Từ mấy hôm nay tôi đọc được vài bài viết giống nhau về dòng chữ Syria trên lưng áo các tuyển thủ Olympic bóng đá nam Syria. Các bài viết cho rằng, các cầu thủ Syria muốn cho thế giới biết rằng Syria vẫn tồn tại, vì ở đó đang có nội chiến.
Tôi cũng đã chú ý đến chi tiết này khi xem trận đấu. Tôi không rõ có phải chính xác là các tuyển thủ muốn đưa hình ảnh đất nước lên không. Thực tình thì khi xem bóng đá. Tôi nghĩ rằng họ không có nhiều thời gian, không xác định chắc chắn cầu thủ nào sẽ tham gia, nên không may áo cho từng người mà may theo số. Vì vậy, không có tên các cầu thủ.
Nhưng nếu các cầu thủ không để tên mình mà để tên Syria để biểu lộ tình yêu đất nước thì đó cũng là một nét đẹp. Tuy nhiên, việc các bạn kết luận, nội chiến ở Syria là do phe dân chủ, muốn dân chủ theo kiểu Mỹ gây ra, thì tôi không đồng ý.
Tôi không trực tiếp chứng kiến những gì xảy ra ở Syria, nhưng tin tức về Syria thì đầy ở trên mạng. Trong các hội nghị, tôi vẫn thường gặp các bác sĩ đến từ các nước Ả rập. Rất nhiều người trong số họ không ưa Mỹ, nhưng họ đều nói về sự độc tài của chế độ cầm quyền ở Syria.
Đã từng học tập ở nhiều nước dân chủ, quen biết nhiều bạn bè, tôi cảm nhận rõ ràng sự khác biệt khi sống trong một thể chế dân chủ và một thể chế độc tài.
Gần đây, chúng ta nghe nhiều thông tin về chuỗi cửa hàng Con Cưng và Cơm tấm Kiều Giang. Bản thân tôi cũng đã từng bị những chuyện tương tự như họ. Và tôi tin, rất nhiều doanh nghiệp (nếu không muốn nói là tất cả, trừ doanh nghiệp sân sau của chính các quan chức) ở trên đất nước này bị như họ.
Hệ thống công chức nhà thẳng tay triệt hạ các doanh nghiệp khi các doanh nghiệp không cống nạp cho chúng là chuyện rất thường tình ở nước ta. Tôi đã hỏi khá nhiều bạn bè, là chủ bệnh viện, chủ phòng khám, chủ các doanh nghiệp nhỏ ở Nhật, Mỹ, Hàn quốc, Singapore… Họ đều cho biết, nhiệm vụ của công chức nhà nước là giúp cho các doanh nghiệp hoạt động tốt. Nếu họ không giúp, chứ đừng nói chuyện nhũng nhiễu, chỉ cần đơn thưa và có bằng chứng, là họ đi tù liền.
Tôi đã từng thắc mắc, tại sao người dân Séc, đang sống khá yên bình, cuộc sống không đến nỗi vất vả, lại có thể không ưa Liên Xô, làm nên sự kiện Mùa xuân 68, và cuối cùng là một cuộc cách mạng, thay thế chính quyền cũ bằng một chính quyền dân chủ, giống như hàng loạt các nước Đông Âu XHCN khác.
Tôi cũng đã từng phì cười, khi một ông anh sống ở Mỹ lâu năm, không có nhiều quan hệ với người Việt, khuyên tôi nên kiến nghị lên chính phủ, hoặc các nghị sĩ quốc hội, về những điều chưa tốt mà anh ấy chứng kiến khi về Việt nam. Khi được biết số phận của những người kiến nghị lên chính phủ, anh ấy mới bắt đầu để ý đến quê hương mà anh ấy đã rời bỏ hơn 40 năm.
Tôi đã từng đặt câu hỏi, tại sao ở Mỹ, Nhật, Đức… lại luôn có những qui định rất chặt chẽ, bảo đảm rằng mọi người dân, già, trẻ, khuyết tật… đều có thể sử dụng các phương tiện công ích. Mỗi cây cầu, mỗi đường hầm, để đi bộ qua đường, đều có thang cuốn, hoặc ít nhất là thang máy. Tôi cũng suy nghĩ nhiều, khi nước Mỹ, hay các nước phương Tây, làm mình làm mẩy khi một công dân nào đó của họ bị điều gì oan ức, hoặc bị đối xử bất công ở nước ngoài.
Tôi cũng đã từng đặt câu hỏi, tại sao Mỹ lại đặt điều kiện về POW, MIA khi bình thường hóa quan hệ với Việt nam, còn chúng ta thì luôn ca ngợi tình bạn 4 tốt, 16 chữ vàng, trong khi những người cha, người mẹ, người anh em của các liệt sĩ Gạc Ma, các liệt sĩ hi sinh trong trận chiến Vị Xuyên, và nhiều nơi ở biên giới phía bắc, vẫn đau đáu trông chờ ai đó quan tâm đến việc mang về cho họ thi thể của người thân của họ?
Chiến tranh là đau thương, mất mát. Nội chiến là chết chóc, thương vong. Không ai muốn điều đó cả, nhất là những người dân. Tôi cũng sẽ phản đối mọi cuộc chiến nồi da xáo thịt.
Nhưng hãy đừng vội kết tội những người mong muốn một xã hội dân chủ. Chỉ có những kẻ độc tài, tham quyền, cố vị mới sẵn sàng hi sinh mạng sống của người dân để giữ ghế, để trục lợi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét