Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

10500 - Cô Ba Sài Gòn



Từ thời Pháp thuộc, hình ảnh Cô Ba Sài Gòn trở thành một biểu tượng cho phụ nữ Nam kỳ. Và chuyện này được người đời nhắc đến qua nhiều tài liệu khiến nó trở thành một giai thoại cho vẻ đẹp của giới phụ nữ An-nam. Ngay cả trên bao bì các sản phẩm xà bông thơm và dưỡng da của Công ty Pachod Frères et Cie bên Pháp xuất cảng sang Đông Dương có ghi thương hiệu Cô Ba; trên các sản phẩm của Công ty Trương Văn Bền cũng có in hình Cô Ba.

Cô Ba là ai mà được công ty Pháp dùng hình ảnh làm biểu tượng cho sản phẩm của mình. Hình ảnh đó cho đến nay vẫn còn chưa được kiểm chứng một cách rõ ràng. Riêng về hình ảnh Cô Ba trên sản phẩm xà bông thơm của Công ty Xà Bông Việt Nam thì đã rõ, biểu tượng Cô Ba là hình ảnh vợ của ông Trương Văn Bền đã được ông xác nhận trong hồi ký của mình viết tại Paris mà ông Philippe Trương còn giữ. 


co-ba-sai-gon3Tấm ảnh được xem là chân dung cô Ba Thiệu, người đẹp mệnh danh Cô Ba Sài Gòn Ảnh: Manhhaiflicks

Theo hồi ký thì biểu tượng hình Cô Ba, in phía trước bao bì sản phẩm xà bông thơm và các sản phẩm dưỡng da của Công ty Trương Văn Bền, sử dụng chỉ một lần trong thời gian khai trương công ty năm 1932, sau đó trên mặt trước bao bì các sản phẩm in hình oval một phụ nữ búi tóc cao, cổ đeo dây chuyền vàng và mặt sau sản phẩm thì ghi chữ Cô Ba. Người dân quen miệng gọi là Xà Bông Cô Ba theo biểu tượng chứ thực chất tên thương hiệu là Xà bông Việt Nam.
Trong hồi ký ông Trương Văn Bền viết: “Tôi đang tìm kiếm tên nào kêu, dễ gọi, dễ nhớ để đặt tên cho Xà-bông mà chưa kiếm ra. Ngoài Bắc, phong trào cách mạng Việt Nam Quốc Dân Ðảng do Nguyễn Thái Học cầm đầu nổi lên nhiều chỗ và đã bị thất bại đau đớn, đến lúc Tây xử tử họ ở Yên Bái thì mười người như một, trước khi đút đầu vô máy chém đều bình tĩnh hô to: “Việt Nam vạn tuế” gây một luồng dư luận sôi nổi ở trong nước và thế giới. Tôi không bỏ lỡ vội chụp lấy vụ này, tôi muốn lấy tên Việt Nam đặt cho xà bông do người Việt Nam sản xuất để nêu lòng ái quốc đang sục sôi ở trong xứ, xà bông Việt Nam là của người Việt làm cho người Việt, người Việt yêu nước phải dùng đồ Việt Nam”. Còn về biểu tượng ông dùng hình ảnh cô gái Nam kỳ búi tóc có gương mặt phúc hậu đánh trúng tâm lý dễ nhận dạng và quen thuộc để quảng bá sản phẩm mà người Sài Gòn vẫn quen gọi Cô Ba.
Nói việc quảng bá sản phẩm làm tôi chợt nhớ bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” mới đây do đạo diễn Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn dàn dựng. Nội dung phim không phải nói về người đẹp mang cái tên Cô Ba mà là nói về chiếc áo dài của một nhà may Thanh Nữ ở cuối thập niên sáu mươi của thế kỷ trước nổi tiếng ở Sài Gòn có 9 đời may áo dài. Bộ phim này đoạt giải Cánh diều vàng năm 2017 hạng mục phim xuất sắc nhất và biên kịch xuất sắc nhất. Không biết nhà làm phim ngẫu nhiên chọn cái tên Cô Ba Sài Gòn hay cố tình sử dụng biểu tượng hình ảnh Cô Ba đình đám ngày xưa để quảng bá sản phẩm, để nhắm vào thị hiếu người xem, tìm hiểu Cô Ba là ai?


co-ba-sai-gon2Ảnh chân dung một phụ nữ An-nam cũng được cho là cô Ba Thiệu Nguồn: Manhhaiflicks

Chuyện này phân tích còn dài, trở lại chuyện Cô Ba ngày xửa ngày xưa chứ không lan man nữa.
Lần theo các giai thoại sách báo ghi lại, đó là hình ảnh Hoa khôi đầu tiên của xứ Nam kỳ được người Pháp và các doanh gia người Việt tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở Sài Gòn vào năm 1864 (có tài liệu ghi là 1865). Ðây là thời điểm chỉ sau vài năm quân Pháp chiếm thành Gia Ðịnh và bắt đầu quy hoạch xây dựng thành phố Sài Gòn. Ðến đây, tôi chợt nghĩ trong thời buổi xã hội còn hỗn loạn sau chiến tranh như vậy, liệu có một cuộc thi hoa hậu được người An-nam ủng hộ tham gia!?
Hình ảnh hoa khôi của thời gian xa tít mù khơi này được nhiều tài liệu sưu khảo nhắc nhiều trên báo chí. Cô Ba Thiệu làm nghề thư ký, con gái thầy Thông Chánh (tên thật là Nguyễn Văn Chánh) ở Trà Vinh. Do có nhan sắc chim sa cá lặn nên cô tham gia dự thi hoa khôi Nam kỳ với sự tham gia của100 cô gái đẹp. Sau khi cô Ba đoạt ngôi vị hoa khôi, một nhà báo Pháp đề nghị cô mặc áo tắm chụp hình đăng báo Pháp nhưng cô Ba từ chối. Sau này cô Ba đồng ý sử dụng ảnh vẽ chân dung và được in thành tem.


co-ba-sai-gon1Con tem in hình “phụ nữ An-nam” phát hành năm 1907, được cho là chân dung của cô Ba Thiệu, hoa khôi đầu tiên ở Sài Gòn Ảnh: Internet

Việc in con tem hình “Cô Ba” là sự thật, tuy nhiên không biết có phải là ảnh của cô Ba Thiệu hay không vẫn còn là một câu hỏi? Các loại tem bưu điện từ 1 xu đến 30 xu ấn hành vào năm 1907 ghi chú là Annamite Femme (phụ nữ An-nam). Còn chân dung của cô Ba Thiệu cho đến nay, thì một vài tài liệu ảnh cho đó là ảnh của cô Ba Thiệu. Kỳ thực, trên nhiều tấm ảnh được cho là cô Ba Thiệu, chỉ thấy ghi là Femme de Saigon (phụ nữ Sài Gòn). Và những ảnh này đều được chụp khoảng thập kỷ đầu của thế kỷ 20, xem ra cùng thời gian loạt tem phụ nữ An-nam ra đời.
Chuyện này, theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường lý giải khá thoả đáng: “Năm 1906, Pháp chọn ngẫu nhiên 6 mẫu hình cô gái Ðông Dương để in tem và trong đó có hình cô gái Nam kỳ búi tóc, như vậy không phải do cô Ba Thiệu quá đẹp nên được chọn in”.
Một vấn đề khác, một hoa khôi như cô Ba Thiệu bỗng nhiên trở thành kẻ tội đồ đối với người Pháp và bị toà đại hình Mỹ Tho xử bắn ở Trà Vinh vào năm 1894 (có tài liệu ghi năm 1893) do cha cô, thầy Thông Chánh vô cớ bị Tây bắt nhốt, cô xách súng đùng đùng đi tìm tên biện lý Jaboin bắn chết. Liệu một tội hình, cho dù là hoa khôi thì người Pháp có dùng hình để vẽ chân dung in vào con tem hay không, đến nay chưa thấy có một kiến giải nào. Chuyện cô Ba bắn Tây có ghi lại một phần trong tập thơ của thầy Thông Chánh rằng: “Thứ này đến thứ cô Ba / Mới mười bảy tuổi lấy chồng người Tây / Nghe cha mắc phải nạn này / Tay cầm súng sáo miệng hầu kêu xe… / Mau chân bước tới châu thành / Tai nghe quan soái xử mà làm sao / Nếu mà xử hiếp cha rày / Ta bắn nguơn soái phát nay mới đành”… Còn phần sau khi bắn biện lý, bị bắt, ra toà, xử tử ra sao, ở đâu, không thấy thơ ghi tiếp.
Trong khi đó thì học giả Vương Hồng Sển viết về cô Ba Thiệu trong Sài Gòn năm xưa, xuất bản năm 1960 như vầy: “Kể về người đẹp trong Nam, xưa hơn hết, có cô Ba, con thầy Thông Chánh. Cô đẹp không ai bì, đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Cô đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi nhà nước in hình vào con tem Nhà thơ Dây thép (Bưu điện), và một hiệu buôn xà bông xin phép họa hình làm mẫu rao hàng: Xà bông Cô Ba. Muốn biết danh tiếng bực nào xin ráng tìm các bà cỡ 1900 hỏi lại”.
Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường cũng ghi nhận thêm một chi tiết: “Rất có thể học giả Vương Hồng Sển nhầm lẫn vì cô gái trong hình con tem xưa và hình Cô Ba xà bông có cách bới tóc rất khác nhau.


co-ba-sai-gonCông tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy người tình của cô Ba Trà (hoa khôi Trần Ngọc Trà) Ảnh: Tài liệu

Thời điểm ông Vương Hồng Sển viết về cô Ba Thiệu cách đó gần trăm năm, cách nay hơn thế kỷ rưỡi. Chi tiết không răng giả, không ngực keo (cao) su, hẳn có rất xa lạ đối người Việt bấy giờ? Tôi xin mạo muội đưa ra giả thuyết, không biết lúc cụ Vương thả hồn vào trang viết, thuật lại vẻ đẹp của cô Ba Thiệu có lẫn lộn với cô Ba Trà vào thời của ông hay không? Cô Ba Trà, hoa khôi do người đời phong tặng không qua cuộc thi nhan sắc nào thuở bấy giờ. Sắc đẹp của cô làm nghiêng nước đổ thành khiến các vương tôn công tử phải luỵ tình, dâng hiến tiền muôn bạc vạn.
Cô Ba Trà từng là người tình của Bạch Công Tử Lê Công Phước, Hắc Công Tử Trần Trinh Huy, nhà tỷ phú Lâm Kỳ Xuyên, vua cờ bạc Sáu Ngọ và còn nhiều đại gia thuở đó. Ngay cả thuở Vương Hồng Sển bước vào tuổi trung niên, tóc bắt đầu điểm sương mà ông cũng si mê nhan sắc của cô Ba Trà đang xuống dốc. Chuyện này nói ra rất dài, bạn đọc có thể tìm lại cuốn Sài Gòn năm xưa, hay cuốn Hồi ký Năm mươi năm mê hát mà xem cụ Vương thừa nhận. “Ðể thấy cái ngông cái gàn của kẻ nầy, xin nhắc một việc cũ nay – nhớ mà còn thẹn thẹn. Quả không có cái gì mà tôi không muốn không ham. Thậm chí, tiền không có, bề thế cũng không, mà đèo bòng nhiều việc lếu…”.
Cô Ba Thiệu, cô Ba Trà được xem là đại diện nhan sắc phụ nữ An-nam và sau đó còn có cô Tư Nhị, cô Sáu Hương, cô Hai Thời… rồi còn cô Nguyễn Thị Liễu hoa hậu năm 1937 trong cuộc thi Concours Elegant Saigon nữa. Nhiều tài liệu cho rằng, đây là cuộc thi hoa hậu đầu tiên chớ không phải năm 1864 thời của cô Ba Thiệu hay sang thập niên 20 của thế kỷ trước thời cô Ba Trà mà nhiều tài liệu từng ghi nhận là hình ảnh Cô Ba Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét