Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

DŨNG KHÍ CỦA MỘT LUẬT SƯ TRẺ



Dũng khí của một luật sư trẻ



Liên đoàn Luật sư Việt Nam vừa chính thức thông báo Luật sư Võ An Đôn hoàn toàn không có sai phạm gì trong công văn tố cáo của ba cơ quan tố tụng thành phố Tuy Hòa để yêu cầu rút thẻ hành nghể của ông. Kết luận này cho thấy dũng khí của một luật sư trẻ tranh đấu cho công lý đã thắng trước các thể lực muốn trù dập ông.

Trong phiên sơ thẩm xét xử 5 công an bạo hành dẫn đến cái chết của anh Ngô Thanh Kiều luật sư Võ An Đôn đã yêu cầu truy tố ông Lê Đức Hoàn lúc ấy đang là Phó giám đốc công an thành phố Tuy Hòa người trực tiếp ra lệnh cho các điều tra viên lấy khẩu cung đi đến bức tử anh Ngô Thanh Kiều.

Lời yêu cầu hợp pháp này đã được thực hiện, ngày 24 tháng 11 năm 2014, VKSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố ông Hoàn về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi công luận tán thưởng hành động dũng cảm của luật sư Đôn và tính minh bạch của VKSND tối cao thì ba cơ quan liên ngành công an, Viện Kiểm sát, Tòa án Nhân Dân Tuy Hòa tỏ ra không chịu thua, cả ba cùng ký văn bản gửi cho Sở Tư Pháp và Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên kể tội luật sư Võ An Đôn đã dùng lời lẽ không phù hợp công kích nhân viên trong tòa án và sau phiên tòa đã phát biểu với báo đài trong và ngoài nước gây kích động dư luận. Từ đó ba cơ quan này yêu cầu rút chứng chỉ hành nghề của luật sư Đôn.

Việc làm này đã gây một làn sóng giận dữ trong công luận vì ba cơ quan trên tỏ ra xem thường luật pháp và tính trả thù răn đe của cơ quan hành xử pháp luật đối với một luật sư đã lên tới mức coi thường công luận. Trước hành động vội vã và không chín chắn này luật sư Trần Đình Triển đưa ra nhận xét:

“Trường hợp của Luật sư Đôn khi theo dõi báo chí tôi rất chia sẻ với LS Đôn, tôi nghĩ vụ này nểu gần Hà Nội và tôi làm LS bào chữa thì có lẽ chính tôi là người nai lưng ra chịu như LS Đôn thôi.

Thời gian vừa qua tôi đánh giá rất cao vai trò của Liên đoàn. Vừa qua họ làm rất nhiều việc bảo vệ quyền lợi của các luật sư, rồi đưa ra những quy định thậm chí có đưa ra ý kiến tới các cơ quan có thẩm quyền để xem xét sửa đổi những quy định của pháp luật và đặc biệt là một số vấn đề liên quan đến luật sư thì Liên đoàn đã bảo vệ rất mạnh mẽ lợi ích hành nghề luật sư, tôi đánh giá rất cao về chuyện đó.”

Theo công văn của ba cơ quan tố tụng thì trong quá trình tham gia tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Đôn đã có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều cán bộ lãnh đạo đương nhiệm các ngành nội chính. Nhận xét lời kết tội này luật sư Trần Vũ Hải có văn phòng tại Hà Nội cho biết:

“Cơ quan tố tụng của Thành phố Tuy hòa hơi vội vã trong cái việc rất quan trọng liên quan đến số phận của một luật sư đó là việc yêu cầu rút thẻ hành nghề của ông Đôn. Đây là một việc rất quan trọng nhưng họ nghiên cứu chưa đủ và có vẻ như cục bộ do những phát biểu của ông Đôn trong quá trình xét xử mà theo họ thì có ảnh hưởng đến chính họ.

Sự thật có thể như vậy nhưng mà những lời phát biều mà ông Đôn có khi bào chữa thì ông có quyền phê phán các cơ quan chưa làm đúng trách nhiệm của mình, đây là điều thứ nhất. Thứ hai tôi hoan nghênh Liên đoàn Luật sư Việt Nam mà theo tôi nhận thức thì đây là lần đầu tiên rất là mạnh mẽ đã can thiệp sớm để bảo vệ quyền hành nghề của luật sư khi cùng với đoàn Luật sư Phú Yên yêu cầu gạt 3 cơ quan tố tụng này đây là một nét son cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam và điểu đó họ có miềm tự tin thêm về Liên đoàn Luật sư Việt Nam bảo vệ quyền hành nghề của mình.”

Phía trước còn nhiều chông gai

Công văn tố cáo luật sư Đôn còn cho rằng ông đã “tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”. Nhìn rộng ra nội dung những lời cáo buộc này thì luật sư Đôn rất dễ bị truy tố vì một tội danh hình sự như bao nhiêu người tranh đấu khác chứ không đơn thuần là đã phát ngôn một cách thiếu văn hóa trong tòa án. Rất may những cáo buộc ấy đã bị Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên bác bỏ vì không đúng lẫn không đủ chứng cứ.

Trong niềm vui được Liên Đoàn Luật sư Việt Nam giải tỏa những cáo buộc phi lý của ba cơ quan tố tụng vừa nói, người luật sư chân đất Võ An Đôn nói với chúng tôi:

“Cả nước vừa rồi rất vui mừng với chiến thắng cho em nhưng đối với em thì em vui mừng ít ít thôi bởi vì đây cũng là chiến thắng tạm thời con đường phía trước còn rất nhiều chông gai vì người ta sẽ tìm mọi cách để trả thù em tiếp, thua keo này họ bày keo khác thôi. Đối với em thì phía trước là cạm bẫy, một con đường rất là chông gai không biết điều gì xảy ra với em trước được.”

Luật sự Trần Vũ Hải chia sẻ sự vui mừng này:

“Việc bảo vệ quyền của luật sư Đôn cũng là một nhân tố tạo nên sức mạnh cộng đồng các luật sư. Người dân trên Internet, Facebook đã liên tục yêu cầu làm đúng và công bằng. Ngoài ra họ cũng tôn vinh luật sư Đôn bằng nhiều hình thức khác nhau trên Facebook cũng như thư từ yêu cầu trên báo chí và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tôi nghĩ với những biểu hiện trên thì người ta hy vọng sẽ khuyến khích các luật sư thêm dũng cảm, bản lĩnh hơn nữa trong lúc hành nghề và đặc biệt bảo vệ người yếu thế mà hiện nay những người như vậy chưa được bảo vệ tốt do luật sư có nhiều lý do khác nhau kể cả vì cuộc sống của mình hay các áp lực khác nên chưa thực hiện tốt việc bảo vệ người yếu thế. Đặc biệt là những luật sư trẻ sẽ dấn thân vào bảo vê công lý.”

Luật sư Võ An Đôn đúng là một luật sư của người nông dân. Sinh năm 1977 người luật sư trẻ ấy có một văn phòng nhỏ bé nằm ngay tại vùng quê của anh. Nơi ấy anh trực tiếp cày bừa, trổng trọt như mọi người chung quanh và việc hành nghề luật sư hầu như giúp cho bà con chung quanh là chính. Chị Ngô Thị Tuyết chị ruột của anh Ngô Thanh Kiều người bị 5 công an tra tấn tới chết kể lại việc luật sư Đôn bào chữa cho gia đình:

“Từ khi nhận bào chữa cho gia đình tới giờ luật sư Đôn thấy gia đình nghèo mà cháu nhỏ lại mồ côi cho nên Đôn nhận làm miễn phí từ đầu đến giờ. Trải qua bốn phiên tòa rồi thậm chí mua một chai nước cho Đôn mà Đôn cũng không uống nữa. Nói chung cái nghề chánh ở vùng quê này thì nghèo lắm nhà ai cũng vậy hết, nhà của luật sư Đôn thì cũng như nhà bọn em thôi cũng nghèo lắm, cũng làm nông cũng làm mấy công ruộng, nuôi bò nuôi gà, vịt để sống thôi.

Còn Đôn tiếng là luật sư nhưng mỗi một lần em đến nhờ viết đơn giùm thì em cũng thấy nhiều gia đình đến nhờ tư vấn pháp luật nhưng Đôn làm miễn phí hết lý do là vì người ta cũng nghèo như mình chị à. Hoàn cảnh của Đôn rất là khó khăn đặc biệt. Cha Đôn 85 tuổi rồi nhưng bệnh thường xuyên bây giờ cũng đang nằm bệnh viện ở Sông  Cầu còn vợ Đôn mới vừa sinh con nhỏ nay khoảng hai tháng còn cháu lớn mới có mấy tuổi thôi.”

Tuy khó khăn và chật vật như vậy nhưng khi các đồng nghiệp tại Sài Gòn hay Hà Nội đề nghị giúp đỡ đến hai nơi này làm việc luật sư Đôn đã từ chối, lý do anh đưa ra như sau:

“Đó là một điều tốt. Các đơn vị cả nước vận động em vào Sài Gòn hay ra Hà Nội để làm việc để khỏi bị ai hại nữa nhưng mà điều kiện hoàn cảnh của em hiện tại thứ nhất là có con nhỏ, hai con còn quá nhỏ, hai nữa cha quá già công việc đồng áng làm nông không thể nào bỏ đi được. Nhưng cái mà em nặng lòng nhất đối với quê hương hiện tại là tỉnh của em rất là nghèo. Đồng bào gặp sự cố,  đối tượng cần trợ giúp pháp lý rất nhiều nếu em bỏ đi thì em sẽ không giúp được gì cho người ở quê hương mình cho nên tuy vào đó thì công việc tốt cho em nhưng mà về mặt gia đình và xã hội thì không gúp được gì cho nên em không đi và ở lại để giúp bà con thuận lợi hơn.”

Trong không khí quá nhiều oan sai hiện nay, cơn gió Võ An Đôn có lẽ chưa đủ để thổi tan mây mù nhưng ít ra cũng lóe lên một tia hy vọng cho những người dân thiếu phương tiện bảo vệ lấy mình trước các tòa án trong Nam ngoài Bắc.


Nguồn RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét