Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

2014 : Năm đen tối của Tự do báo chí trên thế giới

 

mediaNgàn lẻ một cách để bịt miệng báo chí.REUTERS/Tyrone Siu
 
 
Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Syria, Eritrea là những nước mà quyền tự do báo chí bị xếp vào « vùng đen » của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới Reporters Sans Frontières RSF. Bản tổng kết công bố nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 03/05, khẳng định năm 2014 là năm mà quyền tự do thông tin « thoái giảm một cách thô bạo ».

Bốn tháng sau ngày Tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo của Pháp bị khủng bố nhân danh Hồi giáo tấn công, bản tổng kết tình hình tự do báo chí trên thế giới năm 2014 nhấn mạnh chiều hướng « đi xuống » của quyền tự do thông tin và được thông tin. Nếu khu vực Bắc Âu, với Phần Lan đứng nhất trong năm năm liên tiếp , tiếp theo là Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan dẫn đầu bản xếp hạng thì những quốc gia như Việt Nam (hạng 175), Trung Quốc (hạng 176) cùng với Bắc Triều Tiên và Eritrea (180) đóng chốt ở cuối bảng.

Trung Quốc và Việt Nam mỗi nước bị sụt một hạng so với năm trước. Lý do làm cho Việt Nam bị xếp gần cuối bảng , kém hơn cả Cam Bốt, hạng 139, là vì « chế độ độc đảng kiểm soát thông tin » theo như nhận định của Phóng Viên Không Biên Giới.

Hoa Kỳ cũng mất ba hạng từ 46 xuống 49 do « cuộc chiến chống WikiLeaks » của chính quyền Obama. Tuy nhiên, điều này không làm Tổng thống Mỹ ngần ngại đón tiếp ba nhà báo nạn nhân của chế độ đàn áp tự do báo chí, «yếu tố cốt lõi của nền dân chủ » : Nga, Eritrea và Việt Nam (Điếu Cày Nguyễn Văn Hải) ngày 02/05/2015 tại Nhà Trắng . Pháp lên một hạng từ 39 lên 38 nhưng RSF lấy làm tiếc là còn nhiều trường hợp « nguồn tin mật » của phóng viên không được bảo vệ tốt.

Nếu tổng kết theo từng khu vực địa lý thì so với một năm trước, Tây Âu và vùng Balkan được cải tiến, tiếp theo là Châu Mỹ và ngay Châu Phi cũng tiến bộ hơn vùng Châu Á Thái Bình dương, Đông Âu, Trung Á. Cuối cùng, hai khu vực Trung Đông và Bắc Phi là nơi mà quyền tự do thông tin bị suy thoái nghiêm trọng nhất do xung đột vũ trang.

« 1001 cách bịt miệng báo chí »

Ở một số quốc gia, tính mạng các nhà báo, sự tồn tại của các phương tiện truyền thông bị trực tiếp đe dọa. Tại Trung Quốc một trong những trường hợp được biết đến nhiều hơn cả, là nhà báo Cao Du, 71 tuổi, vừa lãnh án 7 năm tù vì tội « tiết lộ bí mật quốc gia ». Nhà báo Cao Du từng bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ vì đã viết bài ủng hộ phong trào dân chủ Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989. Gần đây, bà đã phơi bày những nét tiêu cực trong guồng máy chính trị của đất nước.

Trong trường hợp của Việt Nam, theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, chính quyền đàn áp báo chí bằng cách sách nhiễu gia đình các nhà báo, bắt giữ các bloggers. Bên cạnh việc tấn công thẳng vào cá nhân các phóng viên, một số quốc gia có thể nhân danh một tôn giáo, hay một đức tin để kiểm duyệt báo chí. Tại Thái Lan chẳng hạn, những chỉ trích liên quan nhà vua hay gia đình hoàng tộc đều coi là một điều cấm kỵ, có thể khép vào tội khi quân.

Còn tại Nga, theo lời thông tín viên đài RFI Muriel Pomponne, không một tờ báo nào dám đăng những bức biếm họa của tuần báo trào phúng Pháp, Charlie Hebdo vì sợ đụng chạm đến đức tin của một phần công luận. Vi phạm điều đó, có thể bị phạt đến 3 năm tù giam. Mỉa mai thay là mới chỉ tuần trước, chính Tổng thống Putin đã tuyên bố rằng « một nền báo chí độc lập sẽ góp phần củng cố cho sự vững chắc của Nhà nước ». Cắt quảng cáo, nguồn tài trợ chính của các phương tiện truyền thông độc lập là hình thức để nước Nga của ông Putin kiểm duyệt báo chí.

Gần đây, nhiều quốc gia cũng có thể bịt miệng báo chí bằng cách gia tăng kiểm duyệt mạng Internet. Không chỉ ở Trung Quốc hay Việt Nam, mà tại Pakistan, các nguồn cung cấp dịch vụ internet phải cung cấp cho chính phủ các dữ liệu tin học theo mô hình đã được áp dụng tại Anh, Mỹ. Tại Pháp, chiếc nôi của nhân quyền, dự luật về thông tin, đang gây nhiều tranh cãi.

Nhìn sang Châu Mỹ La Tinh, 2014 là một năm đen tối đối với báo chí Venezuela. Các hành vi sách nhiễu nhắm vào giới phóng viên gia tăng. Nhiều tờ báo phải giảm số trang vì lý do kinh tế, hay chỉ còn ấn bản trên internet, đơn giản là vì không có tiền để mua giấy phục vụ cho độc giả.


Nguồn: RFI Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét