Thứ Hai, 26 tháng 5, 2014

Bác bỏ Công hàm Phạm Văn Đồng?



Bác bỏ Công hàm Phạm Văn Đồng?
TƯ THẲNG FACEBOOK

Hôm qua 23/5, trong một cuộc họp báo mà Hà Nội nói là “họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông”, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia lên tiếng khẳng định “Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý về vấn đề chủ quyền với vùng biển đảo của Việt Nam.”
Đây là một dịp khẳng định muộn màng và hiếm hoi từ khi công hàm được một thủ tướng ký và nay do một phó trưởng ban…bác bỏ!
Nhưng trước  khi nói đến sự ra đời của Công Hàm Đồng 1958, cũng nên nhìn sang “bên kia biên giới là nhà”…coi có gì xảy ra trong ngày 4 tháng 9 năm 1958? Đó là bản Tuyên bố sau đây:

Tuyên Bố của Chính Phủ Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về Lãnh Hải
(Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường Trực Quốc Hội Nhân Dân ngày 4 tháng 9 năm 1958)
Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nay tuyên bố:
(1) Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm căn bản của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường căn bản của lãnh hải dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường căn bản là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường căn bản, kể cả vịnh Bohai và eo biển Giongzhou, là vùng nội hải của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường căn bản, kể cả đảo Dongyin, đảo Gaodeng, đảo Mazu, đảo Baiquan, đảo Niaoqin, đảo Ðại và Tiểu Jinmen, đảo Dadam, đảo Erdan, và đảo Dongdinh, là các đảo thuộc nội hải Trung Quốc.
(3) Nếu không có sự cho phép của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, tất cả máy bay ngoại quốc và tàu bè quân sự không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời bao trên hải phận này. Bất cứ tàu bè ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuyên thủ các luật lệ liên hệ của Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc
(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Ðài Loan và Penghu hiện còn bị cưỡng chiếm bởi Hoa Kỳ. Ðây là hành động bất hợp pháp vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Ðài Loan và Penghu đang chờ được chiếm lại. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc có quyền dùng mọi biện pháp thích ứng để lấy lại các phần đất này trong tương lai. Các nước ngoại quốc không nên xen vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Chỉ 10 ngày sau đó, ngày 14/9/1958, Thủ tướng VNDCCH  nhanh chóng ký một công hàm cấp chính phủ “Kính gửi Đồng chí Chu Ân Lai, Tổng lý Quốc vụ viện nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh”, nguyên văn như sau:

Thủ Tướng Phủ
Nước Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hoà
Thưa Đồng chí Tổng lý,
Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ:
Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 tháng 9 năm 1958, của Chính phủ nước Cộng Hoà Nhân dân Trung-hoa, quyết định về hải phận của Trung-quốc.
Chính phủ nước Việt-nam Dân Chủ Cộng Hoà tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung-quốc, trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung-hoa trên mặt bể.
Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng./.

Kính gửi:                       Hà-nội, ngày 14 tháng 9 năm 1958.
Đồng chí Chu Ân Lai                                           (Ấn ký)
Tổng lý Quốc vụ viện                                     PHẠM VĂN ĐỒNG
Nước Cộng hoà Nhân dân Trung-hoa              Thủ tướng Chính Phủ
 tại BẮC KINH                                         Nước Việt-nam Dân chủ Cộng Hòa

Lẽ đương nhiên, trước khi đặt bút ký công hàm phúc đáp, thủ tướng và các viên chức cao cấp trong chính phủ VNDCCH không thể không đọc và thấu hiểu Bản tuyên bố 4/9 muốn nói gì. Nhất là không thể không đọc thật kỷ Điều 1 là điều quan trọng nhất trong 4 điều.
Điều (1): “Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là 12 hải lý. Ðiều lệ này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.”

Người đứng đầu chính phủ và ban tham mưu của mình lúc ấy không thể không biết 2 quần đảo được Trung Hoa BAO GỒM và đề cập đến trong Điều 1 là:
Quần đảo Tây Sa (Xisha - tên tiếng Hoa) chính là Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) và Quần đảo Nam Sa (Nansha - tên tiếng Hoa) chính là Quần đảo Trường Sa (Spratly Islands) thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa!

Biết mà vẫn đặt bút ký “ghi nhận và tán thành” cũng như “có trách nhiệm triệt để tôn trọng” thì tránh sao khỏi Trung Quốc ngày nay đem giàn khoan ra đặt giữa Biển Đông và nói “giàn khoan HD 981 cách xa bờ biển Việt Nam 170 hải lý và chỉ cách các đảo của Trung Quốc 17 hải lý!”
Công Hàm Đồng quả là món quà trao đổi béo bở, là lý cớ mấu chốt mà Trung Quốc dùng để “khẳng định chủ quyền bất khả tranh cãi”; dù năm 2007 một thanh niên Việt Nam yêu nước tên ĐIẾU CÀY đã công khai gọi đó là “chủ quyền ngụy xưng” ngay trước thềm quốc hội cũ.

Ngày nay, Việt Nam không thể khơi khơi đưa một ông Phó trưởng ban Biên giới chính phủ ra “họp báo quốc tế” để gọi là “bác bỏ giá trị pháp lý của công thư Phạm Văn Đồng” trước công luận.
Mà chính quốc hội của CHXHCNVN, trong một phiên họp toàn thể, phải đồng thanh biểu quyết HỦY BỎ CÔNG HÀM PHẠM VĂN ĐỒNG 14/9/1958. Điều này thể hiện “quốc hội là cơ quan quyền lực nhất nước” chứ không phải là cơ quan trang điểm gật gù của chế độ.

Làm được điều đó, các lãnh đạo đảng và nhà nước khỏi tuyên bố ba lăng nhăng kiểu như “Không đánh đổi chủ quyền bằng hữu nghị viển vông”. Và nhất là khỏi cho tàu Cảnh sát biển chơi trò xịt nước hay ngồi đếm số tàu địch hôm nay bao nhiêu chiếc, loại gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét