Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

12430 - Thành tích và tội phạm



Lại thêm một nạn nhân nữa của nền giáo dục mục ruỗng và thối nát này. Tôi thực sự không biết cần thêm bao nhiêu tấn bi kịch nữa thì ngành giáo dục mới chịu làm giáo dục. H.Y là nữ sinh lớp 9A Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ngày 22-3, em bị 5 nữ sinh cùng lớp đánh hội đồng một cách dã man ngay tại lớp học.
Nhưng, đáng sợ hơn cả những cú đấm, những cái tát là hành động lột truồng nạn nhân. Thứ duy nhất chúng để lại trên người H.Y là một mảnh quần lót. Đây là thủ đoạn vừa sỉ nhục nạn nhân, vừa vô hiệu hoá hành động phản kháng, khiến nạn nhân chỉ có thể ngồi co cúm hứng chịu trận đòn.
Sự việc nghiêm trọng đến mức H.Y rơi vào tình trạng hoảng loạn tinh thần, phải nhập viện.
Và, nghiêm trọng hơn, đây không phải lần đầu H.Y bị hành hạ ngay tại lớp học của mình. Trong khi đó, nạn nhân là một nữ sinh nhút nhát, chậm chạp, có thể xếp vào nhóm yếu thế.
Tất cả diễn biến của vụ việc này cho thấy, từ thầy cô cho đến lũ trẻ đánh bạn đều dư thừa biểu hiện vô giáo dục dù họ đang ở môi trường giáo dục.
Thay vì bảo vệ nạn nhân, đề nghị nhà trường, cơ quan chức năng xử lý nhóm học sinh côn đồ, yêu cầu cha mẹ học sinh cùng nhà trường dạy bảo lại con cháu mình, thì giáo viên chủ nhiệm lại yêu cầu học sinh xoá clip và giấu nhẹm thông tin.
Hành động của giáo viên không thể lý giải bằng bất kỳ điều gì khác ngoài mục đích bao che cho cái xấu, cái ác, thờ ơ với những đau đớn, tổn thương của một học sinh yếu thế, để giữ gìn thành tích cho mình.
Hàng loạt vụ việc xảy ra thời gian qua cho thấy, bệnh thành tích đã ăn vào máu một bộ phận không nhỏ những người đang tồn tại trong ngành giáo dục, sống bám núi ngân sách mà ngành này được vung tay tiêu xài mỗi năm.
Bệnh thành tích, đúng hơn là bệnh thành tích ảo đã vô cảm hoá, đã tội phạm hoá con người.
Không thể trách lũ trẻ đánh bạn một cách dã man khi chính thầy cô dạy dỗ chúng cũng vô giáo dục, vô lương tâm, cũng coi thường những giá trị sống căn bản và đặc biệt, cũng vô pháp luật.
Lỗi là ở người lớn. Lỗi ở cha mẹ đã không dạy con làm người biết thương yêu đồng loại. Lỗi ở thầy cô đã truyền đi thông điệp về sự bất chấp mọi thứ chỉ để đạt được thành tích cho mình. Lỗi ở Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gần như bất lực trước sự be bét, mục ruỗng và thối nát của ngành giáo dục.
Nền giáo dục của những bệnh thành tích ảo; nền giáo dục của những thầy cô dối trên lừa dưới, thờ ơ vô cảm; nền giáo dục của đòn roi, bạo lực; nền giáo dục của những kẻ vô nhân, vô luân núp bóng thầy cô; nền giáo dục với liên tiếp những vụ lạm dụng tình dục, gian lận thi cử, ngược đãi học trò, làm nhục con người… là một nền giáo dục không còn hi vọng, là một nền giáo dục không có tương lai. Đó là một nền giáo dục của một hệ thống lỗi.
Dù chẳng có tí niềm tin nào, nhưng tôi vẫn kiên trì đòi hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thực hiện trách nhiệm của mình. Bộ này cần ngay lập tức chấm dứt những thi đua phong trào, đánh giá thành tích một cách hình thức, chấm dứt tình trạng giáo viên mất cả nhân tính chỉ vì đua tranh thành tích ảo. Tôi đòi hỏi lãnh đạo Bộ Giáo dục phải làm việc đó với tư cách là một phụ huynh, một công dân đóng thuế nuôi các người hàng ngày.
Tôi cho rằng, Quốc hội cần phải xem xét sửa ngay Luật Giáo dục. Cần phải luật hoá những điều khoản ràng buộc trách nhiệm của thầy cô trong việc để xảy ra và xử lý những vụ bạo lực học đường; lạm dụng tình dục; ngược đãi trẻ em; làm nhục, hạ thấp danh dự và nhân phẩm học trò. Quốc hội cũng cần xem xét luật hoá những quy định đặc biệt để bảo vệ những học sinh yếu thế, những học sinh chậm chạp, không có khả năng tự vệ.
Sửa Luật Giáo dục là việc mà Quốc hội cần làm ngay. Bởi vì, nếu chậm trễ, chẳng bao lâu nữa, ngành giáo dục sẽ làm mục nát cả đất nước này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét