Đốn hạ cây xanh, màu xanh Sài Gòn chỉ còn trong hoài niệm
Hàng cây cổ thụ trên đường Cường Để. Ảnh TL
Hãy bảo vệ những hàng cây xanh cổ thụ ở Sài Gòn. Xin đừng để màu xanh thành phố một ngày nào đó chỉ còn trong hoài niệm. Cần nhanh chóng có Luật công viên và cây xanh để bảo vệ cây xanh, bảo vê không gian xanh trong lành.
Sài Gòn chiều nghiêng nắng đổ,
tôi về ngang khu trung tâm lòng ngập đầy suy nghĩ. Sài Gòn đang thay đổi
từng ngày và cũng đang đánh mất chính mình từng ngày. Hình ảnh trung
tâm Sài Gòn được bao phủ bởi cây xanh, bởi những hàng cổ thụ rợp bóng
hai bên đường biểu tượng của một đô thị văn minh có quy hoạch sẽ sớm
không còn nguyên vẹn.
Với dự án cầu Thủ Thiêm 2 đã được
duyệt, gần 100 cổ thụ đường Cường Để sẽ bị đốn hạ để xây dựng phần
chân cầu bờ quận 1. Một quyết định đi ngược với xu hướng phát triển bền
vững chung của thế giới.
Đường Cường Để là một trong những con đường đẹp nhất thành phố,
cũng như đường Thống Nhất, Công Lý, Pasteur, Hiền Vương, Phan Thanh Giản, Hồng Thập Tự... là nhờ những hàng cổ thụ hai bên đường
vẫn ngày ngày dang những cánh tay bao dung lực lưỡng che mát cho dòng
người hối hả tấp nập bên dưới.
Có lẽ không nhiều người biết được
chính xác tuổi của những cây cổ thụ này. Nhưng chắc chắn chúng đã ở đây
che chở cho thành phố này rất lâu trước khi tất cả 10 triệu cư dân hiện
tại của Sài Gòn được sinh ra hoặc được nhập cư. Mỗi cây là một nhân
chứng sống cho bao thăng trầm biến động của lịch sử. Mỗi cây đều đã đi
cùng với những thay đổi nhỏ nhất của từng góc phố, ngõ đường của Sài Gòn
qua năm tháng. Mỗi cây mang trong mình một phần linh hồn của thành phố.
Khi Sài Gòn đã thay đổi quá nhiều, bên
trên lề đường đã bị hàng quán chiếm cứ ngổn ngang, bên dưới mặt đường
bị chắp vá nham nhở bởi nâng đường, sửa đường, nắp cống… thì đốn hạ cây
xanh sẽ là bước cuối cùng để xóa sạch bản sắc đang nhạt đi từng ngày của
thành phố này. Một quyết định phục vụ lợi ích trong tương lai gần có
thể dễ đưa ra, trong khi sự tính toán cân nhắc cho phát triển bền vững
thì không hề đơn giản.
Chọn đường Cường Để làm nơi đặt
chân cầu Thủ Thiêm 2 trước mắt cho thấy một sự tiện lợi về khoảng cách
khi quận 2 được nối thẳng vào ngay trung tâm quận 1, rút ngắn thời gian
di chuyển của người dân. Tuy nhiên về lâu dài, liệu người dân thành phố
có vui khi phải chịu đựng thêm một con đường nắng chói chang trong ô
nhiễm và chen lấn ngay giữa lòng trung tâm. Và Sài Gòn sẽ mang điểm thu
hút gì đến du khách bạn bè quốc tế. Khi đất nước họ không thiếu nhà cao
tầng và cơ sở hạ tầng hiện đại, chắc chắn họ sẽ không đến đây để tìm xem
một bản sao chưa hoàn chỉnh.
Thời gian công tác ở Melbourne (Úc), mỗi lần đi bộ ngang qua công viên
Carlton Gardens đường Victoria để vào trung tâm thành phố, tôi đều thấy
dâng tràn một cảm giác phấn chấn vui sướng lạ. Tôi sướng không vì được
ngắm nhìn một di sản văn hoá thế giới ngay trong lòng Melbourne. Tôi
sướng khi thấy Carlton Gardens dù có rộng lớn và hoành tráng đến mức nào
thì các cây cổ thụ nơi đây cũng không thể bằng các cây cổ thụ ở Vườn
Tao Đàn nơi quê nhà về độ cao, đẹp, màu của lá và độ xòe bóng mát.
Một lần khác đi Putrajaya báo cáo
nghiên cứu khoa học, giữa trung tâm hành chính liên bang mới của
Malaysia này, tôi lại được tận hưởng cái cảm giác ngọt ngào khó tả khi
nghĩ về Sài Gòn. Putrajaya dẫu được quy hoạch xây dựng thành một đô thị
hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với rất nhiều công trình nhân tạo đồ sộ,
nhưng 100 năm nữa cũng không thể nào sánh được với Sài Gòn. Vì Putrajaya
là một thành phố mới và do đó không thể nào có được những hàng cây xanh
cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở hai bên đường.
Vậy mà tất cả niềm tự hào, hạnh phúc rất nhỏ về quê nhà Sài Gòn của tôi
sẽ sớm không còn nữa. Hiện tại rất nhiều cây cổ thụ ở nhiều tuyến đường
đã bị đốn hạ trong dự án Metro thành phố. Tiếp đến sẽ là 84 cây cổ thụ ở
đường Tôn Đức Thắng theo dự án cầu Thủ Thiêm 2. Và sau Tôn Đức Thắng
sẽ là tuyến đường nào nữa, và bao nhiêu cây cổ thụ nữa?
Chắc chắn con số cây xanh người ta sẵn
sàng đốn hạ sẽ không dừng lại ở đó, khi dư luận tiếp tục thờ ơ, không
lên tiếng. Người Việt chưa bao giờ ý thức tầm quan trọng cây xanh. Hãy
nhìn lại những con đường rợp bóng đan xen ô kẽ ở trung tâm quận 1 quận
3, hay đại lộ mới một màu xanh suốt trên 17.8 km đường ở Nam
Sài Gòn. Tất cả những công trình vị nhân sinh vị môi trường đó có một
công trình nào do người Việt thiết kế và quy hoạch?
Với những cây cổ thụ ở trung tâm Sài Gòn, tôi cho rằng mỗi một cây đều
cần được bảo vệ đến mức tối đa có thể, đừng nói đến cả con đường hàng
trăm cây. Ở Singapore người ta xây dựng hẳn Luật công viên và cây xanh
(Parks and Trees Act) quy định rõ những cây cổ thụ có đường kính thân
cây trên 1 mét (thường mất từ 50 đến 100 năm để đạt đến kích cỡ này) ở
những khu vực được bảo tồn trong thành phố (Tree conservation areas) là
bất khả xâm phạm.
Tất cả quy hoạch đều phải tránh những
bảo vật quốc gia này. Xin hãy thức tỉnh và học hỏi ở Singapore. Đừng để
một ngày những người Việt xa xứ sẽ không tha thiết về thăm Sài Gòn, vì
nó không còn là Sài Gòn nữa.
Xin hãy tìm một giải pháp khác vì phát
triển bền vững. Đừng để một ngày Sài Gòn sẽ chỉ còn trong hoài niệm,
hoặc trong những tình khúc Trúc Phương, Hoài Linh, Trịnh Công Sơn….
Khải Nam (Một Thế Giới)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét