Cách đây hơn 4 tháng, trên Facebook này, tôi viết: Trong đám giỗ lần thứ 51 của chồng - ngày 28-11 năm Giáp Ngọ (18-1-2015) - cụ bà Đậu Thị Mực, sinh năm 1916 - thường gọi là bà Dương - dặn con cháu: "Trong hai vật dụng mẹ đưa từ Thanh Chương, Nghệ An, vào Bình Dương lập nghiệp năm 1990 chỉ có một là của nhà ta, cái bình vôi. Khi mẹ về làm dâu (cuối thập niên 1930s), bà nội đã dùng cái bình vôi (ăn trầu) này; còn cái bung đồng, năm Cải cách, đội lấy của các nhà giàu trong làng chia cho, nó không phải của nhà mình, các con nên tìm chủ mà trả lại".
Cũng qua FB, bạn bè của anh Diễn Nguyễn Văn - con trai cụ Dương - đặc biệt là những cán bộ "Đội Cải cách" thời bấy giờ đã giúp truy tìm, cuối cùng, chiếc bung đồng được xác định là của gia đình "địa chủ" Trần Đống. Hôm nay, nhân ngày con cháu làm lễ mừng cụ Dương thọ tròn 100 tuổi, cháu nội cụ Trần Đống là anh Trần Văn Lê chủ công ty Phương Linh, sản xuất và kinh doanh hàng điện máy, đã bay từ Hà Nội vào mừng thọ cụ Dương (với bức tranh khắc gỗ có chữ Tâm) và nhận lại chiếc bung đồng.
Theo anh Lê, rất lạ là sau khi tin cụ Dương tìm người trả lại chiếc bung đồng, có thêm hai gia đình "bần cố nông" trong làng trả lại những "đồ quả thực" mà 60 năm trước họ được đội cải cách tước đoạt của địa chủ chia cho. Theo anh Lê thì con cháu cụ "địa chủ" Trần Đống về sau dù ở quê hay đi xa đều thành công, có nhiều người "đủ tiêu chuẩn để bị đấu tố" nếu lịch sử cái cách tái lập. Đặc biệt, con cháu những người địa chủ này mỗi khi về làng vẫn thường giúp đỡ người nghèo, kể cả những người ngày xưa đã từng đấu tố cha ông họ.
Xét cho cùng thì họ cũng chỉ là nạn nhân.
Anh Trần Văn Lê (thứ hai từ phải vô), con trai cụ "địa chủ" Trần Đống nhận lại chiếc bung bị đội cải cách tước đoạt hơn 60 năm trước.
Con cháu mừng thọ bách niên cụ Đậu Thị Mực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét