Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2019

16308 - Bảo vệ thiên nhiên là trò rỗi việc của bọn tây lắm tiền, dân Việt cứ đốt sống voi nhà đấy, thì sao?





Voi Păk Cú
Voi Păk Cú

Tấm ảnh trên là voi Pắck Cú, 33 tuổi, voi đực nặng 3 tấn của Công ty du lịch Thác Bảy nhánh-Buôn Đôn (Đắc Lắc). Năm 2010, Pắk Cú bị bọn săn ngà rình được trong một đêm voi được thả cho ăn ngoài rừng. Chúng chém Pắk Cú tổng cộng 217 nhát vào đầu, chân, thân và mông. Để lấy ngà và chặt đuôi voi đi bán lông. Chém mãi không chết vì Pắk Cú khỏe  vùng chạy. Chúng lấy xăng đốt cả phần mặt lẫn mông voi, thịt rớt ra, da cháy đen, người voi rách tơi tả.

PắK Cú chết sau gần 3 tháng chống chọi.

Trước đó chỉ gần hai năm, ngay giữa rừng Cát Lộc (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, thuộc địa phận Vườn Quốc gia Cát Tiên), con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam cũng đã bị thợ săn bắn chết, đục lấy sừng.
Bộ xương tê giác
Bộ xương tê giác Courtesy of thiennhien.net
Chỉ hơn 20 năm trước, ở Việt Nam còn trên 1.000 con voi. Đến nay hơn 900 con đã chết (hầu hết do bị săn lấy ngà và lông đuôi, hoặc chết do rớt vào những hố nước người dân đào trong rẫy để lấy nước tưới tiêu), chỉ còn chưa đầy 100 con sống dọc biên giới Lào và Campuchia. Những con sống cũng không lành lặn: con cụt ngà, con cụt đuôi, con cụt chân. Tê giác hai sừng tuyệt chủng. Heo vòi tuyệt chủng. Cầy rái cá tuyệt chủng. Cá chình nhật tuyệt chủng. Cá chép gốc tuyệt chủng. Cá lợ thân thấp tuyệt chủng. Hươu sao tuyệt chủng. Cá sấu hoa cà tuyệt chủng. Bò xám (Bos sauveli) tuyệt chủng từ 1995. Rùa Batagur (Batagur affinis) tuyệt chủng. Loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei), chính là Rùa Hoàn Kiếm, rùa hồ Gươm hay rùa Đồng Mô, chỉ còn hai con, nhưng mỗi con sinh sống ở một hồ khác nhau nên các nhà khoa học đã tìm nhiều cách mà không làm cho chúng sinh sản được. Rùa Trung Bộ (Mauremys annamesis), rùa hộp Zhou, sao la (Pseudoryx nghetinhensis)  tuyệt chủng. Vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomascus concolor) chỉ còn 60 con. Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) còn 70 con. Vượn Cạo Vít (Nomascus nasutus) còn 130 con. Voọc mông trắng (Trachypithecusdelacoun) và voọc mũi hếch  (Rhinopithecus avunculus) mỗi loài chỉ còn 200 con. Các loài hổ, mèo lớn, gấu và tê tê cũng đang bị cảnh báo sớm bị tuyệt chủng.
Đấy là theo số liệu vào năm 2018 của Tổng cục lâm nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam). Trong hơn một năm qua, những loài sắp hoặc đã tuyệt chủng trên còn chưa thống kê được. Nhưng chắc chắn chỉ có mất thêm chứ không sinh thêm, hay bảo vệ được tốt hơn.

“Rừng vàng biển bạc”

Không tự nhiên mà Việt Nam được gắn với cái danh rừng vàng biển bạc. Việt Nam xếp hạng 16 trên toàn thế giới về đa dạng sinh học. 10.500 loài động vật trên cạn. 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước.  1.000 loài cá nước ngọt. Khoảng 2.500 loài cá, khoảng 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Dưới biển có 7.000 loài động vật không xương sống. Khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật.
Đặc biệt, có 75 loài duy nhất chỉ Việt Nam mới có.
Nói không ngoa, Việt Nam hoàn toàn có thể bán vé cho du khách, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu khắp thế giới để ngắm nghía, quan sát và nghiên cứu các loài động vật, thực vật sinh sống trong tự nhiên mà đại đa số quốc gia khác không có.
Nhưng chúng ta không làm thế. Chơi vậy dễ quá, Việt Nam anh hùng không thèm chơi!
Chúng ta chọn cách chơi sốc cho thiên hạ sợ.
Chỉ trong vòng 40 năm, từ 1970 đến 2010, số động vật hoang dã ở Việt Nam đã giảm đến 58%, dự báo sẽ tăng lên 67% vào năm 2020, do các hoạt động của con người. Năm 1992, chúng ta có 365 loài động vật được xếp vào danh mục loài quý hiếm. 12 năm sau, đến 2004 bổ sung thêm 42 loài, thành 407 loài quý hiếm. Chỉ ba năm sau nữa, đến 2017 thêm 11 loài bị đe dọa tuyệt chủng, nâng tổng số lên 418 loài.
Rồi ít năm nữa, với cái nhã thú ăn thịt “tiểu hổ”, “ăn bất cứ con gì nhúc nhích”, chắc đến lượt loài mèo nhà ở Việt Nam cũng sẽ biến mất.
Các safari hay Thảo cầm viên lúc đó tha hồ hốt khách. Dân Việt Nam sẽ xếp hàng nườm nượp cắm trại từ cả tháng trước để mua vé, háo hức trầm trồ:


-A con gì kêu meo meo đẹp quá ba ơi.
-Con gì có mào trên đầu kêu cục ta cục tác lạ quá bà nó!
-Bộ trưởng ơi bộ ta phải xin mua con kêu chít chít này về nghiên cứu gien!
Từ đây cho tới giờ khắc huy hoàng đó, dân Việt Nam luôn luôn vui thích sẵn lòng bỏ tiền sang Singapore hay Thái Lan, xa hơn là đi hẳn châu Phi xem heo vòi, hươu, nai, hổ báo… Xem cả cừu và dê. Không sao, điều đó chứng tỏ dân ta tốt bụng, luôn luôn hừng hực ý thức làm giàu cho người dân các nước khác. Có thể vì lý do đó mà mai mốt khi thú hoang ở Việt Nam chết tiệt hết đi rồi thì người dân các nước khác sẽ mua vé đến để xem dân Việt Nam ta chăng?

Bảo vệ thiên nhiên là trò rỗi việc của bọn nhà giàu

Trong một báo cáo của Trạm bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng (WAR-Wildlife at Risk), trong quá trình cứu hộ động vật hoang dã, họ chứng kiến ở một nhà hàng đặc sản tại quận 3 (Tp HCM) mấy chục con ba ba, cua đinh nuốt bao cao su, hay một con rùa biển ói ra đến 20 cái nắp chai bia. Ông Lê Xuân Lâm, Quản lý Trạm nhiều lần kể với báo chí: Bể kiếng thả ba ba, cua đinh, rùa biển… nằm sát khu vực thực khách ăn uống để quảng cáo cho chất lượng “thật, tươi” của các món nhậu. Dân nhậu ngồi ăn, khui nắp lon tiện tay ném cái vèo trúng vào bể, vậy là rùa biển đớp trúng. Trước sau gì chúng cũng lên thớt nên chẳng nhân viên nào buồn quan tâm. 

Hai ba năm gần đây, a dua theo…  à quên, xin lỗi, chung tay với phong trào chống rác thải nhựa trên toàn thế giới, dân Việt Nam cũng hùng hục share hình ảnh rùa biển, cá voi, chim biển chết ngợp trong túi nilon hay với cái bao tử đầy rác nhựa. Nhà thờ Đức Bà Paris cháy, vô số nhân vật từ nổi tới chìm trên mạng xã hội đua nhau post hình đứng dưới tháp Eiffel thương khóc. Rừng Amazon cháy, lại thêm một đợt khóc thương phẫn nộ cho môi trường. OK nhưng ngay tại đất nước mà những nhân vật giàu tình thương đó đang ngày ngày hít thở không khí, thì nếu có dịp, họ vẫn rình rình chén một bữa thịt thú rừng (càng hiếm càng oách), săn một tấm da cọp trải sàn phòng khách (phong thủy tối cao, để trừ tà), cung tiến chiếc chân voi làm lục bình cắm mấy sợi lông công, mấy cái tay gấu để anh hầm ăn cho bổ khỏe lấy sức chăm sóc (các) chị nhà; chiếc đầu bò tót treo tường, hay bộ gạc hươu để treo hờ chiếc mũ phớt… Tệ lắm cũng phải vài bộ bàn ghế và phản gỗ sưa, ngọc am, hoàng đàn. Các lãnh đạo cấp cao nhất vẫn mách nhau uống sừng tê giác để giảm tác dụng phụ khi điều trị bệnh ung thư. Cũng chẳng thèm kín đáo giấu giếm cho lắm!
Thấp hơn thì tả pí lù, họ gán ghép và ăn tất những con côn trùng mà trước kia chưa từng được liệt vào danh sách thực phẩm. Ban đầu còn cao sang cá ngựa, tắc kè, riết rồi con sâu chít, con bổ củi, cho đến con rết, con bọ hung, con mối chúa.. cũng bị đào bới để ăn sạch. Chỉ cần quảng cáo ăn vô tăng cường sức mạnh đàn ông thì bất cứ con gì, cây gì, vật gì, thứ gì…  cũng bán sạch ở Việt Nam. Quả thật “làm giàu không khó”. (Không có lẽ đàn ông Việt Nam tự ti về khả năng chăn gối tới vậy, đến nỗi gần như ai cũng lùng mua và tin tưởng ba cái quảng cáo này).
Tháp nhu cầu của Maslow lan tới Việt Nam thì bó chiếu. Sai toét. Lý thuyết Maslow cho rằng khi con người thỏa mãn các nhu cầu thuộc về thể “lý” hay thể “xác” như ăn uống, tình dục, việc làm, gia đình, sức khỏe… thì sẽ vươn lên các tầng tiếp theo, mà cao nhất là “Thể hiện bản thân”. Cụ thể là thể hiện khả năng và bản thân, muốn được người khác công nhận và kính trọng… hiểu theo nghĩa cống hiến, sáng tạo. Không, ở Việt Nam, rất nhiều người “no cơm ấm cật” rồi thì tầng tháp cao nhất là “giậm giật tay chân”. Phải ăn, phải xài, phải chơi những gì hiếm quý nhất,  thậm chí ngoài vòng pháp luật và đạo đức nhân loại nhất, mới thể hiện được địa vị và tiền của.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét