Mấy năm trước đây khi vào “comment” một bài viết của tác giả Bùi Bảo Trúc trên báo NV, có nhan đề là “Cáo Phó,” một độc giả đã viết như sau: “Mỗi sáng ngủ dậy thấy mình còn đọc được cáo phó người khác thì còn gì hạnh phúc cho bằng. Đó là ơn Trời, không phải ích kỷ đâu!”
Nghĩa là “đọc được cáo phó người khác,” nghe tin người khác chết mà mình cảm thấy vui? Có một điều gì đó không ổn! Có thật thế không? Phải chăng, theo ý kiến này, có thể cắt nghĩa hai điều, một là thấy người ta chết mà mình còn sống, hai là thấy người ta trẻ mà đã ra đi, mình lớn tuổi mà chưa chết!
Lấy điều đó làm hạnh phúc. Vậy thì ra có người cảm thấy có được niềm vui hạnh phúc khi nghe người khác chết, thì cứ tìm những trang cáo phó mỗi ngày mà đọc cho hạnh phúc đi!
Phần tôi, mỗi ngày, cầm tờ nhật báo lên, sau khi lướt qua các tin tức thế giới, nước Mỹ và những chuyện xẩy ra trong cộng đồng người Việt, tôi không bao giờ bỏ sót trang cáo phó, mà đọc cáo phó thì có gì vui?
Đọc cáo phó để luôn luôn nghĩ rằng: “Con người ai cũng phải chết, tôi là người, vậy tôi cũng phải chết! (mở ngoặc đơn: chỉ có trước hay sau thôi)!
Đọc cáo phó để xem những người chết có ai quen mình hay có liên hệ gì đến bạn bè, thân thích của mình không? Đọc cáo phó để đôi khi tò mò, tẩn mẩn vào xem tuổi thọ người chết là bao nhiêu, con cái đông ít thế nào?
Nếu làm một cuộc thống kê qua các cáo phó trên báo chí Việt Nam, chúng ta thấy một điều khó giải thích hay chỉ giải thích qua hiện tượng, mà chưa ai trong giới y khoa có được một kết luận, đó là tuổi tác tỷ lệ thuận với số con, nghĩa là tuổi thọ càng cao, tính đến ngày tạ thế, thì số con càng đông. Tôi tìm ra ít nhất có năm, bảy ông, bà cụ, qua đời khi đã quá tuổi đại thọ 95, có từ 10 đến 15 người con cả nam, lẫn nữ. Như vậy đương nhiên những người tuổi thọ chỉ dưới 50 có số con rất ít, có khi chỉ một, hai người khăn rơm, gậy trúc theo sau quan tài.
Vậy thì cũng làm đùa một cái tam đoạn luận: những ông bà cụ đại thọ thường có rất đông con, tôi không phải là người đông con, vậy tôi khó sống thọ. Nhưng nghĩ ra cũng đúng thôi! Thọ mà cô quạnh, không con cháu bên mình là một tuổi thọ buồn, thì sống làm gì cho lâu!
Sống đương nhiên là vui, chết hẳn là buồn, do vậy, chẳng có ai mong chết và thấy thân nhân bạn bè mình ra đi mà không buồn, dù cho có “được Chúa gọi về,” đi nữa, thì cũng phải “đau đớn báo tin cho thân bằng quyến thuộc, bằng hữu xa gần…”
Ở một vài nơi, nghĩ là cái chết buồn cho nên người ta cử hành đám tang rất vui, có bạn nhạc chơi ồn ào suốt đêm, có múa lửa hay vũ “sexy,” cho bà con lối xóm vui, mà người ra đi cũng “ngậm cười chín suối!”
Cáo phó là thông báo về tang lễ thường được treo trước cổng tang gia hoặc gửi đến từng người thân thích, do vậy trang cáo phó ngày nay vẫn thường có câu “cáo phó này thay thế thiệp tang.” Ngày nay thường tang gia nhờ báo chí đăng tải hay đọc trên đài phát thanh, để phổ biến tin buồn của gia đình rộng rãi hơn…
Quý độc giả đọc báo hàng ngày cũng nên ghé mắt qua trang cáo phó, kẻo nhiều khi vô tình, bạn bè qua đời mà không hay biết. Trên cáo phó thường có ghi rõ tên người chết, ngày sinh và mất, tuổi thọ và chương trình tang lễ, gồm thời gian, địa điểm làm lễ nhập quan, phát tang và di quan, giờ thăm viếng.
Ngày nay theo thói quen ở hải ngoại, ở cuối trang cáo phó, tang gia thường ghi thêm câu: “Xin miễn vòng hoa và phúng điếu.”
Chữ “phúng điếu” ở đây, theo thói quen của văn hóa Việt Nam là “đi tiền” hay “cúng tiền,” bà con thường có thiện ý là giúp đỡ tang gia phần nào trong việc chi phí cho tang lễ. Ngoài những thân nhân gần gũi trong gia đình, ngày nay không ai còn giữ cách phúng điếu này nữa, mà tang gia cũng không muốn phải chịu ơn, mắc nợ ai! Do đó, đôi khi tang gia gợi ý là nếu có, người viếng tang sẽ dành tiền để giúp đỡ cho các hội bác ái, như hội người cùi, người nghèo hay thương binh.
Về chuyện vòng hoa, có thể là đang ở trong vòng tranh cãi. Theo thời giá hiện nay, một vòng hoa tạm gọi là đẹp, tươm tất có giá không dưới $200, chỉ để trong phòng tang một hai ngày rồi vứt bỏ khi người chết được chôn cất hay đem vào phòng thiêu, quả là một chuyện phí phạm tiền bạc. Nhưng chúng ta thử tưởng tượng ra, một tang lễ mà không có những tràng hoa tang trông lạnh lẽo làm sao! Mặc dầu người đời vẫn có câu “không ai chê đám cưới, không ai cười đám ma,” nhưng theo thói quen, người ta vẫn đánh giá một đám tang lớn hay nhỏ qua số lượng của những vòng hoa viếng!
Nếu chúng ta có dịp dự một đám tang của người Mỹ bản xứ và đám tang của người Việt ly hương, chúng ta thấy số vòng hoa của người Việt phải nhiều gấp 5 lần.
Vậy thì, hiện nay, chúng ta chưa thể bỏ thói quen “phúng điếu,” bày tỏ lòng thương tiếc người đã khuất, bày tỏ tình thân của mình với tang gia, bằng một vòng hoa tang được. Lấy ví dụ giữa hai gia đình thông gia thân thiết đến với nhau, trong ngày buồn, lẽ nào đi viếng tay không, dù theo yêu cầu của tang gia là “xin miễn vòng hoa!” Coi sao được!
Quan niệm đạo lý Đông phương, “nghĩa tử là nghĩa tận,” chết là dứt nợ trần gian, nên đối với những người đã chết thì mọi điều oán giận, thù ghét đều nên bỏ qua, không hiểu vì sao có người còn dùng trang cáo phó để trách móc, chì chiết người chết.
Xin đọc một mẫu cáo phó này, những lời nguyền rủa thay cho thương tiếc: “Leslie qua đời vào 30/1/2017, dài hơn được kỳ vọng những 29 năm và dài hơn rất nhiều so với ông đáng được hưởng… Ông ra đi để lại hai đứa con được giải thoát – con trai Leslie Roy Charping và con gái Shiela Smith – cùng 6 đứa cháu và vô số nạn nhân khác bao gồm vợ, họ hàng, bạn bè, hàng xóm, bác sĩ, y tá và cả những người lạ ngẫu nhiên gặp gỡ. Sẽ không có đám tang nào được tổ chức và không lời cầu nguyện nào cho sự yên nghỉ vĩnh hằng, không lời tiếc thương đến gia đình người đã khuất… Leslie qua đời là minh chứng cho việc cái xấu xa cuối cùng rồi sẽ chết và hy vọng sẽ mở ra quãng thời gian an toàn, chữa lành vết thương cho tất cả.”
Tàn nhẫn đến thế là cùng!
Một câu chuyện khác, là ông Leroy Bill Black ở thị trấn Egg Harbor, New Jersey (Mỹ) qua đời ở tuổi 55 vì căn bệnh ung thư.
Ba ngày sau đó, có hai cáo phó về cái chết của ông, in cùng trên một trang báo của địa phương của hai người đàn bà, một là vợ, và một là nhân tình của ông. Cả hai đều dành quyền loan báo tin buồn của một ông Black, coi như ông có hai gia đình riêng biệt, cáo phó của nhân tình không nhắc đến tên vợ và các con của ông, cáo phó của vợ không biết đến tên nhân tình của ông!
Gần đây, có ai đó thù hận với một bà cụ vừa ra đi, đã đăng một bản cáo phó về bà, nhưng lại tố cáo bà đã lấy người em chồng và sinh ra những đứa con.
Truy sát nhau đến tận nhà quàn như thế, thì còn gì là tình là nghĩa nữa!
Và để cẩn thận, cho chắc ăn, bạn đã viết sẵn cho mình một cái cáo phó chưa?
Thôi thì mỗi ngày cũng nên giở tờ báo ra, lật những trang cuối và đọc đôi dòng cáo phó!
Còn vui hay buồn, có hạnh phúc hay không, thì còn tùy tâm sở của mỗi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét