc lào thuần
Bắc di cư này đến ngày nay vẫn còn kích thích các lá phổi của dân ghiền dù cho
họ đã có bỏ hẳn được việc hút thuốc lào và thuốc điếu.
Vào cái thời Cộng Sản
bao cấp, tới thứ vật dụng nhỏ mọn như dao cạo râu, tăm xỉa răng cũng bị quản lý
và bán theo tiêu chuẩn tem phiếu thì thuốc lào may mắn được cho phép ‘tự do” so
với thuốc lá điếu, thuốc rê.
Vậy rồi với tư thế
không bị quản lý hay cải tạo, thuốc lào được người sang lẫn người hèn tha hồ thổi
khói, giúp người nộ khí bất mãn hay người âm thầm cam chịu cảnh đọa dưới chế độ
độc tài được ngày ngày êm say mờ mịt mà sống tạm bợ qua ngày.
Cái gói thuốc lào bán
lẻ ngày đó đựng trong bịch nilon chỉ lớn hơn ngón chân cái một chút. Người Sài
Gòn gốc Bắc di cư trung lưu có cái bình hút thuốc lào loại sang bằng gốm để
trong vỏ gỗ vẫn âm thầm hiện diện trên ghế sa-lon trong phòng khách, dưới trang
thờ Phật hay Chúa, có khi trịnh trọng hiện diện như một vật kỷ niệm trên bàn thờ
của một tử sĩ VNCH.
Nhưng vào những năm
tháng tăm tối đó, trước hiện tượng phát triển vô tiền khoán hậu của “binh chủng”
thuốc lào, ống thuốc lào bằng tre lồ ồ bỗng nhiên được lên địa vị “ngôi sao.”
Có người nói điếu cầy
thuộc sở hữu trí tuệ của các chú bộ đội vào chiếm Sài Gòn, nói như thế thì sẽ bị
tắt đài một khi các trưởng lão di cư trưng ra các loại điếu cầy mỹ thuật bằng đủ
các chất liệu như ngà, sừng, gỗ quí, nhôm máy bay...
Nhưng cũng phải ghi
nhận hiện tượng các chú bộ đội kè kè các điếu cầy to hơn hẳn các điếu cầy ở khu
ông Tạ bằng gỗ nứa phổ biến chuyện nhả khói phun mây khắp Sài Gòn.
Bây giờ thì người Sài
Gòn không còn thấy các ống thuốc lào công cộng có mặt trong các nhà nghỉ cán bộ,
nhà văn hóa, cơ quan đoàn thể các cấp của chính quyền Cộng Sản. Ngày nay, nếu
không cố tình quên vì xấu hổ thì phải thật lòng nhìn nhận hình ảnh cái bình thủy
đựng nước sôi, lon trà và cái điếu cầy chính là các vật dụng để phục vụ văn hóa
giao tiếp suốt hàng chục năm của cái gọi là “con người mới XHXN.”
Thuốc lào nay vẫn còn
phổ biến ở miền Bắc Việt Nam, kể cả thành phố Hà Nội. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người
Việt)
Phải nói, tầm mức phổ
biến của “văn hóa điếu cầy” có lúc thành hiện tượng ở các quán cà phê cóc khắp
các hẻm phố Sài Gòn. Tất nhiên thực chất thân phận điếu cầy ở cơ quan nhà nước
và quán nghèo Sài Gòn hoàn toàn khác nhau, vì một đằng là văn hóa giao tiếp của
phe thắng cuộc, còn một đằng là vì giới đàn ông bình dân Sài Gòn đói thuốc lá
quá nên mượn đỡ thuốc lào để cho qua cơn ghiền.
Chuyện hút điếu cầy bằng
đóm là chuyện ai cũng biết nhưng thời đó để đốt thuốc lào thì ba cái anh chàng
Sài Gòn bị bắt đi Thanh Niên Xung Phong (TNXP) lại chơi sang đốt bằng diêm quẹt.
Các hiệu diêm quẹt sản
xuất dưới thời Cộng Sản không hiểu vì sao lúc phát lửa như súng bắn xe tăng
B40, lúc thì xì tịt; thành ra có khi quẹt hết cả bao diêm cũng không rít được một
ngao thuốc lào.
Với các anh Sài Gòn bị
đưa lên rừng làm TNXP, họ từng sang trọng hút thuốc điếu Mỹ đủ các thương hiệu,
bèo lắm là thuốc nội Ruby Queen, Cotap... nay tập tành hút thuốc lào để qua thời
khổ nạn nên bị độ phê của một ngao thuốc lào lúc sáng sớm quay cho chóng mặt té
úp cả mặt vô bếp lửa, đèn dầu... có khi làm cháy cả lán trại.
Nếu ngày nay người ta
ôn lại thời bị Cộng Sản-bao cấp hành cho đói khổ hoặc thiếu hàng tiêu dùng đến
mức băng vệ sinh của phụ nữ phải giặt đi giặt lại mà không kể đến chuyện cánh
đàn ông ghiền đói thuốc lá, thuốc lào là chuyện thiếu sót một góc lịch sử của
thời dân tộc bị hành hạ đến bần hàn.
Với dân ghiền, được
chủ điếu cầy mời làm một ngao hay lì mặt xin một ngao là thứ văn hóa giao tiếp
phổ cập toàn dân. Chuyện đặt mồm miệng vô ống điếu cầy đen bẩn được coi là “bổ
phổi diệt trùng lao,” đó là chưa kể đến công dụng được dân ghiền thêu dệt về
“giá trị” thần dược của nước “thánh” trong điếu cầy chuyên trị chứng đau răng,
đau bụng, ghẻ lở và cả các vết thương...
Có người ngày nay đủ
ăn dư mặt tự hỏi là sao ngày đó mình ngu dại tin vô thứ nước thánh lọc thuốc
lào đen và mất vệ sinh như nước ống cống, nhưng rồi họ sẽ bình tâm hơn khi nhớ
rằng vào thời đó, cảnh đó mà không tin vào công dụng trị bá chứng từ nước lọc
thuốc lào thì bói đâu ra thứ “thánh dược” khác.
Vậy thì có thật nước
thuốc lào có dược tính thật hay chỉ là dược tính ảo, hẳn nhiên là ảo, giống như
cả dân tộc Việt Nam thời đó và thời này không ra được cái bóng tối ảo tưởng của
một cái đảng Cộng Sản vẽ vời về chủ nghĩa Cộng Sản vậy.
Nguồn: nguoi-viet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét