Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Ăn mật gấu để đạp xe


Ăn mật gấu để đạp xe

Nguyễn-Xuân Nghĩa

 ***

Thế rồi lại cưỡi lưng cọp

Trong không khí rộn ràng đón Tết, bài kinh tế kỳ này xin trước hết minh oan cho hai con vật!

Vào một năm dê thì ai ai cũng nói đến... máu dê của nó. Oan cho con vật dường nào vì chuyện ấy xuất phát từ điển Tề Tuyên Vương bên Tàu, rồi còn bị ta Việt hóa và gieo oan cho số 35 của dân chơi đề. Nói về máu dê thì thiếu gì người còn dê hơn biểu tượng năm Mùi. Hãy nhìn vào chòm râu của Bác và những bóng hồng lấp ló vây quanh thì biết.

Nỗi oan kia là của con gấu, cứ bị coi là biểu tượng của nước Nga. Trung Quốc mới thật là một nước hỗn như gấu với cái lưỡi chín khúc và món võ hùng chưởng!

Mà nói về kinh tế chính trị học, xứ này có nền kinh tế như chiếc xe đạp, không lăn bánh là đổ. Sự kỳ diệu về chánh sách là ăn mật gấu rồi đạp xe cho mạnh, với thực tế chính trị là thiểu số ở trên nuốt mật gấu cho đa số ở dưới hì hục đạp xe. Năm 2015 này là khi xe đổ và lãnh đạo thấy như mình cưỡi lưng cọp.

Hạ chân xuống là bị cọp vồ.

Nói cho có vẻ nghiêm túc về kinh tế thì Trung Quốc có đà tăng trưởng ngoạn mục từ nhiều năm qua nhờ đã ngốn những khoản nợ đắt hơn mật gấu. Như tiền bán mật, các khoản nợ này là bí mật quốc gia nên triều đình trên kia càng khó đếm ra. Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa, tức là kinh tế thị trường theo định hướng của nhà nước, nợ không được bút ghi vào sổ. Mà dù có thì cũng ghi sai, nhưng ít ra thì cao hơn gấp đôi tổng sản lượng.

Vì tổng sản lượng GDP là con số bị nống cho nên khoản nợ thật lại còn cao gấp bội. Trong các khoản nợ gần xa đều do nhà nước đứng ra bảo lãnh, thì bị ung thối đến chừng nào, chẳng ai biết được, từ đảng ở trên cho đến các kinh tế gia quốc nội và quốc tế...

Khác với lãnh đạo Hà Nội, lãnh đạo Bắc Kinh có biết vấn đề là kinh tế đang chất núi nợ còn nguy nga và chênh vênh hơn khoản nợ của Hoa Kỳ trước khi bị bể bóng vào năm 2006 rồi khủng hoảng vào năm 2008. Mà cũng khác với người Hà Nội, họ không muốn tự sát.

Vì vậy, lãnh đạo Trung Quốc ngày nay đang muốn làm một lúc hai việc.

Đó là vừa châm kim cho bóng xì trước khi nó bể, như người lấy đỉa hút bớt máu dư máu độc trong cơ thể. Đồng thời lại vừa cải cách cơ chế để nâng mức tiêu thụ thay sức đầu tư, với hậu quả tất yếu là phải giảm đà tăng trưởng. Nhưng tăng trưởng mà giảm thì bóng càng dễ bể. Đấy là cái vòng luẩn quẩn mà kinh tế học có thể biết được.

Điều khó biết hơn lại thuộc lãnh vực chính trị.

Các đảng viên cao cấp và thân tộc đã trục lợi nhờ định hướng kỳ quái ấy đều cưỡng chống việc cải cách. Và nếu đà trăng trưởng mà giảm thì dân Tàu sẽ khổ. Khác với người Nga người Nhật, người Tàu bị bần cùng dưới đáy lại khó chấp nhận được việc đó nên động loạn xã hội dễ bùng nổ và biến thành khủng hoảng chính trị. Đấy là chuyện bị cọp vồ.

Thuần về kinh tế mà nói thì Trung Quốc không thể cải cách cơ chế từ nền kinh tế phình nở nhờ đi vay - chuyện nuốt mật gấu - qua nền kinh tế bung mạnh nhờ sức tiêu thụ của người dân mà sản xuất không bị suy thoái. Suy thoái là tệ hơn suy trầm.

Trong hoàn cảnh hiện nay, mọi người đều nói đến kịch bản hạ cánh nặng nề với xác suất cao. Một kịch bản khác cũng nguy không kém là sẽ bị cả chục năm giảm phát như Nhật Bản đã từng bị năm 1990 sau khi bóng bể. Giả thuyết thứ ba là hạ cánh tan tành thì có xác suất thấp hơn, nhưng không hề có nghĩa là không thể xảy ra!

Phải gọi hoàn cảnh này là “tứ nan” chứ không phải “lưỡng nan” vì cái khó nó phình ra bốn góc, bịt góc này thì phòi ra góc kia: 1) phải trả nợ để tránh bể bóng, 2) giảm đà tăng trưởng thì khó trả nợ, 3) các phe đảng ở trên thì chống cải cách, 4) và dân đen ở dưới đang có chút tiền chắt bóp trong ngân hàng sẽ nổi loạn nếu ngân hàng vỡ nợ và bản thân lại mất việc làm.

Từ chuyện kinh tế cũng là chính trị bên trong Trung Quốc, ta hãy nhìn ra ngoài để dự đoán về “hiệu ứng Trung Quốc” cho thế giới trong năm Mùi.

Nếu lãnh đạo Bắc Kinh là Tập Cận Bình và phe nhóm đang tập trung quyền lực mà tuột tay trong việc bẻ ghi và sang số, việc Trung Quốc có loạn sẽ là mối nguy cho các lân bang yếu kém. Khi đó, Đông Hải sẽ rất dễ nổi sóng vì cái quy luật “bên trong càng gay là bên ngoài càng gắt.” Dân ta đã từng chứng kiến chuyện đó vào năm 1075. Xin ghi lại cho rõ là năm 1075! Ở ngoài tầm đạn của Trung Quốc, các nước làm ăn buôn bán với các đấng con trời sẽ chới với nếu kinh tế xứ này hạ cánh nặng nề.

Nếu có phép lạ trên đời là họ Tập gian ngoan xoay chuyển được tình hình - chuyện rất khó vì chưa xứ nào, kể cả Hoa Kỳ, đã giải quyết được bài toán này - thì kinh tế thế giới cũng lao đao trong năm Mùi.

Để khỏi mang tiếng duy ý chí và chống Tàu vô cớ, sau đây là những lý do chuyên môn:

Kinh tế Trung Quốc đã ngốn cả tỷ tỷ tấn thương phẩm nguyên nhiên vật liệu của toàn cầu. Sau khi Mỹ kim lên giá mạnh thì các thương phẩm đều mất giá. Trong giả thuyết lạc quan là xứ này quẹo cua an toàn và giảm đà tăng trưởng cho cỗ xe khỏi lật thì số cầu của Trung Quốc về thương phẩm cũng sẽ giảm. Làm giá thương phẩm sẽ sụt, và các nền kinh tế sống nhờ bán nguyên liệu, nhiên liệu và đủ thứ vật liệu khác sẽ suy. Đấy là viễn ảnh trong kịch bản lạc quan!

Chuyện thứ hai là nếu Trung Quốc chuyển hướng thành công, từ một công xưởng của thế giới về hàng chế biến với những hạ tầng cơ sở và cao ốc ế ẩm qua một hình thái mới, dựa trên dịch vụ và các mặt hàng điện tử cao cấp, thì những quốc gia đã từng tiến lên trình độ sản xuất ấy sẽ bị cạnh tranh kịch liệt! Việt Nam đã có những dự án lớn của Intel hay Samsung sẽ có thể nào đối phó được với sức ép đó không?

May ra thì năm năm nữa ta mới biết được, với cả chục chữ “nếu” của các giả thuyết hay kịch bản khác...

Kết luận ở đây là thế giới đang bước vào chu kỳ bão tố, với nhiều biến động có thể bùng nổ hàng ngày, từ Âu qua Á. Trong cơn giông bão ấy, xứ nào biết cải cách thật sớm thì sẽ có hy vọng tồn tại và tìm ra tương lai sáng sủa hơn.

Trường hợp ấy rất khó thấy tại Việt Nam!

Nguyễn-Xuân Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét