Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013



CSVN sẽ đưa Ts. Nguyễn Quốc Quân ra tòa 22/1

Phạm Nhật Bình

Nhà giáo Nguyễn Quốc Quân bị công an CSVN bắt giữ khi ông vừa đến phi trường Tân Sơn Nhất ngày 17/4/2012 mà không có bất kỳ tang chứng hay lý do gì chính đáng. Ông Quân về như bao công dân nước khác đến Việt Nam. Công luận thế giới đồng loạt phản ứng về hành động phi pháp và vi phạm nhân quyền này của nhà cầm quyền CSVN.

Trong buổi tiếp xúc với đại diện Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ vào ngày 27/4/2012 tại trại giam Nguyễn Văn Cừ, ông Nguyễn Quốc Quân đã khẳng định không vi phạm bất kỳ luật lệ nào, dù là luật của nhà nước Việt Nam. Thật thế, hành lý của ông chỉ bao gồm các đồ dùng cá nhân và không hề chứa đựng bất kỳ vật liệu phi pháp gì. Tất cả số hành lý này đều đã đi qua hệ thống kiểm duyệt an ninh khi lên máy bay tại Hoa Kỳ.
Hôm 5/6/2012, hai thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đại diện tiểu bang California cũng đã viết thư gởi thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trả tự do cho Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân ngay lập tức. Trong bức thư, hai Thượng nghị sĩ Barbara Boxer và Dianne Feinstein viết: “Chúng tôi viết thư này yêu cầu ông đẩy mạnh việc thả ngay lập tức Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân, công dân Mỹ và cư dân California, bị bắt tại phi trường Tân Sơn Nhất ngày 17/4. Theo nhiều nguồn tin báo chí, ông Quân bị bắt và bị tố cáo tội khủng bố mặc dù ông đến Việt Nam thăm gia đình và nói chuyện với một số nhà hoạt động bất bạo động. Vụ bắt Tiến Sĩ Quân là một sự rắc rối, nhất là trong lúc Hoa Kỳ và Việt Nam gia tăng quan hệ song phương”.

Mười ngày sau khi bắt giữ tại phi trường, hôm 26/4 công an hùng hổ cáo buộc ông Nguyễn Quốc Quân tội danh “khủng bố” theo điều 84 Bộ luật hình sự với hy vọng gây sốc với chính giới quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nhưng bằng chứng duy nhất họ đưa ra là chiếc máy vi tính laptop hầu như trống rỗng mà ông Quân mang theo người. Bên cạnh đó là những suy diễn vu vơ. Trong thâm tâm, họ tin tưởng và hy vọng sẽ đánh trúng tần số “thù khủng bố” của chính quyền và nhân dân Mỹ! Nhưng họ không ngờ phía Hoa Kỳ không những thách thức họ đưa ra bằng chứng mà còn đưa vụ việc lên đến cấp cao nhất của Bộ Ngoại Giao Mỹ.

Về mặt tang chứng, Hà Nội biết họ không còn có thể đẻ ra loại bằng cớ ngụy tạo làm trò cười cho cả thế giới như hồi 2008. Trong lần ông Quân và các chiến hữu của ông bị bắt năm đó, công an ráng nhét một khẩu súng lục và 13 viên đạn vào hành lý của 2 vợ chồng Việt kiều lớn tuổi rồi tung lên mặt báo rằng họ đem về cho Việt Tân. Họ quên rằng phi trường Los Angeles có máy móc và nhân sự kiểm tra an ninh cao gấp chục lần họ và loại chứng cớ này chỉ cho cả thế giới biết công an CSVN vừa nhét vào ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất. Thế là chế độ lẳng lặng đẩy 2 vợ chồng nạn nhân nói trên về nước.

Quá bí về tang chứng và trước sức ép của thế giới, hôm 31/8/2012, nhà cầm quyền CSVN đành đổi cáo buộc ông từ tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo điều 84, sang tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo khoản 1, điều 79 Bộ luật Hình sự, và gia hạn giam giữ Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân thêm 4 tháng nữa để "tiếp tục điều tra".

Khi bản cáo trạng lọt ra đến công chúng gần đây - tức giai đoạn điều tra đã xong và chờ ngày ra tòa - mọi người lại càng ngạc nhiên về sự trống rỗng của kết quả điều tra và sự vô lý của việc giữ ông Quân 8 tháng trời. Bản cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, đề ngày 11/10/2012 đối với Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân viết rằng ông Quân “mang theo nhiều tài liệu có nội dung chống phá Nhà nước CHXHCNVN". Nhưng đến phần tang vật thì lại chỉ liệt kê: "tài liệu về nội dung đấu tranh bất bạo động, đảng cương Việt Tân, tài liệu về giảng dạy kỹ năng mềm”. Đây quả thật là những câu chữ mơ hồ và mâu thuẫn chỉ có thể có trong một bản cáo trạng của một quốc gia mà luật pháp như trò chơi trong tay một đảng độc tài.

Về các hoạt động mà bản cáo trạng cho là phạm pháp để truy tố ông Quân thì bao gồm: những hoạt động thuộc về “giảng dạy kỹ năng mềm" tại Thái Lan và tại Việt Nam cho một số người như “cho các học viên xem phim đấu tranh bất bạo động ở một số nước”, “hướng dẫn cách bảo mật thông tin khi liên lạc”. Cáo trạng cũng buộc tội ông Quân là "thăm dò tình hình Việt Nam, phản ứng của người dân trước các cuộc biểu tình". Và chỉ có thế là hết.

Nhưng trên cơ sở tang vật và hoạt động đó, bản cáo trạng lại khẳng định Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân "thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm". Khẳng định này càng quái dị trong thời đại mà thông tin mạng bùng nổ như một cuộc cách mạng cởi trói tư tưởng con người. Bản cáo trạng cũng viết rằng: "Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Quốc Quân đã khai nhận hành vi phạm tội của mình." Công luận Việt Nam và thế giới đã quá nhàm với những câu này vì đã thấy công an dùng trò này với quá nhiều người, đặc biệt là các nhà dân chủ. Thật vậy, các dữ kiện từ phía sứ quán Hoa Kỳ sau các lần thăm viếng ông Quân trong tù và từ gia đình ông Quân đều hoàn toàn ngược lại. Cho đến nay, ông Quân đã tuyệt thực 3 đợt để đấu tranh trong tù, phản đối các vi phạm nhân quyền và thủ tục tố tụng của công an CSVN.

Rộng hơn nữa, rõ ràng những tài liệu mang nội dung đấu tranh bất bạo động và những hoạt động quảng bá kỹ năng mềm, kiến thức dùng mạng nêu trên của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân hoàn toàn nằm trong các quyền căn bản của con người được ghi rõ trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự Chính Trị mà chính nhà cầm quyền Việt Nam đã ký và cam kết tôn trọng. Mọi người Việt Nam ngày nay đều có quyền làm những việc bình thường ấy vì nó không đi ngược lại lợi ích của bất cứ ai ngoài những chế độ đang chà đạp nhân quyền. Các quyền ấy ngày nay không những được chính quyền Hoa Kỳ tôn trọng mà còn ra sức thúc đẩy các quốc gia khác trên khắp thế giới phải tôn trọng. Vậy không vì lý do gì mà Việt Nam, một quốc gia đang mong muốn cải thiện bộ mặt của mình bằng cách ứng cử vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, lại ngang nhiên đi ngược lại xu thế chung của thời đại.

Công luận và chính phủ Mỹ càng quan tâm hơn đến trường hợp ông Quân khi Giáo sư Linda Malone, một luật sư nổi tiếng đã bào chữa cho các nhà đấu tranh nhân quyền tại các quốc gia độc tài, đứng ra làm cố vấn pháp lý cho ông Quân. Bà Linda Malone là giáo sư tại trường luật William & Mary Law School đồng thời là Giám đốc sáng lập Trung Tâm Luật Pháp về An Toàn Con Người.

Trả lời một cuộc phỏng vấn, Bà Linda Malone cho biết “Thoạt đầu, Trung tâm Nhân quyền thuộc Hiệp Hội Luật sư Hoa Kỳ liên lạc với tôi về trường hợp của Tiến sĩ Quân. Nghiên cứu các khía cạnh của vụ án, tôi thấy rõ ràng có sự vi phạm nhân quyền trong cách thức và lý do ông bị bắt, cách thức ông bị giam cầm và bị khước từ quyền được có người đại diện pháp lý. Cho nên, tôi quyết định làm những gì mình có thể để mang lại sự tự do cho ông và các cáo trạng nhắm vào ông phải bị hủy bỏ.”

Bà Malone khẳng định "Tiến sĩ Quân đã bị bắt giữ một cách tùy tiện trong thời gian bảy tháng mà không có bất cứ một phiên tòa xét xử nào. Là một công dân Hoa Kỳ đấu tranh cho cải cách dân chủ một cách ôn hòa tại quê hương của ông, và xét từ những đòi hỏi căn bản nhất về luật nhân quyền, ông có quyền được cứu xét nhanh chóng, đầy đủ và công bằng để thẩm định việc tiếp tục bị giam cầm có hợp pháp không”.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đích thân Ngoại trưởng Hillary Clinton cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong các chuyến viếng thăm Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân. Trong tình hình hiện nay, cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều mong muốn tăng cường quan hệ thương mại và quốc phòng với nhau. Nhưng đòi hỏi của Mỹ bao giờ cũng là Hà Nội trước hết cần phải cải thiện nhân quyền, một điều mà lâu nay Hà Nội vẫn có gắng luồn lách lẩn tránh.

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam trong nhiều năm qua chẳng những không được cải thiện mà còn có những diễn biến xấu hơn khiến cuộc đối thoại hàng năm về nhân quyền giữa hai nước đã bị hành pháp Mỹ hoãn vô thời hạn. Lý do là Hoa kỳ vẫn tiếp tục xem tình trạng nhân quyền tồi tệ ở Việt Nam là hòn đá tảng ngăn trở các mặt quan hệ khác, kể cả các loại viện trợ và giao thương. Các chế độ độc tài ngày nay không thể vừa ngữa tay nhận tiền viện trợ, vừa dùng chính đồng tiền đó để đàn áp nhân dân mình!

Việt Nam trong tư cách là thành viên của Liên Hiệp Quốc từ 1977 đã ký và cam kết tôn trọng những Công ước Quốc tế của Liên Hiệp Quốc đưa ra, nhưng mặt khác luôn tìm cách chà đạp những gì họ cam kết tôn trọng ngay trước mắt mọi người. Đã đến lúc thế giới không thể làm ngơ trước những gì xảy ra hàng ngày tại Việt Nam như một thách thức ngang ngược nhất của một chế độ coi nhân quyền là kẻ thù.

Kết quả là sau khi ra nhiều đòn phép như sửa đổi tội danh, bịa đặt, vu cáo đủ điều, nhà cầm quyền CSVN vẫn trơ ra trước mắt công luận và chính giới quốc tế là một chế độ độc tài càng vào những ngày tháng cuối càng hốt hoảng và hung bạo. Nhiều chính phủ đang chuẩn bị các phản ứng cần thiết đối với Hà Nội ngay sau phiên tòa ngày 22/1/2013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét