Những ngày gần đây, dư luận xôn xao lo ngại về Dự án Đường Cao tốc Bắc – Nam lại được giao cho các nhà thầu Trung Quốc. Mạng xã hội nóng lên với những ý kiến hết sức cụ thể và mới mẻ về những bài học, những hậu quả của việc dính dáng với nhà thầu Trung Quốc và làm ăn với Trung Quốc nói chung.
Thái độ phản ứng rõ rệt của dư luận nhân dân đã thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Thậm chí, các tổ chức xã hội dân sự, các nhân sĩ, trí thức đã ra một bản Tuyên bố về lập trường của mình và ngay khi ra tuyên bố đã có hơn 350 tham gia ký tên.
Bản Tuyên bố nêu rõ:
“Đường cao tốc Bắc- Nam chạy dọc mặt phía Đông nước VN là dự án chiến lược, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn liên quan chặt chẽ với an ninh quốc phòng, liên quan phòng thủ Biển Đông.
Mọi công trình hợp tác với các nhà thầu TQ từ trước đến nay đều đội vốn rất lớn, thi công dây dưa. Thủ đoạn của họ là bỏ thầu rẻ, thi công trì trệ, kết hợp với quan tham VN đẩy giá lên. Trên thực tế, hầu hết các công trình có yếu tố TQ đều yếu chất lượng, kém an toàn khi thi công, khi vận hành và gây ô nhiễm trầm trọng môi trường. Đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông cho bài học xương máu.
Các nhà thầu TQ luôn đem các công nghệ lạc hậu, nhân lực TQ, kể cả lao động phổ thông vào VN, đến đâu ở lì đó, gây phức tạp an ninh xã hội.
Hiện nay các nước từ châu Phi, đến Ấn Độ Dương, Đông Á… đều tẩy chay các dự án đầu tư của TQ. Tiếp tục thuê nhà thầu TQ là tiếp tay cho tham nhũng”.
Bản Tuyên bố nêu yêu cầu:
Tổ chức ngay việc lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các chuyên gia VN trong và ngoài nước, tham vấn các nhà thầu Mỹ, Pháp, Nhật Bản… tìm phương án tối ưu cho dự án Đường cao tốc Bắc-Nam. Loại bỏ dứt khoát nhà thầu TQ, không vay vốn và nhận đầu tư từ TQ vì những lý do trên.
Làm mỗi công trình đều phải đem lại công ăn việc làm, tích lũy kỹ năng, điều kiện học hỏi cho lao động và kỹ thuật viên VN, để tiến tới tự làm. Các dự án Cầu dây văng Mỹ Thuận, Cầu Cần Thơ là bài học tốt. Nhà thầu Úc, Nhật chỉ mang chuyên gia đến, kỹ sư, công nhân là người VN.
Theo cách ấy, ngăn chặn được hiện tượng di dân bất hợp pháp, gây bất ổn xã hội của lao động TQ, ngăn chặn tham nhũng.
Chính phủ cần huy động các doanh nghiệp VN cùng tham gia vào công trình chiến lược này, ưu tiên hợp tác với các công ty Mỹ, nhằm hạ giá thành, góp phần cân bằng cán cân thương mại, tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững kim ngạch giao thương hai nước”.
Bản Tuyên bố được sự chú ý và ủng hộ rộng rãi của dư luận là điều dễ hiểu. Bởi gần đây, thông tin làm dấy lên sự lo ngại là Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam được tham gia đầu tư vào Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông. Nhà đầu tư của Trung Quốc thậm chí còn bày tỏ sẵn sàng ứng vốn của họ ra để làm toàn tuyến. Tổng mức đầu tư dự kiến là gần 119.000 tỉ đồng (hơn 5,3 tỉ đô la) để xây dựng mới 654 kilomet đường.
Những bài học về các công trình vay vốn từ Trung Quốc, phải để các nhà thầu Trung Quốc thi công và các công trình có nhà thầu Trung Quốc tham gia, đã không chỉ là những bài học nhãn tiền ở Việt Nam, mà còn là khắp nơi trên thế giới.
Có thể nói rằng, kể từ khi Trung Quốc phát triển kinh tế nhanh chóng, nhiều âm mưu thôn tính, bành trướng ra thế giới được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có “Bẫy nợ”.
Myanmar và Sri Lanca đã là một ví dụ hết sức thực tế. Điểm qua một vòng báo chí, chúng ta thấy đã có nhiều bài viết nói về vấn đề này.
Theo báo Economic Times, trong dự án cảng nước sâu Magampura Mahinda Rajapaska tại Hambantota, một mắt xích trong Sáng kiến Vành đai, Con đường" (BRI) tại Sri Lanka, chính phủ nước này vay 301 triệu USD từ Trung Quốc với lãi suất cao 6,3%. Trong khi đó, lãi suất các khoản vay ưu đãi từ Ngân hàng thế giới hay Ngân hàng phát triển châu Á chỉ từ 0,25 - 3%.
Kinh tế tăng trưởng chậm, Sri Lanka gần như mất khả năng chi trả cả nợ gốc lẫn lãi. Nói như một số học giả quan hệ quốc tế, Colombo đã rơi vào cái bẫy nợ của Bắc Kinh. Và để vùng vẫy, thoát khỏi cái bẫy này, chính phủ Sri Lanka quyết định đi đến giải pháp hoán đổi nợ thành cổ phần trong các dự án có vốn Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, điều này sớm muộn sẽ dẫn tới việc quốc đảo này mất quyền kiểm soát hoàn toàn vào tay Bắc Kinh tại các dự án trên đất Sri Lanka.
Cảng biển nước sâu và khu công nghiệp ở Thị trấn Kyaukpyu của Myanmar trị giá tổng cộng 10 tỉ USD do Trung Quốc tài trợ xây dựng. Giá trị kế hoạch đầu tư này lớn gấp bảy lần chi phí nhiều cảng do Trung Quốc xây ở Sri Lanka và Cameroon cũng sẽ là trường hợp tương tự.
Tại Việt Nam, sau những dự án Gang Thép Thái Nguyên, Đường sắt Đô Thị Cát Linh – Hà Đông. Bauxite Tây Nguyên, Formosa… là những ví dụ cụ thể không cần phải nói chi tiết thì ai cũng hiểu khi nhà thầu Trung Quốc bằng nhiều cách chui vào thực hiện dự án, rồi cái bẫy bắt đầu hoạt động: Giá thầu thấp, chất lượng kém, tiến độ kéo dài và liên tục yêu cầu tăng vốn… đến cuối cùng là sản phẩm kém chất lượng mà giá thì… trên trời. Ngoài ra, quá trình thực hiện dự án, là quá trình Hán hóa đất nước chúng ta từng phần, từ con người cho đến mọi mặt đời sống xã hội.
Hệ quả nhãn tiền về việc sử dụng vốn Trung Quốc khiến chủ quyền doanh nghiệp, dự án, lãnh thổ bị đánh đổi là điều ai cũng biết, ai cũng nhìn thấy.
Vậy tại sao Việt Nam vẫn cứ vướng nhà thầu Trung Quốc?
Những cuộc xâm lược mềm
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay chống bọn bành trướng phương Bắc, đất nước chúng ta đã trải qua nhiều hình thái chiến tranh khác nhau. Từ xa xưa cho đến nay, những cuộc chiến bạo lực, bằng sức mạnh cơ bắp, cung nỏ, súng đạn và gần đây là cuộc chiến 1979 mà bọn bá quyền bành trướng thực hiện với đất nước ta đều đã bị bẻ gãy bởi tinh thần quật cường của nhân dân Việt Nam vốn yêu quê hương, đất nước và dân tộc mình.
Thế nhưng, để đối đầu với một dân tộc dù nhỏ bé, bọn bành trướng Bắc Kinh không thể chiến thắng, thì cũng trong lịch sử Việt Nam, những cuộc xâm lược mềm lại hoàn toàn có thể thành công.
Theo truyền thuyết lịch sử, Triệu Đà dùng kế gian đưa Trọng Thủy vào làm con rể Vua An Dương Vương, đánh đổ Vua An Dương Vương, thiết lập ách cai trị của nhà Triệu lên nước Việt Nam ta từ năm 207 trước CN.
Từ đó, các triều đại Trung Quốc cai trị người Việt Nam ta suốt 1146 năm. Đó là cuộc xâm lược mềm thắng lợi của triều đình Phương Bắc với đất nước chúng ta. Nó thắng lợi bởi triều đình nước Việt thời bấy giờ có một An Dương Vương mất cảnh giác khi kết thân với giặc, coi giặc là người nhà.
Và đất nước chìm đắm trong vòng Bắc thuộc suốt cả ngàn năm cho đến năm 938, khi Vua Ngô Quyền nổi dậy, đánh đổ nhà Hán, và năm sau, 939, chiến thắng quân Hán trên sông Bạch Đằng, chấm dứt vĩnh viễn thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc.
Trong thời hiện đại, khi những cuộc xâm lược bằng vũ lực, bằng sức mạnh trâu bò “biển người”, bằng tất cả sự tàn bạo không thắng nổi dân tộc Việt Nam, bọn bành trướng đã thay đổi sách lược xâm lăng. Đó là cuộc xâm lược mềm.
Bắt đầu từ Hội nghị Thành Đô, bằng cái gọi là “quốc tế cộng sản” nhà cầm quyền CSVN đã dần dần mắc vào một cuộc chiến xâm lược mềm rất công phu, lâu dài và chắc chắn của nhà cầm quyền CS Trung Quốc.
Chỉ vì để lo giữ cái ngai vàng cai trị của mình, Đảng Cộng sản đã chấp nhận quay bạn thành thù, đổi thù thành bạn trong một quãng thời gian dài mấy chục năm nay, với muôn vàn sự hèn hạ, khiếp nhược và hậu quả là đất nước bước dần vào sự nô lệ Trung Cộng về kinh tế, văn hóa và chính trị.
Về mặt văn hóa, báo chí, tivi tràn ngập phim Tàu, tin Trung Cộng. Báo chí đưa tin Trung Cộng cứ như đưa tin nhà mình. Thậm chí, tờ báo Đảng Cộng sản còn để bản tin ghi rõ Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Cộng. Trong khi tờ báo viết về Biển đảo Việt Nam thì phải đình bản, người in áo chống đường lưỡi bò, người biểu tình yêu nước thì vào tù. Trong khi lịch sử Việt Nam cố tình bị quên lãng, xuyên tạc, những chi tiết lịch sử liên quan đến bọn xâm lăng bị biến tướng, bóc gỡ, che dấu một cách nhục nhã. Học sinh Việt Nam dần dần quên lịch sử Việt Nam để nhớ lịch sử Tàu.
Người dân Việt Nam không thể quên những năm tháng tủi hổ, chỉ cần nhỡ miệng, chỉ cần mặc chiếc áo có dòng chữ Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam, chỉ cần viết, nói về Biển, Đảo của Tổ Quốc, thì y như rằng có chuyện với bộ máy công an “còn đảng, còn mình”. Nhẹ, thì phiền toái, đánh đập, bắt giữ, nặng thì vào trại giam.
Không chỉ hôm nay, mà giai đoạn gần đây, những hành động của đảng Cộng sản và nhà nước CSVN đối với Trung Cộng chỉ thể hiện thành công một điều: Sự lệ thuộc, khiếp nhược đến hèn hạ. Mọi hành động, giao tiếp giữa hai quốc gia độc lập đã bị biến dạng đến thảm hại. Trong khi bọn bành trướng ngày càng lộng hành, ngang ngược đối với thể diện đất nước, đối với lãnh thổ của Tổ Quốc, thì đảng luôn chỉ đạo ngậm miệng làm thinh. Chẳng những thế, tất cả những tiếng nói của người dân thể hiện sự ưu tư trước hiện tình đất nước, trước tương lai và nguy cơ của lãnh thổ của Tổ Quốc, đều được Đảng ưu tiên xếp vào thế lực thù địch và nhà tù là nơi dành cho họ.
Về kinh tế, mọi thứ hàng hóa tiêu dùng đều là Trung Cộng chi phối, từ miếng thực phẩm, từ món hàng tiêu dùng cho đến tấm bản đồ in hình lưỡi bò treo trong phòng các quan chức… tất cả đều được Trung Cộng cung cấp. Hàng hóa tràn ngập với đầy đủ độc tố để làm suy kiệt giống nòi ta về thể lực và tinh thần. Còn hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc, liên tục được làm xiếc như đánh bạc mà cuối canh bạc trắng tay là người dân Việt Nam.
Đi theo đó, là việc dùng đồng tiên khuynh đảo, điều khiển hệ thống quan chức cộng sản đang cố giữ vị trí cầm quyền.
Nếu như trước đây, bọn bành trướng phải tiêu hao hàng vạn quân lính, voi ngựa, xe tăng thiết giáp và mang lấy sự nhục nhã của đội quân xâm lược mà không thể áp đặt ách đô hộ lên đất nước Việt Nam. Thì ngày nay, chỉ cần một phần rất nhỏ nguồn lực ấy, nhà cầm quyền CS Trung Quốc chỉ cần biết đặt đúng chỗ, chi đúng nơi, thì hệ thống cầm quyền CSVN đã tự nguyện làm công cụ để cuộc chiến xâm lược mềm thành công cho giặc.
Những cái bẫy nợ, những hợp đồng kinh tế… mang nhà thầu Trung Quốc với muôn vàn hậu quả về kinh tế, chính trị, văn hóa, lãnh thổ, tệ nạn và nguy cơ được tiếp tay và thực hiện bởi nhà cầm quyền CSVN đều là những bước đi trong cuộc chiến xâm lược mềm đó.
Điều mà đất nước này, dân tộc này gặp phải không ở chỗ mưu đồ bành trướng của bọn bá quyền Phương Bắc, bởi điều đó xưa nay dân tộc này vẫn đối mặt như thiên tai địch họa hàng ngày. Và tinh thần quật khởi của người dân Việt luôn vượt lên được tất cả.
Duy có điều khi hệ thống cầm quyền CSVn tự nguyện làm tay sai cho giặc, thì những cuộc xâm lược mềm sẽ là hết sức khó khăn cho dân tộc này.
Và nguy cơ Bắc thuộc lần thứ 2 đã thấy rất rõ ràng.
Ngày 28 tháng 3 năm 2019
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét