Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

KỶ NIỆM 15 NGÀY QUA ĐỜI CỦA NHẠC SĨ TRẦM TỬ THIÊNG

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng- kỷ niệm 15 năm mất 25-1-2000/25-1-2015

Trưa hôm Thứ Hai 26/1/2015, một số ca nhạc sĩ đã đến thắp nhang trước bàn thờ nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đặt tại trung tâm Asia, nhân ngày giỗ 15 năm.
 

Ông mất vào ngày 25/1/2000, nhưng hôm Chủ Nhật nhiều ca sĩ đã phải lưu diễn nơi xa, và hôm nay họ mới trở về để họp mặt tưởng nhớ người đàn anh văn nghệ.

Tên thật là Nguyễn Văn Lợi, sinh năm 1937 tại Quảng Nam, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã viết khoảng 100 ca khúc đủ mọi thể loại, dòng nhạc phong phú từ dân ca cho đến tình ca, quê hương, đấu tranh.

Ông tốt nghiệp sư phạm và làm nghề thầy giáo, sau đó nhập ngũ và trở thành nhạc sĩ làm việc cho Cục Tâm Lý Chiến năm 1965 chuyên sáng tác các ca khúc về chủ đề người Lính Việt Nam Cộng Hòa. Sau biến cố Tết Mậu Thân 1968, cây cầu Trường Tiền ở Huế bị sập, ông viết bản Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy rất nổi tiếng, trung tâm bán được nhiều bản nhạc rời và ông đã được một số tiền thù lao khá. Ngoài ra còn một số bản nổi tiếng khác như : Đưa Em Vào Hạ, Bài Hương Ca Vô Tận, Hối Tiếc, Tưởng Niệm…

Vượt biển, sang Hoa Kỳ năm 1985, Trầm Tử Thiêng tiếp tục sáng tác hăng say cho đến ngày nhắm mắt với chủ đề tập trung vào vượt biển, tị nạn, quê hương. Một số bản nổi tiếng của ông ở hải ngoại như Mười Năm Yêu Em,  Đêm Nhớ Về Sài Gòn, Từ Tiếng Hát Tiếp Nối, Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng…

Ông cộng tác với nhạc sĩ Trúc Hồ- một già một trẻ ăn ý với nhau và cho ra đời một số ca khúc chủ đề quê hương, tị nạn dược khán giả ưa thích như Bên Em Đang Có Ta, Bước Chân Việt Nam, Một Ngày Việt Nam, Cám Ơn Anh, và vài bản tình ca như Cơn Mưa Hạ, Đã Qua Thời Mong Chờ…

Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng năm nay hơn 80 tuổi, cư ngụ tại Quận Cam, từng làm việc chung với Trầm Tử Thiêng ở Cục Tâm Lý Chiến kể rằng tác phong của nhạc sĩ họ Trầm rất chuẩn mực như một thầy giáo, viết thư chữ rất đẹp mà ngay hàng thẳng lối; trông có vẻ nghiêm khắc, khó tính nhưng tánh tình rất tốt với bằng hữu. Nhạc sĩ họ Đỗ nhớ lại sau năm 1975, mới đi tù Cộng Sản về được Trầm Tử Thiêng lúc đó làm thợ nhuộm tuy không dư giả, nhưng đã cho ông tiền để tiêu xài trong lúc khó khăn.

Nhạc sĩ Trúc Hồ, một người bạn âm nhạc vong niên của Trầm Tử Thiêng cảm nhận rằng sự ra đi của ông là một mất mát lớn, nếu không hai người còn có thể cùng sáng tác thêm những ca khúc quê hương giá trị khác.

Là một nhạc sĩ nhưng chưa bao giờ lấy vợ, tình cảm của ông trang trải vào những ca khúc quê hương đấu tranh. Một số tình ca Trầm Tử Thiêng vẫn nồng nàn, bản Mười Năm Yêu Em ông viết cho người tình không bao giờ hội ngộ được giới yêu nhạc hải ngoại đón nhận “ Mười năm yêu em cũng sẽ là mãi mãi. Xin em cùng ta hát để nhớ hoài.”. Riêng bản Đêm Nhớ Về Sài Gòn vẫn được dùng làm chủ đề cho những đêm nhạc nhớ về quê nhà bên kia đại dương.

Trầm Tử Thiêng đã từ giã bằng hữu 15 năm. Vẫn nhớ ông với điếu thuốc lá trên tay, giọng nói từ tốn, những trăn trở về thân phận quê hương củng những câu chuyện tâm tình văn nghệ ấm áp bên ly cà phê trong quán nhỏ ở Quận Cam thập niên 90.


Trần Chí Phúc 


 Chuyện một chiếc cầu đã gãy

https://www.youtube.com/watch?v=DkMVwp8hM3I

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét