- Hoàng Nhất Phương
Kịch bản của phim "Lã Sinh Môn" được viết từ hai truyện ngắn "Rashomon" ["Lã Sinh Môn"- 1914] và "Yabunonaka" ["Trong Bụi Cây" - 1922] của nhà văn Ryunosuke Akutagawa.
"Rashomon" được dùng làm bối cảnh, "Yabunonaka" được dùng làm nội dung bao gồm các nhân vật. "Lã Sinh Môn" là bộ phim đen trắng, không hề sử dụng bất cứ kỹ xảo điện ảnh nào, vốn đầu tư vỏn vẹn $ 250.000 mỹ kim. Từ đầu phim cho đến khi chấm dứt, "Lã Sinh Môn" chỉ có tám nhân vật, xuất hiện trong một bối cảnh thê lương và bi đát. Người tiều phu, tên cướp, cô vợ bị hãm hiếp, linh hồn của anh võ sĩ nhập vào bà đồng cốt, đều cho lời khai trước công đường. Tuy nhiên, cả bốn lời khai về một sự việc lại không giống nhau. Lời khai nào đúng, lời khai nào sai? Hay tất cả những lời khai đều đúng ở chỗ đã che giấu sự thật…?
Năm 1950, khi Akira Kurosawa đạo diễn phim "Lã Sinh Môn," nước Nhật vẫn còn dư đầy chứng tích đổ nát hoang tàn, sau thế chiến thứ hai. Thế nhưng cấu trúc kịch bản vô cùng khéo léo, kết hợp giữa hình thức tự thuật tinh tế và kỹ thuật sử dụng sự hồi tưởng này lồng trong sự hồi tưởng khác, đã khiến "Lã Sinh Môn" của ông trở thành cuốn phim bất hủ trong kho tàng điện ảnh của nhân loại. Người ta tự hỏi: Điều gì khiến bộ phim "Lã Sinh Môn" trở thành thước đo hoàn mỹ của nghệ thuật thứ bảy? Tại sao "Lã Sinh Môn" lại được đưa vào sách giáo khoa của trường điện ảnh, nơi đào tạo những người sẽ trở thành đạo diễn?
Câu trả lời như sau: Chính tự tay Akira Kurosawa chỉnh sửa từng đường nét của "Lã Sinh Môn." Ông sáng tạo ra cách kể chuyện rất mới, rất lạ lùng, rồi để cho các nhân vật của ông tự hồi tưởng trong một thời gian, một không gian thật hoàn chỉnh. Sự cách tân có trong phim "Lã Sinh Môn" như làn gió dịu dàng đầy âm hưởng Đông Phương, đã bất ngờ thổi vào nền điện ảnh phương Tây. Các nhân vật kể chuyện, bằng cách hồi tưởng những điều chính bản thân họ chứng kiến. Hồi tưởng của nhân vật này chồng chất lên hồi tưởng của nhân vật kia. Họ nhìn thẳng vào máy quay để nói lời khai, không có thêm lời nào khác của quan tòa, như thể họ đối thoại với chính khán giả, một cách quay cảnh phim trước đó chưa hề có, và cho đến nay cũng rất ít thấy. Đây chính là thiên tài đạo diễn đặc biệt của Akira Kurosawa.
Yếu tố thời tiết và ánh sáng thiên nhiên được dùng để nhấn mạnh tâm trạng của nhân vật, cũng là những đặc điểm then chốt của phim "Lã Sinh Môn." Để quay cảnh mưa to gió lớn, Akira phải dùng nước pha với mực tàu, vì ống kính camera thời ấy, không thể nào quay được cảnh một trận mưa nặng hạt, nếu chỉ dùng những giọt nước bình thường. Từng tấm gương được ông đặt rải rác tại trường quay, nhằm tạo ra sự khuyếch tán ánh sáng, làm cho nắng chiếu qua cành cây, rọi trên khuôn mặt tài tử một cách tự nhiên. Những ánh sáng "lốm đốm" trên mặt như thật, đã làm tăng tính chất phức tạp trong tâm lý của nhân vật, cũng như đã khiến cho những lời khai của họ thêm mơ hồ. Là người cầu toàn, đạo diễn Akira Kurosawa cảm thấy một bộ trang phục mới, sẽ khiến nhân vật của ông trông vụng về. Ông đưa trang phục cho tài tử vài tuần trước khi quay, yêu cầu họ mặc hàng ngày. Vì thế khi diễn xuất, họ thấy thoải mái tự nhiên, và "nhập vai" hơn, trong bộ trang phục đã quen thuộc với họ.
Trước khi những giá trị nghệ thuật đầy sáng tạo của Akira được đề cao, "Lã Sinh Môn" bị coi là một phim tệ hại nhất, thất bại nặng nề nhất về mặt doanh thu, và "đứng đầu" danh sách phim dở nhất trong năm 1950 của điện ảnh Nhật Bản. Kurosawa đau khổ, xấu hổ đến nỗi phải về quê lánh mặt. Cho đến khi ông Giuliana Stramigioli - một giáo viên người Ý và cũng là người đứng đầu đoàn tuyển chọn phim - đến nước Nhật. Ông đã khăng khăng chọn "Lã Sinh Môn," để trình chiếu tại Liên Hoan Phim Venice năm 1951. Ngay lập tức "Lã Sinh Môn" đoạt giải Sư Tử Vàng, mang vinh dự quốc tế đầu tiên về cho ngành điện ảnh Nhật Bản. Khi trình chiếu tại Hoa kỳ, "Lã Sinh Môn" đã đoạt giải Oscar phim nước ngoài hay nhất của năm 1951. Trước những giải thưởng cao qúy mà "Lã Sinh Môn" đạt được, nước Nhật cảm thấy bối rối vì đã đối xử rất tệ với Akira Kurosawa và "Lã Sinh Môn." Những người trước đây kình chống chê bai Akira, bỗng khen ngợi "Lã Sinh Môn" không tiếc lời. Tuy vậy, nhóm thủ cựu vẫn không ngừng công kích ông, vẫn cho rằng "Lã Sinh Môn" đã làm xấu hình ảnh và tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật. Họ khẳng định: Lý do khiến "Lã Sinh Môn" được hâm mộ và thành công tại phương Tây, vì tự bản chất của bộ phim đã mang tính "ngoại lai," vì nó đã được Akira Kurosawa dàn dựng "một cách rất Tây." Và vì Akira đã quay phim dàn cảnh theo thị hiếu của phương Tây, nên được người phương Tây khen tặng…
Hơn sáu mươi năm đã qua đi, nhưng thông điệp mà Akira Kurosawa gửi gấm trong "Lã Sinh Môn" vẫn hiện hữu, vẫn làm day dứt tâm hồn khán giả. Ông đã chứng tỏ sự yếu đuối, sự mỏng giòn có bản tính của nhân loại. Người kể chuyện hay người làm chứng, không phải là người biết hết tất cả, cũng không phải là người sẽ nói đúng và nói thật. Người ta ngay khi đã chết, cũng không trung thành với sự thật. Họ luôn luôn muốn che giấu sự thật, theo cách có lợi nhất cho cá nhân họ. Nhận xét của Akira Kurosawa hoàn toàn chính xác: Bản chất của con người là dục vọng, là ích kỷ và tham lam, nên họ khước từ sự thật. Tuy nhiên, Akira Kurosawa không bi quan, ông kết thúc "Lã Sinh Môn" bằng chi tiết độc đáo đầy nhân bản: Người tiều phu mang đứa bé bị bỏ rơi về nuôi, mặc dù ông đã có sáu người con và rất nghèo. Điều này đã mang lại niềm tin cho các nhân vật trong phim nói riêng, cho khán giả nói chung về thiện căn của con người. Như lời nói dung dị của nhà sư: "Tôi vẫn tin vào con người." Bởi vì con người là loài thụ tạo duy nhất, nhận biết được giá trị của sự thật và luôn hướng thượng.
Hoàng Nhất Phương
https://www.danluan.org/tin-tuc/20141019/hoang-nhat-phuong-rashomon-la-sinh-mon
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét