Thứ Bảy, 3 tháng 1, 2015

MÁY VÀ NGƯỜI



Máy và người

    

 Ngô Nhân Dụng



Thi sĩ Sao Trên Rừng có câu thơ rằng: “Sáng nay ra phố mua gương - Về soi bản mặt dễ thương của mình.” Những bạn trẻ 15, 17 tuổi bây giờ sẽ không hiểu nổi câu thơ Sao Trên Rừng. Tại sao phải soi gương mới được coi bản mặt dễ thương của mình?

Phải giải thích ngay, hai câu thơ trên xuất hiện vào thời “tiền sử,” trước khi loài người dùng “xeo phôn.” Xeo phôn là tiếng Việt gốc Anh (cell phone), ai thích nói tiếng Việt gốc Hoa thì gọi nó là “điện thoại di động.” Ngày nay có xeo phôn, nó có thể kèm cái máy chụp ảnh, ai muốn coi bản mặt dễ thương của mình, chỉ cần “xeo phi” - tức “selfie.” Selfie, động từ, nghĩa là tự chụp hình bằng “xeo phôn.” Sao Trên Rừng, tên thi sĩ Nguyễn Ðức Sơn, đang ở trong rừng Bảo Lộc nên không biết ông có xài xeo phôn hay không. Các ngôi sao con ông thì chắc phải có. Các cô cậu không ai cần ra phố mua gương như bố nữa; cứ xeo phi là được coi ngay bản mặt dễ thương của mình rồi. Giới trẻ ở thành phố, từ 7 tuổi đến 77 tuổi, ai có xeo phôn là phải xeo phi, nếu không sẽ bị coi là người trên rừng!

Chúng ta cũng không nên nghĩ rằng thế hệ trẻ bây giờ vì được nuông chiều quá, lắm đồ chơi quá, sinh hư, chỉ lo tự ngắm vuốt mình. Phải công nhận, người đời xưa cũng thích xeo phi không khác gì cả, dù họ thiếu xeo phôn. Vào viện bảo tàng chúng ta được coi những hình tự họa của Rembrandt, Van Gogh, Picasso, Nguyễn Gia Trí, vân vân. Các cụ đều xeo phi bằng bút, bằng mực, vì chưa có máy. Cho nên không thể kết tội máy xeo phôn làm cho loài người hư. Ngắm nghía cái bản mặt dễ thương của mình thì từ thời Narcisse đã ham muốn, chết cũng không bỏ.

Nếu xeo phôn cũng có làm hư nhân loại, thì hư ở những chỗ khác, những việc khác. Thí dụ, trong những ngày Lễ Giáng Sinh và Tết Tây vừa rồi, quý vị có tổ chức họp mặt gia đình hoặc bè bạn hay không? Chắc có. Bây giờ xin nhớ lại, trong các cuộc gặp gỡ đó, mọi người nhìn nhau và trò chuyện với nhau nhiều, hay là chuyện trò qua xeo phôn nhiều hơn? Nếu khi ngồi vào bàn ăn tất cả mọi người đều tắt cái xeo phôn của mình, thì lúc đó mới thật sự “đoàn tụ gia đình.” Nếu không? Thì dẫu ngồi cùng bàn vẫn có thể xa cách núi sông. Với cái xeo phôn sẵn sàng bên cạnh, mỗi người đang để cửa mở, cho phép cả loài người được bước vào trong nhà mình, bất cứ lúc nào. Nhiều người ghiền xeo phôn, không khác gì ghiền thuốc lá, có thể ghiền nặng hơn rượu hoặc thuốc lá. Nhiều người thú nhận, đi đâu mà quên cái xeo phôn ở nhà là thấy như mình bị lạc, lạc ngoài hoang đảo, bơ vơ giữa đại dương, mất hết phương hướng! Dù lúc đó đang đi chơi với vợ, với con.

Quý vị nghĩ thế nào khi một người đến thăm mình, hoặc được mình tới thăm, mà trong lúc ngồi nói chuyện mắt họ lại cứ nhìn ra cửa sổ? Hay là họ chăm chú nhìn cái màn ảnh ti vi? Hoặc họ cứ liếc mắt nhìn vào cái xeo phôn đặt trên bàn, coi có ai nhắn tin (texting) gì cho mình hay không? Hơn 25 năm trước, khi xeo phôn vữa mới xuất hiện trên thị trường, tôi thấy nơi nhiều người dùng xeo phôn nhất là Hồng Kông, chứ không phải Montréal hay New York. Ði ngoài đường, cô cậu nào cũng ấp cái xeo phôn vào tai. Trong quán, hai cô cậu ngồi cùng bàn, nhưng mỗi người ôm một cái xeo phôn, nói chuyện với những người khác. Khi hai tô mì được đặt trước mặt, cô ăn tô của cô, cậu ăn tô cậu, miệng vẫn nói, tai vẫn nghe, chí chát với người nào không biết. Cảnh này có thật, không phải tôi tưởng tượng. Loài người đang sống cách khác, sống với nhau cách khác. Mà khi sống một mình cũng khác trước. Tất cả các thứ máy móc đều thay đổi cuộc sống con người và xã hội, không tránh được. Tuy nhiên, chúng ta luôn luôn có quyền lựa chọn, chọn những thay đổi tốt và từ chối những thay đổi không tốt.

Nhưng thế nào là tốt hay không tốt? Hãy thử đồng ý một vài điều. Chẳng hạn, gia đình ngồi ăn cơm mà nhìn vào mặt nhau, thấy mắt thấy miệng nhau cười, trò chuyện với nhau mà tai lắng nghe, thế là tốt. Nếu ngồi bên nhau mà mắt cứ ngó cái ti vi, tai thì áp vô máy điện thoại hoặc đầu thấp thỏm chờ nghe điện thoại, thế là không tốt. Không sống ở nơi mình đang sống, không sống với người sống cạnh mình, mặt ở đó mà vẫn không có mặt, vậy là không tốt. Mà cái điện thoại xeo phôn có thể góp phần tạo ra những tình trạng không tốt như vậy. Mặc dù nó vô tri, nó hoàn toàn ngây thơ vô tội!

Trong cuốn sách tựa đề “Một mình với nhau,” hoặc “Cô độc quần tụ” (Alone Together) Giáo Sư Sherry Turkle kể chuyện cô bé Audrey 16 tuổi. Mẹ cô thường đến đón cô ở trường, có khi ba bốn ngày hai mẹ con mới có dịp gặp nhau. Bà mẹ lái xe tới trước cư xá, đậu xe lại, ngồi trong xe chờ, tay bà không rời cái xeo phôn. Cô con bước ra, đi tới bên xe mẹ, bà vẫn nói. Khi cô mở cánh cửa xe, bà mẹ mới quay mặt, nháy mắt một cái, phôn vẫn áp vào tai, không ngừng chí chát. Bà tiếp tục nói và bắt đầu cho xe chạy, vẫn nói trong lúc lái xe đi. Audrey phải chờ cho cuộc điện đàm chấm dứt mới có cơ hội nói “hello” với mẹ.

Có bạn trẻ nào muốn mẹ mình đối xử với mình như vậy hay không? Trên thế gian này ít có lắm, cho tới khi loài người chế ra cái xeo phôn. Nhưng ngoài xeo phôn còn nhiều thứ khác nữa. Người ta có thể ghiền xeo phôn cũng như ghiền email, ghiền Internet. Tất cả các phát minh đó đều vô tội, và rất có công thay đổi cuộc sống loài người cho tốt hơn, nếu chúng ta biết chọn. Giáo Sư Sherry Turkle cũng kể chuyện một bà trên 70 tuổi, từ hơn nửa thế kỷ bà vẫn giữ thói quen mỗi buổi sáng ngồi đọc một đoạn trong Kinh Thánh để suy ngẫm; một hình thức “thể dục tâm linh.” Bà thú nhận rằng từ khi có email thì bà phải “phấn đấu” rất vất vả mới có thể ngồi yên đọc Kinh Thánh trước khi đọc email! Bà coi đó là một thử thách mới để thực tập! Ai cũng biết, mở email ra chúng ta sẽ bị ném thẳng vào mặt không thiếu gì những thứ rác rưởi. Chỉ nhìn cái tựa xong, “click” vào “delete” xóa bỏ liền để khỏi phải đọc, nhưng vẫn có mấy chữ xót lại vướng vào trong mắt, bụi rác vẫn theo đó rớt vô trong cái đầu mình! Tôi nhớ cuốn truyện “Kẻ sám hối” của nhà văn Isaac B. Singer; trong đó nhân vật chính là một thương gia đã bỏ thành phố New York, về quê cha đất tổ ở Israel, quyết tâm sám hối. Có đoạn anh ta nhớ lại thói quen cũ, mỗi sáng sớm phải đọc báo, phải cầm tờ báo hàng ngày lên, phải ngấu nghiến hết những tin tức lớn nhỏ. Tại sao phải chất đầy rác rưởi vào đầu mình như vậy? Ngày nay, chúng ta có thể được “đọc báo mới” 24 giờ trong một ngày, bất cứ lúc nào mở email hay vào Internet!

Cuối năm, chắc cũng không nên nói xấu máy móc quá. Nói xấu người vắng mặt không tốt, nói xấu những cái máy tự nó không thể cãi lại, không biết cách trả lời, càng không tốt. Phải nhắc lại rằng những cái máy đều vô tội. Chỉ lo ngại về người sử dụng thôi.

Bà Sherry Turkle là giáo sư Ðại Học MIT, chuyên nghiên cứu về quan hệ giữa loài người và các sản phẩm kỹ thuật tân tiến như máy vi tính, điện thoại di động, và robots, những thứ máy cử động, giống như người hoặc thú vật. Chúng ta thường dịch robot là “người máy” nhưng cũng có cả “thú vật máy.” Tất cả các phát minh đó đang thay đổi cuộc sống loài người.

Trong một cuộc nghiên cứu, Sherry Turkle phỏng vấn bà Miriam. Cụ bà 72 tuổi ngồi trò chuyện với khách, bàn tay cụ xoa vuốt trên bộ lông mềm mại của Paro. Cụ cúi xuống hỏi Paro: “Con đang buồn, phải không con? Ðời cực lắm. Phải, sống ở đời khó lắm.” Bàn tay Miriam vuốt ve khiến Paro cũng phản ứng, nó kêu dừ dừ như một con mèo đang nũng nịu. Miriam lại càng hứng thú, thêm những cử chỉ âu yếm khác.

Cảnh tượng trên diễn ra trong một nhà dưỡng lão ở ngoài thành phố Boston. Trong câu chuyện này, Paro là một “robot,” hình dạng giống như con hải cẩu non, bộ lông mềm, đôi mắt biết ngó lên ngó xuống, quay ngang quay dọc, có cái đuôi biết ngọ nguậy. Một công ty Nhật Bản sản xuất thứ robot này, bán cho những người bệnh, người già hoặc những người đang buồn chán, để làm bạn bên mình giống như chó hay mèo. Paro rất tài tình. “Nó” có thể nghe tiếng người nói, định hướng được âm thanh xuất phát từ đâu, quay đầu về hướng đó, ngước mắt nhìn âu yếm. Paro có thể phân biệt bàn tay ve vuốt khác với bàn tay đập hoặc bóp mạnh, rồi phản ứng thích hợp. Paro có thể phát thanh một ít tiếng Anh, nếu mua bản tiếng Nhật thì Paro biết “nói” nhiều hơn.

Ðã có robot làm bạn với người già thì cũng chế ra được robot làm ở nhà mẫu giáo, săn sóc trẻ em, hoặc làm bạn với những người quá cô đơn vì không ai chịu được họ. Một ông tên Wesley, 64 tuổi, đã li dị ba đời vợ, tỏ ý sẽ mua một robot về làm vợ, hy vọng rằng “nàng” sẽ chịu đựng được tâm thần bất định của “chàng.” Năm 2010, Turkle cho biết, đã thấy quảng cáo cái máy Sex Robot giá 7,000 đô la. Nhưng bà lo ngại nhất là ảnh hưởng trên trẻ em. Nếu các em sống quen với robot từ bé thì khi lớn lên chúng sống với loài người có khó lắm không? Vì loài người đều hay đòi hỏi, tâm tính lại bất thường rất khó đoán trước, không thể biết chắc họ sẽ phản ứng hoặc hành động ra sao! Còn máy móc thì lúc nào cũng làm theo lệnh, không bao giờ giận hờn hay than thở.

Cũng không cần chờ đến khi trẻ em được trao cho robot nuôi nấng thì mới bắt đầu lo. Trong các trò chơi điện tử, các em tham gia vào những thế giới ảo, bao la, hào hứng vì nhiều cơ hội gấp ngàn, vạn lần thế giới thật. Phần lớn các thiếu niên bây giờ thích “text” hơn là nói qua điện thoại. Texting vừa gọn vừa nhanh lại không phải chờ người ta mở máy nghe, không cần nghe câu trả lời ngay lập tức. Nếu lại phải gặp mặt, nói với nhau và nghe nhau nói, thì cuộc đời càng rắc rối quá. Các bạn trẻ bây giờ đã than cuộc đời quá ngắn ngủi. Mỗi ngày tốn mấy tiếng đồng hồ để text và email. Mỗi tháng một thiếu niên (teen) ở Mỹ trung bình gọi hai tới ba ngàn lần điện thoại. Những thứ máy móc thường bày ra để con người tiết kiệm thời giờ; cuối cùng chúng lại khiến con người sống quá bận rộn. Từ cái xe hơi, cái máy vi tính, đến cái xeo phôn đều như thế cả.

Bây giờ, chúng ta thử ngồi xuống, cùng nghĩ xem làm cách nào mình làm chủ máy chứ không để những cái máy quyết định cách sống của mình.



http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=200677&zoneid=7#.VKg69spR7CY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét