Sài Gòn và ‘chiến dịch’
thu gom người ăn xin, lang thang
Văn Lang/Người Việt
Mới đây, nhà cầm quyền
thành phố Sài Gòn ra thông báo “kể từ ngày 28 tháng 12 năm 2014, thành phố sẽ mở
chiến dịch “thu gom” người ăn xin, lang thang cơ nhỡ và người bị bệnh tâm thần
hoặc có biểu hiện tâm thần về các cơ sở bảo trợ xã hội...”
Thoạt đầu, nhiều nguồn
dư luận của người dân có ý “cười ruồi” vì cho rằng chuyện tuyên bố rùm beng chẳng
qua cũng chỉ là “đánh trống bỏ dùi.” Vì 40 năm qua, biết bao nhiêu lần họ mở
chiến dịch “thu gom” mà đâu vẫn hoàn đấy, là vì nước nghèo thì ăn mày - ăn xin
vẫn cứ tiếp tục sản sinh ra, đem “giấu” đi đâu cho hết?
Ghé một quán nước vỉa
hè, nơi hay có những nhóm ăn xin xuất hiện.
Trò chuyện với bà chủ
quán, bà cho biết tình hình lúc này “căng”lắm, hồi đêm nhóm thường lang thang ở
khu vực này bị trật tự “hốt” hết ráo rồi. Chạy xe lòng vòng qua mấy công viên
hay có giới bụi đời Sài Gòn tụ tập, thấy vắng bóng hoàn toàn.
Buổi chiều, khi dừng
xe mua giùm tờ vé số cho người đàn ông tật nguyền ngồi xe lăn. Người đàn ông
đưa vé số mà nói như muốn khóc: “Tôi bán vé số vầy, mà gặp ông dân phòng say rượu
cứ một hai nói tôi là ăn xin, đòi hốt tôi vô trại xã hội.”
Nghe người đàn ông ngồi
xe lăn kể, chúng tôi thấy bần thần một lúc. Rồi mới nhớ ra là trong chiến dịch
“thu gom” lần này, chánh quyền tuyên bố cho phép bắt, hốt luôn cả những người
ăn xin giả dạng bán vé số.
Như vậy những người
già, trẻ em, người tật nguyền bán vé số có thể bị “hốt lầm,” ít ra thì cũng bị
dò xét, hoặc hạch hỏi. Nghĩa là từ nay, ngoài cái nghèo, cái khổ họ sẽ bị thêm
sự “đe dọa” làm hằn sâu thêm sự tủi nhục mà lâu nay số phận đã dành cho họ phần
đen bạc.
Về những người ủng hộ
chiến dịch “thu gom” người lần này, chúng tôi ghi nhận được một số trường hợp
(tạm không nêu tên).
Một cô thi sĩ trẻ, rất
ủng hộ việc Sài Gòn “sạch” như Đà Nẵng, nghĩa là không có người ăn xin, buôn
bán hàng rong...
Một anh chàng gia
đình “phất” lên nhờ đất đai, ngồi cà phê rung đùi lớn tiếng đòi Sài Gòn cũng phải
như Đà Nẵng, dẹp sạch ăn mày, người lang thang...
Nhưng anh chàng kia
và cô thi sĩ nọ không biết rằng, chính vì Đà Nẵng “dẹp” mà những dân nghèo
ngoài đó chạy vô Sài Gòn. Nếu Sài Gòn “dẹp” tiếp, họ chạy đi đâu?
Báo chí, truyền thông
mấy ngày qua thì đều “rền rĩ” một bài ca giống hệt nhau về tính nhân văn, nhân
đạo của chiến dịch “thu gom”người này.
Hầu hết những thành
phần ủng hộ chiến dịch “quét sạch” người này đều là dân gốc Bắc hàn (hàn không
viết hoa).
Chỉ có một cô trí thức
gốc Bắc (mà không hàn), trước đó có lên tiếng phản bác trên một tờ báo việc
chính quyền thành phố kêu gọi người dân đừng cho tiền người ăn xin. Cô này nói,
trước kia thì cho rằng người dân lâu nay “vô cảm,” bây giờ lại xúi dân đừng cho
tiền người cơ nhỡ, hóa ra là chính quyền đang xúi người dân hãy tiếp tục vô cảm?
Nhưng khi chính quyền
chuyển sang hành động, thì không thấy ai đặt ra “tính pháp lý” của chiến dịch
này.
Người lang thang cơ
nhỡ, người ăn xin, người bệnh tâm thần (hay mới chỉ có biểu hiện tâm thần)...có
phải là tội phạm? Để đến nỗi phải bị “thu gom”?
Nên biết rằng, đã từ
rất lâu nay, ngành y tế Việt Nam đã hết sức tuyên truyền, quảng bá ý thức trong
người dân về việc để những người bệnh tâm thần (thể không kích động, tức không
có hành vi phương hại đến người khác), được sống cùng gia đình và xã hội (đó là
cách tốt nhất cho họ). Đây là một chủ trương đúng về mặt khoa học, do đó tự nó
mang tính nhân văn.
Hơn nữa, ai dám
“phán” người này người kia bị tâm thần hay “có biểu hiện tâm thần” nếu không phải
là một hội đồng chuyên khoa? Nếu việc “phán quyết” nằm trong tay anh dân phòng,
thì để “đạt chỉ tiêu” cùng “tiến độ” thì anh ta có lẽ cũng chẳng phải ngại ngần
gì mà không “hốt” luôn cô nhà thơ trẻ kể trên (nếu như cô này chẳng may đi lang
thang ngoài đường tìm...ý thơ) về trại.
Chúng tôi cũng đã từng gặp gỡ và trò chuyện với
người lang thang, cơ nhỡ đã từng sống ở trong trại xã hội. Ông này, trước kia
có gia đình ở chợ Cầu Muối. Hành nghề xích lô (một chiếc chạy, một chiếc cho
thuê). Sau lệnh cấm xích lô ông ta “xụi” luôn, nhà bị giải tỏa, vợ bỏ theo
trai...Ông ta lây lất sống bên hè đường bằng nghề lượm ve chai.
Khi chúng tôi hỏi,
sao ông không ở trong trại xã hội, có chỗ ăn, chỗ ngủ? Người đàn ông ngoài sáu
mươi này nói, “Mình đâu có phải là tù đâu mà vô đó.”
Ông còn nói, ở trong
đó phải lao động, nhưng không được hưởng thành quả. Ngày “thâu huê lợi” bất quá
họ cho mình gói thuốc. Nhưng tệ nhất là không được ra khỏi trại, vì họ sợ mình
trốn, mà thực tế hầu hết gặp dịp là người ta bỏ trốn.
Chúng tôi không khỏi
thở dài, ngao ngán...khi không tự nhiên nhớ tới bộ phim “Bay trên tổ chim cúc
cu” của Mỹ với tựa đề tiếng Anh là “One flew over the Cuckoo’s nest.” Bộ phim
nói về khát vọng tự do của những người bị nhốt trong một trại tâm thần, họ đã
chọn cái chết để chống lại sự chà đạp nhân phẩm và cảnh bị giam cầm.
Nhân văn ở đâu khi mà
con người bị giam cầm một cách vô lối?
Lần ra Đà Nẵng, theo
chân một đoàn từ thiện. Lúc đoàn có ý định đi thăm mấy người già ở trại xã hội
(do nhà nước quản lý). Thì được dân “bản địa” mách nước là, không đưa tiền cho
trại mà hãy đặt nấu ăn ở bên ngoài đem vô cho người già. Không cho tiền mặt mà
nên tặng quà (bánh) cho các ông bà già, vì nếu cho tiền thì khi đoàn ra về họ sẽ
bị lấy lại ngay.
Một chiến dịch quá rộng
gom nhiều người với ngôn ngữ pháp lý hết sức “mơ hồ” sẽ khó tránh việc theo “vết
xe đổ” của các lần trước.
Vì chỉ riêng về ngân
sách đã thấy trước viễn cảnh “lực bất tòng tâm.”
Lẽ ra, chỉ nên tập
trung “triệt phá” những kẻ chăn dắt - những kẻ chuyên bắt trẻ em (đánh đến tàn
phế) và bỏ đói người già bắt đi ăn xin về nộp cống hàng ngày cho chúng.
Sài Gòn cũng nên lập
những ngôi Nhà Mở, để những người lang thang cơ nhỡ, trẻ em đường phố có chỗ
đi-về. Qua ngôi “Nhà Mở” các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm có điều kiện tiếp
cận, lo cho họ bữa ăn, giúp công việc thường ngày (như bán báo, đánh giày, bán
vé số...). Đêm về học chữ, học cách tự vệ, chống “xâm hại tình dục” nơi cuộc sống
đường phố...
Dĩ nhiên chẳng có ai
“trốn” ra khỏi Ngôi Nhà Mở, mà xã hội cũng dễ dàng kiểm soát các hành vi “khuất
tất” thường xảy ra sau những cánh cổng cao dày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét