Số tiền cuối cùng mà người lao động nhận được chỉ có giá trị như giấy lộn hay hơn thế một chút - một bó rau hoặc một ly trà đá!
BHXH Việt Nam tiếp tay cho ‘nhiệm vụ chính trị’!?
Tình trạng hoạt động và bưng bít thông tin của Quỹ BHXH ở Việt Nam lại khá tương đồng với Trung Quốc. Ở Trung Quốc, Quỹ BHXH nước này đã dùng tiền BHXH của người lao động để “chơi” chứng khoán. Trong đợt lao dốc thê thảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm 2015 mà đã khiến không biết bao nhiêu người dân phải tự tử, Quỹ BHXH Trung Quốc đã bị thiệt hại rất lớn.
Với quá nhiều nghịch lý đang xảy ra, nỗi lo của người đóng BHXH không chỉ là chuyện vỡ quỹ như cơ quan BHXH luôn dọa dẫm, mà chính là việc quản lý, vận hành nguồn quỹ này như thế nào, minh bạch ra sao và quyền lợi của họ được bảo đảm đến đâu…
Vào năm 2017, tổng cộng phần dính dáng đến ngân sách nhà nước của Quỹ BHXH Việt Nam lên đến khoảng 400.000 tỷ đồng. Nhưng ai sẽ bảo đảm là con số này sẽ trở về tay những người đóng bảo hiểm xã hội nếu ngân sách nhà nước bị phá sản?
Về thực chất, khoảng 400.000 tỷ đồng mà BHXH Việt Nam cho Chính phủ vay mượn còn được chính phủ này, và chắc chắn phía sau là cái gật đầu toa rập của Bộ Chính trị đảng cầm quyền, để số tiền đó “góp phần quan trọng cho việc tái cơ cấu nợ công và bội chi” - như lối thanh minh của Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh.
Cho tới nay, bất chấp việc chính phủ ‘kiến tạo’ của Thủ tướng Phúc vẫn cố ép tỷ lệ nợ công dưới ngưỡng cho phép 65% GDP, nợ công thực tế đã lên đến ít nhất 210% GDP khi tính luôn cả nợ của các doanh nghiệp nhà nước mà chính phủ - từ thời bị xem là ‘ăn tàn phá hại’ Nguyễn Tấn Dũng đến thời ‘đổ vỏ’ Nguyễn Xuân Phúc mà không thể thoái thác trách nhiệm.
Nguyễn Xuân Phúc lại là đời thủ tướng “cực hình” nhất trong lịch sử tồn tại của đảng Cộng sản Việt Nam. Trả nợ nhiều nhất, kinh tế be bét nhất, xã hội hỗn tạp nhất, chính trị “tan nát” nhất… Trong bối cảnh giật gấu vá vai như thế, gần đây Ngân hàng thế giới lại đưa ra một cảnh báo giật mình: trong 3 năm tới - tức đến năm 2021 - sẽ có đến 50% nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn, tức chính phủ này phải đối mặt với nguy cơ rất lớn là không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ, trừ việc… in tiền ồ ạt.
Chưa kể đến núi nợ nước ngoài lên đến hơn 200 tỷ USD - trong đó phần nợ của chính phủ là 105 tỷ USD và của các doanh nghiệp hàng trăm tỷ USD nữa, số nợ trong nước được tích tụ từ thời liên tục ‘phát hành trái phiếu chính phủ’ của Nguyễn Tấn Dũng cũng ngày càng chồng chất cho đến giờ đây, trong đó cứ đều đặn hàng năm lại có một khoản lớn mà chính phủ phải có trách nhiệm thanh toán cho các chủ nợ là ngân hàng.
Nhưng vẫn chưa phải hết. Từ thời Nguyễn Tấn Dũng đến thời Nguyễn Xuân Phúc, bội chi luôn là cơn ung thư quằn quại cái cơ thể đã tàn tạ của ngân sách chính thể. Vào thời Thủ tướng Dũng, có năm tỷ lệ bội chi thực tế đã lên đến 9% dự toán chi. Còn vào thời Thủ tướng Phúc, tuy tỷ lệ này có được kéo giảm đôi chút nhưng vẫn còn ngất ngưởng trên đầu hàng chục triệu người dân đóng thuế.
Trong tình thế túng quẫn lẫn khốn quẫn như thế, nguồn tiền khổng lồ của quỹ BHXH Việt Nam đã trở thành phao cứu sinh cho chính phủ về ‘đáo hạn nợ công’ và ‘xử lý bội chi’. Một cách nghiễm nhiên mà không cần phải công bố cho bàn dân thiên hạ lẫn hàng chục triệu công nhân đóng BHXH, chính phủ đã ‘chiếm dụng’ khoảng 400.000 tỷ đồng BHXH trong một thời gian dài, thậm chí rất dài, thậm chí cho đến khi nào tuổi thọ của chế độ chính trị này còn cho phép kéo dài.
Đó cũng là sự ‘cống hiến’ của Quỹ BHXH Việt Nam vào ‘nhiệm vụ chính trị’. Và đó cũng là nguồn cơn vì sao BHXH Việt Nam cực kỳ lo sợ khi người lao động đòi được nhận BHXH một lần khi nghỉ việc.
Vào năm 2015, một cuộc biểu tình rất lớn của hàng trăm ngàn công nhân ở Sài Gòn và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ đã nổ ra để phản đối điều 60 của Luật BHXH về không cho người lao động được nhận trợ cấp BHXH một lần.
Hãy thử hình dung: nếu hàng trăm ngàn người lao động đồng loạt nghỉ việc và đồng loạt kéo đến Quỹ BHXH Việt Nam đòi nhận trợ cấp BHXH chỉ một lần, quỹ này sẽ lấy đâu ra tiền để thanh toán? Hay BHXH Việt Nam chỉ ra sức mị dân rằng họ đã đầu tư đến 90% tiền BHXH vào trái phiếu chính phủ, nhưng lại chẳng thể nào dám khẳng định rằng vài chục năm nữa, hoặc thậm chí chỉ 3 -5 năm nữa khi người lao động nhận lãi và gốc tiền BHXH từ trái phiếu chính phủ, khi đó nạn lạm phát sẽ biến thành phi mã và số tiền cuối cùng mà người lao động nhận được chỉ có giá trị như giấy lộn hay hơn thế một chút - một bó rau hoặc một ly trà đá!
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét