Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út, đồng minh mong manh trong một Trung
Đông rối loạn
Thụy My
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và quốc gia Hồi giáo bảo thủ Ả Rập Xê Út
có từ rất lâu, nhờ có chung các lợi ích trong khu vực. Tuy nhiên nhiều sự kiện
trong những năm gần đây đã làm sự liên kết này trở nên mong manh.
Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út khởi đầu quan hệ ngoại giao vào năm
1940, trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến. Mối giao hảo được siết chặt hơn năm năm
sau đó, qua cuộc gặp gỡ giữa Quốc vương Ả Rập Xê Út thời ấy là Abdelaziz Ibn
Saoud, và Tổng thống Franklin Delano Roosevelt trên chiếc tuần dương hạm USS
Quincy thả neo ở kênh đào Suez.
Việc phát hiện các mỏ dầu rất lớn dưới lòng đất vương quốc
này trong thập niên 30 khiến Ả Rập Xê Út trở thành đối tác chính yếu của Hoa Kỳ,
vốn rất cần nguyên liệu, mặc dù hai bên đã bất đồng khá sớm trong về việc thành
lập Nhà nước Israel.
Từ đó đến nay, Ryad thường xuyên phối hợp với Washington để
bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Nhưng ý định của Tổng thống Barack Obama tiến tới ký
kết một thỏa thuận nguyên tử với Iran, kẻ thù bất cộng đới thiên của Ả Rập Xê
Út, và đạt đến độc lập về năng lượng của Hoa Kỳ, đã phức tạp hóa mối quan hệ.
Marina Ottaway, chuyên gia của Woodrow Wilson Center nhận
xét: « Điều quan trọng nhất trong mối quan hệ này là cả hai bên, bên này đều cần
đến bên kia. Ả Rập Xê Út vẫn rất quan trọng đối với Hoa Kỳ về mặt an ninh năng
lượng, và phía Ả Rập Xê Út thì vẫn cảm thấy rất cần được bảo vệ ».
Uy lực tinh thần của Ryad, nơi đang bảo quản hai trong số
các di tích linh thiêng nhất của đạo Hồi, cũng giúp có được một sự ổn định
tương đối trong một Trung Đông đầy hỗn loạn.
Trong vụ nhà độc tài Irak, Saddam Hussein xâm chiếm Koweit
năm 1991, Washington cũng đã có thể dựa vào đồng minh Ả Rập Xê Út để tung ra
chiến dịch « Bão sa mạc » từ các căn cứ không quân đặt tại các vị trí chiến lược
của nước này.
Đó là « Một giai đoạn hợp tác độc nhất vô nhị giữa hai nước
lớn » - Tổng thống Mỹ vào thời đó là George H.W. Bush nhớ lại, khi vinh danh «
người bạn thân thiết », Quốc vương Abdallhah, đã băng hà hôm thứ Năm 22/1.
Nhưng theo bà Ottaway, Ryad chưa bao giờ tha thứ việc lật đổ
Saddam Hussein năm 2003, bị « cho là một sai lầm lớn vì đã mở ra cánh cửa cho ảnh
hưởng của Iran ». Quan hệ còn trở nên căng thẳng hơn sau các vụ khủng bố ngày
11 tháng Chín năm 2001, vì 15 trong số 19 tên không tặc là công dân Ả Rập Xê
Út.
« Người Ả Rập Xê Út không thể tin được rằng 15 người con của
đất nước mình đã cưỡng chiếm các máy bay ấy và làm những gì mà họ đã làm » -
ông Robert Jordan, cựu đại sứ Mỹ tại Ả Rập Xê Út ghi nhận. « Họ hoàn toàn trong
tâm trạng muốn chối bỏ sự thật hiển nhiên ».
Một loạt những vụ khủng bố đẫm máu xảy ra tại vương quốc năm
2003 đã đánh dấu một bước ngoặt, thúc đẩy Ryad trở thành một đồng minh vững chắc
hơn trong cuộc chiến chống Al Qaida. Bên cạnh đó, các phi cơ tiêm kích Ả Rập Xê
Út nằm trong số những lực lượng đầu tiên đến hỗ trợ cho Không quân Mỹ hồi tháng
9/2014 để oanh kích phe sun-ni của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria.
Tuy vậy Ryad tỏ ý tiếc là Hoa Kỳ không chú tâm nhiều hơn để
có thể lật đổ lãnh đạo Syria Bachar Al Assad - kẻ thù xưa nay của Ả Rập Xê Út,
khiến phát sinh một số căng thẳng ngấm ngầm.
Và ngay cả khi Barack Obama ca ngợi Quốc vương Abdallhah, một
nhân vật « chân thành và can đảm », quan hệ giữa hai nước sẽ không bao giờ còn
như xưa – theo nhận định của Salman Shaikh, giám đốc Brooking Doha Center ở Washington.
Trong số những chủ đề gây bất đồng, ông Shaikh nêu ra sự bẩt
lực của ông Obama trong việc thực hiện những lời hứa tái lập quan hệ giữa Hoa Kỳ
với thế giới Hồi giáo, hoặc mối liên hệ chặt chẽ giữa Washington với Israel.
Ông nói : « Vì nhiều phương diện, lãnh đạo các nước vùng Vịnh đang thầm đếm những
ngày ông Obama sắp kết thúc nhiệm kỳ, và chờ đợi chính quyền mới của Mỹ ».
Karen Elliot House, chuyên gia về Ả Rập Xê Út và là nhà văn,
cho biết : « Tôi không thấy điều gì có thể cải thiện mối quan hệ vì Tổng thống
Mỹ sẽ không làm những điều mà họ muốn ». Ý định của ông Obama muốn thúc đẩy hồ
sơ nguyên tử Iran, bị Ryad cho là « mối nguy hiểm lớn nhất từ bê ngoài », và
tình hình hỗn loạn trong những ngày gần đây lại quốc gia láng giềng Yemen, càng
làm tăng thêm các quan ngại.
Salman Shaikh nói tiếp : « Các quốc gia vùng Vịnh ngày càng
có cảm giác là Iran đang cố bao vây họ. Và điều này xảy ra cùng lúc với việc
Hoa Kỳ nỗ lực tìm hiểu xem Iran có thể ‘’quay về nẻo chính’’ hay không, thông
qua một thỏa thuận hạt nhân ».
Nguồn: RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét