Một cư dân Vườn rau Lộc Hưng nói với BBC rằng Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh "là người thân của dân Lộc Hưng" trong lúc báo Nhân Dân nhắc tên cha Thanh trong số các chức sắc Tôn giáo "có phát ngôn, việc làm đi ngược đường hướng tích cực".
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh, người gắn bó với Vườn rau Lộc Hưng, nói với BBC rằng các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế "chịu áp lực từ chính quyền" nhưng không phải vì lý do đó mà ông đi khỏi Sài Gòn.
Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh được biết đến là người điều hành Ban Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn và xuất hiện trong chương trình bình luận thời sự "Hội luận cà phê đá" phát sóng định kỳ trên kênh AMEN TV và trang Tin Mừng Cho Người Nghèo.
Ông cũng là linh mục gắn bó và tường trình về diễn biến tại Vườn rau Lộc Hưng thời gian qua, bên cạnh các hoạt động trợ giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa.
Trong một bài viết trên tờ South China Morning Post hồi năm 2018, Linh mục Thanh cho biết ông "từng bị bắt giữ 10 lần và bị cấm xuất cảnh" và "người Công giáo trong một quốc gia cộng sản phải chịu đựng rất nhiều hệ lụy".
Tin cho hay từ ngày 12/4, ông sẽ chuyển về nhà thờ Sáu Bọng ở Cần Thơ, thuộc Giáo phận Long Xuyên và là thành viên tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Vĩnh Long.
Linh mục Nguyễn Duy Tân, chánh xứ Nhà thờ Thọ Hòa bình luận trên trang cá nhân: "Sứ mệnh của linh mục là sẵn sàng để được sai đi rao giảng Phúc âm. Sự kiện cha Antôn [Lê Ngọc Thanh] sắp phải ra đi khỏi Sài Gòn, đối với ngài thì là chuyện bình thường. Nhưng đối với bà con Vườn rau Lộc Hưng, là một nỗi buồn rất lớn..."
Hôm 26/3, blogger, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên, cư dân Vườn rau Lộc Hưng nói với BBC: "Theo quan sát của tôi, Cha Antôn Lê Ngọc Thanh là một linh mục có kiến thức rất sâu rộng. Một người nghiêm khắc nhưng rất gần gũi. Đấy là ấn tượng đầu tiên nhiều người nhận thấy khi tiếp xúc với cha."
"Tôi may mắn khi nhiều sự kiện trọng đại trong đời mình được Linh mục Thanh và một số cha Dòng Chúa Cứu Thế hiện diện. Lễ đính hôn của tôi và anh Huỳnh Anh Tú được đích thân cha Thanh đại diện cho họ nhà trai, đi từ Sài Gòn ra tận Hải Phòng chủ trì."
"Linh mục Thanh cũng là người làm phép thanh tẩy cho tôi ngày tôi vào đạo. Khi ngôi nhà mới xây của tôi và hàng trăm nhà khác ở Vườn rau Lộc Hưng bị đập, Linh mục Thanh là một trong những người đầu tiên động viên, an ủi chúng tôi. "
"Chính sự lạc quan, mạnh mẽ của ông khiến chúng tôi vững tin hơn nhiều. Tôi còn nhớ lời ông nói với người dân Lộc Hưng rằng: 'Sống trên đất nước này, trở thành dân oan là một điều hết sức bình thường. Nhưng mình là con cái Chúa, thì mình phải cầu nguyện cho cả những kẻ bách hại mình".
"Thỉnh thoảng, Linh mục Thanh hay lui tới Vườn rau Lộc Hưng để cầu nguyện cùng chúng tôi, thăm hỏi và chăm lo cho các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa."
"Sự gần gũi, thông minh, sâu sắc và pha chút hài hước của ông luôn mang lại không khí vui vẻ, lạc quan, ấm áp cho những người xung quanh."
"Tôi cũng như nhiều người dân Lộc Hưng xem Linh mục Thanh là người thân của mình. Tôi nghĩ các giáo dân ở gần ông thấy mình thật may mắn khi biết một linh mục như thế. Một linh mục giản dị nhưng quảng đại."
Trong hai ngày 25, 26/3, BBC đã liên hệ Ủy ban Nhân dân phường 6, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh để hỏi bình luận về các hoạt động của Linh mục Lê Ngọc Thanh tại Vườn rau Lộc Hưng nhưng không nhận được phản hồi.
'Chịu áp lực'
Hôm 25/3, trả lời BBC, Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh nói: "Trường hợp của tôi không khác lắm đi so với hồi Linh mục Đinh Hữu Thoại ra đi, nhưng có thể có một vài cách hiểu không rõ ràng."
"Nhà dòng có quy định anh em ở một chỗ tối đa là tám năm, trừ vài trường hợp đặc biệt."
"Tôi ở Sài Gòn 10 năm rồi, muốn có môi trường mới, nên việc tôi ra đi là rất bình thường."
"Cá nhân tôi muốn ra khỏi Sài Gòn vì thấy có những nơi mà sự có mặt mình của mình thì sẽ tốt hơn, trong lúc ở Sài Gòn đã có những nhân sự tốt."
"Đến giờ phút này thì chưa thấy có liên quan gì giữa việc tôi ra đi và diễn biến ở Vườn rau Lộc Hưng."
"Còn về vấn đề ở Lộc Hưng, tôi rất yên tâm vì có nhóm luật sư có thể trợ giúp người dân ở đó."
Linh mục Thanh cũng cho biết thêm: "Về việc linh mục Dòng Chúa Cứu Thế chịu áp lực từ chính quyền là có, nhưng không phải vì lý do đó mà tôi đi khỏi Sài Gòn."
"Nếu mà so sánh từ năm 2015 đến nay, thì đã có những lúc chính quyền muốn dẹp chương trình giúp thương phế binh Việt Nam Cộng hòa."
"Họ gây căng thẳng một cách quá đáng, nhưng sau khi không đạt được mục đích, năm 2017, họ không còn tấn công nữa."
"Từ năm 2018 đến nay thì tương đối ổn hơn, chỉ có một vài trường hợp ghi nhận là bị đe dọa thôi."
Ý kiến về vụ chùa Ba Vàng
Đề cập về chương trình "Hội luận cà phê đá", Linh mục Thanh nói: "Tôi chỉ muốn đơn giản là cung cấp cách nhìn nhận vấn đề khác để mọi người có thêm chọn lựa và thấy vấn đề rõ hơn."
"Trong mọi chuyện, khi thấy có đủ thông tin thì họ sẽ chọn lựa tốt hơn."
"Tôi mong là mọi người chú trọng hơn đến việc tìm kiếm sự thật để có quyết định đúng đắn, chứ không dựa vào những gì người ta nói mà mình không biết có thật hay không."
"Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có những vụ gây rối, gây mù, để người ta không chú ý đến các sự kiện xã hội quan trọng."
"Ví dụ như vụ chùa Ba Vàng, thì theo tôi đó là cách nhà cầm quyền đẩy lên thành sự kiện để gây nhiễu trong khi người dân lẽ ra cần bận tâm hơn đến việc Trung Quốc tổ chức một đường dây nhập ma túy đá vào Việt Nam và có những lô hàng chuyển sang các nước khác."
Hồi năm 2015, Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh từng bị ngăn xuất cảnh khi ông ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục đi Manila, Philippines, dự Hội thảo quốc tế về nhân quyền - đứng ở khía cạnh truyền thông".
Ông cũng có tên trong danh sách "100 anh hùng thông tin thế giới" được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vinh danh năm 2014.
Chính quyền nói gì?
Báo Nhân Dân hồi tháng 9/2018 từng nhắc tên Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh trong số "một số chức sắc, công dân theo Công giáo ở Việt Nam có phát ngôn, việc làm đi ngược đường hướng tích cực".
Bài báo "Sự sa đọa ngụy trang dưới lớp vỏ của điều thiện" viết: "Nhìn rộng ra, trong số hơn 4.000 linh mục thuộc Giáo hội Công giáo Việt Nam, chỉ thấy nổi lên "tên tuổi" một vài vị linh mục như Nguyễn Ðình Thục, Ðặng Hữu Nam... ở Giáo phận Vinh; Nguyễn Duy Tân ở Giáo phận Xuân Lộc; Nguyễn Ngọc Nam Phong, Lê Ngọc Thanh, Nguyễn Văn Phượng, Trịnh Ngọc Hiên, Ngô Văn Kha, Ðinh Hữu Thoại thuộc Dòng chúa cứu thế..."
"Ðó là những linh mục thường xuất hiện qua rất nhiều cách thức khác nhau để bịa đặt, vu cáo chính quyền; trong bài giảng, họ thường lồng ghép nội dung xuyên tạc, phủ nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam, đòi hủy bỏ Ðiều 4 Hiến pháp, xuyên tạc, thóa mạ lãnh tụ cách mạng, phủ nhận sự nghiệp cách mạng và các thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội nhân dân Việt Nam đã đạt được; cầu nguyện cho người vi phạm pháp luật bị Tòa án Nhân dân xử phạt án tù; thậm chí đi đầu một số cuộc tụ tập đông người bất hợp pháp, trong đó huy động cả trẻ em tham gia, ngăn cản trẻ em đến trường, cổ vũ hành vi tiến công lực lượng chức năng, phá hoại trụ sở chính quyền..."
Những câu chuyện cũ
Có một số ý kiến cho rằng việc Linh mục Lê Ngọc Thanh rời Sài Gòn làm họ nhớ lại một vài sự kiện cũ.
Tháng 5/2010, theo Đài Vatican, Giáo Hoàng Benedict XVI nhận đơn từ chức của Tổng Giám Mục Hà Nội Joseph Ngô Quang Kiệt vì lý do sức khỏe, chiếu theo khoản số 401 triệt 2 của Bộ Giáo Luật.
Sau đó, ông chuyển tới Đan viện Châu Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Hồi tháng 2/2017, 1.500 người ký thỉnh nguyện thư gửi Giáo hoàng Francis xin minh xét cho cựu Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, người mà họ cho là đã "bị oan khiên".
Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, sinh năm 1952, đảm nhận chức vụ Tổng giáo phận Hà Nội từ năm 2005 - 2010. Trong thời gian đó, ông đã gặp nhiều khó khăn với chính quyền, nhất là quanh vụ Tòa Khâm sứ ở phố Nhà Chung.
Một trường hợp tương tự Linh mục Antôn Lê Ngọc Thanh là Linh mục Đinh Hữu Thoạithuộc Dòng Chúa Cứu Thế, bị thuyên chuyển từ từ giáo phận Sài Gòn đến giáo phận Đà Nẵng. Hồi tháng 5/2018, ông bị cấm xuất cảnh khi làm thủ tục đi thăm gia đình ở Hoa Kỳ.
Linh mục Thoại được biết đến là người tranh đấu cho nhân quyền và trợ giúp các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa khi còn ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét