Đại Tướng Austin “Scott” Miller – tư lệnh chiến trường Afghanistan của Hoa Kỳ – nói với phái đoàn Afghanistan trong cuộc thương thuyết đình chiến tại đây là ông hiểu giá trị tác chiến của người lính Taliban; và ông yêu cầu họ tìm hiểu giá trị tác chiến của người lính Mỹ. Ông nhận xét đúng về giá trị tác chiến của người lính; câu ông nói có thể hiểu là cả lính Mỹ lẫn lính Taliban đều tác chiến giỏi, họ đã đối diện với nhau suốt 18 năm dài mà cuộc chiến tranh vẫn chưa ngã ngũ được.
Ông nói tiếp, “Chúng ta có thể tiếp tục giao chiến nữa, tiếp tục giết nhau nữa, hoặc chúng ta có thể cộng tác với nhau để giết bọn ISIS.”
Giá trị thuyết phục của câu ông nói có thể không mạnh hơn những tấn bom ông trút vào vùng chiến khu rừng núi Afghanistan; nói cách khác, ông nói vì phải nói như vậy, cũng như ông cứ thả bom vào rừng, dù ông ý thức được là không kết quả gì lắm.
Điều ông không hiểu, không nói ra được là người lính Mỹ không thất trận tại Afghanistan, không thất trận tại Việt Nam. Tướng lãnh Mỹ thua địch trong cả 2 cuộc chiến tranh đó.
Ngồi đối diện với ông và phái đoàn Mỹ là phái đoàn Taliban, và Taliban là chính thể cai trị Afghanistan ngày quân Mỹ đổ vào đó để tìm bắt sống, hoặc giết chết trùm khủng bố Osama bin Laden, trong lúc ông “trùm” đó an toàn sống trên lãnh thổ Pakistan – một quốc gia Hồi Giáo đồng minh với Mỹ.
Những mâu thuẫn lỉnh kỉnh đó là sắc thái đặc thù của chiến lược Mỹ trong những cuộc chiến tranh ngoại biên – kể cả chiến tranh Việt Nam.
Chính quyền Taliban chạy trốn vào rừng ngày quân Mỹ đổ bộ vào đất nước họ, một số viên chức chính phủ không chạy, mà ở lại xin cộng tác với Mỹ; họ được Mỹ bịt mắt, còng tay, và gửi vào trại tù Guantanamo.
Sau nhiều năm tù, nhiều cuộc tuyệt thực, nhiều lần tự tử, họ được trả tự do trong cuộc trao đổi tù binh – Mỹ đổi họ lấy một quân nhân Mỹ – Trung Sĩ Bowe Bergdahl – bị Taliban giam giữ.
Giờ này 5 tù nhân đó có mặt trong phái đoàn Taliban, ngồi đối diện với phái đoàn Mỹ.
Tướng Miller ngồi đối diện với 5 cựu tù nhân đã từng bị giam giữ tại trại tù khét tiếng Guantanamo
Mullah Khairkhwa, nói ông tin là cuộc thương thuyết đình chiến sẽ đạt được kết quả nhanh chóng, vì “chiến tranh đã quá dài, tổn thất và chết chóc quá nhiều, hai bên cùng thấm mệt – mệt đủ để thành thật muốn chấm dứt chiến tranh.”
Ông chính khách râu ria rậm rạp này, đã trải qua nhiều năm tù Mỹ trước khi trở lại vai trò chính khách, có vẻ thấu hiểu tâm trạng thấm mệt của Mỹ không kém gì ngoại trưởng Việt Cộng Lê Ðức Thọ trên bàn hòa đàm Paris – hiểu đến mức đòi hỏi tối đa nhượng bộ của Mỹ.
Cuộc thảo luận ngưng chiến đang diễn ra tại thành phố DOHA của nước Qatar.
Khairullah Khairkhwa nói thêm, “Trong những năm bị giam cầm tại Guantanamo Bay, Cuba, tôi vẫn tin là chúng tôi sẽ được nhanh chóng trả tự do, vì cuối cùng người Mỹ sẽ phải hiểu là chúng tôi không chống họ, mà ở lại không vào rừng vì muốn cộng tác với họ. Nhưng quả thật tôi không bao giờ tưởng tượng được việc ngày hôm nay, chúng tôi ngồi đối diện với họ, thảo luận về cách người Mỹ rút ra khỏi đất nước chúng tôi.”
Cả 5 chính khách Afghanistan đó đều đã trải qua 13 năm tù Mỹ, giờ này họ ngồi thương thuyết với tướng lãnh Mỹ, chính khách Mỹ. Nhiều người bảo thẳng người Mỹ là họ rút lui càng sớm càng tốt – 6 tháng chẳng hạn; nhưng viên chức ngoại giao Zalmay Khalilzad của phái đoàn Mỹ giải thích với họ những phức tạp của việc rút quân. Khalilzad cho là thời gian cần thiết để lực lượng quân sự của Mỹ và đồng minh rút khỏi Afghanistan có thể là vài năm.
Dư luận truyền thông quốc tế quan tâm đến cảm nghĩ của 5 chính khách Afghanistan – những cựu tù nhân Guantanamo; trong nhiều cuộc phỏng vấn riêng rẽ họ bảo các phóng viên là Afghanistan không cần đòi Mỹ rút quân nhanh chóng, vì đó là nhu cầu của Mỹ hơn là nhu cầu của Afghanistan.
Họ còn cho truyền thông biết là sau cuộc trao đổi tù binh, họ được Mỹ cho định cư tại Qatar – một nước nhỏ thân Mỹ tại Trung Đông – và chính phủ Qatar vẫn ngầm theo dõi họ.
Cả 5 người cùng là những viên chức quan trọng trong chính phủ Taliban cho đến năm 2001 – năm Mỹ đổ quân vào Afghanistan.
Ông Mullah Khairkhwa – người ngồi giữa trong tấm hình chụp tại cuộc hòa đàm diễn ra tại Doha, Qatar, nguyên là một thống đốc; ông Abdul Haq Wasiq là một thứ trưởng.
Hồ sơ tòa trong phiên xử tại Guantanamo ghi nhận câu ông Mullah Mazloom trả lời ông chánh án, “Chiến tranh Afghanistan dài đã 25 năm – cuộc chiến của người này chống người khác, làng này tấn công làng nọ, tỉnh A xâm chiếm tỉnh B, bộ lạc X đem quân đánh bộ lạc Y. Nếu ông thẩm phán quan niệm những cuộc xô xát đó là tội ác, thì ông có thể bỏ tù cả nước Afghanistan chúng tôi, hoặc gửi họ sang đây, ở với chúng tôi tại Guantanamo này.”
Trên chiến trường, Đại Tướng Miller đã không giải quyết được cuộc chiến tranh Afghanistan, mặc dù ông bảo họ: “Chúng ta có thể tiếp tục giao chiến nữa, tiếp tục giết nhau nữa, hoặc chúng ta có thể cộng tác với nhau để giết bọn ISIS.”
Đã bó tay trên chiến trường, thì trên bàn hội nghị ông cũng không ấn định điều kiện hòa bình được, vì sau 18 năm giao tranh mà tướng lãnh Mỹ vẫn chưa tìm được chiến lược loại ra khỏi vòng chiến từng tên du kích – loại đích danh – thì ngưng chiến là nhu cầu của Mỹ, nhu cầu cấp bách phải thực hiện bằng bất cứ giá nào.
Một chiến lược gia Việt Nam 56 năm trước đã thực hiện được phép lạ đó, ông Ngô Đình Nhu; người bị Mỹ tru lục toàn gia, giết cả 3 anh em ông ta để đánh giặc theo kiểu Mỹ. Kể từ ngày đó, ngày 11 Tháng Giêng, năm 1963 đến hôm nay, Ngũ Giác Đài chưa sửa được một chữ nào trong chiến lược chống du kích vô dụng của họ… thì tháo chạy đi thôi. Chờ gì nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét