Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

7884 - Lùng nhùng quanh chuyện Bản truyền hình tại ASIAD 18: À ra thế?


Ngày 21/08/2018, nhật báo thể thao lớn nhất Thái Lan là Siam Sport đã có bài viết về việc vi phạm bản quyền ASIAD 18 ở Việt Nam. Bài báo tố cáo nạn xem lậu một cách phổ biến và công khai chương trình truyền hình trực tiếp các cuộc thi đấu tại Á vận hội - ASIAD 18 tổ chức tại Indonexia. Theo đó, chương trình truyền hình được chuyển tiếp trái phép trên các kênh trên Youtube và mạng xã hội tràn lan tại Việt Nam. Thậm chí còn được phát trái phép tại các tụ điểm công cộng.
Bài viết còn cho biết, các kênh TV được sử dụng để chiếu "lậu" đa số lấy từ chương trình phát sóng từ các kênh truyền hình của Thái Lan, và các kênh trực tuyến đó đã không hề xin phép mà tự ý phát lại kênh của họ. Thậm chí họ còn đặt câu hỏi, vì sao các hãng truyền hình của Thái Lan phải bỏ tiền ra để phục vụ cho khán giả người Việt “xem free”. Đáng xấu hổ khi, báo Siam Sport đặt câu hỏi rằng, không biết lý do vì sao Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam không mua bản quyền truyền hình của Ban tổ chức, mà đã để xảy ra tình trạng người hâm mộ phải “xem trộm” các kênh TV của Thái Lan? Đồng thời họ khuyến cáo các kênh TV quốc tế phải bảo vệ bản quyền và yêu cầu phía Việt Nam phải có biện pháp chấm dứt việc xem "lậu" ASIAD 18.
Qua tìm hiểu thì khi đó mới biết, trong những ngày vừa qua ở Việt Nam người ta không xem được vì VTV không mua bản quyền truyền hình. Việc này đã khiến người ta còn nhớ, hơn 3 tháng trước đây tại giải bóng đá thế giới World Cup 2018 tổ chức tại Nga, thì Việt Nam là nước cuối cùng mua bản quyền bóng đá của Ban tổ chức. Song vẫn là VTV.
Kể cũng lạ, việc kinh doanh truyền hình là một ngành kinh doanh có lợi nhuận rất lớn. Với những nhà kinh doanh truyền hình thì lâu nay, họ vẫn đổi quảng cáo lấy tiền và dùng tiền thu đó để mua bản quyền truyền hình, ngoài ra còn có lại rất lớn. Hơn nữa Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV là những công cụ tuyên truyền đắc lực của đảng cầm quyền, trong điều kiện Nhà nước vẫn nắm giữ độc quyền về truyền thông. Tầm quan trọng của VTV hay VOV ngang hàng với báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng CSVN, mà bằng chứng là các Tổng Giám đốc của 2 cơ quan truyền thông này đều là Ủy viên TW đảng. Nhất là trong một nhà nước Xã hội chủ nghĩa như danh xưng thì, việc đáp ứng những nhu cầu về văn hoá, giải trí của đông đảo nhân dân hoàn toàn phải thuộc về trách nhiệm của nhà nước. Theo Nghị định 02/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì, VTV phải thực hiện chức năng đã quy định là, “Đài Truyền hình Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài truyền hình quốc gia thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình truyền hình và các loại hình báo chí, truyền thông đa phương tiện khác”.
Dù rằng quốc hiệu là Cộng hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam, song vì có nền nền kinh tế nửa Dơi, nửa Chuột, Kinh tế thị trường định hướng Xã Hội Chủ nghĩa. Theo Báo Tuổi Trẻ ngày 20/8 đã đưa tin, VTV đã phải thanh minh lý do của sự cố hy hữu này. Theo đó VTV cho biết giá bản quyền do nhà cung cấp đưa ra đối với Việt Nam lúc đầu là 3 triệu đô, sau thương lượng đã giảm xuống còn 1,8-2 triệu đô (khoảng 48 tỷ VND). Song VTV đã từ chối vì giá vẫn đắt, VTV lý giải lý do vì là đơn vị tự chủ tài chính nên phải cân nhắc lời lỗ, sẽ không mua nếu quá đắt sau khi cân đối tài chính.
Thực ra với chủ trương xã hội hóa, VTV từ trước đến nay đã từng huy động tiền tài trợ từ các mạnh thường quân, để mua bản quyền các giải đấu thể thao lớn nhằm phục vụ khán giả trong cả nước. Cụ thể gần đây nhất, tại giải bóng đá thế giới World Cup 2018 VTV đã có VinGroup và Viettel tài trợ để mua bản quyền truyền hình, nhưng ASIAD 18 thì không?
Nói như nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TH Việt Nam thì, "Uy tín của một cơ quan truyền thông lớn phụ thuộc ngày càng nhiều vào việc đáp ứng những nhu cầu về văn hoá, giải trí của số đông nhân dân. Không nên xếp nó vào loại nhu cầu hạng hai. Làm như thế sẽ phải trả giá rất đắt về uy tín thương hiệu."
Dư luận xã hội đã đặt câu hỏi rằng, với chức năng độc quyền của VTV phải chăng họ đã quá coi thường nhu cầu của người dân, mà chỉ quan tâm đến lợi nhuận? Nói nặng hơn là VTV họ đã khinh nhân dân. Vậy tại sao trước đây ít lâu, Tổng Giám đốc VTV Trần Bình Minh lại mơ mộng Dự án xây tháp truyền hình cao nhất thế giới để làm gì? Điều lạ lùng là Quyền Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, ông chủ cũ của Viettel cũng im lặng mà không hề có ý kiến trên truyền thông báo chí.
Người ta cho rằng, nếu VTV thật sự có tâm, có ý thức phụng sự nhân dân cũng như hiểu rõ vai trò của mình, hiểu sứ mệnh cũng như trách nhiệm của mình thì, chắc chắn VTV sẽ không từ chối mua bản quyền truyền hình với lý do bảo vệ lợi nhuận. Và VTV thừa khả năng báo cáo Chính phủ, hay liên hệ với các tổ chức, các doanh nghiệp và những nhà hảo tâm để nhận được sự hỗ trợ.
Từ những thiếu sót nói trên, dư luận cho rằng, "Liệu ông Trần Bình Minh, Ủy viên TW đảng có xứng đáng là Tổng giám đốc VTV nữa hay không?"
Còn cựu Tổng Biên tập Báo Thanh niên Nguyễn Công Khế đã viết trên trang FB cá nhân của mình thì cho rằng, "Cho nên tạo sự độc quyền cho bất cứ ai, và xem họ duy nhất tốt và “nó” là của mình, thì luôn nhận quả đắng. Nhân sự việc này, Nhà nước nên xem xét nghiêm túc về sự tạo ra sự độc quyền cho các doanh nghiệp nhà nước của mình. Bài học của những Vinashine, Vinalines... đã quá đủ.". Về cơ bản, ông Nguyễn Công Khế nói không sai song trong kỷ nguyên công nghệ thông tin, thời đại 4.0 thì việc nhà nước độc quyền truyền thông chỉ là hành động điên rồ. Hiện tượng Xôi lạc TV đã cho thấy điều đó, và hầu như ai có chút kiến thức về công nghệ IT đều có thể tạo cho mình một kênh TV để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Đáng ngạc nhiên là ngay sau khi áp lực xã hội tăng cao, thì VOV đã nhanh chóng hoàn tất việc mua bán bản quyền truyền hình này không mấy khó khăn, với sự tài trợ của Viettel và VinGroup. Trong vụ việc này, người ta đặt câu hỏi: vì sao VTV hay VOV đều là các cơ quan hàng đầu của bộ máy tryền thông nhà nước, nhưng 2 nhà tài trợ cũ của VTV không "hảo tâm" ngay từ đầu cho Trần Bình Minh, Tổng GĐ VTV mà phải chờ đến hồi gay cấn mới tài trợ cho Nguyễn Thế Kỷ, Tổng GĐ VOV? Và câu trả lời đã được hé lộ thông qua vụ việc VOV cắt tín hiệu chuyển tiếp của VTV trong trận đấu giữa đội tuyển Olimpic Việt Nam và đội tuyển Olimpic Barain vào tối ngày 23/8 khi kết thúc hiệp 1 của trận đấu. Nghĩa là có những thế lực chính trị trong nội bộ đảng, đã cố ý dùng Nguyễn Thế Kỷ "đánh" nhằm hạ uy tín của Trần Bình Minh hòng tước cái ghế Tổng Giám đốc VTV. Người trực tiếp làm điều đó không ai khác là quyền Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, ông chủ cũ của nhà tài trợ Viettel.
Qua đó cho thấy, quan chức nhà Sản bây giờ coi dân như cỏ rác, họ chẳng hề đếm xỉa những nhu cầu, những mong muốn của người dân vốn là những người đóng thuế để nuôi cái bộ máy cai trị của họ. Một mặt họ luôn nói rằng, họ là đầy tớ của nhân dân nhưng trên thực tế họ còn quá các ông quan phụ mẫu thời phong kiến. Thực chất, họ tự cho mình cái quyền là cha, là mẹ dân.
Mà họ không biết rằng, từ năm 435 trước Công nguyên, Tăng Tử người nước Lỗ đã bảo rằng, "Dân ưa thích điều gì, nhà cầm quyền cũng ưa thích theo. Dân chán ghét điều gì, nhà cầm quyền cũng chán ghét theo. Đó mới là cha mẹ dân.".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét