Những từ dùng sai trong ngôn ngữ tiếng Việt
*Book Hunter: Trong
ngôn ngữ giao tiếp và hành chính của người Việt chúng ta hiện nay, nhiều từ đã
bị sử dụng không chính xác, bị biến nghĩa hoặc ghép từ một cách kệch cỡm. Điều
này thể hiện tư duy tạm bợ và tinh thần thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngôn từ.
Việc đưa ra những khái niệm không chính xác này tạo thành một thói quen chấp nhận
sự mù mờ trong định nghĩa các từ sử dụng, dễ gây hiểu lầm và tranh cãi.
1.- Sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt.
CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt vì
tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ
“chung” Hán Việt không có nghĩa là chung chạ, mà có nghĩa là cuối cùng (ví dụ:
chung sự). Vậy nếu gọi “chung cư” 終居 không phải là nơi nhiều người ở
chung, mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ
chung cư thành “chúng cư” 衆居 thì mới ổn.
KHẢ NĂNG: “Khả năng” 可 能 là năng lực của con người, có thể
làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy:
Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe
thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ
khả năng 可
能
(capacité, capable) với khả dĩ 可 以 (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ
thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về
năng lực mà con người mà thôi.
QUÁ TRÌNH: Quá 過 là đã qua, trình 程 là đoạn
đường. Quá trình là đọan đường đã đi qua. Nói thế nầy là đúng: “Quá trình thực
hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại”. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo câu đại
loại thế nầy: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi”.Thực
là sai lắm rồi. Trong trường hợp nầy, phải dùng chữ tiến trình, đúng cho cả 3
thì quá khứ, hiện tại và tương lai.
HUYỀN THOẠI: Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao,
không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều
tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe
đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pelé” “huyền thoại
Maradona”… Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng
chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền 玄 là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ
ảo, không có thực. Thoại 話 là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo,
không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng,
chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng
nầy, ông Maradona, ông Pélé có thật 100% sao gọi là huyền. Và 2 cầu thủ đó là
con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chữ huyền thoại để đề cao 2 cầu
thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền
thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp
nầy hay không?”
HÔN PHU, HÔN THÊ: Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ.
Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn
thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy
nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là
nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.
2.- Sai vì cố ý sửa nghĩa gốc Hán Việt
ĐỘC LẬP Độc 獨 là riêng một mình, Lập 立 là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt,
độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy
là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước
khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên
hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Vậy từ độc lập là sai. Tôi thấy Cụ Trần
Trọng Kim, Cụ Dương Quảng Hàm dùng từ tự chủ để thay thế từ độc lập. Như thế là
rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ độc lập là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên
không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn của Tàu
chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc
phải theo cái sai của họ.
PHONG KIẾN.封建 Phong kiến gồm 2 chữ phong tước 封爵 (ban quan tước) và kiến
địa 建地
(ban đất để dựng nước). Phong kiến chỉ chế độ hoàng đế phong tước cho người có
công và cấp cho một vùng đất rất rộng để thành lập quốc gia, với quân đội, luật
lệ và chế độ thuế má riêng biệt. Chế độ nầy hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với
nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong
kiến bị bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ trung ương tập quyền. Chế độ phong
kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi. Ở
Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân
chủ chuyên chế (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng
từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích
của phong kiến thì càng sai hơn nữa.
TIÊU CỰC, TÍCH CỰC 消極, 積極 Hiện nay, người ta gán vào hai từ nầy
ý nghĩa tốt xấu hết sức rõ rệt. Hành động nào tốt thì được gọi là tích cực;
trái lại, hành động xấu thì gọi là tiêu cực. Thực ra, suy từ nghĩa gốc Hán Việt
thì sự gán ép như thế là sai. Tich cực, tiêu cực tự nó không có sẵn tính chất tốt
hay xấu mà chỉ ấn định cường độ của hành động mà thôi. Thí dụ, trong một đoàn
đi làm việc phước thiện thì ai tích cực là tốt và ai tiêu cực là không tốt.
Nhưng trong một bọn côn đồ đi tổ chức ăn cướp thì đứa nào tích cực lại là đứa xấu
nhất. Trong truyện Tam Quốc của Tàu, Từ Thứ, mưu sĩ của Lưu Bị bắt buộc phải về
phục vụ dưới trướng của kẻ thù là Tào Tháo. Từ Thứ đã giữ thái độ tiêu cực
nghĩa là không hiến mưu kế gì cho Tào Tháo. Thái độ tiêu cực nầy của Từ Thứ, từ
cổ chí kim luôn luôn được khen ngợi; vậy tiêu cực có xấu đâu.
Nguồn: bookhunterclub.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét