Vũ
Hiền (gt)
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lo ngại rằng Biển Đông có thể trở thành một "ao nhà của Bắc Kinh",... một vùng biển đủ sâu để Hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể triển khai các tàu ngầm tấn công hạt nhân, có khả năng phóng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Những ưu tiên an ninh thời Chiến tranh Lạnh của Nhật Bản rất khác so với trong bối cảnh hiện nay. Trong Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản chủ yếu tập trung vào vùng "Viễn Đông", nơi Nhật Bản gọi là phía Bắc Philippines. Và Biển Đông không quá quan trọng, cũng không được nghiêm túc chú ý tới. Tuy nhiên, hiện nay tình hình đã hoàn toàn khác. Biển Đông hiện là một trong những mối quan ngại hàng đầu của Thủ tướng Shizo Abe. Năm 2012, Thủ tướng Abe đã bày tỏ những ý tưởng của mình về vấn đề Biển Đông trong một bài viết với tựa đề "Khối Kim cương An ninh Dân chủ của châu Á", được đăng chỉ một ngày trước khi ông Abe tái nhậm chức Thủ tướng. Trong bài viết, ông viết rằng "nếu Nhật Bản nhân nhượng, tình hình Biển Đông thậm chí sẽ còn trở nên phức tạp hơn".
Tại sao Nhật Bản lại quan tâm nhiều tới Biển Đông như vậy? Như Thủ tướng Abe đã viết trong bài viết năm 2012, "Biển Đông dường như đang trở thành một 'ao nhà của Bắc Kinh', điều mà các nhà phân tích nói rằng sẽ có vai trò giống như biển Okhotsk đối với Liên Xô: một vùng biển đủ sâu để Hải quân của PLA có thể triển khai các tàu ngầm tấn công hạt nhân, có khả năng phóng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân".
Đây là một sự quan sát rất quan trọng. Khi Trung Quốc bất đầu triển khai các tàu ngầm được vũ trang hạt nhân tại Biển Đông, điều này đã tạo ra một tình huống rất nguy hiểm đe dọa sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tổng thống Mỹ phải rất lưu tâm tới vấn đề này nhằm tránh để viễn cảnh tồi tệ nhất biến thành sự thật, bởi vì nếu có một cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, và Mỹ tấn công các cơ sở của Trung Quốc tại khu vực này, thì rất có khả năng tình hình sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Trong bối cảnh rất dễ bị kích động, ai có thể dám chấp nhận những rủi ro ở Biển Đông?
Điều quan trọng là cân nhắc Trung Quốc cần tạo ra những điều kiện như thế nào để có thể triển khai các tàu ngầm được vũ trang hạt nhân ở Biển Đông. Việc các tàu ngầm của Mỹ đồn trú cùng khu vực với các tàu ngầm của Trung Quốc và có thể tiến lại gần rồi nói "xin chào" không phải là một sự răn đe. Nếu Trung Quốc muốn có khả năng răn đe, nước này sẽ cần đảm bảo rằng các tàu ngầm của họ sẽ không bị các tàu thuyền, máy bay hay các thiết bị cảm biến của nước ngoài phát hiện ra. Vì vậy, Trung Quốc sẽ cần ngăn mọi tàu thuyền của nước ngoài có khả năng phát hiện ra các tàu ngầm của Trung Quốc tiến vào khu vực nằm dưới sự ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Trên thực tế, đó chính xác là những gì Trung Quốc đã và đang làm. Trung Quốc đang mở rộng từng khả năng một của mình. Bước đi đầu tiên của nước này là xây dựng các đảo nhân tạo hoạt động như những căn cứ cho các tàu ngầm để tạo thành một tam giác bất khả xâm phạm. Bước thứ hai là triển khai các tên lửa, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu và tàu chiến để loại bỏ những tàu thuyền và máy bay nước ngoài có khả năng phát hiện ra các tàu ngầm của Trung Quốc. Và bước cuối cùng là triển khai các tàu ngầm được vũ trang bằng các tên lửa hạt nhân.
Trung Quốc vẫn chưa hoàn thành bước 1 hay bước 2, bởi vì nước này vẫn chưa xây dựng được các đảo nhân tạo ở Bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, bằng việc sử dụng các đảo nhân đạo đã xây dựng xong, Trung Quốc đang triển khai các tên lửa chống hạm và tên lửa đối không có khả năng đầy lùi tàu thuyền và máy bay của nước ngoài, đồng thời nước này cũng đang triển khai các máy bay ném bom tầm xa hoạt động như những máy bay tuần tra, và một vài trong số những chiếc máy bay này thậm chí còn có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, Trung Quốc sẽ sớm triển khai xây dựng một nhà máy điện hạt nhân để cung cấp điện cho các lực lượng của Trung Quốc tại khu vực này. Sau khi Trung Quốc hoàn thành nhà máy điện hạt nhân, các nước khác sẽ phải do dự khi tính tới việc tấn công Trung Quốc bởi vì lo ngại sẽ làm rò rỉ phóng xạ. Điều này có nghĩa rằng bản thân nhà máy điện hạt nhân đó sẽ là một sự răn đe hiệu quả. Trung Quốc sẽ dần gạt hết các nước khác ra khỏi Biển Đông và hoàn tất việc xây dựng "pháo đài" của mình.
Tại sao Trung Quốc muốn biển Biển Đông thành một "pháo đài", như lời Thủ tướng Abe? Trung Quốc đã tiêu tốn quá nhiều tiền vào việc xây dựng các đảo nhân tạo nếu chỉ vì lý do kinh tế, do đó ắt hẳn phải còn có lý do an ninh. Sự thật là Trung Quốc có thể sử dụng sự hiện diện của mình tại Biển Đông để bảo vệ đường bờ biển của Trung Quốc, và có một lý do quan trọng khác để Trung Quốc làm như vậy, đó là nhiều thành phố và các khu công nghiệp nằm dọc bờ biển của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Chúng ta có thể tưởng tượng rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông giống như xây dựng một kiểu "Vạn lý trường thành" mới. Nhưng với cùng suy luận đó, Trung Quốc cũng sẽ xây dựng các pháo đài tương tự ở Biển Hoa Đông và Đài Loan.
Tháng 11/2013, Trung Quốc đã thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) mới ở Biển Hoa Đông. Điều này giúp Trung Quốc kiểm soát được không phận phía bên trên các tàu hải quân của mình và mở rộng khu vực ảnh hưởng. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng dựng các giàn khoan dầu tại khu vực này, và rất nhiều trong số này được trang bị rađa. Các chuyên gia của Trung Quốc cho rằng những giàn khoan dầu này sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho việc triển khai các lực lượng trên biển và trên không của Trung Quốc.
Vậy chúng ta cần làm gì? Làm thế nào chúng ta có thể lái Trung Quốc đi chệch khỏi hướng đi hiện tại của nước này? Trung Quốc không thể giấu các tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của họ ở những nơi mà các tàu thuyền và máy bay khác có thể phát hiện ra. Do đó, việc triển khai các tàu ngầm, tàu chống ngầm, và các máy bay tuần tra chống ngầm sẽ rất hiệu quả trong việc ngăn chặn tầm ảnh hưởng trên biển ngày càng lớn của Trung Quốc. Trong khu vực, Mỹ là quốc gia có Hải quân mạnh nhất, nhưng các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Canada, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản cũng có thể cử tàu chiến, máy bay, và tàu ngầm, và Ấn Độ có thể huấn luyện các lực lượng tàu ngầm mới ở Việt Nam. Do đó, các nước này phải cùng hợp tác, và phải chủ động thể hiện sự hiện diện của mình tại khu vực bằng các lực lượng hải, lục, không quân.
Theo “Hudson”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét