Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

12447 - Người vô hình ở trại T16






Sau gần hai tháng im lặng trước sự mất tích của ông Trương Duy Nhất, tối ngày 25/3, các cơ quan truyền thông nhà nước đồng loạt loan tin về việc điều tra nhân vật này.  Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an cho biết, “trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Vũ ‘nhôm’, cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát hiện có dấu hiệu sai phạm liên quan đến ông Trương Duy Nhất”.
Thông tin này được đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công an. Tuy nhiên, trước câu hỏi của phóng viên về việc có thông tin cho rằng ông Trương Duy Nhất đã bị bắt là có chính xác không, đại diện của Bộ này, Trung tướng Trần Văn Vệ cho hay, “hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra chưa thể cung cấp thông tin cụ thể”, báo Soha dẫn lời.
Người vô hình
Như vậy tính đến thời điểm này, không một cơ quan chức năng nào chính thức xác nhận đã bắt và giam giữ ông Trương Duy Nhất.
Ông Nhất, người được công chúng biết đến là một nhà báo và là chủ trang blog “Một góc nhìn khác”, được gia đình loan báo mất tích vào ngày 26/1, chỉ một ngày sau khi ông đến Văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hợp Quốc tại , Thái Lan để xin tị nạn.
Thông tin manh mối đầu tiên về số phận của blogger này sau nhiều tháng mất tích lại đến từ một cuộc gọi nặc danh cho vợ ông.
Theo BBC Việt ngữ, dẫn lời cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất, cho biết: “Một người, hôm 15/3, không biết là ai, gọi cho mẹ ở Việt Nam báo là ba hiện đang bị giam ở T16”.
Cũng theo nguồn tin này, hôm 20/3, vợ ông Nhất từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội nhằm xác thực thông tin về nơi giam giữ chồng mình.
Tại T16 (ký hiệu của Trại Tạm giam của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ công an), điều bất ngờ đã xảy ra khi cán bộ trại giam cho bà gửi nhu yếu phẩm tiếp tế và cấp cho sổ thăm nuôi, dù bà không được cho gặp chồng mình. Theo thông tin từ sổ thăm nuôi này, ông Nhất bị bắt vào ngày 28/1/2019 và được chuyển đến trại giam T16 trong cùng ngày.
Qua quyển sổ thăm nuôi, cơ quan chức năng như đã gián tiếp thừa nhận việc bắt và đang giam giữ ông Nhất. Dù vậy, ông vẫn như một “bóng ma” trong tiến trình pháp lý không thể xác định, từ việc bắt giữ trước đây cho tới sự giam cầm tại thời điểm này.
Theo cách mô tả của Human Rights Watch, những người bị giam cầm trong tình trạng này được gọi là… “bóng ma trong trại giam”. Đó là những người bị bắt bí mật, bị giam giữ bí mật, bị giới chức bắt giam nhưng không thừa nhận, và bị tước đoạt đi tất cả các quyền con người của họ.
Khe cửa hẹp ở T16 mở ra cho chúng ta thấy lấp ló một “bóng ma” – đó là Trương Duy Nhất, người bị bị tước đoạt đi tất cả quyền cơ bản của một người bị bắt và giam cầm.
Một hình ảnh được cho là chụp Trương Duy Nhất ở Thái Lan, trước khi mất tích. Ảnh: Facebook Người Buôn Gió.
Bắt bí mật, giam bí mật
Theo Điều 116 Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị bắt giữ, cơ quan điều tra phải thông báo cho gia đình người bị bắt giữ biết. Tuy nhiên, cơ quan điều tra tiến hành vụ bắt giữ đã không thông báo cho gia đình ông theo như luật định.
Dù thân nhân của ông đã gửi “đơn thỉnh cầu giúp đỡ tìm người thân” đến cơ quan chức năng Việt Nam vào ngày 9/2 để làm rõ tình trạng của ông nhưng không được phản hồi. Đến thời điểm này, vẫn không một thông báo hay quyết định từ cơ quan chức năng xác nhận chính thức về việc đã bắt và giam giữ ông Nhất.
Luật nhân quyền quốc tế cấm – mọi lúc và mọi nơi – hành vi bắt giữ mà không thừa nhận, bắt giữ bí mật, giam giữ bí mật, bắt cóc hay cưỡng bức mất tích (Đoạn 13, Bình luận chung số 29 của Ủy ban Nhân quyền LHQ)
Vi phạm quyền gặp thân nhân và người bào chữa
Theo Điểm d, Khoản 1, Điều 9 Luật Thi hành Tạm giữ, Tạm giam quy định, người bị giam giữ có quyền được gặp thân nhân và người bào chữa. Cũng theo luật này, tại Điều 22 quy định, người bị giam giữ được gặp thân nhân một lần trong một tháng, mỗi lần gặp không quá một giờ; và người bào chữa được gặp người đang bị giam giữ để thực hiện bào chữa.
Tuy nhiên, đã gần hai tháng bị giam giữ, không một thân nhân, luật sư đại diện nào của ông Nhất được cơ quan chức năng cho phép tiến hành cuộc thăm gặp nào, dù họ đã đến Trại tạm giam T16.
Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định, việc thăm gặp của thân nhân có thể bị từ chối trong một số trường hợp nhằm đảm bảo bí mật công tác điều tra vì lý do an ninh quốc gia, nhưng với điều kiện phải trả lời bằng văn bản và giải thích rõ lý do từ chối cho thăm gặp.
Việc từ chối cho thăm gặp trong trường hợp của ông Nhất đã không đáp ứng được điều kiện theo luật định. Hành vi này của cơ quan điều tra và trại giam T16 đã vi phạm vào quy định bị nghiêm cấm, đó là, cản trở người đang bị giam giữ thực hiện quyền thăm gặp thân nhân và người bào chữa, được quy định tại Điều 8 Luật Thi hành Tạm giữ, Tạm giam.
Ông Trương Duy Nhất cùng vợ (phải) và con gái (trái) tại sân bay Vinh năm 2015. Ảnh: Facebook Trương Huy San.
Ngăn cản sự hỗ trợ pháp lý kịp thời
Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, tại Điều 16 quy định người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; và tại Khoản 1, Điều 75 quy định người bào chữa do người bị buộc tội hoặc người thân thích của họ lựa chọn.
Theo nội dung “đơn thỉnh cầu giúp đỡ tìm người thân” gửi đến cơ quan chức năng, vợ ông Nhất cho biết đã mời luật sư Trần Vũ Hải là người đại diện pháp luật cho ông Nhất. Luật sư Hải cũng xác nhận với đài RFA vào chiều ngày 13/2/2019, rằng ông là luật sư đại diện của Trương Duy Nhất theo đề nghị của gia đình và theo nguyện vọng trước đây của ông Nhất.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, luật sư đại diện cho ông Nhất vẫn không được phép tiếp xúc với ông.
Quyền hỗ trợ pháp lý kịp thời của ông Nhất trong trường hợp này đã bị vi phạm. Sự vi phạm này cấu thành việc ngăn cản luật sư tham gia vào vụ án, cũng như ngăn cản luật sư tham gia vào việc lấy lời khai, hỏi cung trong quá trình điều tra, được quy định theo Khoản 1, Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Dù Bộ luật Tố tụng Hình sự có quy định, trong trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra. Tuy nhiên, cũng không có một quyết định nào của Viện Kiểm sát được đưa ra trong trường hợp này, và quy định này cũng không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế.
Theo đó, nhằm chống lại việc các chính phủ ngăn cản luật sư hỗ trợ kịp thời cho những người bị bắt giữ, vào năm 1990, Liên Hợp Quốc đã thông qua các Nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư, tại Điều 7 quy định: “Tất cả những người bị bắt hay bị giam, dù có bị cáo buộc phạm tội hình sự hay không, đều phải được nhanh chóng tiếp cận luật sư và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không chậm quá 48 giờ kể từ khi bị bắt hay bị giam”.
Biệt giam, tra tấn hay đối xử vô nhân đạo
Chính quyền luôn bác bỏ cáo buộc rằng có hình thức biệt giam trong các trại giam giữ tại Việt Nam, mà chỉ thừa nhận hình thức “giam riêng”. Tuy nhiên, theo Nguyên tắc bảo vệ những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1988, biệt giam không chỉ được hiểu theo nghĩa hẹp là giam giữ cô lập riêng biệt, mà còn bao gồm hình thức giam giữ mà người bị giam giữ không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, trong đó có việc không được  liên lạc với thân nhân và luật sư của họ.
Dù không thể xác định được tình trạng giam giữ hiện nay của ông Nhất là “giam riêng” hay “giam chung” với những người khác, nhưng việc cấm ông Nhất liên lạc với thân nhân và luật sư, cũng như không có một quyết định chính thức nào xác nhận nơi giam giữ ông Nhất, cho thấy quyền không bị biệt giam của ông Nhất đã bị vi phạm.
Quá trình biệt giam ông Nhất đã được tiến hành trong gần hai tháng qua kể từ ngày bị bắt và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Việc biệt giam kéo dài như vậy là cấu thành một hành vi tra tấn, đối xử tàn ác hoặc vô nhân đạo, và ngược đãi người bị giam giữ.
Hình ảnh Trương Duy Nhất bị bắt ngày 26/5/2013. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Giam giữ kéo dài nhằm “ép cung”
Tại Điều 9 Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) quy định, “bất kỳ người nào bị bắt hoặc bị giam giữ vì một tội hình sự phải được sớm đưa ra toà án hoặc một cơ quan tài phán có thẩm quyền thực hiện chức năng tư pháp” và “nhằm mục đích để toà án đó có thể quyết định không chậm trễ về tính hợp pháp của việc giam giữ và ra lệnh trả lại tự do cho họ, nếu việc giam giữ là bất hợp pháp”.
Tại các quốc gia có hệ thống xét xử chuẩn mực, người bị bắt giữ sẽ được ra hầu tòa chỉ vài ngày sau khi bị bắt giữ để thẩm phán đánh giá xem việc bắt giữ này là có hợp pháp hay không, và xem xét liệu có cần thiết tiến hành tạm giam người bị bắt hay cho họ được tại ngoại trong khi chờ xét xử. Đây cũng là cơ hội để người bị bắt kịp thời lên tiếng về tính hợp pháp của việc việc bắt giữ.
Trong khi đó, thủ tục tố tụng này không hề tồn tại trong quá trình tố tụng tại Việt Nam. Việc xem xét tính hợp pháp của lệnh bắt và tạm giam của cơ quan điều tra công an, theo luật được trao cho Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, các quyết định phê chuẩn lệnh bắt và tạm giam từ Viện Kiểm sát không được tiến hành bằng một phiên tòa công khai mà chỉ dựa vào hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp, và được tiến hành bằng một quy trình khép kín.
Người bị bắt trong trường hợp này không có cơ hội để khiếu nại, lên tiếng bác bỏ tính hợp pháp của lệnh bắt và lệnh tạm giam đối với mình. Họ chỉ có cơ hội này tại phiên tòa xét xử, mà thông thường được mở sau khi phải trải qua quá trình tạm giam kéo dài ít nhất hai tháng đối với tội ít nghiêm trọng, và có thể lên tới 20 tháng đối với trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia.
Hình thức giam giữ kéo dài trước khi xét xử về bản chất là một hình thức “ép cung” người bị giam giữ trong quá trình điều tra. Cộng với các biện pháp trừng phạt bổ sung khác như: giam giữ cách ly không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài; ngăn cản việc thăm gặp, liên lạc với gia đình và luật sư; tước đoạt quyền được hỗ trợ pháp lý kịp thời; che dấu tung tích và nơi giam giữ của người bị bắt giam v.v.. tất cả chỉ để nhằm gây áp lực để người đang bị giam giữ phải thú nhận tội lỗi và khai báo theo yêu cầu của cơ quan điều tra.
Như vậy, quyền không bị giam giữ kéo dài, được nhanh chóng đưa ra tòa xét xử đã bị vi phạm không chỉ đối với riêng ông Nhất, mà ở hầu hết các vụ án hình sự tại Việt Nam.
Nếu ông Trương Duy Nhất được nhanh chóng đưa ra tòa ngay sau khi bị bắt, chúng ta sẽ biết được ông bị bắt vì nguyên nhân gì, quá trình tiến hành bắt giữ ra sao, việc bắt giữ này là hợp pháp hay là “bắt cóc”… để từ đó có thể ngăn chặn việc cơ quan điều tra biến một người khi bị bắt trở nên mất tích, và giam giữ cầm cố tùy tiện.
Tước đoạt  quyền được công nhận là một thể nhân
Nhìn lại quá trình từ lúc ông Nhất bị mất tích tại Thái Lan cho đến khi có dấu hiệu xuất hiện tại Trại tạm giam T16, có thể thấy ông đã bị bắt bí mật, bị giam giữ bí mật, bị tước đoạt tất cả các quyền cơ bản của người bị bắt và bị giam cầm. Không một dấu hiệu nào cho thấy ông được cơ quan thực thi pháp luật bảo vệ. Điều này đã biến ông thành như một người vô hình trong trại giam và trước pháp luật.
Việc bắt và giam cầm như vậy là tước đoạt đi “quyền được công nhận là thể nhân trước pháp luật” được quy định tại Điều 16 của ICCPR. Theo quyền này, trong mọi hoàn cảnh, bất kỳ ai bị tước đoạt tự do vì bất kể nguyên nhân gì, luôn luôn được công nhận là một con người trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ, mà trước tiên là bảo vệ bằng tiến trình tố tụng đảm bảo các quyền của người bị bắt và giam giữ theo luật định.
Vì vậy, không chỉ riêng ông Nhất, mà bất kỳ ai, một khi đã bị tước đoạt đi quyền thể nhân của họ – tức tước đoạt đi sự công nhận là một con người trước pháp luật, đặt họ ra ngoài vòng bảo vệ của pháp luật, thì mọi sự nhân danh pháp luật sau đó – dùng pháp luật để kết án và trừng phạt họ, trong trường hợp này, tất cả đều là sự nhạo báng công lý.
Biến một người thành một bóng ma bị giam cầm, không bao giờ là cách hành xử của một nhà nước công chính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét