Những ngày này, nhiều tiếng nói có trách nhiệm đang đề nghị Phật giáo Việt Nam cần phải thực hiện một cuộc chấn hưng như đã từng thực hiện vào đầu thế kỷ 20. Chấn hưng, chứ không phải là chấn chỉnh!
Kỳ 2: Từ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Những năm 1946-1947, đã cho tuổi trẻ Phật tử Việt Nam thấy rằng con đường cách mạng là một con đường đầy chông gai hiểm trở, không phải là những chông gai hiểm trở vật chất, mà là những xót xa trong tâm hồn gây nên do áp lực phải lựa chọn và đấu đá chính trị.
Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam: chấn hưng lần thứ nhứt ở thế kỷ XX
Dấn thân vào cách mạng bằng một tâm hồn trong trắng, chỉ trong vòng hai ba năm là tâm hồn ấy có thể… chai sạn. Nguyên do của tình trạng này là hiện tượng đấu tranh của các phe phái chính trị và tính cách bất dung của ý thức hệ. Chính điều đó góp phần đưa đến sự kiện thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, được đánh giá là lần chấn hưng thứ nhứt ở thế kỷ XX của Phật Giáo Việt Nam.
Vào ngày 6-5-1951, năm mươi mốt đại biểu của sáu tổ chức Phật giáo Nam, Trung và Bắc gồm có Hội Phật giáo Tăng già Bắc Việt, Hội Việt Nam Phật giáo Bắc Việt, Sơn môn Tăng già Trung Việt, Hội Phật học Việt Nam Trung Việt, Giáo hội Tăng già Nam Việt, Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, đã có phiên họp tại chùa Từ Đàm Huế kéo dài đến ngày 9-5-1951, đưa đến quyết nghị thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.
Tuy nói thống nhất nhưng sáu tổ chức kể trên của Tổng Hội vẫn sinh hoạt như cũ, và Tổng Hội chỉ đóng vai trò đối ngoại các tổ chức Phật Giáo trên thế giới hơn là đóng vai trò lãnh đạo trực tiếp các tổ chức.
Các tổ chức cũng có khi hoạt động nhân danh Tổng Hội và hồi hướng công đức về cho Tổng Hội, nhưng tựu trung thực quyền lãnh đạo vẫn nằm ở các tổ chức này. Các Phật sự lớn như việc mở Đại Giới Đàn Hải Đức và lập Phật Học Viện ở Nha Trang, hay tổ chức diễn hành rước Xá Lợi Phật và xây chùa Xá Lợi tại Sài Gòn đều do các tổ chức nhân danh Tổng Hội. Gia Đình Phật Tử là ngành duy nhất đã đạt tới sự thống nhất chung, trong khi các sinh hoạt hoằng pháp, giáo dục, kiến thiết, nghi lễ, văn hóa… vẫn không vượt ra khỏi phạm vi các tổ chức.
Vì sao những người cộng sản oán thù Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất?
Không tham gia vào Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, tổ chức Phật giáo Nam tông hoạt động với tên gọi Giáo hội Phật giáo Nguyên thủy, trụ sở ở chùa Kỳ Viên, Sài Gòn.
Cuộc chính biến mùa Phật Đản 1963 đã thúc bách các tổ chức Phật giáo miền Nam và miền Trung thuộc Phật giáo Đại thừa (Bắc tông) lẫn Phật giáo nguyên thủy (Nam tông) đoàn kết gia nhập dưới một hiến chương thành một giáo hội, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.
Cuộc họp bắt đầu từ ngày 31 tháng Chạp năm 1963 tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn với các đại diện: Ủy ban Liên phái Phật giáo: Thượng tọa Thích Tâm Châu; Giáo hội Tăng già Bắc Việt: Thượng tọa Thích Tâm Giác; Thiền tịnh Ðạo tràng: Thượng tọa Thích Minh Trực; Giáo hội Nguyên thủy Việt Nam: Thượng tọa Thích Pháp Tri; Giáo hội Theravada: Lục cả Lâm Em; Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam: Thượng tọa Thích Thanh Thái; Giáo hội Tăng già Trung phần: Thượng tọa Thích Huyền Quang; Giáo hội Tăng già Nam Việt: Thượng tọa Thích Thiện Hoa; Hội Phật học Nam Việt: cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền; Hội Phật giáo Nguyên thủy: cư sĩ Nguyễn Văn Hiếu; Hội Phật giáo Trung phần: Thượng tọa Thích Trí Quang; Hội Việt Nam Phật giáo: cư sĩ Vũ Bảo Vinh; Ðại diện Phật tử Theravada: cư sĩ Sơn Thái Nguyên.
Có 11/13 tổ chức đồng ý hình thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết được suy tôn làm Tăng thống. Thượng tọa Thích Tâm Châu được bầu vào chức vụ Viện trưởng Viện Hóa đạo và Thượng tọa Thích Trí Quang giữ chức Tổng Thư ký Viện Tăng thống. Chùa Ấn Quang tại Sài Gòn được chọn làm trụ sở sinh hoạt của Giáo hội.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất có quan điểm chính trị độc lập, kêu gọi tái lập hòa bình tại Việt Nam. Giáo hội lập ra “Lực lượng Phật giáo Việt Nam”, một cơ quan thuộc Viện Hóa đạo để tranh đấu và đề đạt nguyện vọng của Giáo hội với chính quyền. Chủ trương của Lực lượng này là làm áp lực với phe tướng lãnh để tái lập chính phủ dân sự. Ngoài ra Lực lượng Phật giáo cũng yêu cầu phe Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam giải giới và rút về phía Bắc vĩ tuyến 17. Giáo hội hoạt động mạnh trong cả hai lãnh vực Phật sự lẫn xã hội.
Việc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thống nhất đưa ra yêu cầu những tổ chức liên quan đến cộng sản Bắc Việt phải trở về phía bờ bắc sông Bến Hải như thỏa thuận ở Hiệp định Geneve 1954, đã tạo nên mối hiềm khích sâu đậm của Hà Nội. Bởi trước đó, trong một sự kiện ngày 22-7-1954, ông Hồ Chí Minh đã phát lời kêu gọi: “Đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ”, và khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”.
Sau này, Đệ Ngũ Tăng Thống Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa thượng Thích Quảng Độ trong chuyến thăm của bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Thanh Minh Thiền Viện, TP.HCM vào ngày 17-3-2015, đã khẳng định: “Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất là Giáo hội có tiếng nói đối lập duy nhất tại Việt Nam để đòi hỏi nhân quyền, tự do dân chủ cho 90 triệu người dân Việt Nam, và chúng tôi sẽ tranh đấu đến cùng dù phải trả với bất cứ giá nào. Lập trường của Giáo hội, là không chấp nhận chế độ độc tài toàn trị của Cộng sản”.
Phật Giáo Việt Nam không nên là cánh tay nối dài của đảng phái chính trị
Tháng 11-1981, Hà Nội tiến hành tổ chức Hội nghị thống nhất Phật Giáo Việt Nam, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ tập hợp 9 tổ chức hệ phái đại diện cho Phật Giáo cả 3 miền đất nước là: Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam (đây là tổ chức ở miền Bắc trước tháng 4-1975, nằm trong khối tổ chức Mặt trận Tổ quốc), Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội Phật giáo cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng già Nguyên thuỷ Việt Nam, Giáo hội Thiên thai giáo Quán tông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Giáo hội tăng già Khất sĩ Việt Nam, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước Tây Nam Bộ, Hội Phật học Nam Việt.
Tuy nhiên chỉ có duy nhất Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là lên tiếng từ chối việc gia nhập một tổ chức được coi là cánh tay nối dài của đảng cộng sản Việt Nam. Trong một trao đổi với người viết, Hòa thượng trụ trì chùa Hội Khánh, thành phố Thủ Dầu Một, nhìn nhận thực tế đến nay, về mặt hình thức là có sự thống nhất, nhưng nội tình thì nhiều hệ phái vẫn không đồng tình với tổ chức giáo hội mang tính quốc doanh như hiện nay.
Các vấn nạn gần đây của tổ chức hoạt động theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, cho thấy đã nằm trong cảnh báo ngay từ đầu khi Hà Nội xúc tiến việc thống nhất các hệ phái, tăng đoàn Phật Giáo trên toàn quốc vào thập niên 80 ở thế kỷ trước. Bởi lẽ, nếu ràng buộc kiểu thế chân kiềng “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, và tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được xem là thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho thấy một khi chính trị là phạm trù của một xã hội thế tục, được cấu thành từ các hoạt động của công dân, thì nay buộc cơ sở hay chức sắc tôn giáo phải trung thành với một thế lực chính trị nào đó, tuy vẫn là quyền tự do ngôn luận, song đã vượt qua khỏi phạm trù của tín ngưỡng và đức tin.
“Tôi nhớ báo chí từng tường thuật bằng lời dẫn trực tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, rằng “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”. Trích bài báo “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”, báo Thanh Niên ngày 24-10-2013. Như vậy thì tại sao lại buộc Phật Giáo Việt Nam phải đi theo “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”?
Đạo pháp và dân tộc thì chấp nhận, nhưng với một hình thái chủ nghĩa mà thể chế chính trị đang đeo đuổi, thì nếu buộc những hệ phái của Phật Giáo Việt Nam răm rắp tuân theo, đó là sự độc đoán với nhiều hệ lụy đang diễn ra, như từ loạt sai phạm do tham nhũng đất đai suốt từ 1975 đến nay, đến nhũng nhiễu chính sách… qua đó cho thấy nhiều chùa chiền trong hệ thống quốc doanh hiện nay dường như chỉ còn áp dụng mỗi nhiệm vụ chính trị mà đảng cộng sản đặt ra là “Chủ nghĩa xã hội”.
Phật tử Minh Châu, chia sẻ cảm nghĩ và nói rằng nếu có một cuộc chấn hưng Phật Giáo Việt Nam ở thời gian tới đây, có lẽ cần chấm dứt mệnh lệnh về “Chủ nghĩa xã hội” ở các hệ phái. Đồng thời, bên cạnh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, có thể thêm nhiều tổ chức Phật Giáo khác mang tính độc lập, không buộc phải nằm trong khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Cứ mỗi dịp tháng tư về, Hà Nội lại hay nhắc rằng họ luôn mở lòng cho sự hòa hợp, hòa giải dân tộc. Bốn mươi bốn năm thống nhất đất nước, nhưng lòng người vẫn chia rẻ. Nếu thực tâm, Hà Nội cần nhìn nhận tổ chức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hỗ trợ mọi điều kiện để tổ chức này củng cố lại sau thời gian dài được chính quyền nhìn họ dưới con mắt không hề thiện cảm. Đơn cử, Hà Nội hãy tôn trọng và trả lại các cơ sở tự viện, trường học mà Hà Nội đã quốc doanh hóa tài sản của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong suốt 44 năm qua”. Phật tử Minh Châu, kiến nghị.
---------------------------------
Kỳ 3: “Tôi cho rằng không phải là câu chuyện của chùa Ba Vàng thỉnh vong ăn tiền ra sao, mà cái gốc của vấn đề là việc quản lý nhân sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đang để cho bọn tài phiệt lộng hành!”. Đại đức Thích Lệ Trụ, chùa Liên Trì (đã bị giải tỏa, Thủ Thiêm), nhận xét.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét