Vào ngày này năm 1954, USS Nautilus, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới, được Hải quân Hoa Kỳ đưa vào hoạt động. Tàu USS Nautilus được chế tạo dưới sự chỉ huy của Đại tá Hải quân Mỹ Hyman G. Rickover, một kỹ sư lỗi lạc sinh ra ở Nga, người tham gia chương trình nguyên tử của Mỹ vào năm 1946. Năm 1947, ông được giao phụ trách chương trình phát triển động cơ tàu thuyền sử dụng năng lượng hạt nhân của hải quân và bắt đầu xây dựng một tàu ngầm nguyên tử.
Bị coi là điên rồ bởi những kẻ gièm pha, Rickover đã thành công trong việc phát triển và chuyển giao chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới nhiều năm trước thời hạn. Vào năm 1952, sống tàu của Nautilus được đặt bởi Tổng thống Harry S. Truman, và vào ngày 21 tháng 01 năm 1954, Đệ nhất Phu nhân Mamie Eisenhower đã đập vỡ một chai sâm banh trên vòm của chiếc tàu khi nó được hạ thủy xuống sông Thames tại Groton, Connecticut. Được đưa vào khai thác vào ngày 30 tháng 09 năm 1954, chiếc tàu lần đầu tiên hoạt động nhờ năng lượng hạt nhân vào sáng ngày 17 tháng 01 năm 1955.
Lớn hơn nhiều so với những tàu ngầm diesel-điện trước đó, Nautilus dài 97,2m và có trọng lượng rẽ nước 3.180 tấn. Nó có thể lặn trong khoảng thời gian gần như không giới hạn vì động cơ nguyên tử của nó không cần không khí và chỉ cần một lượng nhiên liệu hạt nhân rất nhỏ. Lò phản ứng hạt nhân chạy bằng uranium tạo ra hơi nước để vận hành các tuabin đẩy, cho phép Nautilus di chuyển dưới nước ở tốc độ trên 20 hải lý.
Trong những năm đầu phục vụ, tàu USS Nautilus đã phá vỡ nhiều kỷ lục du hành của tàu ngầm, và vào tháng 08 năm 1958 nó đã hoàn thành chuyến đi đầu tiên xuyên dưới Bắc Cực. Sau một sự nghiệp phục vụ kéo dài 25 năm và gần 500.000 dặm hành trình, tàu Nautilus đã bị loại biên vào ngày 03 tháng 03 năm 1980. Được vinh danh là một Cột mốc Lịch sử Quốc gia vào năm 1982, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của thế giới đã được biến thành hiện vật triển lãm năm 1986 với tên gọi Tàu Nautilus Lịch sử tại Bảo tàng Tàu ngầm Hải quân ở Groton, Connecticut.
Nguồn: USS Nautilus—world’s first nuclear submarine—is commissioned, History.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét