Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

16460 - Nghĩa trang niềm tin ở Hạ Đình



Nỗi sợ từ vụ hỏa hoạn độc hại ở Nhà máy Rạng Đông vẫn đeo bám người dân Hạ Đình. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.


7 giờ tối, ngày 28 tháng Tám năm 2019.
Ông Nguyễn Tuấn Minh, 67 tuổi, một nhà báo đã về hưu, đang đứng dưới chân tòa nhà màu vàng A2 của Chung cư 54. Cách nơi ông đứng chỉ 50 mét, kho xưởng của nhà máy Rạng Đông – nơi sản xuất bóng đèn và phích nước – đang bốc cháy rừng rực. Gió thổi mạnh làm ngọn lửa bùng lên cao xấp xỉ chiều cao của một tòa nhà bốn tầng.
Xung quanh ông Minh là nhiều người già, phụ nữ và trẻ em. Còn những người đàn ông sống ở chung cư đang tất tả kéo vòi nước xịt về phía ngọn lửa. Trong bộ áo thun và quần cộc, họ hy vọng ngọn lửa không liếm qua bờ tường rồi thiêu cháy khu dân cư. Những hộ dân có nhà sát với bờ tường của nhà máy nhốn nháo chuyển đồ đạc ra ngoài đường trong tiếng còi inh ỏi của những chiếc xe cứu hỏa và xe cứu thương.
Cũng trong lúc đó, bà Phạm Thị Nga, 68 tuổi, bán trà đá đối diện với căn nhà cấp bốn của mình chỉ cách đám cháy chỉ 30 mét, vừa thức giấc vì điện bị cúp.
Chị Trần Ngọc Thanh, 36 tuổi, nhân viên văn phòng, sống ở tầng 14 (đã đổi số tầng) của Chung cư 143 liền kề với Chung cư 54, đang công tác ở Campuchia thì được chồng gọi điện để báo tin về vụ cháy.
Ông Trần Minh Thịnh, phó giám đốc của một tổ chức phi chính phủ về môi trường, vẫn đang nằm ngủ trong phòng trên tầng hai nhà mình tại ngõ 320 thuộc phố Khương Đình, cách nhà máy Rạng Đông và trường Tiểu học Khương Đình khoảng 200 mét.
Xa hơn nữa, ở một ngách nhỏ của ngõ 460 thuộc phố Khương Đình, cách đám cháy khoảng 500 mét, anh Nguyễn Thanh Phong, 32 tuổi, một người nghiên cứu về triết học phương Đôngđang chơi cùng con trai hai tuổi của mình thì vợ anh đang tưới rau trên tầng hai phát hiện đám cháy.
(Vì lý do an toàn, tên của các nhân vật đã được thay đổi).
Đám cháy đã vượt ra khỏi tầm mắt của ông Minh. Cả kho xưởng của nhà máy này rộng chừng 6.000 mét vuông, bằng 85% diện tích của sân bóng đá Mỹ Đình, bị nhấn chìm trong một biển lửa hung hãn. Đám cháy đánh dấu vị trí của nó bằng một cột khói đen khổng lồ bốc thẳng lên trời. Gió cuốn cột khói đen đó đi xa hàng cây số rồi hòa vào bầu không khí đã quá ô nhiễm của Hà Nội. Trong cột khói đen đó có chứa thủy ngân bị đốt cháy mà cho đến nay lượng thủy ngân đã hòa với không khí đó chỉ là xác nhận một chiều từ nhà máy Rạng Đông.
Cả năm người họ chỉ là một trong những hàng chục nghìn người đang sống trong khu vực của các nhà máy cao-xà-lá (cao su, xà phòng và thuốc lá) và nhà máy sản xuất bóng đèn và phích nước Rạng Đông tại quận Thanh Xuân. Các nhà máy này được xây dựng trong những năm 1950 và 1960 khi thủ đô muốn đưa người dân sớm đến với thiên đường xã hội chủ nghĩa bằng nền kinh tế bao cấp. Đến nay những nhà máy này vẫn đều đặn nhả khói vào bầu trời Hà Nội.
Đối với chính quyền, vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông có lẽ đã khép lại sau buổi họp báo ngày 17/9 với khẳng định hàm lượng thủy ngân trong không khí dưới ngưỡng cho phép. Nhưng đối với người dân Hạ Đình thì nỗi lo về sức khỏe vẫn là nỗi ám ảnh hằng ngày.
Sau đêm hỏa hoạn, cả năm nhân vật trong bài viết này đều có những lựa chọn khác nhau. Có người lựa chọn ở lại ngôi nhà của mình. Có người đã tạm thời chuyển đi đến nay vẫn chưa về. Có người chuẩn bị dọn đến ở chỗ mới để lánh nạn trong ít nhất một năm.


Một khu chung cư đìu hiu gần nhà máy Rạng Đông, đầu tháng 9/2019. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+

Đường đến Rạng Đông

Nếu bạn muốn đến nhà máy Rạng Đông từ Hồ Gươm nườm nượp du khách thì chỉ cần đi ra khoảng bảy cây số về hướng quận Thanh Xuân. Trên đường đi, bạn sẽ cảm thấy bị nuốt chửng vào dòng xe cộ đông đúc, ồn ào và đầy khói bụi. Xung quanh bạn là những ngôi nhà cao tầng, có đoạn những ngôi nhà này chỉ cách mặt đường hơn một mét, tận dụng tối đa diện tích mặt tiền để mua bán đủ thứ hỗn tạp. Trên đường đến nhà máy Rạng Đông, bạn sẽ đi qua “thành phố Hoàng Gia” (Royal City) của tập đoàn Vingroup, nơi có cổng chào cao lớn như Khải Hoàn Môn ở Paris cùng với những tòa chung cư khổng lồ như muốn chọc thủng bầu trời Hà Nội để tìm chút không khí trong lành.
Chỉ cần đi thêm một cây số nữa thôi, bạn sẽ thấy hàng nghìn sinh viên đang ra vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Từ công trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hãy tìm chiếc cầu vượt cho người đi bộ để sang phía bên kia đường.
Vậy là bạn vừa vượt qua một quãng đường chật hẹp, đông đúc và đầy khói bụi. Nếu bạn đi xe máy, hãy phủi bụi trên chiếc áo đang mặc và thay chiếc khẩu trang đang mang bằng một chiếc mới.
Bây giờ, có lẽ bạn đang đứng cạnh trung tâm thương mại và căn hộ hạng sang Gold Tower với bốn tòa nhà cao 33 tầng đang thi công dang dở. Hãy đi thêm khoảng 150 mét nữa. Từ chỗ đó, hãy bằng qua những cửa hàng bán giày thể thao rẻ tiền cho sinh viên, khi thấy bảng hiệu Giày Thượng Đình, một hãng giày có từ thời bao cấp, hãy rẽ trái để vào phố Hạ Đình. Nhưng hãy cẩn thận, vỉa hè ở đây rất nhỏ, chưa đến một mét chiều ngang, chỉ cần đưa tay là bạn có thể chạm tới hàng hóa trong các cửa hàng. Người ta phải mở con đường này ra hết cỡ để những chiếc xe tải có thể ra vào nhà máy sản xuất phích nước và bóng đèn Rạng Đông. Cũng chính con đường này, những chiếc xe cứu hỏa, cứu thương, phóng viên đã ra vào liên tục trong đêm xảy ra hỏa hoạn.
Nhà máy Rạng Đông ở ngay trước mắt bạn. Hãy đi thêm một đoạn nữa, nhớ tránh những chiếc xe tải ben to tướng, thùng xe được phủ một tấm bạt màu xanh kín mít, nặng nề đưa dần đống phế liệu ra khỏi khu nhà xưởng đã hoang tàn của nhà máy. Đó là buổi chiều của ngày thứ 22 sau đêm hỏa hoạn. Các quán ăn, hàng trà đá, hàng thịt sống, hàng rau, tiệm giặt ủi, cửa hàng thuốc tây, tiệm cắt tóc, v.v. dường như đã hoạt động trở lại nhưng lộ rõ vẻ đìu hiu, trầm lặng. Trong các cửa hàng đối diện với nhà máy, một số người vẫn cẩn trọng mang khẩu trang.
Phía bên kia đường là cổng chính của nhà máy Rạng Đông, vẫn mang dáng dấp cũ kỹ của một nhà máy thời bao cấp. Trên vỉa hè rộng rãi trước mặt tiền của nhà máy, dăm ba người đàn ông chăm chú rít thuốc lá bên cốc trà đá vẫn xôn xao nói về vụ cháy. Ngó xung quanh, bạn cảm thấy bầu không khí lộ rõ vẻ nặng nề. Nỗi hoang mang và sự bất lực phảng phất khuôn mặt của những người xung quanh. Các cửa hàng vắng khách hẳn.
Hãy đi thêm 30 bước nữa, rồi nhìn sang bên trái, bạn sẽ thấy một một hàng bán thịt sống và rau xanh, bên cạnh đó có một lối đi rộng khoảng năm mét được một vài người mặc quân phục đang canh giữ. Nhìn sâu vào bên trong ngõ này, những chiếc xe cẩu nặng nề đang phanh xác nhà máy đã cháy đen, rồi nhấc từng chút phế liệu đặt lên những chiếc xe ben cũng nặng nề không kém. Cả kho xưởng này đã trở thành một bình địa như vừa trải qua một vụ động đất cực mạnh. Tôn, gạch, khung thép chống đỡ nhà máy, máy móc sản xuất đã không còn hình dạng ban đầu nữa. Tan hoang và điêu tàn. Đây cũng chính cung đường mà tôi đã đến nhà máy Rạng Đông.


Khu vực xung quanh nhà máy Rạng Đông ngày 30/8/2019. Ảnh: Dân Trí.

Đi hay ở

Đi tiếp về những căn nhà đang đóng cửa im ỉm về hướng hồ Hạ Đình, lác đác vài học sinh tiểu học mang khẩu trang có than hoạt tính đùa giỡn trên đường về nhà.
Phía bên phải của bạn là hàng trà đá của bà Phạm Thị Nga. Cái hàng trà đá bé tí teo của bà đã mất hơn 70% lượng khách sau đêm hỏa hoạn. Kho xưởng đã cháy đen của nhà máy Rạng Đông chỉ cách chỗ bà đang ngồi khoảng 40 mét. Phía bên kia đường, bà Nga sống một mình trong ngôi nhà có mặt tiền khoảng hai mét nhưng nở hậu nên khá rộng rãi. Bà sống một mình và cũng bán trà đá một mình. Hàng ngày, bà thức dậy lúc bốn giờ sáng để mở hàng rồi dọn hàng vào lúc năm giờ chiều. Từng là một y tế thời bao cấp, bà nghỉ việc vì lương quá thấp, chuyển sang buôn gánh bán bưng rồi kinh qua đủ thứ nghề.
Nhấp một ngụm trà đá, tôi lo lắng thay cho bà Nga vì biết bà đã bán hàng trở lại một tuần sau vụ cháy:
– Bà không sợ độc từ vụ cháy ở Rạng Đông à?
Bà Nga đặt ống điếu hút thuốc lào đang được quấn dở bằng băng keo trong, rồi đáp:
– Giờ có biết độc hay không độc đâu. Người xung quanh đây dọn đi còn chưa quay về. Người ta nói tuổi tôi “thất thập cổ lai hy” rồi (tuổi 70 xưa nay hiếm), còn sợ gì nữa.
Bà Nga đã định cư ở đây hơn 30 năm, từ hồi cái hồ Hạ Đình còn đầy lau sậy. Khi đó, khu vực này là khu tập thể của quân đội, đất của bà ban đầu là một khoảnh rộng rồi sau đó bị cắt dần. Bốn đứa con gái và một đứa con trai đều có cuộc sống riêng. Bà sống một mình trong căn nhà phía bên kia đường cùng với căn bệnh đái tháo đường. Bà có thói quen bật đèn sáng trong lúc ngủ nên khi cháy kho xưởng của nhà máy Rạng Đông thì bà mới thức giấc vì cúp điện. Mở cửa ra ngoài, bà thấy một cảnh nhốn nháo, người ta dùng bàn ghế của bà để chặn xe vào phố Hạ Đình. Sau đêm hỏa hoạn, một trong bốn cô con gái đưa bà về nhà cô để tạm lánh, nhưng bà chỉ ở được một tuần rồi lại trở về Hạ Đình.
Đặt cốc trà đá xuống bàn, tôi nói tiếp:
– Thế sao bà không tiếp tục ở lại chỗ con gái cho an toàn?
Bà đáp với vẻ mặt hơi buồn:
– Tụi nó bận cả, đi làm cả ngày. Cháu ngoại cũng không nói chuyện với mình, nó chỉ xem TV. Mình không có ai để nói chuyện.
Thấy bà có vẻ hơi xúc động, tôi liền chuyển chủ đề:
– Thế chính quyền có mời bà đi họp để thông báo về ô nhiễm ở đây không?
Nhìn thẳng vào mắt tôi rồi bà nói to:
– Có thấy ai đâu. Chẳng có chính quyền nào nói năng gì.
– Thế còn nhà máy Rạng Đông?
– Chẳng thấy. Mấy người dân đến vây nhà máy Rạng Đông thế mà nó còn không ra tiếp.
Rồi bà nói tiếp bằng giọng châm biếm:
– Mấy hộ đối diện với đám cháy được phường tặng 500 nghìn đồng, chai nước nhỏ mắt, phích nước và bóng đèn. Xời, thì mình dư biết là tiền của thằng Rạng Đông.
Đối với một người thân kề miệng lỗ và có tính khí giang hồ như bà Nga thì dù có xảy ra chuyện gì thì bà cũng không muốn rời ngôi nhà của mình quá lâu. Bà thích sống một mình. Vả lại, bà còn phải bán trà đá để mà có cái ăn.
Cũng vào lúc đó, ở Chung cư 54, cách chỗ bà Nga đang ngồi hai dãy nhà và một con đường, có hai ông già đang ngồi hóng mát ngay lối ra vào của tòa nhà A2. Một ông già đang cầm tờ báo than phiền với tôi rằng sau hôm cháy ở nhà máy Rạng Đông thì không còn nghe tiếng chim tự nhiên hót nữa. Mãi đến mấy hôm gần đây thì chim mới hót lại nhưng rất yếu ớt, kể cả những con bị nhốt trong lồng.
Người đàn ông còn lại cũng cất giọng:
– Các nhà xung quanh đây di tản vẫn chưa về. Tòa nhà A2 này, chú nhìn thấy không, có mấy nhà mở đèn thôi, mấy nhà khác đi hết rồi.
Đặt tờ báo xuống, người đàn ông than phiền về tiếng chim vừa nãy nói thêm vào:
– Những người ở lại chủ yếu là người già để giữ nhà. Muốn thuê nhà khác để ở cũng phải có tiền, người về hưu lương chỉ có 3-4 triệu một tháng, công nhân lương thì 6-7 triệu một tháng thì làm sao đủ tiền để đi thuê nhà.
Cầm tờ báo lên rồi lại đặt xuống, ông nói tiếp:
– Dân chúng tôi thấp cổ bé họng, nói không ai nghe. Báo chí thì không dám viết sự thật.
Vừa nghe hết câu đó, tôi cảm thấy một mùi hăng hắc đang bao quanh mình. Ông già đang cầm tờ báo liền giải thích trong khi ông bên cạnh thì khụt khịt mũi:
– Đó, lại có cái mùi ấy. Mấy hôm nay tháo dỡ nhà máy, hễ có gió thổi về hướng này thì lại có cái mùi này.
Trên tầng 8 (đã thay đổi số tầng) của tòa nhà A2 này, gia đình ông Nguyễn Tuấn Minh đã chuyển đi vẫn chưa về. Con gái ông Minh đã mua căn hộ này bảy năm trước. Vợ chồng ông thì chỉ mới dọn đến đây được khoảng mười tháng. Sống cùng với hai vợ chồng ông còn có một cô con gái ruột (khác với cô con gái mua nhà) và một cô con dâu, mỗi người đều có một con nhỏ chưa đầy bốn tháng tuổi.
Ông Minh cảm thấy tức ngực và khó thở ngay trong đêm hỏa hoạn. Ông hoang mang hơn khi ông biết tin vụ cháy là không bình thường vì liên quan đến thủy ngân, nguyên liệu được dùng trong sản xuất bóng đèn huỳnh quang.
Ngày hôm sau, khi Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình phát đi thông báo để người người dân biết cách phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe vì có nguy cơ nhiễm độc từ nhà máy, ông Minh đã cho hai cặp mẹ con sơ tán ngay lập tức, một đi thuê nhà, người còn lại thì đến ở nhờ nhà anh em.
Hai hôm sau đó, vợ chồng ông Minh cũng đến nhà cô con gái để tạm lánh. “Dân chủ động đi thôi, chẳng ai khuyến cáo, tuyên truyền gì, ai chả biết, ai chả nhìn thấy, và cũng biết rằng chắc rằng thủy ngân có hại, không ai bảo ai, cứ lẳng lặng ra đi”, ông Minh giải thích về lý do ông và những người xung quanh rời bỏ ngôi nhà của mình.
Chuyển đến nhà cô con gái cũng đầy đủ tiện nghi không kém nhưng việc chuyển đi bất đắc dĩ khiến vợ chồng ông không cảm thấy thoải mái. Do vậy, ngày 5/9, vợ chồng ông về lại Chung cư 54 để ở thử nhưng chỉ được một hôm. Sáng sớm hôm sau, ông và vợ lại gom vội quần áo rồi chuyển đi ngay lập tức, “tối hôm vừa về ở thì bà xã nhà tôi ôm ngực rồi nôn oẹ”, ông nói.


Kho xưởng của Nhà máy Rạng Đông bị thiêu cháy hoàn toàn trong đám cháy kéo dài hơn sáu giờ đồng hồ vào tối ngày 28 tháng Tám năm 2019. Ảnh: T.An.
Trời đã bắt đầu tối, hai ông già lúc nãy cũng đã về nhà ăn cơm. Thường ngày trước vỉa hè của chung cư vẫn có trẻ con nô đùa, những người già trong Chung cư 54 ra hóng mát, chuyện trò rôm rả nhưng hôm nay thì im ắng hẳn. Ngọn đèn đường chỗ bạn đứng bị hỏng khiến không gian chung cư càng thêm u ám.
Tôi bắt đầu đi ra khỏi Chung cư 54, đi khoảng 50 bước để băng qua tòa nhà A1, qua những dãy nhà đang xây dựng dở dang, qua chốt bảo vệ không bóng người. Tôi đang đi đến Chung cư 143 ngay cạnh đó, nơi gia đình chị Trần Ngọc Thanh đang sống.
Bỏ nón, kéo nhanh chiếc khẩu trang màu trắng, tôi xin bảo vệ lên tầng 14 của tòa nhà. Đó là một chung cư mới có 21 tầng, chỉ bán nhà thô cho các gia đình tự sửa sang và trang trí nội thất bên trong. Bấm thang máy lên tầng 14, chị Thanh đã chờ sẵn tôi ở cửa.
Bước vào căn hộ có hai phòng ngủ rộng 95 mét vuông, tôi cảm thấy không gian khá thoải mái cho một gia đình chỉ có ba người như nhà chị Thanh. Trên chiếc đi-văng bọc vải nhung màu đỏ, đứa con gái bảy tuổi của chị đang xem phim hoạt hình. Bên ngoài cửa sổ, bạn sẽ nhìn thấy từng cụm khói đều đặn nhả vào bầu không khí từ nhà máy thuốc lá Thăng Long, bên cạnh là nhà máy Xà phòng Hà Nội. Đó là bầu không khí mà mọi người ở đây hít thở. Nhà máy Rạng Đông ở gần đó.
Để mua căn hộ này, chị Thanh cho rằng mình đã tính hết mọi thứ. Chung cư nằm trong ngõ 85, một ngõ cụt của phố Hạ Đình nên khá yên tĩnh. Khi mua chung cư này, chủ đầu tư đã xây dựng đến tầng 17 và thanh toán gián tiếp qua ngân hàng trong một năm rưỡi nên chị yên tâm là sẽ không bị lừa. Vừa uống xong ngụm nước, tôi hướng mắt về phía chị Thanh:
– Lúc chị mua chung cư này, chị có nghĩ đến chuyện ô nhiễm môi trường không?
– Không. Các hộ dân vẫn sống ở đây bình thường nên mình cũng không nghĩ đến chuyện đó. Chủ yếu mua nhà này vì phù hợp với khả năng chi trả của mình.
– Chị có di tản sau hôm xảy ra vụ cháy không?
– Lúc đó tôi đang ở Campuchia thì được chồng gọi báo. Cũng may là mấy hôm thì được nghỉ lễ Quốc khánh nên chồng đưa con gái về quê ở Ninh Bình. Cả gia đình về lại nhà từ ngày 2/9.
– Vậy chị không sợ ô nhiễm thủy ngân à?
– Không. Mình chọn ở lại vì thấy mấy hôm sau đó trời mưa, mà mưa to, nên có lẽ thủy ngân chắc không còn trong không khí nữa mà đã đi vào đất và nước hết rồi. Và hơn nữa, mình cũng không muốn cuộc sống bị xáo trộn.
Việc chuyển nhà đối với gia đình nhỏ của chị Thanh là bất khả thi. Hằng ngày, chị đi làm ở Hồ Tây, chồng chị thì làm việc trên phố Trường Chinh còn con thì lại học ở Mỹ Đình. Ba nơi ở ba hướng khác nhau và cách xa nhau trên mười cây số. Việc đi học của đứa con gái phải phụ thuộc vào xe đưa đón của trường mà việc thay đổi địa chỉ đưa đón phải được đăng ký từ đầu năm học.
Cách nhà máy Rạng Đông chưa đến 500 mét, bên cạnh khu chung cư cao tầng và sang trọng Five Stars, gia đình ba người của anh Trần Thanh Phong sẽ chuyển đi trong trong một tuần nữa. Họ không chuyển đi một hay hai tháng mà sẽ chuyển đi hẳn trong một năm.
Gia đình anh Phong sống trong một căn nhà hai tầng tiện nghi ở một ngách nhỏ của ngõ 460, phố Khương Đình. Con phố này giờ đã không còn nhộn nhịp, nhiều nhà đóng cửa chuyển đi khiến không khí rất nặng nề.
Bước vào trong nhà, tôi ngồi vào chiếc bàn bằng kính, bên cạnh là một hồ cá nhỏ, rồi đến giá sách. Trước mặt tôi là nhà bếp và phòng ăn. Anh Phong đã thay nước dùng trong nấu ăn bằng nước uống đóng chai thay vì sử dụng nước vòi như trước đây. Dọc ban công tầng hai là nơi vợ anh trồng khoảng 10 mét vuông rau thủy canh nhưng cũng đã bỏ hết từ sau vụ cháy như khuyến cáo của các chuyên gia.
Điều anh Phong lo ngại nhất không phải là không khí bị ô nhiễm thủy ngân mà là nguồn nước ngầm có thể đang chứa chất độc này.
“Mình có được một số người quen và chuyên gia khuyên nên chuyển đi trong vòng ít nhất là một năm để thủy ngân không còn trong nguồn nước nữa, cần ít nhất một mùa nắng và một mùa mưa để thủy ngân tự hủy”, anh Phong phân trần về lý do chuyển đi.
Chuyển nhà không phải là chuyện dễ dàng trong điều kiện của gia đình anh. “Muốn chuyển đi ngay lắm nhưng phải có nhiều tiền vì những chỗ ấy đắt, còn muốn tìm chỗ nhà cho thuê với giá phù hợp thì phải mất thời gian”, vợ anh vừa bế đứa con trai hai tuổi vừa nói. Gia đình anh sẽ chuyển đến khu Thái Thịnh với giá thuê là bốn triệu đồng mỗi tháng. “Giá như có thể anh muốn nhà máy Rạng Đông phải trả cho anh hai năm tiền thuê nhà”, anh Phong nói. 

Một chính quyền lấp liếm

Điều duy nhất làm cả năm người cảm thấy chính quyền tỏ ra có trách nhiệm chính là thông báo của Ủy ban Nhân dân phường Hạ Đình. Thông báo đó đã giúp người dân ý thức được tình trạng ô nhiễm và biết cần phải làm gì ngay khi thông tin bắt đầu nhiễu loạn trên báo chí.
“Một thông báo không quanh co như các văn bản hành chính thường thấy mà rất rõ ràng, đúng lúc, trách nhiệm và có hiểu biết”, ông Trần Minh Thịnh nói.
Ông Thịnh và gia đình vẫn sống trong căn nhà hai tầng ở ngõ 320 thuộc phố Khương Đình, cách nhà máy Rạng Đông khoảng 200 mét nhưng cũng không khỏi lo sợ về ô nhiễm sau vụ cháy. Là một người có kiến thức về môi trường, ông tin rằng chính quyền vẫn chưa làm người dân an tâm về vụ cháy này.
Trong văn phòng của ông ở quận Nam Từ Liêm, tôi ngồi đối diện với ông Thịnh, một người đàn ông cao lớn và có chút trầm lặng. Tôi muốn tìm kiếm một nhận định tính chuyên môn về vụ cháy:
– Theo ông thì chính quyền cần phải làm gì để người dân an tâm hơn khi sống gần Nhà máy Rạng Đông? – Tôi đặt câu hỏi.
– Chính quyền phải nói rõ ràng cho mọi người là trong những khoảng cách nhất định tính từ nhà máy Rạng Đông, ví dụ trong các khoảng cách 50 mét, 70 mét, 100 mét thì tình trạng ô nhiễm không khí, đất, nước như thế nào và phải theo thời gian.
– Nhưng nếu chính quyền công bố như thế thì ông có tin không?
– Không, tôi không tin. Chính quyền này toàn lấp liếm, đá lẫn nhau rất nhiều. Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân nói là trong ngưỡng an toàn, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường nói là chưa có kết quả. Họ nói ngược nhau, chẳng ai tin.
– Vậy phải như thế nào thì mới đáng tin?
– Cần có các chuyên gia độc lập của Tổ chức Y tế Thế giới, Liên Hiệp Quốc tham gia thì mới tin được.
Còn đối với anh Phong thì dù chính quyền có công bố thông tin chi tiết về tình trạng ô nhiễm thì cũng không còn giá trị gì nữa. “Công bố hay không công bố về ô nhiễm thì cũng không còn quan tâm nữa. Mình không còn chấp nhận cái chính quyền như thế”, anh Phong nhấn mạnh.
Những gia đình chọn ở lại như nhà ông Thịnh, nhà chị Thanh, bà Nga và một số hộ dân khác không phải vì họ an tâm về môi trường chung quanh mà là họ không còn sự lựa chọn nào tốt hơn. Nhà ông Thịnh có hai con trai đều đi học tại trường Trung học Cơ sở Hạ Đình, cách nhà khoảng 300 mét. Việc chuyển trường cho hai con là rất khó khăn trong tình trạng quá tải về trường lớp ở Hà Nội.
Dù nhà ông Thịnh nằm trong khu vực có thể bị nhiễm độc nhưng ông từ chối việc khám bệnh miễn phí do chính quyền tổ chức. Ông không tin cách khám lâm sàng qua loa đó sẽ giúp phát hiện được độc tố. Anh Trần Thanh Phong cũng cho rằng việc xét nghiệm của chính quyền chỉ mang tính hình thức.
“Mình không muốn đi khám bệnh ở cơ sở y tế do chính quyền chỉ định vì họ không có chuyên môn, khám nhiễm độc thủy ngân mà chỉ đo huyết áp, khám sơ sơ, không có công cụ nào hỗ trợ thì làm sao tin được, chỉ là cách lấp liếm của chính quyền”, anh Phong nói.
Ông Minh và vợ cũng chưa bao giờ đi xét nghiệm mặc dù vợ ông không được khỏe ngay sau khi quay lại căn nhà của họ vào ngày 5/9.
“Họ coi dân chẳng ra cái gì. Muốn cho biết thì cho không cho biết thì thôi à? Mặc dù sự thật cay đắng đi nữa thì người ta ai cũng biết là sự cố đã xảy ra rồi, giờ người ta cần biết cách để hạn chế ảnh hưởng”, ông Minh giận dữ nói về cách ứng xử của chính quyền địa phương và Hà Nội. “Dân đã ý thức được sự gian dối của chính quyền, họ không còn tin nữa, mạnh ai nấy đi. Đó là thái độ coi thường nhân dân, càng giấu thì người ta càng nghi ngờ”.
Trong khi người dân di tản tán loạn khỏi khu vực nguy hiểm thì người đứng đầu chính quyền Hà Nội vẫn nói về ba thành công của họ trong vụ cháy (không có thiệt hại về người, không cháy lan sang nhà dân và các doanh nghiệp xung quanh, và không để cháy kho đựng hóa chất) và khẳng định người dân không có bức xúc gì.


Người đứng đầu thành phố Hạ Nội, ông Nguyễn Đức Chung trong phiên họp báo về vụ cháy ở Nhà máy Rạng Đông. Ảnh: Báo Zing.

Chị Thanh không tưởng tượng được là ông Nguyễn Đức Chung, người đứng đầu thành phố chị sống lại có những phát ngôn kém hiểu biết như vậy. “Mình cảm thấy ông ấy vừa không đủ năng lực để kiểm soát sự cố mà cũng không đủ năng lực để lấp liếm”, chị bày tỏ nỗi thất vọng với chính quyền thủ đô. “Đơn thư kêu cứu của người dân đã có rồi, người dân đã bỏ đi để tự cứu chính mình rồi mà ông ấy còn phát ngôn như vậy”.
Giờ đây, nỗi sợ hãi về nguy cơ ô nhiễm về môi trường ở Hạ Đình chỉ là thứ yếu, người dân thủ đô có một nỗi sợ lớn hơn cho tương lai: sự gian dối và lấp liếm của chính quyền.

Thứ chính quyền của chúng ta

Sống trong khu công nghiệp cũ kỹ cao-xà-lá, ông Minh, bà Nga, chị Thanh, ông Thịnh và anh Phong chưa bao giờ nghe chính quyền cảnh báo về tình trạng ô nhiễm hay các nhà máy đang hoạt động như thế nào. Họ cũng chưa bao giờ được biết cách ứng phó trong những tình thế nguy hiểm như vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông. Họ tự tìm kiếm thông tin và tự cứu lấy mình hơn là chờ đợi hành động từ chính quyền mà họ “bầu” ra.
Sự cố ở Hạ Đình đã trở thành một trường hợp điển hình về tai họa môi trường trong lòng thành phố. Sự cố đó cũng đã tạo ra một nỗi sợ hãi không chỉ đối với người dân thủ đô mà còn đối với người dân cả nước.
Dù đi xe hơi hay xe đạp, ở những ngôi nhà cấp bốn hay trong những chung cư cao cấp, chúng ta đều hít chung một bầu không khí. Trong bầu không khí vô hình đó, chúng ta không biết mình đang hít vào người những gì. Người ta có thể có lựa chọn đồ ăn, đồ uống nhưng không có sự lựa chọn về thứ không khí mà chúng ta sẽ hít vào.
“Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”.
Đó là những gì được ghi ở Điều 43 của Hiến pháp hiện hành. Thứ quyền đó là một thứ rất xa xỉ, ít nhất là tại thủ đô này. Hiện tại, Điều 43 này chỉ có nghĩa là được chọn mua khẩu trang, chọn thức ăn, nước uống mà bạn nghĩ là sạch bằng đồng lương còm cõi của mình. Bạn chỉ còn trông cậy vào những cơn mưa rào để rửa sạch bầu không khí hơn là trông chờ vào hành động của chính quyền.
Bạn cũng không thể trông cậy vào các tổ chức phi chính phủ. Hà Nội có nhiều tổ chức làm về môi trường hay trực tiếp liên quan đến không khí nhưng họ đã im lặng một cách rất đáng sợ. Người ta đã nhìn quá rõ sự im lặng của họ từ vụ xả thải gây ô nhiễm ở nhà máy Formosa cho đến vụ cháy độc hại ở Rạng Đông.
Những tổ chức này dường như không có chút xúc động nào đối tình cảnh của người dân. Có lẽ họ phải im lặng trước quyền lực của chính quyền để bảo đảm những dự án hiện tại của mình được xuôi chèo mát mái. Và nếu bạn có hỏi trực tiếp họ thì họ có thể sẽ trả lời rằng đó không phải là công việc của chúng tôi, chúng tôi đã có địa bàn và phạm vi hoạt động. Nếu bạn nhận được câu trả lời như vậy thì cũng đừng ngạc nhiên, vì bạn chưa bao giờ ủng hộ tài chính cho họ, chính quyền mới thật sự là người cấp phép để họ nhận được tài trợ.
Bạn đang nghĩ đến việc không tưởng trong điều kiện hiện tại của mình là chuyển đến đất nước khác có không khí trong lành hơn. Không phải cho bạn mà là cho những đứa con đang lớn lên cùng với sự ô nhiễm ở thủ đô. Châu Âu, Mỹ hay một nơi nào đó, miễn là chính quyền không đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển đầy ô nhiễm như ở Việt Nam, nơi lãnh đạo chịu trách nhiệm thật sự cho bất kỳ sự cố về môi trường nào.
Trong vụ cháy ở nhà máy Rạng Đông, chính quyền còn quên cả cách giao tiếp với những người dân của mình. Họ có thể gửi đi hàng triệu tin nhắn để xin tiền hỗ trợ người nghèo hay đồng bào bị lũ lụt nhưng chỉ biết dựa vào báo chí và mạng xã hội để truyền tải thông tin đến người dân ở Hạ Đình. Làm sao họ biết thông tin đó đến với bao nhiêu người và từng người hiểu chúng như thế nào? Người dân Hạ Đình thầm cảm ơn báo chí đã được phép đưa tin nhưng họ cũng đã vô cùng hoang mang trong những tin tức rối loạn về đám cháy.
Dựa vào báo chí và mạng xã hội, phải chăng chính quyền muốn đưa thông tin đến với số đông dân chúng hơn là tập trung vào những nạn nhân ở Hạ Đình? Liệu chính quyền có biết hiện nay đang có bao nhiêu gia đình di tản, họ đang ở đâu, họ đang sống như thế nào?
Trong những đợt bầu cử, anh Phong chỉ bầu cho những người trẻ tuổi với hy vọng người trẻ có thể mang lại sự thay đổi. Nhưng ở một đất nước không có đối lập chính trị như Việt Nam, dù anh bầu cho ai thì cũng chẳng có gì thay đổi. Họ không thực sự phục vụ nhân dân để đổi lại phiếu bầu. Có lẽ cái mà họ đang làm là duy trì một sự ổn định để làm hài lòng cấp trên để tên họ sẽ ở trong danh sách bầu cử vào đợt kế tiếp cho một vị trí cao hơn. Ổn định là tất cả những gì nhà nước hiện tại dùng để duy trì tính chính danh của mình. Tuy nhiên, khi người dân phải ổn định trong tình trạng ô nhiễm môi trường thì đó chỉ là sự ổn định giả tạo.
Ví rằng tự do và dân chủ là phía bên kia của dòng sông, ai cũng muốn đặt chân đến nhưng không ai chịu bước chân xuống nước vì sợ lạnh, sợ dơ hay sợ nguy hiểm. Trong tình cảnh hiện tại, nếu bạn không chịu bước chân xuống nước thì bến bờ nơi bạn đứng cũng đang lở lói dần và không còn an toàn nữa. Hạ Đình vẫn chưa thôi phảng phất không khí của một nghĩa trang, trống vắng và trầm lặng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét