Vào ngày này năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra tối hậu thư cho các nhà sản xuất xe hơi Mỹ đang gặp khó khăn, General Motors (GM) và Chrysler: Nếu muốn nhận thêm các khoản vay cứu trợ từ chính phủ, các công ty cần phải cải đổi mới mạnh mẽ cách họ điều hành doanh nghiệp. Tổng thống cũng công bố một loạt các sáng kiến nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp xe hơi đang gặp khó khăn của Mỹ và củng cố niềm tin của người tiêu dùng, bao gồm việc chính phủ tiếp tục bảo hành cho xe của GM và Chrysler ngay cả khi nếu hai nhà sản xuất xe hơi này ngừng hoạt động.
Tháng 12/2008, GM (nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, từ thập niên 1930 đến 2008) và Chrysler (công ty xe hơi lớn thứ ba của Mỹ lúc bấy giờ) đã chấp nhận khoản cứu trợ liên bang lên đến 17,4 tỷ USD để duy trì hoạt động kinh doanh. Vào thời điểm đó, hai công ty đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu và sụt giảm doanh số bán xe. Tuy nhiên, các nhà phê bình lại cho rằng vấn đề đã bắt đầu từ vài thập niên trước đó, và bao gồm những thất bại trong việc đổi mới khi đối mặt với cạnh tranh từ nước ngoài và các vấn đề liên quan đến công đoàn lao động.
Nhóm đặc nhiệm nghiên cứu về ngành xe hơi của Tổng thống Obama xác định rằng Chrysler đã quá tập trung vào các dòng xe thể thao đa dụng (sport utility vehicle, SUV) và đơn giản là một công ty “quá nhỏ để tự mình tồn tại.” Trong thông báo ngày 30/03, Obama đã cho Chrysler thời hạn một tháng để hoàn thành việc sáp nhập với nhà sản xuất xe hơi Ý, Fiat, hoặc một đối tác khác. Ngay trước thời hạn 30/04, Chrysler cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với Nghiệp đoàn Công nhân ôtô Mỹ (United Auto Workers Union) cũng như các chủ nợ lớn của mình. Tuy nhiên, vào ngày 30/04, Obama tuyên bố rằng Chrysler, sau khi không đạt được thỏa thuận với một số chủ nợ nhỏ hơn, sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 Luật Phá sản Hoa Kỳ, sau đó tiếp tục hợp tác với Fiat. Động thái này đã khiến Chrysler trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn đầu tiên nộp đơn xin phá sản và tái cấu trúc kể từ sau khi công ty Studebaker có động thái năm 1933.
Đối với trường hợp General Motors, theo các điều kiện mà Obama công bố vào ngày 30/03, gã khổng lồ xe hơi có 60 ngày để tiến hành một cuộc tái cấu trúc toàn diện, bao gồm cắt giảm mạnh chi phí, đồng thời loại bỏ các dòng sản phẩm và các đại lý bán hàng không có lợi nhuận. Trong hai tháng tiếp theo, GM cho biết họ sẽ đóng cửa hàng ngàn đại lý và một số nhà máy, cũng như loại bỏ các thương hiệu như Pontiac. Tuy nhiên, vào ngày 01/06/2009, GM, được thành lập vào năm 1908, đã tuyên bố phá sản. Vào thời điểm đó, tập đoàn này đã báo cáo các khoản nợ phải trả là 172,8 tỷ USD và tổng tài sản là 82,3 tỷ USD – biến vụ việc trở thành vụ phá sản lớn thứ tư trong lịch sử Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét