Thứ Ba, 24 tháng 9, 2019

16355 - Mỹ đã tiêu diệt Đại tướng Yamamoto như thế nào?





23 giờ ngày 13 tháng 4 năm 1943. Phòng Tình báo Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương trình lên Đô đốc Chester Nimitz bức điện của quân đội Nhật họ vừa giải mã được. Bức điện có nội dung: “Kế hoạch công tác ngày 18 tháng 4 của Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Yamamoto: 8h đáp máy bay từ Rabaul đến Bougainville, có 6 máy bay chiến đấu hộ tống; 10h đến nơi, đi tiếp tầu ngầm đến Shortland; 11h30 đến nơi; …
Mắt Nimitz sáng lên như khi thợ săn thấy con mồi: như vậy nghĩa là Isoroku Yamamoto[1] sẽ đi vào vùng bán kính tác chiến của máy bay Mỹ cất cánh từ đảo Guadalcanal![2] Một dịp may trời cho để khử hắn – viên đại tướng nổi tiếng nhất nước Nhật, uy danh chỉ sau có Nhật Hoàng. Do thể hiện tài chỉ huy cao siêu trong việc lập kế hoạch và chỉ huy trận tập kích Trân Châu Cảng, Yamamoto được cả nước Nhật sùng bái. Nếu khử được hắn thì sẽ làm nhụt tinh thần chiến đấu của địch…
Nhưng vì Yamamoto quá quan trọng nên việc hạ sát hắn còn liên quan tới các yếu tố chính trị. Việc này tất phải xin ý kiến của Tổng thống – Nimitz nghĩ.
Bức điện của Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương Nimitz tới tay Tổng thống Franklin Roosevelt khi ông đang họp với Bộ trưởng Hải quân Frank Knox và Đô đốc Ernest King, Trưởng ban Tác chiến Hải quân.
Nghe báo cáo xong Roosvelt vẫn còn do dự, vì ông biết ở phương Tây có một cái lệ bất thành văn mang màu sắc hiệp sĩ: trong chiến tranh không được ám sát nguyên thủ hoặc thống soái nước đối địch. Thực ra trong Thế chiến II, Đức và Anh đều đã bỏ lệ ấy, nhưng Mỹ vẫn kiên trì.
Đô đốc King vội nói: “Lần này Isoroku Yamamoto tự dẫn xác ra mặt trận, mà ở mặt trận thì đại tướng cũng chẳng khác gì binh nhì! Hắn lại là kẻ không tôn trọng luật quốc tế, từng chủ mưu vụ đánh trộm Trân Châu Cảng khi chưa tuyên chiến, do đó từ lâu hắn đã tự đánh mất sự bảo vệ của luật quốc tế; hắn có sống đến ngày hết chiến tranh thì cũng không thoát khỏi bị toà án tử hình!”
Bộ trưởng Hải quân Knox cũng đồng ý với ý kiến trên sau khi gọi điện tham khảo quan điểm của Cha Tuyên uý quân đội.
Thế là Roosevelt hạ quyết tâm: khử Yamamoto, nhưng phải làm sao cho người ngoài thấy việc này hoàn toàn chỉ là ngẫu nhiên!
Ngày 15, Đô đốc Nimitz hạ lệnh cho Thiếu tướng Mitchell Chỉ huy không quân trên quần đảo Solomon triển khai tác chiến, yêu cầu bằng mọi giá phải diệt được Yamamoto, nhưng phải tạo ra ấn tượng là hắn tình cờ gặp máy bay Mỹ, tránh để lộ việc Mỹ biết mật mã của Nhật.
Nimitz chọn biên đội 339 trang bị máy bay chiến đấu P-38 Tia Chớp đang ở trên đảo Guadalcanal để thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Đây là loại máy bay hai động cơ, tốc độ tối đa 732km/h, tầm bay xa 3600 km, trang bị một pháo 20 ly và 4 súng máy 12,7 ly, hơn hẳn loại máy bay tiêm kích kiểu “Zero” tốt nhất của Nhật.
Thiếu tướng Mitchell lập tức cùng thiếu tá John W. Mitchell và trung uý Rex Barber trong biên đội 339 bàn các phương án tác chiến. Phương án tấn công vào lúc Yamamoto đáp tầu ngầm trên đường đi Shortland bị bác bỏ, vì lý do Nhật có nhiều tầu ngầm, khó mà biết Yamamoto đi tầu nào; vả lại nếu tầu chìm thì hắn vẫn có thể thoát chết.
Cuối cùng mọi người quyết định bắn rơi máy bay chở Yamamoto; song vì quãng đường bay của địch rất dài, Mỹ phải nắm chính xác địa điểm và thời điểm công kích, tốc độ của máy bay Mỹ và địch, phải có kỹ xảo bay cực giỏi. Rất may là Yamamoto có thói quen đúng giờ, cho nên Mỹ không lo lỡ thời cơ.
Michell phân tích: “Theo dự báo, thời tiết ngày mai tốt; đường bay từ Rabaul đến sân bay trên đảo Bougainville dài 563 km, tốc độ máy bay Nhật khoảng 290 km/h. Nếu mọi việc thuận lợi thì ta sẽ gặp địch ở Bougainville. Chúng sẽ bay ở độ cao dưới 3000 m vì đây là độ cao dễ chịu, và chúng sẽ hạ cánh từ phía Tây vì như vậy đường bay ngắn nhất. Khi gần đến vùng trời gặp địch, ta phải bay cao hơn chúng và bay thẳng đến sân bay, công kích vào lúc máy bay chở Yamamoto sắp hạ cánh.”
Kế hoạch của thiếu tá Michell được tất cả đồng ý, cuối cùng được Đô đốc Tư lệnh Nimitz duyệt. Michell chọn 18 phi công giỏi, phân công trung uý Thomas G. Lanphier dẫn đầu 6 máy bay tổ công kích, có nhiệm vụ bắn hạ máy bay chở Yamamoto; Michell chỉ huy 12 máy bay yểm hộ, từ trên cao ngăn chặn máy bay hộ tống của địch. Sau đó Michell phổ biến phương án tác chiến: để tránh bị ra đa địch phát hiện, không những ta phải bay thấp cách mặt biển khoảng 10 m mà còn phải bay vòng; trước tiên bay 55 phút với góc 265 độ trên quãng đường 294 km, sau đó bay 27 phút với góc 290 độ trên cự ly 141 km, cuối cùng bay 38 phút với góc 305 độ, quãng đường 192 km; như vậy tổng cộng bay mất 2 giờ, tổng hành trình 627 km. Trong thời gian bay cấm dùng vô tuyến điện liên lạc.
7h30 sáng Chủ nhật 18 tháng 4, phi đội của Michell cất cánh. Do mang thùng dầu phụ và nhiều đạn nên các máy bay đều quá nặng; 1 chiếc bị trục trặc không thể cất cánh, 1 chiếc khác thùng dầu phụ có vấn đề, phải quay lại hạ cánh. Michell dùng tay ra hiệu cho 2 máy bay tổ yểm hộ bổ sung vào tổ công kích.
Tại sân bay của Nhật ở Rabaul sáng hôm đó, đúng giờ hai máy bay ném bom hạng trung kiểu Mitsubishi G4M Betty mang số hiệu 1 và 2 chở đoàn của Yamamoto cất cánh trước, rồi đến 6 máy bay chiến đấu kiểu Mitsubishi A6M Zerobay theo đội hình 3-3 yểm hộ hai bên. Sau 90 phút bay ở độ cao 2000 m, cả đoàn đến bờ Tây đảo Bougainville, chuẩn bị hạ cánh. Bỗng một máy bay hộ tống phát hiện phía sau có nhiều chiếc P-38 của Mỹ từ trên cao 500 m bay tới. 6 chiếc hộ tống vội vọt lên quần nhau với máy bay Mỹ. Hai chiếc máy bay lớn hạ độ cao tìm đường tẩu thoát, nhưng vẫn bị tổ công kích của Lanphier bám riết.
Lúc này các máy bay hộ tống của Nhật mới biết là bị mắc lừa, 3 chiếc vội lao xuống cứu nhưng đã quá muộn. Máy bay số 1 chở Yamamoto trúng đạn, bốc cháy rồi rơi xuống cánh rừng. Chiếc số 2 vòng ra biển nhưng cũng không thoát. Máy bay Nhật trên đảo Rabaul vội cất cánh đánh trả. Michell không ham đánh mà quyết định cho phi đội trở về căn cứ. Khi đến sân bay trên đảo Guadalcanal, máy bay của Lanphier hết nhẵn dầu phải hạ cánh theo kiểu tàu lượn.
Từ sân bay Guadalcanal, một bức điện gửi đến Bộ Tư lệnh Nam Thái Bình Dương: “9h30 sáng nay, phi đội P-38 do Michel chỉ huy đến vùng trời đảo Bougainville, bắn rơi 2 máy bay ném bom và 3 máy bay chiến đấu hộ tống. Một chiếc P-38 không trở về căn cứ.”
Chiến thắng này có công lớn của hải quân New Zealand, một đồng minh của Mỹ, vì họ đã cung cấp cho Mỹ cuốn sổ mật mã lấy được trên chiếc tầu ngầm Nhật vừa bị họ bắn chìm mấy tuần trước. Nhờ thế tình báo Mỹ giải mã được các bức điện mật của quân đội Nhật.
Chiến công diệt Yamamoto diễn ra đúng vào ngày 18 tháng 4, ngày mà trước đó một năm (1942) phi đội máy bay B-25 của trung tá Doolittle cất cánh từ tàu sân bay đột nhập ném bom Tokyo, làm rung chuyển cả nước Nhật. Từ đó, 18 tháng 4 trở thành ngày hội của không quân Mỹ.
Vì phía Nhật giữ bí mật tin Yamamoto tử trận nên phía Mỹ không thể chính thức xác nhận hắn đã chết hay chưa. Trong sổ theo dõi chiến sự của Hạm đội Thái Bình Dương hôm ấy chỉ ghi: “Hôm nay Tổng Tư lệnh Hạm đội Liên hợp Nhật có lẽ đã bị máy bay chiến đấu P-38 của ta hạ sát trên vùng trời Bougainville.”
Chiều ngày 18, đơn vị quân đội Nhật ở Rabaul điện về Bộ Hải quân ở Tokyo báo tin Yamamoto tử trận. Ngày 20 chúng tìm thấy xác chiếc máy bay số 1 cùng 11 tử thi. Yamamoto chết ở tư thế ngồi, mặc quân phục màu xanh cỏ, tay đi găng trắng, tay trái nắm đốc kiếm, đầu trần; hắn trúng đạn chết trước khi máy bay rơi. Trong túi áo Yamamoto có một cuốn sổ đẹp chép nhiều thi ca của Thiên Hoàng Minh Trị và Hoàng Thái hậu.
Một tầu vớt ngư lôi chở các xác chết về căn cứ rồi hoả táng. Các hộp tro xác được một thiết giáp hạm chở về Nhật. Mãi đến ngày 20 tháng 5, vợ Yamamoto mới được báo tin chồng tử trận.
Hôm sau, hộp tro xác Yamamoto về đến Tokyo, Đại Bản doanh Quân đội Nhật công bố bản tin: “Tổng Tư lệnh Hạm đội Liên hợp, Đại tướng Hải quân Isoroku Yamamoto tháng 4 năm nay trong khi chỉ huy chiến đấu trên máy bay tác chiến với địch, đã không may hy sinh oanh liệt.”
Cả nước Nhật đau buồn và hoang mang lo sợ. Yamamoto được truy tặng danh hiệu người có công trạng lớn, huân chương quân công hạng nhất và danh hiệu nguyên soái, được mai táng theo nghi thức quốc tang.
Về phía Mỹ, trung uý Lanphier được thăng cấp thượng uý trước thời hạn, được tặng huân chương Vinh dự tối cao; nhưng vì để giữ bí mật, anh phải về nước ngay. Đồng đội của anh cũng không được phép nói họ đã bắn hạ máy bay chở ai.
Năm 1949, khi Lanphier thay mặt không quân Mỹ dự cuộc thi bay vòng trái đất do Hội Hàng không Quốc tế tổ chức, anh đến Tokyo và nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của người Nhật, trong đó có vợ goá của Yamamoto. Bà chúc mừng Lanphier lập kỷ lục mới và tỏ lời cảm ơn nước Mỹ đã khảng khái viện trợ Nhật hàn gắn vết thương chiến tranh. Vì phải giữ bí mật về trận phục kích Yamamoto nên Lanphier rất xấu hổ khi gặp vợ goá của kẻ đã bị mình hạ sát. Mãi cho đến cuối thập niên 1960, khi được phép công khai bí mật nói trên, Lanphier viết bài “Tôi bắn hạ máy bay chở Yamamoto” đăng trên tạp chí Reader’s Digest.
Chiến công oanh liệt phải giấu kín một phần tư thế kỷ giờ đây mới được mọi người biết. Cho tới ngày nay, xác chiếc máy bay chở Yamamoto vẫn để nguyên ở chỗ cũ và trở thành địa điểm tham quan du lịch nổi tiếng trên đảo Bougainville Nam Thái Bình Dương. Cánh bên trái chiếc máy bay này về sau bị cắt ra mang về đặt tại Bảo tàng gia đình Yamamoto ở Nagaoka, Nhật Bản.
Tuy vậy, do sự kiện trên bị giấu kín nhiều năm nên mãi sau này người ta mới biết viên phi công bắn hạ Yamamoto thực ra là trung uý Rex T. Barber đồng đội của Thomas G. Lanphier, Jr. Cả hai đều có công bám theo chiếc máy bay chở Yamamoto nhưng Barber mới là người nổ súng bắn hạ chiếc máy bay này. Có điều khi về căn cứ, Lanphier là chỉ huy tổ công kích đã lập tức điện về bộ chỉ huy báo tin: “Tôi bắn hạ Yamamoto” (I got Yamamoto) nên ban chỉ huy ai cũng cho là anh lập công. Ngay hôm đó các phi công tổ công kích đều nghi ngờ kết luận này. Nhưng chuyện tranh luận ấy buộc phải gác lại vì cấp trên đã ra lệnh phải giữ tuyệt đối bí mật về chiến dịch. Rất nhiều năm về sau, một phi công Nhật lái máy bay Zero hộ tống đoàn Yamamoto cũng phát biểu là máy bay của Lanphier không bắn rơi máy bay số 1 của Nhật. Đáng tiếc là trong chiến tranh, những chuyện nhầm lẫn tương tự từng xảy ra không ít lần./.
——————
[1] Isoroku Yamamoto, 1884-1943, Đô đốc đại tướng hải quân Nhật, Tổng chỉ huy Hạm đội Liên hợp Nhật.
[2] Rabaul, Bougainville, Guadalcanal là 3 hòn đảo gần nhau nằm trong vùng có vĩ độ Nam 50-100, kinh độ Đông 1500-1650, gần Papua New Guinea và châu Úc. Năm 1942 Nhật chiếm mấy đảo này. Tháng 2/1943 Mỹ chiếm lại Guadalcanal, đảo lớn nhất thuộc quần đảo Solomon, rồi từ đây phản công đánh đuổi quân Nhật, tiến tới chiếm nước Nhật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét