Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

12372 - Chấn hưng Phật Giáo ( Kỳ cuối)




Những ngày này, nhiều tiếng nói trách nhiệm đang đề nghị Phật giáo Việt Nam cần phải thực hiện một cuộc chấn hưng như đã từng thực hiện vào đầu thế kỷ 20. Chấn hưng, chứ không phải là chấn chỉnh!

Kỳ 1: Phật Giáo Việt Nam đã bị những người cộng sản lợi dụng lòng yêu nước


Kỳ 3: Người dân và nhà tu hành nói gì?

Một ghi nhận ‘bỏ túi’ của người viết về chuyện người dân và nhà tu hành ở Sài Gòn ý kiến gì trước đề nghị ở cuộc chấn hưng Phật Giáo sắp tới?

+ Đại đức Thích Lệ Trụ, chùa Liên Trì, Thủ Thiêm (đã bị cưỡng chế giải tỏa vào ngày 8-9-2016): Tôi cho rằng không phải là câu chuyện của chùa Ba Vàng thỉnh vong ăn tiền ra sao, mà cái gốc của vấn đề là việc quản lý nhân sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đang để cho bọn tài phiệt lộng hành! Chính điều này như giọt nước tràn ly cho đòi hỏi chấn hưng nền Phật Giáo nước nhà.

+ Hòa thượng Thích Nguyên Lý, Viện chủ chùa Từ Hiếu, quận 8: Nếu có công cuộc chấn hưng Phật Giáo, tôi mong rằng tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được chính quyền công nhận, và không nằm trong tổ chức Mặt trận Tổ quốc.

Tôi nghĩ rằng nhìn từ bên ngoài, quả thực tăng già bị phân hóa, bị thoái hóa, bị hoen ố bởi danh dự, lợi dưỡng thế gian; nhưng tự bản chất, tăng già được thiết lập bởi Phật, đấng Nhất thiết trí, không vì vậy mà biến chất.

Tự tánh thanh tịnh vẫn luôn sáng ngời trong tự tâm của mỗi chúng sanh. Trong nghĩa đó, chúng đệ tử Thế Tôn nỗ lực tinh tấn thực hành những lời Phật dạy, vì lợi ích an lạc cho mình và cho nhiều người, không hề dao động trước những thăng trầm của lịch sử; tự huân tập bản tâm để cho tín tâm thanh tịnh không bị thoái thất bởi tính vô thường của các hành hữu vi, không bị mê hoặc bởi các giá trị thế tục.

Tôi có niềm tin vào công cuộc chấn hưng Phật Giáo Việt Nam.

+ Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, tiểu thương chợ Bà Chiểu: Giờ đi viếng cảnh chùa khác khi xưa nhiều quá, không còn cảnh chùa yên tĩnh dưới bóng cây cổ thụ tạo cho lòng mình tĩnh tâm mỗi khi vào viếng cảnh chùa, mà thay vào đó diện mạo chùa được sơn phết đủ màu rồng phụng, rồi quá nhiều bàn thờ cúng đặt khắp nơi, khắp nơi được trang trí toàn gạch men bóng loáng. Biết là đẹp nhưng có lẽ không phù hợp nơi chốn tôn nghiêm thanh tịnh vốn có của những ngôi chùa Việt từ ngàn xưa.

Đôi khi thấy chạnh lòng và buồn buồn khi cảnh xưa thay đổi nhiều quá! Có lẽ mình đã là người cũ rồi chăng khi bước qua tuổi trung niên? Còn chấn hưng Phật Giáo ư? Đó là điều vượt quá tầm hiểu biết của thân phận tiểu thương đầu tắt mặt tối như tôi.

+ Bà Nguyễn Ngọc Tâm, Phật tử chùa Già Lam, quận Gò Vấp: Có một câu nói trong nhà Phật là “Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”, qua đó, Đức Phật nhắn nhủ mỗi Phật tử, thiện tín phải học và tu, bởi không học thì không hiểu đúng thì tu sai, tạo nên hình ảnh xấu trong đoàn thể những người theo Phật là điều nguy hiểm.

Dân gian cũng có nhận định về chất quan trọng hơn lượng rằng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Theo đó, số lượng rất cần thiết cho một đoàn thể, nhưng nếu số lượng nhiều đến mức chen chúc mà không hiểu đạo, lấy tà kiến của mình để thực hành trong cửa chùa thì vô tình lại làm cho nhà chùa “mang tiếng”, làm cho người ngoài nhìn vào hiểu sai về Phật giáo - vốn là triết lý sống đem tới an vui - chứ không phải là nơi cầu đảo, ban phúc giáng họa các kiểu.

Tôi nghĩ rằng nếu có cuộc chấn hưng Phật Giáo, cần tuân thủ “Đạo pháp – Dân tộc”. Yêu cầu “chủ nghĩa xã hội”, thú thiệt là rất xa lạ, khó hình dung ra đó là cụ thể cái gì, diện mạo ra sao với những Phật tử khi đến với Phật pháp. Tôi nghĩ “chủ nghĩa xã hội” không phải là tôn giáo, và trong kinh kệ nhà Phật cũng không thấy nhắc tới cụm từ này.

+ Nguyễn Thị Bích Thu, điều dưỡng, bệnh viện Bình Dân: Tôi theo đạo Công giáo. Tôi không nghĩ tôn giáo là liều thuốc phiện, mà đó là một giá trị tinh thần. Người bệnh rất cần đến những giá trị tinh thần ấy trong quá trình chữa lành bệnh tật. Nếu tôn giáo khiến người bệnh thêm trầm trọng do việc từ bỏ chữa trị ở người thầy thuốc, thì tôn giáo ấy cần chấn chỉnh, hoặc chấn hưng tùy vào mức độ.

Hầu như bất kỳ tôn giáo nào trên trái đất này cũng đều quan tâm nhiều đến đời sống tinh thần của con người hơn là đời sống vật chất. Với đồng bào Công giáo, có khẩu hiệu tốt đời – đẹp đạo. Có đến bảy yêu cầu cụ thể cho tốt đời: Phát triển kinh tế tốt; Thực hiện nếp sống tốt; Trật tự xã hội tốt, Giáo dục – y tế tốt; Chương trình dân số tốt; Bảo vệ môi trường tốt và nghĩa vụ công dân tốt. Có ba đẹp đạo: Đẹp trong đạo đức lối sống; Đẹp trong tinh thần bác ái yêu thương; Đẹp trong nếp sống đạo.

Tôi nghĩ có lẽ bên Phật Giáo cũng tương tự vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét