Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

8626 - Cúi đầu nhẫn nhục trước bạo quyền nên bị… kỷ luật?

Trúc Giang (VNTB) 

Thông tin tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Long An tổ chức chiều ngày 27-9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Thanh Tiệp cho biết, ngành giáo dục địa phương vừa tổ chức kiểm điểm cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung; đồng thời, ra quyết định kỷ luật cô Nhung với hình thức cảnh cáo, vì không tuân thủ quy trình thực thi nhiệm vụ, quy tắc ứng xử.

Vào ngày 28-02-2018, ông Võ Hòa Thuận đến trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) ‘mắng vốn’ việc giáo viên Bùi Thị Cẩm Nhung phạt học sinh quỳ gối. Hiệu trưởng nhà trường, thầy Huỳnh Công Sơn tổ chức xin lỗi, nhưng ông Thuận không đồng ý. Sau đó, ông Võ Hòa Thuận dùng lời nói gay gắt ép buộc cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung quỳ gối xin lỗi.

Sau khi xảy ra vụ việc, ông Thuận bị kiểm điểm và kỷ luật khai trừ khỏi Đảng. Do cô Nhung không có đơn tố cáo ông Thuận, nên công an địa phương không xem xét xử lý trách nhiệm hình sự ông Thuận về tội làm nhục người khác.

Cô giáo quỳ gối xi lỗi phụ huynh bị cảnh cáo?
Khi xảy ra vụ việc, thầy Huỳnh Công Sơn kể lại với báo chí rằng trước thái độ bức xúc của các phụ huynh, cô Nhung đã xin lỗi và hứa sẽ khắc phục. Tuy nhiên, vì ông Võ Hòa Thuận vẫn không chấp nhận và hỏi đố rằng: “Nếu bị quỳ như vậy, cô chịu nổi không?”, cô Nhung đành nói: “Nếu các anh chị không vừa lòng thì tôi quỳ tại đây!”.

Sau đó, vì phải đi công tác nên thầy hiệu trưởng không trực tiếp chứng kiến. Tuy nhiên, thầy cũng được 3 phụ huynh cùng một số giáo viên báo cáo lại là cô Nhung đã quỳ trước mặt phụ huynh đến hơn nửa giờ đồng hồ. Nói thêm, cô giáo Nhung vừa trở lại đứng lớp sau kỳ nghỉ hộ sản.

Câu hỏi đặt ra: có phải chính quyền tỉnh Long An đã cố tình ‘đánh nguội’ cô giáo Nhung để trả đũa, vì sau khi vỡ lỡ, với sức ép của công luận khiến ông Võ Hòa Thuận phải chịu mức kỷ luật khai trừ khỏi Đảng?

Hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với các giáo viên, trước tiên coi như cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung sẽ mất điểm thi đua, ảnh hưởng đến mức thu nhập từ xét thưởng ngoài lương. ‘Án’ kỷ luật cảnh cáo này cũng khiến cho cô giáo sẽ gặp khó khăn hơn trong những thủ tục xét công nhận giáo viên dạy giỏi.

Tuy nhiên về mặt quy định pháp luật, thì chuyện ‘kỷ luật cảnh cáo’ cô giáo Bùi Thị Nhung như nói trên là không phù hợp.

Điều 52 Luật Viên chức và Điều 9 Nghị định 27/2012 quy định việc xử lý kỷ luật viên chức như sau: Viên chức vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình thực hiện công việc, hoặc nhiệm vụ thì phải chịu một trong các hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức (đối với viên chức quản lý), buộc thôi việc. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật phù hợp.

Cụ thể, với hành vi “không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp” và hành vi “không thực hiện công việc, nhiệm vụ đã cam kết trong hợp đồng làm việc mà không có lý do chính đáng” sẽ áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách. Nếu các hành vi ấy gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng đến công việc chung của đơn vị, sẽ áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Như vậy, chỉ xét riêng việc phải chờ đến tháng 9-2018 mới ‘kỷ luật cảnh cáo’ là cũng đã vi phạm Nghị định 27/2012. Điều 8 của Nghị định cho biết thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện viên chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật. Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để làm rõ thêm thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật, nhưng không quá 04 tháng.

Về vấn đề ‘thời hiệu’, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thanh Tiệp giải thích ‘do thời gian nghỉ sinh con chưa đủ 12 tháng nên phải chờ kiểm điểm đúng quy định’.

Nếu chấp nhận viện dẫn đó của người đứng đầu ngành giáo dục, thì cần xem xét lại chuyện nhà chức trách Long An viện cớ ‘không có đơn tố cáo ông Thuận’, để bỏ qua việc xử lý trách nhiệm hình sự tội làm nhục một phụ nữ trong thời gian sinh con chưa đủ 12 tháng.

Khi một giáo viên phải cúi đầu nhẫn nhục trước bạo quyền, thì nếu có mức ‘án’ kỷ luật, xem ra ít nhất 2 vị phải bị kỷ luật trước tiên: Bí thư Tỉnh ủy Long An, về ‘tội’ lơ là trong bồi dưỡng đạo đức cho đội ngũ đảng viên ở tỉnh nhà. Người thứ hai là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ‘tội’ đã không bảo vệ được một nữ giáo viên vừa nghỉ hộ sản xong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét