Mệnh đề “Tôn giáo là thuốc phiện” (Sie ist das Opium) nằm trong cả một hệ thống triết học phê phán Đức. Bắt đầu từ Nam tước Holbach trong “Đạo Ki tô bị vạch trần”, năm 1761, đã định nghĩa tôn giáo là nghệ thuật đầu độc nhân dân. Tiếp sau đó Sylvan Maréchal trong “Từ điển các nhà vô thần cổ và hiện đại”, năm 1800, đã dùng rõ ràng từ “thuốc phiện” khi nói về tôn giáo.
Đến lượt Friedrich W.Hegel rồi Heinrich Heine, L.Feurbach trong các công trình triết học gần như nhất loạt xem “Tôn giáo là thuốc phiện”. Nguyên văn Bruno Bauer trong “Nhà nước Thiên Chúa giáo và thời đại chúng ta”: “Die Religion ist Opium fur das Volk” (Tôn giáo là thuốc phiện đối với nhân dân), Karl Marx chỉnh sửa thành: “Sie ist das Opium des Volkes” (Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân).
Sự chỉnh sửa của Marx có ý nghĩa mở rộng nội hàm, từ kẻ thống trị dùng tôn giáo để buôn thần bán thánh như buôn thuốc phiện để đầu độc nhân dân thành sự tự giác của nhân dân khi tự biến mình thành con nghiện. Không phải Marx không quyết liệt với tôn giáo như các nhà Marxist gần đây cố tình biện minh để dọn đường cho tôn giáo phát triển mà đúng ra là phê phán kịch liệt hơn.
Chính trị dùng tôn giáo ru ngủ nhân dân đến lúc biến nhân dân thành kẻ tự ru ngủ trong hoang tưởng và làm tê liệt tinh thần đấu tranh của nhân dân. Đó cũng là lúc “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần“.
Có thể điều Marx và các tiền bối của Marx đưa ra không còn đúng với phương Tây hiện đại sau mấy trăm năm đế chế Rome sụp đổ và sau những cuộc cải cách tôn giáo, nhưng lại rất đúng với thực tại Việt Nam. Tôi không cực đoan công kích tôn giáo, bởi tôi thừa hiểu rằng, tôn giáo góp một phần rất lớn vào nền tảng đạo đức xã hội. Nếu đạo đức xác lập trật tự và áp đặt vào đời sống một cách giáo điều thì tôn giáo còn tạo thêm đức tin cho đạo đức. Đức tin làm cho con người tự giác hướng thiện. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều đó.
Với vai trò đó, khi tôn giáo suy thoái, ắt toàn bộ nền tảng đạo đức xã hội bị sụp đổ trong sự thối nát không thể cứu chữa.
Chùa Ba Vàng, và không chỉ chùa Ba Vàng, gồm những ông sư theo Phật mà không học Phật đến nơi đến chốn, và tôi mở rộng thêm, không chỉ các sư tu hành hiện nay mà còn những nhà nghiên cứu Phật học ở các Trung tâm Phật học và Ban Tôn giáo của nhà nước cũng trong một tình trạng không cần học Phật mà vẫn cứ đẻ ra công trình nghiên cứu và truyền bá Phật giáo, đã góp phần làm suy thoái toàn diện đạo Phật. Họ làm suy thoái bằng cách nào? Đơn giản là họ luận về đạo theo cách hiểu của giới bình dân vô học: “Dương sao Âm vậy”, “Đời sao Đạo vậy”.
Không còn nghi ngờ gì nữa khi hoạt động của chùa Ba Vàng (và không chỉ chùa Ba Vàng) nằm trong xu thế lẫn lộn Âm Dương, bắt đầu từ Dương suy ra Âm. Triết lý “phải bỏ ra nhiều tiền mới có phúc báu” của sư trụ trì chùa Ba Vàng thể hiện trên 3 bình diện:
1) Một cá nhân không cần tu dưỡng tài năng và đức độ, chỉ cần trò lưu manh tước đoạt được nhiều tiền, rồi đem tiền hối lộ bề trên là có thể thăng quan tiến chức. Đem tiền tỉ đến chùa cầu thăng quan tiến chức là hiện tượng phổ biến hiện nay và hoạt động đó không khác tệ nạn hối lộ ở ngoài xã hội.
2) Một cá nhân gặp tai ách trong đời sống, muốn thoát khỏi tai ách không phải đấu tranh để vượt qua mà phải bỏ nhiều tiền ra cầu cúng để giải hạn, giải nghiệp. Điều này cũng không khác tệ nạn dương gian: chạy chọt, lo lót để chạy tội của phạm nhân, nịnh nọt để thoát khỏi sự áp bức, trù dập của thường dân nếu muốn an thân.
3) Một cá nhân nghèo khổ, bệnh tật, muốn thoát nghèo, thoát bệnh phải đóng góp xây chùa, cúng vong. Điều này cũng chẳng khác việc kẻ nghèo liều thân đánh bạc, tham gia hoạt động cho vay nặng lãi để cầu may. Và cũng không khác hiện tượng con bệnh phải lót tay bác sĩ để được chữa bệnh và bảo toàn mạng sống ở các bệnh viện.
Phật giáo đang là bản sao của sự thối nát xã hội khi nạn tranh chấp, hối lộ, chạy chọt của xã hội được thu nhỏ ngay trong phạm vi nhà chùa và ngược lại từ nhà chùa lan ra xã hội. Và thật đáng sợ khi sự thối nát của tôn giáo trở thành tiêu chuẩn sống hay thành cái lý biện minh và dung túng cho sự thối nát xã hội.
Tôn giáo lấy tranh chấp, hối lộ, chạy chọt làm tín điều thì tôn giáo đó không còn là tôn giáo và đạo đức của nó là thứ đạo đức của sự phi đạo đức.
Tôn giáo là nền tảng của đạo đức xã hội khi tôn giáo vượt lên trên sự xô bồ hỗn độn đầy tai ác của trần thế để hướng thượng bằng sự vận động và giáo huấn con người ngưỡng vọng những chuẩn mực đẹp đẽ, trật tự và cao cả. Trong khi Phật giáo Việt Nam hiện đại lại đang vận động theo chiều ngược lại. Nó lấy cái hiện hữu xô bồ, hỗn độn đầy tai ác của một thực tại xã hội mà ở đó Tiền đang là Tiên là Phật bắt mọi người phải quy phục.
Nếu nhà nước không chấn chỉnh mà tiếp tục chống lưng trò chơi ấy, tất yếu tôn giáo không chỉ là thuốc phiện đầu độc con người trong mê lầm và hoang tưởng mà còn là địa ngục đang đày đọa con người. Và sự thực, cửa Phật đang là cửa Địa ngục khi mỗi cá nhân bước chân đến đó chỉ có thể nhận lấy sự đe dọa và tống tiền của đám quỷ sứ đội lốt người mà bọn yệu tăng gọi là Vong!
Một hệ quả tất yếu phải diễn ra là sự tan rã xã hội, cái hỏa ngục trần gian dưới sự thống trị của ma quỷ ắt sinh bạo loạn thông qua một cuộc tương tàn đẫm máu rất quy mô mà nạn nhân không chỉ là đám quần chúng mê muội, chính những kẻ nuôi dưỡng ma quỷ cũng sẽ bị nướng thành than trên cái lò thiêu của thứ hỏa ngục mà chúng cố tình tạo ra tưởng chỉ để nướng dân đen!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét