Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

12373 - Việt Nam toan tính gì khi mời mọc Bộ trưởng kinh tế Đức?


Phạm Chí Dũng

Kết quả hình ảnh cho Peter Altmaier.
Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier.


Chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier - trong hai ngày 25 và 26 tháng Ba năm 2019 - có thể được xem là một dấu mốc, nhưng chỉ là sự tái khởi đầu về ‘phục hồi quan hệ ngoại giao và kinh tế’ giữa Berlin và Hà Nội, kể từ khi bùng nổ vụ Nhà nước tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7 năm 2017 và kéo theo phản ứng phẫn nộ và mạnh mẽ hiếm thấy: Đức thẳng tay tạm ngừng Quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 9 cùng năm đó, đồng thời hoãn hoặc hủy bỏ hàng loạt chương trình viện trợ kinh tế cho chính thể độc đảng ở đất nước vẫn thường bị người dân lên án ‘có vô số luật nhưng chỉ có luật rừng’ này.
Vì sao là Đức?
Những động cơ và mục tiêu của Bộ Chính trị Việt Nam - được phơi ra suốt từ giữa năm 2018 đến nay - đã tập trung chiến dịch vận động vào nước Đức và chẳng có gì là khó hiểu: không chỉ là đầu tàu về chính trị và kinh tế của khối Liên minh châu Âu (EU), Chính phủ và Quốc hội Đức còn chiếm vai trò quyết định trong khối này khi xem xét quyết định có cho chính thể Việt Nam được hưởng EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) hay là không.
Ngay trước chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier là chuyến xuất cảnh nửa kín nửa hở của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, thân là ủy viên bộ chính trị nhưng vẫn phải xin visa vào Đức như một thường dân do Hiệp định miễn visa ngoại giao Đức - Việt vẫn bị Berlin tạm đình chỉ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Xuất hiện ở Đức vào tháng 2 năm 2019, Phạm Bình Minh đã có một cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas. Sau cuộc hội đàm này, Maas đã nói một cách nhấn mạnh với báo giới quốc tế:
Trong thời gian qua đã có những khác biệt có thể nhận thấy rõ rệt giữa Đức và Việt Nam – đặc biệt là vì vụ bắt cóc công dân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Hôm nay chúng tôi đã trao đổi với nhau về việc chúng tôi có thể điều chỉnh lại mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức như thế nào và làm sao có thực chất trở lại. Theo quan điểm của chúng tôi, một quan hệ đối tác chiến lược cũng bao gồm sự tôn trọng các giá trị chung, đặc biệt là tôn trọng nhân quyền phổ quát”. (Thoibao.de)
Cách nói mở đường của Maas cho thấy nhiều khả năng Phạm Bình Minh đã hứa hẹn ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh nguyên trạng cho Đức’.
Suốt từ tháng 8 năm 2017 - thời điểm ra thông báo phản đối quyết liệt vụ bắt cóc - cho tới nay, ‘trả Trịnh Xuân Thanh’ là một trong những điều kiện tiên quyết của Đức đối với Việt Nam - không phải là Đức bao che cho một kẻ tham nhũng mà có ý nghĩa như một đòi hỏi phải tôn trọng nhà nước pháp quyền Đức một khi Hà Nội còn muốn Quan hệ đối tác chiến lược và những quan hệ khác được khôi phục, cho dù cái giá của sự khôi phục tương lai ấy sẽ phải là sự điều chỉnh của người Đức về nhiều vấn đề, trong đó có Quan hệ đối tác chiến lược với một nội dung mới và sốc cho chóp bu Việt Nam: nâng cấp nhân quyền.
Dù trước đây Việt Nam cũng đã hứa hẹn không dưới một lần về ‘Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, nhưng sau đó bặt tăm, vào lần này và trong tình thế Nguyễn Phú Trọng - quan chức được xem là ‘tác giả’ của vụ Trịnh Xuân Thanh - đã quá khát EVFTA, việc trả tù nhân đang chịu án chung thân cho Đức xem là đang dần được hiện thực hóa.
Chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier rất có thể là một bằng chứng về tinh thần nhà nước pháp quyền của Đức đang được hiện thực hóa trong não trạng của Trọng và Bộ Chính trị Việt Nam, gắn liền với tương lai quan hệ Việt - Đức và còn có thể kéo theo tương lai cho EVFTA.
Chỉ trả Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa đủ
Trong dĩ vãng rất gần, não trạng chủ quan duy ý chí và coi thường tinh thần nhà nước pháp quyền châu Âu của giới chóp bu Việt Nam đã bị giáng một đòn choáng váng đến không thốt nên lời: sau khi đã tưởng nuốt trôi Hiệp định EVFTA và chỉ còn xoa tay chờ ngày ký kết và phê chuẩn chính thức, một cơn cay cú đến lồng lộn không thể diễn tả bằng những văn từ bình thường đã ập đến với Trọng và bộ sậu của ông ta, khi vào tháng 2 năm 2019 Hội đồng châu Âu đã tuyên bố hoãn vô thời hạn việc ký kết và phê chuẩn EVFTA, với nguồn cơn thực chất được hiểu là vô số vi phạm nhân quyền trầm trọng của Việt Nam mà cho tới thời điểm đó, và cả tới lúc này, vẫn chưa có được bất kỳ một cải thiện nào có thể nhìn thấy, sờ thấy và chứng minh được.
Thậm chí điều cực kỳ trơ trẽn là trong khi Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phải đi điều đình ở Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh vào tháng 2 năm 2019 còn đoàn Việt Nam im như thóc tại cuộc đối thoại nhân quyền với EU vào tháng 3 năm 2019, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng, đàn áp và bắt bớ những người dân dám ra mặt phản kháng các chính sách bất công và chỉ làm lợi cho tài phiệt đỏ.
Ngay sau cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam, một quan chức có trách nhiệm của EU là ông Umberto Gambini đã khiến Bộ Chính trị Hà Nội phải nhận thêm một cú sốc điếng người nữa: EVFTA phải chờ nghị viện mới của châu Âu – sẽ tổ chức bầu lại vào tháng 5 năm 2019. Nhưng đến khi đó, nếu không có bất kỳ bảo chứng nào hay chữ ký nào của những người tiền nhiệm, các thành viên mới của Nghị Viện Châu Âu mới sẽ thật khó để tìm ra lý lẽ dù thuyết phục khiến họ mau chóng gật đầu với EVFTA, để khi đó chủ đề ‘đàm phán EVFTA’ sẽ phải nhai lại từ đầu.
Khẳng định trên của Umberto Gambini là dấu chấm hết cho hy vọng của Thủ tướng Phúc, Bộ Chính trị và chính thể độc đảng chỉ muốn ‘ăn sẵn’ khi ‘mong EU linh hoạt ký kết và phê chuẩn EVFTA trong quý 1 năm 2019’.
Đã rõ mồn một, nếu vẫn không chịu cải thiện nhân quyền, tương lai của EVFTA sẽ chính là kịch bản tồi tệ nhất, đen tối nhất cho nền chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam mà đang quá cần ngoại tệ để trả nợ nước ngoài.
Tình trạng đàn áp nhân quyền vô tội vạ của chính thể công an trị còn khiến ngay cả Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU – tuy là người được xem là ôn hòa, đã phản ứng cứng rắn hiếm thấy: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc Hội Châu Âu thông qua hết”, bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ tục hiệp định này của một số nghị sĩ và doanh nghiệp Châu Âu, cùng sự vận động ráo riết của giới quan chức Việt Nam.
Vậy Bộ trưởng kinh tế Đức Altmaier có nói gì về nhân quyền trong những ngày tháng Ba ông làm việc tại Việt Nam?
Theo Thoibao.de, trong chuyến công du đến Kairo vào đầu tháng 2 năm nay để đàm phán thương mại với Ai Cập, Bộ trưởng kinh tế Đức Altmaier đã phát biểu rằng nhân quyền và ổn định xã hội là 2 mục tiêu song song, và có giá trị ngang nhau. “Chúng tôi không chọn cái này hay cái kia, nhưng chúng tôi theo đuổi cả 2 mục tiêu song song”, Bộ trưởng Altmaier nói. Không chỉ bằng lời nói, quả thật Bộ trưởng Altmaier đã gặp các nhà hoạt động nhân quyền Ai Cập trong chuyến đi của ông.
Từ năm 2018 đến nay, chiến thuật ‘đánh lẻ’ của chính thể Việt Nam vào người Đức dù sao đã đạt được một chút hiệu quả bằng thái độ bớt căng thẳng của Đức. Nhưng chỉ trả Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa đủ, mà điều giới quan chức xôi thịt ở Việt Nam cần và phải đóng đinh vào óc là vụ Trịnh Xuân Thanh vô hình trung đã làm cho người Đức và cả châu Âu ‘mở mắt’ về ‘nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam’, mà bằng chứng gần nhất và có tính thuyết phục cao nhất là vào giữa tháng 11 năm 2018 Nghị viện EU đã công bố một bản nghị quyết về nhân quyền Việt Nam với nội dung rộng và sâu cùng lời lẽ lên án đanh thép chưa từng có. Nghị quyết này chính là một tối hậu thư mà Việt Nam phải thỏa mãn, nếu không sẽ không thể có được EVFTA.
Sau EU và cùng với EU, người Đức cũng thế. Giờ đây, không phải Trịnh Xuân Thanh mà nhân quyền mới là trên hết.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét