Báo chí tại Đức với thông tin về hồ sơ Panama hôm 7/4/2016. Ảnh AFP
Tham nhũng là quốc nạn
Tại buổi làm việc với Chính quyền tỉnh Đắk Lắk về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, diễn ra vào chiều 24 tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận dù công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2019 có kết quả tốt tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong những hạn chế, thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp…
Ông cho rằng các cơ quan chức năng cần quản lý các dòng tiền, nhất là tiền ‘bẩn’ do tham nhũng mà có: “Tiền bẩn vào ngân hàng là chuyển sang đất đai, tài sản; chuyển từ cá nhân này sang cá nhân kia, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia. Nếu quản lý tốt dòng tiền này thì các đối tượng dù có tham nhũng cũng không tiêu tiền được”, trích nguyên văn câu nói của Bộ trưởng Tô Lâm trên báo quốc nội.
Người đứng đầu Bộ Công an Việt Nam tuyên bố như vừa nêu trong bối cảnh Tổ chức Liêm chính Tài chính Tòan cầu (Global Financial Integrity-GFI), có trụ sở ở Mỹ vừa công bố một nghiên cứu cho thấy Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về nhận được dòng tiền bất hợp pháp từ hình thức rửa tiền dựa trên thương mại.
Nghiên cứu của GFI được thực hiện trong 10 năm từ năm 2006 đến 2015, dựa theo các dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và của Liên Hiệp Quốc (LHQ). GFI ghi nhận chỉ riêng trong năm 2015, Việt Nam đã thu về 22,5 tỷ đô la Mỹ (USD).
Đài RFA nêu vấn đề trên với Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, rằng có phải Chính phính phủ Hà Nội đang quyết tâm một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc chống tham nhũng và rửa tiền, nhất là qua lời tuyên bố của ông Bộ trưởng Tô Lâm hay không? Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh vào ngày 26 tháng 9 nêu lên nhận xét của ông:
“Việt Nam thực sự ra từ năm 2005 cũng đã có một đạo luật về phòng, chống tham nhũng và thậm chí từ năm 1994 của thế kỷ trước thì các lãnh đạo của Việt Nam mà đặc biệt là ông Nông Đức Mạnh từng nói rằng tham nhũng là quốc nạn và Chính phủ cũng như Nhà nước Việt Nam cần có những quốc sách để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên cho đến những giờ phút hiện tại thì vẫn cũng chỉ là những lời tuyên bố. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng tham nhũng đã là quốc nạn của Việt Nam 25 năm rồi, mà trong 25 năm qua thì tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn nữa. Có lẽ họ có quyết tâm, nhưng họ có làm được hay không thì còn cần phải xét lại.”
Luật sư Vũ Đức Khanh còn cho rằng không loại trừ yếu tố lời tuyên bố của Bộ trưởng Công an Tô Lâm được cố tình đưa ra trong thời điểm đang chuẩn bị cho Đại hỏi Đảng lần thứ XIII và trong công cuộc “đốt lò” của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là mục đích nhằm đấu đá nội bộ để tranh giành chức quyền trong thời gian tới ở Việt Nam.
Trong khi đó, từ trong nước, nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Tô Lâm liên quan đến một vấn đề rất trừu tượng vì quá thiếu các dẫn chứng thực tế cũng như những báo cáo cụ thể. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định:
“Tình hình rửa tiền ở Việt Nam, là một trong những nước rửa tiền ghê gớm nhất thế giới, mà những báo cáo về rửa tiền, quản lý về công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam là rất mờ nhạt, rất trừu tượng, rất mơ hồ và nói chung là công tác quản lý, điều hành về phòng, chống rửa tiền, tiền bẩn ở Việt Nam thì tôi cho là cực kỳ yếu kém.”
Sẵn sàng phòng, chống rửa tiền?
Hồi trung tuần tháng 5 năm 2019, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên công bố báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam. Theo đó, trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2017, rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia ở mức ‘thấp’, nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam ở mức ‘trung bình’ và rủi ro rửa tiền quốc gia là ‘trung bình cao’.
Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết nguy cơ rửa tiền, các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, hệ thống chuyển tiền ngầm được đánh giá ở mức ‘cao’ và mảng kinh doanh kiều hối được xếp mức ‘trung bình cao’. Đáng chú ý, nguy cơ rửa tiền liên quan tội phạm tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt tài sản…là rất lớn.
Ông Phạm Gia Bảo còn nêu lên mặc dù nhiều vụ án tham ô tài sản được đưa ra xét xử và qua đó các khoản tiền tham nhũng là rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng; tuy nhiên Việt Nam chỉ mới khởi tố và xét xử duy nhất một vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tham ô, là vụ ông Giang Kim Đạt đã tham ô 260 tỷ đồng ở Công ty Vinashin.
Trước các số liệu nêu trên, tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra thêm các dẫn chứng cho thấy thực trạng hiện tại trong công tác xử lý tiền ‘bẩn’ do tham nhũng tại Việt Nam không đạt được kết quả:
“Tôi từng nghe một quan chức nói cách đây chừng hơn 1 năm thôi rằng bây giờ chỉ có ai ngu thì mới dùng tiền (tham nhũng) để xây lâu đài và sắm xe hơi đắt tiền. Còn biết khôn thì hãy chuyển sang của “chìm” hết đi, đừng có làm của “nổi”.”
Theo ghi nhận của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, thì có một sự chuyển đổi tỷ lệ tài sản tham nhũng “của nổi-của chìm” trong giới quan chức tham nhũng tại Việt Nam tính từ mốc năm 2016, tức là thời điểm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói rằng trước thời điểm “đốt lò” thì thường là 50-50 phần trăm cho “của nổi và của chìm” (như đổi ra ngoại tệ, mua vàng và tuồn ra gửi ở ngân hàng nước ngoài..) và sau này thì tỷ lệ thay đổi là 20-80% “của nổi-của chìm”, thậm chí của “chìm” chiếm tới 90%.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn nhắc lại hồ sơ Panama được công bố trong cùng năm 2016 từng gây chấn động trong dư luận thế giới:
“Tôi muốn dẫn lại một minh họa khác là vào Hồ sơ Panama đã công bố hồi năm 2016 và gây ra một chấn động lớn. Trong công bố này, cho thấy chỉ riêng trong năm 2015 đã có 19 tỷ đô la Mỹ (USD) chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài. Sau đó, một số chuyên gia độc lập trong và ngoài nước đánh giá sở dĩ có số tiền nhiều như vậy thì có thể nói tiền đầu tư ra nước ngoài là ít mà tiền bẩn mang ra rửa là nhiều và sẽ có ít nhất 1/3 trong số 19 tỷ USD đó là tiền được rửa và sau đó quay trở lại Việt Nam dưới dạng tiền sạch. Tiền ở Việt Nam là tiền tham nhũng, đổi ra ngoại tệ và tuồn ra nước ngoài và quay trở lại Việt Nam dưới dạng đầu tư, kiều hối…dưới dạng tiền sạch.”
Một chuyên gia tài chính độc lập ở trong nước, không muốn nêu tên, qua email còn cho RFA biết tại Việt Nam có muôn hình vạn trạng cách quan chức tham nhũng có thể “hợp thức hóa” tài sản mà họ tham nhũng, đơn giản từ một món quà tết là một chậu mai kiểng của một công ty tặng cho một vị cán bộ và sau đó vị cán bộ này tuyên bố bán chậu mai kiểng “nhà trồng” trong nhiều năm với giá mấy tỷ đồng.
Từ chuyện hợp thức hóa này có thể liên tưởng đến vụ cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD trong thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG. Và, khi đó ông Nguyễn Bắc Son đã khai báo đưa số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền. Tuy nhiên, con gái vị cựu bộ trưởng này được báo giới dẫn lời lên tiếng rằng không nhận bất cứ khoản tiền nào từ bố mình. Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là số tiền tham nhũng 3 triệu USD của ông cựu Bộ trưởng đang được tẩu tán ở đâu?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn khẳng định số tiền tham nhũng của ông Nguyễn Bắc Son trong thương vụ đó còn lớn hơn nhiều, với lập luận:
“Thật ra mà nói số tiền tham nhũng của Nguyễn Bắc Son có thể gấp 10 đến 15 lần so với con số 3 triệu USD. Tại vì theo luật bất thành văn trong các giao dịch thương mại, như phi vụ ở Tập đoàn AVG là phải chi từ 10% đến 15% cho quan chức. Ví dụ như trong vụ Cục trưởng Cục phòng, chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa bị bắt là cũng được đám đánh bạc công nghệ cao chi 10%. Vậy thì Nguyễn Bắc Son cũng phải được chi như vậy chứ. Số tiền 3 triệu USD chỉ là số nhỏ thôi vì số tiền tham nhũng của Bắc Son là khủng khiếp. Như vậy vấn đề là số còn lại đi đâu?”
Cả Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và Luật sư Vũ Đức Khanh cùng khẳng định Việt Nam gần như đầy đủ về mặt cơ chế và luật pháp trong quốc nội cũng như tham gia ký kết công ước, hiệp định phòng, chống rửa tiền quốc tế. Nhưng:
“Về mặt khung pháp lý, tức là đạo luật tôi vừa nhắc đến và tất cả những nghị định kèm theo cùng các văn bản hướng dẫn…Nếu nói về khung pháp lý đó thì quả thực Việt Nam có đầy đủ hết và đã sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề về quyết tâm chính trị như tôi đã đề cập thì tôi nghĩ là không có và về nguồn nhân lực để thực hiện thì nếu nói về số lượng là có nhưng nếu nói về chất lượng của đội ngũ quan chức thanh tra trong vấn đề phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thì tôi không tin là họ có đạo đức thực sự để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Tôi có thể nhìn thấy thanh tra ở Việt Nam còn tham nhũng hơn cả. Tôi tạm thời gọi là “siêu tham nhũng”, tức là họ lạm dụng quyền kiểm tra các vấn đề tham nhũng để tham nhũng nhiều hơn những người tham nhũng bị kiểm tra.”
Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định như vừa nêu trong khi vị chuyên gia tài chính độc lập ẩn danh cũng xác nhận với RFA về giới thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng chủ yếu chỉ kiểm tra và báo cáo theo mức “thù lao” nhiều hay ít mà họ nhận được từ những đối tượng tham nhũng bị điều tra.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng điều quan trọng nhất mà Việt Nam muốn đạt được quyết tâm chống tham nhũng cũng như thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế trong chống rửa tiền là phải làm cho được 3 điều chính yếu; bao gồm đổi mới cơ chế, có tự do truyền thông và nâng chế độ tiền lương cho công chức.
Còn nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì cho rằng ông không nhìn thấy một dấu hiệu lạc quan nào qua tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Công an Tô lâm:
“Tôi đã nghe ít nhất 3 lần Tô Lâm nêu quyết tâm chống rửa tiền đó rồi. Nhưng mà sau đó tình hình càng ngày càng tồi tệ. Cho nên tôi thấy tất cả những quyết tâm của Tô Lâm nói riêng và của giới quan chức Việt Nam nói chung là chẳng có ý nghĩa gì cả.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét