Trong tất cả những câu chuyện về Chiến tranh Việt Nam, có một đặc điểm nổi bật hơn nhiều so với phần còn lại trong ký ức người Mỹ: Đó là cuộc chiến của thế hệ Baby Boomer (những người sinh ra sau Thế chiến II).[1] Đến mùa xuân năm 1967, hầu hết lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến đều ra đời vào năm 1946 hoặc sau đó.
Để hiểu chiến tranh, chúng ta phải hiểu điều gì đã thúc đẩy thế hệ người Mỹ này không đơn thuần chỉ phản chiến mà còn thực sự chiến đấu, và sau đó là cố gắng tìm cách thoát ra. Người ta dễ dàng bắt đầu chiến tranh hơn là kết thúc nó. Và đối với bản thân người lính chiến, ký ức tồn tại rất lâu sau khi cuộc chiến dừng lại.
Trong lễ nhậm chức vào tháng 01/1961, Tổng thống John Kennedy nói, “Hãy cho mọi quốc gia biết, dù họ có muốn hay không, rằng chúng ta sẽ trả bất cứ giá nào, chịu bất kỳ gánh nặng nào, chấp nhận bất kỳ khó khăn nào, hỗ trợ bất kỳ người bạn nào, chống lại bất kỳ kẻ thù nào để đảm bảo sự sống còn và thành công của nền tự do.”
Những người sinh ra sau thế hệ Baby Boomer có thể thấy lạ khi đọc về một vị Tổng thống yêu cầu công dân hãy hy sinh, hãy sẵn sàng trả “bất cứ giá nào.” Tuy nhiên, cha mẹ hoặc ông bà của họ, những người thuộc thế hệ Baby Boomer, rất có thể sẽ nhớ về khoảnh khắc tỏa sáng ngắn ngủi của một lời hứa đầy mạnh mẽ và của những ước mơ chưa được thực hiện. Chính tiếng vọng của lời kêu gọi ấy chỉ vài năm sau đã thúc giục hàng trăm ngàn thanh niên nhập ngũ và tới Việt Nam, để có cơ hội bảo vệ “sự thành công của nền tự do” – cũng như khiến cho rất nhiều người trẻ khác ở Mỹ ủng hộ cuộc chiến, chí ít là trong giai đoạn đầu.
Nhưng trong ký ức của phần lớn chúng ta, thế hệ Baby Boomer nhanh chóng quay sang chống chiến tranh. Có nhiều người phản đối, nhưng cũng có nhiều người tham gia phục vụ trong cuộc chiến. Hơn 10 triệu người thuộc thế hệ Baby Boomer phục vụ trong quân đội, tức là khoảng 40% nam giới thuộc thế hệ của họ. Nhiều người trong số này phục vụ tại Việt Nam. Số người thuộc thế hệ Baby Boomer chết trong Chiến tranh Việt Nam lớn hơn số người trốn sang Canada hoặc vào tù vì từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự. Những người lính Baby Boomer có thể là những người lao động chân tay và là thiểu số so với trung bình thế hệ của mình, nhưng họ không phải là kẻ ngoài lề, càng không phải là kẻ duy nhất chiến đấu. Tham gia chiến đấu cũng có những sinh viên bỏ học đại học và những người đã tốt nghiệp– không chỉ trong vai trò các sĩ quan.
Hồ sơ của những người lính này phức tạp hơn nhiều so với định kiến của chúng ta về họ – những người đàn ông và phụ nữ Mỹ ở Việt Nam không được xác định bằng biểu tượng hòa bình và chuỗi hạt tình yêu mà họ xăm, dù một vài người trưng chúng. Họ không phải là một nhóm người bị bắt đi nghĩa vụ quân sự và nổi loạn, dù nhiều người đã bị bắt đi lính, và nếu không bắt đầu nhiệm vụ chiến đấu của mình bằng sự vỡ mộng, rất có thể họ sẽ kết thúc cuộc chiến với cách nhìn đó. Họ không phải là một nhóm những “sát thủ” (fraggers) chuyên sát hạt các sĩ quan cấp trên, cũng chẳng phải những tên giết người chất đống thi thể của những nạn nhân vô tội trong làn khói cần sa.
Họ là những người lính bộ binh và lính thủy đánh bộ, thủy thủ và phi công, bác sĩ và y tá, những người đã học bài học về sự sống còn, về bảo vệ bạn bè, về cái chết tàn khốc. Họ đã chứng kiến sự đau khổ của người Việt Nam và đã tiếp tục nhiệm vụ của mình ngay cả khi sự kết thúc của cuộc chiến và ý nghĩa của nó cứ ngày một xa vời. Bài hát yêu thích của họ là bản We Gotta Get Out of This Place (tạm dịch: Chúng ta phải thoát ra khỏi chỗ này) của nhóm Animals. Nhưng khi thực sự thoát khỏi cuộc chiến đó, việc trở về quê hương thường cực kỳ khó khăn và cô đơn. Tác động từ thái độ thờ ơ, nếu không phải là thù địch, của công chúng là rất lớn chỉ bởi họ đã thực hiện trách nhiệm công dân mà họ cho là của mình.
Thế hệ Baby Boomer lớn lên trong thế giới của thập niên 1950, một thế giới với các cuộc diễn tập ứng phó thảm họa (duck and cover) ở trường học nhằm chuẩn bị cho một cuộc tấn công hạt nhân, một thế giới với những lời nhắc nhở về mối đe dọa cộng sản từ Liên Xô và Trung Quốc, về nỗi sợ chiến tranh gần như không thể tránh khỏi, và về nghĩa vụ của họ trong cuộc chiến này. Đó là khoảng thời gian của sự sợ hãi, nhưng cũng là kỷ nguyên của niềm tin quốc gia và nghĩa vụ cá nhân. Con cái của các cựu binh Thế chiến II này hiểu được trách nhiệm của mình – sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự khi cần thiết, thậm chí tự nguyện tham gia trước cả khi được kêu gọi.
Nhà báo Philip Caputo là một sĩ quan thủy quân lục chiến trẻ tuổi từng góp mặt trong đơn vị tác chiến đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam vào năm 1965. Ông hồi tưởng, “Đối với những người Mỹ không trưởng thành trong giai đoạn đầu thập niên 1960, thật khó mà hiểu được những tháng năm ấy – khi mà niềm tự hào và tự tin quá mức đương thắng thế.” Ông nói rằng khi hành quân qua những đồng lúa, những người lính mang theo, “bên cạnh ba lô và súng trường, là niềm tin ngầm rằng Việt Cộng sẽ nhanh chóng bị đánh bại và chúng tôi đang làm một điều hoàn toàn cao quý và tốt đẹp.”
Rất ít người có thể lường trước được thời hạn và chi phí của cam kết này. Rõ ràng là các nhà lãnh đạo đã không thể làm được điều đó, dù họ hiếm khi thừa nhận thực tế đó một cách trung thực. Vì vậy, khi Tổng thống Kennedy tuyên bố trong lễ nhậm chức của mình rằng “ngọn đuốc” đã được truyền sang thế hệ mới, thế hệ Thế chiến II của ông, đó là ngọn đuốc mà chỉ một số ít thuộc thế hệ ông đã nắm giữ đủ lâu. Chỉ trong vài năm, họ đã nhanh chóng truyền ngọn đuốc đó cho con cái của mình.
Năm 1965, việc Tổng thống Lyndon Johnson gửi lục quân chiến đấu [đến Việt Nam] đã làm dấy lên nhiều lời chỉ trích và bất đồng chính kiến, nhưng hình ảnh nổi trội vẫn là hình ảnh những người Mỹ trẻ tuổi đứng vững giữa rừng rậm, đem lại cảm giác mạnh mẽ về sứ mệnh của những người Mỹ đang bảo vệ “thế giới tự do.”
Tình hình dần thay đổi khi số lượng lính ngày càng nhiều, thương vong ngày càng tăng, khi lính nghĩa vụ ngày càng chiếm đa số trong các đơn vị, và khi lý do tiến hành cuộc chiến cũng như cách nó được tiến hành đã bị phản đối rộng khắp hơn nhưng lại không được bảo vệ một cách thuyết phục. Dù người Mỹ vỡ mộng về cuộc chiến, con trai, con gái, và anh chị em của họ vẫn tiếp tục lên đường sang Việt Nam. Đối với những người biểu tình và chỉ trích, tới thời điểm năm 1967, những người lính đã trở thành đối tượng được thương hại vì phải phục vụ trong một nhiệm vụ nguy hiểm, trong một cuộc chiến tàn khốc và bất công.
Năm 1968, những người biểu tình hô vang rằng “Hey, hey, L.B.J. How many kids did you kill today?” (tạm dịch: Hey, hey Lyndon Baines Johnson. Hôm nay ông đã giết bao nhiêu đứa trẻ rồi?) Nhưng vào cuối năm 1969, khi nước Mỹ được tin về vụ thảm sát tàn bạo mà binh lính của họ đã gây ra cho khoảng 600 dân thường ở làng Mỹ Lai, một số người biểu tình chuyển hướng sang quân Mỹ đang phục vụ ở Việt Nam, không còn xem họ là nạn nhân mà là những kẻ sẵn sàng tham gia cuộc chiến tàn khốc và bất công này. Johnson phải khăn gói quay về Texas, còn những chàng trai trẻ phục vụ trong quân đội, từ Baby Boomer (bùng nổ trẻ em) giờ trở thành Baby Killer (giết hại trẻ em). Sự thương hại trở thành khinh miệt. Trung úy William Calley, kẻ chịu trách nhiệm chính trong vụ Mỹ Lai, có lẽ đã được biết đến nhiều hơn bất kỳ sĩ quan chiến đấu nào khác từng phục vụ tại Việt Nam. Và vì thế những câu chuyện Việt Nam về lòng dũng cảm và sự hy sinh cũng bị làm lu mờ.
Vụ thảm sát Mỹ Lai đã đóng khung hình ảnh mà đối với nhiều người khi nhìn lại đã mô tả về thế hệ người Mỹ lớn lên trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến của họ chính là cuộc chiến trong phim “Apocalypse Now.” Dù vậy, bộ phim có rất ít liên quan đến các sự kiện và trải nghiệm trong Chiến tranh Việt Nam, cũng như trường hợp của “South Pacific” và Thế chiến II – ngoại trừ việc bộ phim thứ hai đối xử tốt hơn với hình tượng người lính. Đa số các cựu chiến binh Việt Nam đã phục vụ một cách vinh dự và dũng cảm.
Khi người Mỹ quay lưng lại với chiến tranh, khi các nhà lãnh đạo chính trị bày trò lươn lẹo với chủ đề ấy, những thanh niên thiếu nữ trẻ tuổi này vẫn tiếp tục cuộc chiến của họ. Ở ngoài kia, Việt Nam là vùng đất nóng nực và ẩm ướt. Đó là câu chuyện về những ngày hành quân qua rừng rậm, đồng lúa, đồng cỏ; là chuyện bị ướt lạnh, nhiễm bệnh và bẩn thỉu; là cuộc truy tìm kẻ thù thoắt ẩn thoắt hiện trong khi chạm trán thường dân Việt Nam, những người chỉ ao ước lính Mỹ sớm rời đi và chiến tranh sẽ kết thúc.
Chúng ta chẳng thể chấp nhận thực tế về Chiến tranh Việt Nam cho đến khi chúng ta thừa nhận câu chuyện về thế hệ phục vụ ở đó và hiểu được những cảm xúc phức tạp mà họ phải đối mặt. Trong những năm sau chiến tranh, với tư cách là thường dân, họ đã tiếp tục phục vụ đất nước và thế giới của họ và tạo nên sự khác biệt. Những ký ức mạnh mẽ, thường không được chia sẻ, vẫn còn đó.
Hiểu được điều này là cần thiết: Những ai chịu trách nhiệm gửi những người trẻ ra chiến trường luôn cần phải xem xét hậu quả lâu dài của chiến tranh và chi phí về nhân mạng khi thực hiện hành động này. Winston Churchill, khi nói về Chiến tranh Boer, đã nhận ra điều đó từ một thế kỷ trước; và thế hệ Việt Nam đã trải nghiệm điều đó cách đây nửa thế kỷ. Như Churchill viết, “Các vị lãnh đạo ủng hộ chiến tranh phải nhận ra rằng một khi tín hiệu được đưa ra, anh ta sẽ không còn là chủ nhân của chính sách nữa, mà là nô lệ của những sự kiện không thể lường trước và không thể kiểm soát được.” Ông kết luận, “Chúng ta hãy tự học bài học của chính mình.”
James Wright là một nhà sử học, chủ tịch danh dự của Đại học Dartmouth, đồng thời là tác giả cuốn “Enduring Vietnam: An American Generation and Its War.” Ông từng tham gia Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.
———-
[1] Baby boomers (từ gốc baby boom nghĩa là bùng nổ số lượng trẻ em) là thế hệ sinh ra ngay sau Thế chiến II, thời kỳ tỉ lệ sinh tăng cao (NBT).
Nguồn: James Wright, “The Baby Boomer War”, The New York Times, 11/04/2017.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét