Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

CUỘC CÁCH MẠNG ÂM THẦM Ở BẮC HÀN

Cuộc cách mạng âm thầm ở Bắc Hàn

Một cuộc cách mạng thầm lặng có lẽ đang diễn ra tại Bắc Hàn.

Cuộc cách mạng ồn ào mà chúng ta biết tới đã bắt đầu kể từ khi Hồng quân Xô-viết lật đổ quyền cai trị của Nhật Bản ở một nửa bán đảo Triều Tiên hồi 1945. Triều đại nhà Kim đã kết hôn với chủ nghĩa cộng sản và luôn hô vang những giá trị ưu tú của chủ nghĩa cộng sản kể từ đó tới nay.

Thế nhưng nay, đáng ngạc nhiên là chủ nghĩa tư bản đang lớn dần tại tại đất nước này, tất nhiên là âm thầm, lặng lẽ.

Kim Jong-un đã nhìn về phương bắc, qua biên giới tới Trung Quốc, và quyết định rằng những cải cách thị trường bên cạnh những gì đã được các đồng chí của mình tại Bắc Kinh cho phép có thể sẽ cho phép bảo vệ được thể chế hiện thời, nhưng nâng cao được mức sống ở Bắc Hàn.

Giai đoạn một là việc thừa nhận rằng sau nạn đói hồi thập niên 1990, sản lượng nông nghiệp đã được tăng lên. Do đó, cha của Kim Jong-un, Kim Chính Nhất đã cho phép nông dân được giữ lại một phần sản phẩm mà đất đai của họ đem lại được.

Họ có thể tạo thành các nhóm và trồng trọt chung vì lợi ích của chính mình. Những gì thu hoạch được, họ sẽ được giữ lại. Nhà nước lấy một phần, nhưng điều đó cũng giống như bất kỳ nước nào khác, cái được gọi là "đánh thuế".

Giai đoạn hai hiện đang diễn ra, được gọi là "Các biện pháp 30/5" bởi chúng được thông qua một cách lặng lẽ hồi tháng Năm năm ngoái.

Điều gì tạo nên một doanh nghiệp tư nhân?

Giáo sư Andrei Lankov từ Đại học Kookmin, Seoul nói với BBC rằng hiện đang có những doanh nghiệp hoàn toàn là tư bản, nhưng chỉ không có cái tên tư bản mà thôi.




Về mặt kỹ thuật, các doanh nghiệp đó thuộc sở hữu nhà nước, nhưng trên thực tế do một hoặc một số nhà quản lý điều hành, những người biết cách tối đa hóa lợi nhuận và giữ lại hầu hết những gì họ kiếm được.

"Các doanh nghiệp này chưa bao giờ được chính quyền chấp nhận. Chính thức mà nói là chúng không tồn tại. Nhưng nhiều công ty nay đã rất lớn. Có những công ty xe buýt tư nhân, các công ty than tư nhân, và các công ty vàng tư nhân."

Giáo sư Lankov nhắc tới một công ty than mà ông biết, được điều hành bởi một nhà quản lý chuyên đi thuê mỏ, rồi vay tiền để khai thác các mỏ mới. Khi xuất khẩu, mà luôn là xuất sang Trung Quốc, ông thu lời và đóng góp một phần cho nhà nước.

"Họ có đại diện của chính phủ, là đơn vị có quyền bán than cho Trung Quốc, nhưng họ không biết gì về mỏ hay làm thế nào để bắt đầu khai thác một cái mỏ mới, do đó họ thỏa thuận với một ông hay bà nào đó người địa phương, mà trong trường hợp này là một ông, đầu tư tiền vào."

"Viên quản lý thuê thợ mỏ. Ông ấy đi thuê các kỹ sư. Ông ấy trả chi phí thiết bị và bắt đầu khai mỏ. Than khai thác được thì được xuất khẩu sang Trung Quốc. Lợi nhuận thì được chia với nhà nước, qua đó 'bảo kê' về mặt pháp lý cho mỏ, bởi trên giấy tờ thì mỏ thuộc sở hữu nhà nước, và người chủ thực sự thì ra các quyết định điều hành, hoạt động hàng ngày. Như thế là công ty tư nhân còn gì? Với tôi thì là vậy."

Ông nói rằng chủ nghĩa tư bản ở Bắc Hàn rõ ràng đang lớn dần lên: "Chính quyền Bắc Hàn đang bắt đầu thừa nhận rằng không có cách nào để điều hành nền kinh tế một cách hiệu quả ngoài việc phải dựa vào sáng kiến tư nhân."

Ông nói rằng theo các biện pháp 30/5, bắt đầu áp dụng từ năm nay, các nhà quản lý công nghiệp là các quan chức kỹ trị sẽ được trao quyền tự do hoạt động như nhiều nhà quản lý tư nhân trong nềm kinh tế thị trường tư bản.

"Họ sẽ được phép mua vật tư từ thị trường. Họ sẽ được phép, và thực ra là được yêu cầu, bán ra thị trường, và nghĩa vụ chính của họ là nộp một khoản nào đó cho nhà nước, và điều đó không khác gì so với việc nộp thuế thu nhập hoặc thuế doanh nghiệp."


Thậm chí đã có trường chuyên dạy về kinh doanh ở Bĩnh Nhưỡng, Pyongyang Business School được thành lập trong thời gian gần đây, khi quan hệ giữa hai miền Triều Tiên chuyển từ lạnh giá sang đóng băng. Trường do Felix Abt thành lập. Ông là doanh nhân người Thụy Sỹ, đại diện cho các công ty phương Tây tại đó.

"Nó giống như một ý tưởng không mấy được ưa chuộng, nhưng khi chúng tôi bắt đầu nghĩ tới ý này, hồi 2002, chúng tôi thấy rằng có tình trạng thiếu lương thực thực phẩm," ông nói.

"Nhiều công nhân không có việc làm, và do đó không có thu nhập, cho nên chúng tôi nghĩ là mình có thể giúp các nhà quản lý thích nghi với môi trường mới và trở nên hiệu quả hơn. Họ phải học những thứ họ chưa từng học trước đây: làm sao để có được chiến lược marketing, làm sao để xử lý các vấn đề với khách hàng, và về vấn đề tài chính."

Kết nối hay lảng tránh?

Nhưng câu hỏi lớn là: làm thế nào để ta có thể cân bằng được những lợi ích thu được từ việc kết nối, đi ngược lại với việc ủng hộ một chế độ không đem lại những điều dễ chịu cho đất nước?
"Nếu như quý vị không hiện diện tại nước này, quý vị không thể gây bất kỳ ảnh hưởng gì để làm tình hình tốt lên," Felix Abt nói. "Tôi đã chứng kiến cảnh ta có thể tới nói chuyện với người dân và giúp họ thay đổi suy nghĩ."

"Nếu không kết nối thì giải pháp thay thế có thể là gì? Quý vị muốn đánh bom hạt nhân họ, muốn cô lập họ để người dân chết đói? Điều tốt nhất, theo quan điểm của tôi, là ủng hộ các lực lượng trong thị trường đầu tư và kết nối. Các lực lượng trong thị trường là đại diện mạnh mẽ nhất cho sự thay đổi. Chúng ta cần phải hợp tác với tất cả mọi người. Chúng ta cần hợp tác với cả những người dân thường, cả với chính phủ."

Tính toán rủi ro

Khó khăn của chế độ Bình Nhưỡng có hai mặt. Trước hết, nạn đói thời gian 1994 đến 1998 cho thấy sự thiếu hiệu quả trong hệ thống kinh tế, giống như từng có trong thời "nạn đói của Mao".
Thứ nhì, ảnh hưởng của thế giới bên ngoài đang ngày càng trở nên khó che giấu. Nam Hàn được các cơ quan chính thức của miền Bắc khắc họa như "con điếm của nước Mỹ", và những thành tựu kinh tế của miền Nam bị làm giảm nhẹ.

Nhưng nay Trung Quốc đang trỗi dậy và hàng chục ngàn du khách Trung Quốc tràn vào Bắc Hàn, khoe khoang mọi thứ mình có, như máy ảnh hay các nhãn hiệu thời trang đắt tiền.

Tính toán của Kim Jong-un có thể là theo gương Trung Quốc, tức là kết hợp việc kiểm soát chính trị với việc nới lỏng kinh tế mà không làm sụp đổ chế độ.

Quả là một canh bạc!


Nguồn BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét