Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

12368 - Vô thần tốt hay không tốt, luật nhân quả có hay không?



Phật tử Việt namBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionMột Phật tử Việt Nam (hình minh họa)

Có bạn phê phán rằng tôi có vẻ vô thần và điều ấy là không tốt, con người vô thần sẽ có xu hướng làm điều xấu bởi không tin ở luật nhân quả. Nói về điều này sẽ dài dòng một chút, nhưng cũng nên nói.
Tôi tôn trọng tất cả những tôn giáo dạy con người sống có lễ nghĩa, có trước sau, theo một trật tự hợp với tính thiện của con người. Khi xã hội làm được vậy, ấy là một xã hội có đạo.
Tôi không tin ở kiếp trước, kiếp sau, đơn giản là bởi kiến thức, suy nghĩ lô-gic và trải nghiệm của tôi là vậy và điều ấy không phải là một cái tội.
Người ta sống tốt không phải vì cái suy nghĩ là mình làm điều tốt để kiếp sau mình được hưởng phúc. Ta làm điều tốt bởi điều ấy khiến cái bản thể hướng thiện của ta cảm thấy thế là đúng và do vậy mà lòng ta vui.
Làm điều tốt để mưu cầu điều tốt hay ích lợi đến với mình trong tương lai, điều ấy không sai nhưng làm thấp đi một chút tính cao thượng trong tâm người, nó có hơi hướng giống như một sự đầu tư sinh lợi, một sự tính toán kinh tế.
Nếu bản thể của ta là chân, thiện, mỹ thì khi ta làm những điều chân, thiện, mĩ, lòng ta vui, ta cảm thấy cuộc sống của ta có ý nghĩa và ta có lòng tự hào, không cần sự khen ngợi từ bên ngoài. Người đời khen hôm nay, chê ngày mai, nhưng nếu ta có được cái nhận thức tự tại, ta sẽ an bình và vững vàng, không phụ thuộc khen chê của người, điều mà giống như làn gió luôn thay đổi.
Phật là người trần mắt thịt, sở dĩ Phật được tôn kính bởi trí tuệ của người quá siêu việt, giáo lý cuả Ngài quá sâu sắc, xuyên suốt, giải thích thấu đáo mọi sự vật, hiện tượng tự nhiên, mối quan hệ xã hội và quan trọng nhất là trong tâm người. Phật không có phép thần thông biến hoá, chỉ có bọn lợi dụng Phật để kiếm lợi mới có giả vờ mình có phép thần thông biến hoá để lừa đảo.
Nhờ thiền định tu luyện mà Phật có được khai ngộ sáng láng, chính vì vậy mà ngài bảo tính phật có trong mỗi người. Tính phật chính là những gì nhân bản nhất, thiện nhất, chân nhất của con người. Không xa lạ, không cao vời mà gần gũi trong mỗi bản thể, chỉ có điều có chịu nhìn vào tâm mình để mà tu luyện, để khai mở không hay thôi.



Giờ nói về luật nhân quả.
Luật nhân quả không xa xôi. Tôi không tin ở kiếp trước, kiếp sau không có nghĩa là tôi không tin ở luật nhân quả.
Bạn nhìn thấy một con vật đang đau đớn, bạn nói một câu nói thương xót, ánh mắt từ bi, cử chỉ chăm sóc dịu dàng... những điều ấy tác động đến chính con bạn. Sự lặp lại nhiều lần sẽ khiến nó thành đứa trẻ có lòng bi, có lòng thương yêu con vật và tất nhiên là thương yêu con người. Nó lớn lên sẽ sống yêu thương và chan hoà. Ấy là bạn đã gây nhân và đạt quả tốt.
Một quan chức quen đấu đá, thấy đồng chí đối thủ của mình ngã bệnh chết, buông lời hỉ hả, đứa con sẽ học được sự ác độc.
Một kẻ giầu có bởi BOT bẩn, bởi tiền cướp được nên coi thường đồng tiền, nhìn người chỉ nhìn vào tiền, trí tuệ tăm tối, buông lời khinh mạn người nghèo. Những đứa con của kẻ ấy lớn lên trong vàng bạc lấp lánh nhưng tâm hồn ô trọc, không thể hiểu được những gì đẹp đẽ của con người.
Một chính trị gia mánh khoé, chuyên nịnh trên nạt dưới, hèn với giặc, ác với dân, cả đời quay cuồng trong quyền tiền không thể dạy con một câu về tình thương yêu, về sự chân thành, về cái đẹp trong văn học nghệ thuật hay cái đẹp nói chung của cuộc sống con người. Mà nếu có mở mồm dạy thì chính hắn ta cũng tự hiểu là mình đang nói dối, sẽ ngượng mồm.
Cái thằng tấn công tình dục cô gái trong thang máy là hệ quả của một sự giáo dục như vậy. 8 năm trước, nó cũng đã chỉ biết dựa vào quan hệ để giải quyết vấn đề. Sự ngu xuẩn không dễ thay đổi. Từ nhỏ nó học được bài học bẩn nên nó thành một con người bẩn. Đến cái nụ hôn, một cái đẹp mà nó cũng chỉ biết hành xử bẩn để đạt được.


Ảnh Tượng Phật chụp dịp lễ Phật Đản ở Hà NộiBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES
Image captionẢnh Tượng Phật chụp dịp lễ Phật Đản ở Hà Nội

Đấy là nhân xấu gây quả xấu.
Đấy chính là nhân quả, rất gần gũi dễ hiểu chứ không hề xa xôi.
Là con người, hãy tin ở tính thiện của con người. Tôn giáo có mặt tốt nhưng trong lịch sử nhân loại, chính mâu thuẫn tôn giáo đã gây ra đổ máu và bao đau khổ. Người đời theo tôn giáo này, chê tôn giáo kia, vậy là mâu thuẫn, nhỏ nhen hạn hẹp, do vậy mà không mang được lợi ích an bình cho xã hội.
Tin hay không tin ở tôn giáo không phải là vấn đề. Vấn đề đáng nói là tính chân, thiện, mĩ của con người.
Người cộng sản thời kì đầu đả phá tôn giáo, phá bỏ chùa chiền, thờ ông bà còn bị quy chụp là mê tín dị đoan. Giờ thì lại mê tín quá mức, quan chức xì xụp vái lậy, xoắn xuýt thầy bà. Đấy là do văn hoá sống nông cạn, không tin vào con người nên lúc thế này, lúc thế khác. Cả đời chỉ coi quyền lực, vị trí là quan trọng, bao thời gian chỉ lo đấu đá, lúc nào đọc sách, lúc nào suy ngẫm và thiền định đâu để hiểu sâu sắc những điều ấy.
Họ thực ra là những con người yếu kém về văn hoá, yếu đuối về tâm hồn, chính vì vậy mà họ hay sai lạc. Sai lạc nên không nhất quán, hay thay đổi, gió chiều nào che chiều nấy.
Tôi tôn trọng tôn giáo, trân trọng những giáo lý đẹp đẽ nhưng không hề tin một cách mê muội. Hơn hết là tôi tin ở con người, tôi tin ở chính tôi.
Mỗi kiếp người có một sứ mạng thiêng liêng và nếu ta tin ở điều ấy, ta sẽ làm được những điều tốt đẹp đáng kể.
*Bài đã đăng trên trang Facebook cá nhân của tác giả - nhà văn, nhà báo Đoàn Bảo Châu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét