Ảo tưởng dân chủ
Nguyễn Hưng Quốc
Trong bài “Những ngày
cuối cùng của đảng Cộng sản?” (The last days of the Communist Party?) đăng trên
tạp chí World Affairs ngày 23 tháng 12 năm 2014, Michael J. Totten mở đầu bằng
một nhận định: “Việt Nam là một quốc gia độc đảng độc tài trông có vẻ như một xứ
tự do”.
Rất nhiều người chỉ
thấy mệnh đề sau “trông có vẻ như một xứ tự do” mà quên bẵng đi mệnh đề đầu “độc
đảng độc tài” (authoritarian one-party state).
Cách đây hơn một
tháng, tôi được mời giảng dạy một khoá ngắn về ngôn ngữ, văn hoá và chính trị
Việt Nam cho một nhóm sinh viên Úc chuẩn bị sang Việt Nam nghiên cứu trong mấy
tuần. Trong số ấy, có nhiều sinh viên đã từng du lịch sang Việt Nam. Họ có vẻ
thích Việt Nam. Khi tôi hỏi cảm tưởng của họ về không khí chính trị tại Việt
Nam, tất cả đều cho Việt Nam không có vấn đề gì về dân chủ và nhân quyền. Nó
hoàn toàn khác với các quốc gia Hồi giáo hoặc Bắc Hàn hay ngay cả Trung Quốc mà
họ từng biết. Ở Việt Nam, họ có thể đi khắp nơi, nói về mọi đề tài và làm bất cứ
thứ gì họ muốn. Rất hiếm thấy công an hoặc nếu thấy, công an cũng không gợi lên
bất cứ một ấn tượng đe doạ nào. Vào internet, họ cũng không gặp dấu hiệu nào của
sự kiểm duyệt. Theo họ, Việt Nam khá dân chủ. Khi tôi kể kinh nghiệm của bản
thân tôi, một nhà giáo và một người cầm bút tuyệt đối không tham gia chính trị,
bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam hai lần mà không có lý do gì cả, họ rất ngạc
nhiên. Và thú nhận: đó là điều họ không hề biết.
Thật ra, việc không
biết như vậy cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Tất cả những người ngoại quốc
cho Việt Nam dân chủ đều là những kẻ cưỡi ngựa xem hoa. Họ chỉ đến Việt Nam vài
tuần hoặc nhiều hơn, vài ba tháng. Họ không thấy được bản chất của chế độ cũng
là điều dễ hiểu. Đáng ngạc nhiên hơn là chính người Việt Nam, chắc không phải
ít, cũng cho là Việt Nam dân chủ hoặc khá dân chủ. Tôi gặp khá nhiều người, hầu
hết thuộc thành phần trí thức, từ Việt Nam sang Úc với tư cách du lịch hoặc thường
trú nhân (do thân nhân bảo lãnh). Phần lớn đều cho Việt Nam không còn độc tài nữa.
Họ nêu lên ba lý do chính: Một, so với trước đây, Việt Nam càng ngày càng đi xa
trên tiến trình dân chủ hoá; hai, ở Việt Nam, ngay trong lãnh vực chính trị,
chính phủ cũng hành xử một cách dân chủ: dân chúng có thể thoải mái phê phán
chính quyền một cách công khai trong các tiệm cà phê hay quán nhậu, thậm chí,
trên các blog hay facebook; và ba, giới hạn trong phạm vi chính trị, nếu chính
phủ thiếu dân chủ thì, tính chất thiếu dân chủ ấy vừa rất ít vừa có thể “thông
cảm” được vì Việt Nam hiện đang đối diện với nguy cơ xâm lấn từ Trung Quốc.
Tôi cho nhận định của
những người Việt Nam kể trên cũng như những người ngoại quốc đến Việt Nam một
thời gian ngắn ngủi đều xuất phát từ sự mê hoặc trước ảo tưởng dân chủ mà nhà cầm
quyền Việt Nam cố tình tạo nên để đánh lừa mọi người.
Để thoát khỏi sự lừa
dối ấy, cần, nói theo ngôn ngữ cộng sản vẫn thường dùng trước đây, phân biệt bản
chất và hiện tượng. Hiện tượng: ở Việt Nam, hầu như người ta có thể phát biểu về
đủ thứ chuyện. Bản chất: đàng sau hiện tượng ấy, có một khu cấm: chính trị.
Trong chính trị, về hiện tượng, người ta có thể phê phán chính quyền một cách
gay gắt, tuy nhiên, về bản chất, có hai điều đáng chú ý: Một, chỉ phê phán bằng
miệng; hai, nếu viết, người ta phải biết dừng lại ở một điều cấm kỵ: phê phán
giới lãnh đạo. Trước, có ba điều cấm kỵ: Hồ Chí Minh, đảng cộng sản và giới
lãnh đạo đương tại chức. Sau này, những khu vực cấm kỵ ấy dường như được thu hẹp
lại. Phê phán Hồ Chí Minh? Người ta có thể khó chịu nhưng ít khi có phản ứng
quyết liệt. Phê phán đảng Cộng sản? Dường như có tâm lý: cha chung không ai
khóc. Nhưng đừng phê phán cá nhân những người đang cầm quyền. Đụng đến họ, nếu
không phải chính họ thì cũng có đàn em của họ xúm vào trả thù ngay tức khắc.
Để đánh giá một chế độ
cần nhìn vào cơ chế. Cơ chế ấy, ở Việt Nam, vẫn độc đảng, không hề có cạnh
tranh và đối lập, hai yếu tố quan trọng nhất của dân chủ. Còn một yếu tố thứ ba
nữa: sự minh bạch, Việt Nam hoàn toàn không có. Mọi chính sách của nhà nước, từ
lớn đến nhỏ, đều… bí mật. Ngay cả đối với một vấn đề ai cũng quan tâm: quan hệ
với Trung Quốc, người dân vẫn không hề biết giới cầm quyền Việt Nam đã cam kết
gì với Trung Quốc trong hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng như những kế sách, nếu
có, họ đang theo đuổi để bảo vệ biển đảo của Việt Nam trước các âm mưu lấn chiếm
của Trung Quốc.
Không phải ngẫu nhiên
mà, theo các bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế, Việt Nam bao giờ cũng nằm ở
cuối hoặc gần cuối về mức độ dân chủ, đặc biệt dân chủ trong lãnh vực truyền
thông. Căn cứ vào các vụ bắt bớ dân chúng cũng như các biện pháp trừng phạt những
người dân dám lên tiếng phản đối chính phủ được tường thuật trên báo chí, người
ta cũng dễ dàng nhận thấy Việt Nam hoàn toàn không có dân chủ.
Trong bài báo dẫn ở đầu
bài viết này, Michael J. Totten cho rằng mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam vẫn độc
tài nhưng sự độc tài của họ không quá khắc nghiệt như Bắc Triều Tiên, Cuba hay
Trung Quốc. Nó giống hơn với thời kỳ tiền-dân chủ (pre-democratic) ở Đài Loan
hay Nam Triều Tiên trước đây. Với cái nhìn như thế, ông hy vọng những năm tháng
chúng ta đang sống hiện nay là những ngày cuối cùng của chế độ cộng sản.
Trong lúc chúng ta
mong sự lạc quan của Totten không phải là một ảo tưởng, chúng ta cũng nên biết
một sự thật: Không có chế độ độc tài nào tự động chuyển sang dân chủ cả. Nói
theo cách nói của Tây phương, tự do không bao giờ miễn phí (freedom ain't
free). Tự do bao giờ cũng là kết quả của các cuộc đấu tranh. Điều đó cũng có
nghĩa là tự do không đến từ chính phủ, từ trên xuống, như một kiểu phân phát
hay ban bố. Tự do bao giờ cũng từ dưới lên, bắt đầu từ dân chúng, những người
biết tự do là cái quyền căn bản của mình và sẵn sàng trả giá để có được cái quyền
ấy.
Khi dân chúng không
chấp nhận trả giá, cái gọi là những ngày cuối cùng (last days) có thể kéo dài,
có khi, kéo dài mãi, cả mấy thập niên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét