Thứ Hai, 30 tháng 9, 2019

16478 - Vì sao bỗng ‘kiểm soát quyền lực’ vào lúc này?



Tháng 9 năm 2019, ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng bất ngờ ký ban hành Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Cái cách hạ bút này xảy ra chỉ ít ngày trước khi diễn ra Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền - dự kiến tổ chức vào tháng 10 năm 2019. Đây là lần đầu tiên trong đảng cầm quyền xuất hiện một đảng văn về kiểm soát quyền lực - điều chưa từng tồn tại ở các đời tổng bí thư trước đây.
Từ ‘hiện tượng Nguyễn Tấn Dũng’
Trước đây, ‘kiểm soát quyền lực’ thậm chí còn là một cụm từ bị xem là mang màu sắc của tư bản phương Tây và nhạy cảm chính trị với chế độ xã hội chủ nghĩa, do đó dù cụm từ này đã được một số học giả cộng sản nêu ra tính cần thiết áp dụng nó, nhưng chỉ đến khi nổi lên ‘hiện tượng Nguyễn Tấn Dũng’ thì ‘kiểm soát quyền lực’ mới dần được giới chóp bu của đảng nhìn nhận như một khái niệm hợp thời.
‘Hiện tượng Nguyễn Tấn Dũng’ đã thật sự nổi lên và trở thành một chấn động khuynh đảo quyền lực chế độ từ những năm 2009, 2010. Đến năm 2012, hiện tượng đó đã trở thành mối đe dọa rất trực tiếp đối với những quan chức chưa biết làm sao để kiểm soát quyền lực như Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư, Trương Tấn Sang - Chủ tịch nước.
Hẳn sự thiếu am hiểu về kiểm soát quyền lực đã trở thành nguyên nhân chính yếu dẫn tới thất bại chua chát của cánh Trọng - Sang tại Hội nghị trung ương 6 vào cuối năm 2012. Bởi khi đã tưởng như có thể ‘trục’ Thủ tướng Dũng khỏi Ban chấp hành trung ương thì phe muốn kỷ luật lại không ngờ có đến 75% trong tổng số 200 ủy viên trung ương bỏ phiếu không đồng ý kỷ luật ‘đồng chí X’.
Làm thế nào mà Nguyễn Tấn Dũng lại có thể ‘nắm đầu’ được đến 3/4 Ban chấp hành trung ương? Sự thật khi đó đã nổi lên rành rành: trong khi phe Trọng - Sang còn chưa biết làm sao để kiểm soát quyền lực của Dũng, thì Dũng đã có thừa kinh nghiệm về làm cách nào để thâu tóm quyền lực, và có thể đã rất chuyên nghiệp về ‘cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền’.
Đặc biệt từ năm 2012, nhu cầu về kiểm soát quyền lực đã trở nên thiết yếu với đảng và thiết thân đối với Nguyễn Phú Trọng. Nhu cầu đó càng lớn khi ông ta phải đối mặt với một Nguyễn Tấn Dũng tưởng như chỉ đưa tay ra là nắm gọn cái ghế tổng bí thư tại đại hội 12. Năm 2015 cũng bởi thế là khoảng thời gian mà một loạt bài viết về kiểm soát quyền lực đã bất chợt rộ lên trên mặt báo đảng, bắt đầu từ Nhị Lê - Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, ‘quê hương’ trước đó của Nguyễn Phú Trọng, và sau đó là một quan chức được xem là ‘học trò cưng’ của Trọng là Vũ Ngọc Hoàng - Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương.
Thế nhưng sau đại hội 12, chủ để về kiểm soát quyền lực bỗng lắng hẳn trên diễn đàn thảo luận của đảng. Cũng không dồn dập bài viết về chủ đề này trên mặt báo đảng. Khi đó, Nguyễn Tấn Dũng đã tạm yên phận ‘về làm người tử tế’, chỉ còn một Nguyễn Phú Trọng độc tôn nắm vận mệnh nhân sự của đảng.
‘Kiểm soát quyền lực’ cũng không còn được nhắc tới vào các năm 2017 và 2018 - khoảng thời gian đã tạm nổi lên một nhân vật khác và được dư luận xem là đối thủ chính trị với tổng bí thư: Trần Đại Quang - chủ tịch nước xuất thân từ bộ trưởng công an.
Sau khi Quang thình lình chết vào tháng 9 năm 2018, dĩ nhiên không còn ai nhắc tới cụm từ ‘kiểm soát quyền lực’ nữa.
Vậy tại sao chủ đề kiểm soát quyền lực lại được nêu ra, thậm chí còn trở thành một quy định của đảng và do đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào tháng 9 năm 2019?
Cát cứ và sứ quân
Đã thành một quy luật bất thành văn và không bao giờ trở thành chính thức: văn theo người; đảng văn theo nhân sự. Có một số quy định nội bộ của đảng chỉ xuất hiện vào mỗi lúc tình thế trở nên ‘có biến’. Chẳng phải Nguyễn Tấn Dũng đã bị đá văng khỏi vũ đài chính trị bởi một quy định ‘cực kỳ vớ vẩn’ mà hẳn ông ta, với thói kiêu căng tự mãn lộ rõ trên mặt, đã chẳng bao giờ thèm ghé mắt nhìn: “đảng viên không được phép tự ứng cử mà không có ý kiến của tập thể chi bộ” sao?
Quy định về kiểm soát quyền lực mới ban hành sẽ nhắm tới công tác cán bộ tại Hội nghị trung ương 11, mà cụ thể là hội nghị này sẽ chọn ra một danh sách sơ bộ các ủy viên bộ chính trị cho khóa 13. Quy định về kiểm soát quyền lực cũng sẽ được duy trì liên tục từ đây đến đại hội 13 vào đầu năm 2021. Đó là bề nổi mà nhiều người nhìn ra.
Nhưng còn bề chìm và cái chiều sâu thăm thẳm đầy những góc tối của nó?
Sau một thời gian bị quên lãng, chủ đề kiểm soát quyền lực được nêu trở lại một cách chính thức cho thấy dường như Nguyễn Phú Trọng đang lo ngại về khả năng bảo đảm quyền lực tập quyền trung ương và vấn đề tập quyền cá nhân của ông ta có thể bị đe dọa bởi những lực cản đủ mạnh nào đó.
Những lực cản đó là gì?
Một nguy cơ mà từ năm 2017, thâm tâm đảng cầm quyền có thể còn lo sợ hơn quốc nạn tham nhũng, là tình trạng cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương.
Từ sau đại hội 12, bất chấp quyền uy gần như tuyệt đối của Tổng bí thư Trọng, tình trạng cát cứ quyền lực đã nổi lên tràn lan ở một số bộ ngành và địa phương. Tất cả đều lao vào hội chứng ‘hốt cú chót’.
Không phải vô cớ mà Trọng đã chọn Đà Nẵng, TP.HCM và sau đó đến Đồng Nai là những tỉnh thành cần phải ‘đốt lò’. Đã từ lâu, ở những tỉnh thành này đã xuất hiện nhiều biểu hiện về lãnh đạo gia đình trị và hoành hành như thể những ông vua con vào thời ‘Mười hai sứ quân’ trong lịch sử Việt Nam.
Cũng không phải vô cớ mà Nguyễn Phú Trọng lại ‘xẻ thịt’ Bộ Công an, xóa bỏ toàn bộ cấp tổng cục của bộ này vào đầu năm 2018, trong khi vẫn giữ nguyên 6 tổng cục ở Bộ Quốc phòng.
Nhưng kiểm soát quyền lực không chỉ nhằm xử lý nạn cát cứ quyền lực và sứ quân địa phương, mà còn có thể mang một ẩn ý không hề được nói ra…
‘Ngồi, ngồi nữa…’
Cho dù đang độc tôn về quyền lực với một cái ghế đúp chủ tịch nước lẫn tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng vẫn không thể tự tin khi đang bắt đầu hiện ra những ‘âm binh’ nổi lên ngay dưới chân ghế ông ta - một hiện tượng rất đặc biệt mà đã nổi bật hẳn lên từ khi Trọng bị cơn bạo bệnh ở xứ Kiên Giang ‘nhà ba Dũng’, dẫn đến niềm hy vọng khó nói và khó tả của không ít quan chức về tương lai ‘đẩy’ Trọng về vườn để ngồi luôn vào khoảng trống quyền lực để lại - quá lớn và quá hấp dẫn.
Và nếu quy luật ‘văn là người’ vẫn đúng trong tình cảnh oái oăm này, đảng văn về kiểm soát quyền lực đã lần đầu tiên, kể từ khi Nguyễn Phú Trọng bị bạo bệnh, hé lộ ý định ‘ngồi nữa’ của ông ta. Nếu quy định về kiểm soát quyền lực phát huy tối đa tác dụng của nó mà nhờ đó sẽ không thể xuất hiện một đối thủ nào có thể cạnh tranh với Trọng, ông ta sẽ yên tâm ngồi tiếp tại đại hội 13, thậm chí còn có thể ‘ngồi, ngồi nữa, ngồi mãi’ như ‘hoàng đế Tập Cận Bình’ ở Trung Quốc, với điều kiện không bị hành hạ bởi những cơn tai biến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét