Ngày 24 tháng Chín vừa qua, Bộ Giao Thông Vận Tải đã thông cáo về sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án của tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Theo đó, đến cuối tháng Bảy, sau 2 tháng kể từ lúc phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ Giao Thông Vận Tải đã nhận được 60 bộ hồ sơ dự tuyển. Trung Quốc áp đảo với 30 bộ hồ sơ tham gia sơ tuyển tại tất cả 8 dự án; còn lại 15 bộ hồ sơ quốc tế của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Pháp, Philippines. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 15 bộ hồ sơ tham gia sơ tuyển.
Kết quả đánh giá của bên mời thầu và quá trình thẩm định của cơ quan nhà nước cho thấy, 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; 2 dự án chỉ một nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển; một dự án có 2 nhà đầu tư và một dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.
Trước thực tế trên, Bộ Giao Thông Vận Tải quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế; điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án. Việc này được cho sẽ giúp “đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển năng lực doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng”.
Đọc qua thông cáo nói trên, nhiều người chắc cảm thấy yên lòng vì “đã loại Trung Quốc”! Đặc biệt là vì lý do “đảm bảo an ninh quốc phòng”. Tuy nhiên, chuyện có đơn giản như vậy không?
Trước tiên, một lãnh đạo Cục Giám Định của Bộ Xây Dựng đã thú nhận rằng năng lực và kinh nghiệm đấu thầu của chúng ta còn quá hạn chế, và nếu không tìm ra sai sót nào thì không thể phân biệt đối xử để ngăn chặn nhà thầu Trung Quốc khi đấu thầu quốc tế, vì chúng ta đã là thành viên của WTO rồi. Cũng có thể là dùng hàng rào kỹ thuật, nhưng khổ nỗi nhà thầu Trung Quốc cũng có đầy đủ các thông số kỹ thuật đòi hỏi. Vì thế không thể gạt bỏ trong hồ sơ dự thầu của họ. Nói tóm lại, cạnh tranh sòng phẳng là chúng ta chưa đủ tầm. Vậy tại sao 15 nhà thầu Trung Quốc cho dự án cao tốc Bắc – Nam bị loại một cách không thương tiếc. Trung Quốc đã từng xây dựng đập Tam Hiệp và tuyến đường sắt Thanh Hải – Tây Tạng khiến cả thế giới ngả nón, huống chi 1.300 km cao tốc Bắc Nam.
Cứ cho là Trung Quốc bị loại, nhưng còn các nhà thầu Hàn Quốc, Pháp… không lẽ họ cũng không đủ trình độ?
Và sau cùng, để thực hiện cao tốc thì phải đi vay, và phần lớn vốn vay lại đến từ Trung Quốc. Để vay vốn của họ thì Việt Nam phải chấp nhận nhà thầu Trung Quốc thực hiện gói thầu như một điều kiện vay. Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư xác nhận như vậy. 1.372 km đường cao tốc Bắc – Nam có tổng mức đầu tư khoảng 314.000 tỷ đồng (khoảng 14 tỷ USD chưa tính trượt giá). Trên nguyên tắc nhà nước bỏ ra khoảng 45%, còn lại đi mượn. Nhưng với tình hình phải tính lại GDP như gần đây khiến nỗi băn khoăn về ngân quỹ lớn hơn bao giờ hết. Và càng băn khoăn thì lại phải tìm đến ông láng giềng với những ràng buộc không tránh khỏi.
Vậy thì tại sao nhà nước đột nhiên ưu ái doanh nghiệp trong nước và thẳng tay với doanh nghiệp Trung Quốc?
– Dưới sự phản đối của người dân? Nên nhớ tháng Sáu, 2018, hàng chục ngàn người xuống đường phản đối Luật Đặc Khu và An Ninh Mạng nhưng sau khi dẹp tan, họ vẫn âm thầm thông qua. Thậm chí qua vụ trục xuất người Trung Quốc vi phạm pháp luật gần đây, nhiều người còn cho rằng nhà nước Việt Nam cũng đã âm thầm thông qua Luật Dẫn Độ hồi nào không hay.
– Giao cho doanh nghiệp trong nước! Nhiều người đã lên mạng kiểm tra thì thấy các doanh nghiệp trúng thầu đã bị tai tiếng rất nhiều khi làm ăn cẩu thả. Có những tuyến đường chính thức thông xe từ 2 tháng Chín, 2018, nhưng 1 năm qua đã gây bức xúc vì liên tục tái xuất những sống trâu, lún, võng và ổ gà, ổ voi. Câu hỏi đặt ra là phải chăng có sự chia chác trong này?
– Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc theo hình thức nào đi nữa thì đâu có ai cấm việc chuyển thầu hoặc thuê nhà thầu Trung Quốc thực hiện thì sao?
– Lý do “đảm bảo an ninh quốc phòng” do Bộ GTVT đưa ra coi bộ không thuyết phục lắm, vì nếu quả thực là vậy thì công khai chỉ chọn nhà thầu trong nước ngay từ đầu, đợi chi đến lúc nhận 45 hồ sơ nước ngoài rồi mới quyết cho mất công. Thú thật, nếu đứng vào vị trí nhà thầu nước ngoài, cho dù đó là Hàn, Pháp hay Trung Quốc, điều này chắc chắn làm cho họ hụt hẫng nếu không muốn nói là tức giận.
– Thông cáo của Bộ GTVT chỉ liên quan tới 8 dự án gồm 550 cây số nghĩa là chỉ khoảng 1/3 tổng công trình, phần còn lại sẽ phải đấu thầu tiếp. Vậy chưa biết nhà nước sẽ tính sao.
– Và sau cùng, cứ “theo thông lệ”, thì mỗi khi có biến hoặc muốn thông qua một đạo luật gây tranh cãi, nhà nước với sự hỗ trợ của truyền thông và “trung đoàn 47” lại tung ra một vài tin nóng sốt để “định hướng dư luận”. Biến ngày hôm nay là gì nếu không là Bãi Tư Chính và thái độ khiếp nhược của nhà cầm quyền trước sự hung hăng ngày càng trắng trợn của Trung Quốc. Nhiều người, trong đó có cả công chức, đảng viên cũng đồng thanh yêu cầu chính phủ Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Tóm lại, hả hê thì có thể, nhưng lo lắng vẫn còn lơ lửng trên đầu vì áp lực từ phương Bắc vẫn còn quá lớn mà lãnh đạo Hà Nội thì vẫn an trú trong “16 vàng – 4 tốt”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét