Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

7985 - Thủ tướng Mahathir từng bước kéo Malaysia ra khỏi gọng kềm Trung Quốc




 Thủ tướng Malaysia Mahathir (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 20/08/2018. Reuters

Ngày 27/08/2018, thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad xác định rằng chính quyền của ông sẽ không cho phép người nước ngoài mua các căn hộ dân cư trong dự án Forest City của Trung Quốc, trị giá 100 tỷ đô la ở bang Johor. Đây là quyết định mới nhất của tân chính phủ Malaysia nhằm đưa đất nước thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của Trung Quốc mà chính phủ tiền nhiệm bị cho là đã chui vào. Động thái này đã nối tiếp theo quyết định hủy bỏ hai dự án lớn của Trung Quốc tại Malaysia, bị đánh giá là quá tốn kém nhưng không mang lại ích lợi cho đất nước.
Trong một bài phân tích ngày 20/08/2018 mang tựa đề : « “Chúng tôi không đủ sức gánh vác điều đó”: Malaysia kháng lại tầm nhìn của Trung Quốc – “We Cannot Afford This”: Malaysia Pushes Back Against China’s Vision », nhật báo Mỹ The New York Times đã nêu bật quyết tâm của tân thủ tướng Malaysia trong việc tránh không cho nước ông bị rơi vào bẫy nợ mà Trung Quốc đang giăng ra.
Malaysia, theo tờ báo Mỹ, là một ví dụ về « một đất nước từng ve vãn đầu tư Trung Quốc, giờ đây lo ngại mang nợ quá tải do những đề án to lớn vừa không sinh lợi, vừa không cần thiết – ngoại trừ đối với Trung Quốc ».
Dự án vô ích đối với nước sở tại nhưng có lợi cho Trung Quốc
Bài phân tích trước hết nêu bật một số dự án trọng điểm tại Malaysia đã được Trung Quốc đầu tư với mục tiêu không nói ra là phục vụ cho ý đồ bành trướng thế lực của Bắc Kinh.
Tại khu vực yết hầu trên tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới, nơi mà phần lớn thượng mại của châu Á trung chuyển, một tập đoàn năng lượngTrung Quốc đã đầu tư vào một cảng nước sâu lớn, có khả năng đón một hàng không mẫu hạm.
Một tập đoàn Nhà nước khác của Trung Quốc cũng đang tân trang một hải cảng ngay bên bờ Biển Đông, nơi đang có tranh chấp gay gắt.
Ở gần đó, một mạng lưới đường sắt, phần lớn do ngân hàng Nhà nước Trung Quốc tài trợ, cũng đang được xây dựng, hầu vận chuyển nhanh hàng hóa Trung Quốc dọc theo một Con Đường Tơ Lụa Mới.
Một tập đoàn khác nữa của Trung Quốc đang tạo ra 4 hòn đảo nhân tạo có thể dùng cho hơn 750 000 người ở, và dự án này đang được quảng cáo rầm rộ cho công dân Trung Quốc.
Tất cả các đề án nói trên đều được xây dựng ở Malaysia, một quốc gia dân chủ ở Đông Nam Á được Trung Quốc xem là một trọng tâm trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo New York Times, nếu trước đây Malaysia đi đầu trong việc ve vãn đầu tư Trung Quốc, thì hiện nay nước này lại đang ở tuyến đầu của một hiện tượng mới : Đó là phản kháng lại Bắc Kinh trong bối cảnh nhiều quốc gia đang lo ngại bị chìm trong công nợ, với các đề án không sinh lợi, và cũng không cần thiết cho nước đó, nhưng lại có giá trị đối với Trung Quốc hoặc là về mặt chiến lược, hoặc là để đưa những nhân vật mạnh thân Bắc Kinh lên nắm quyền.
Đòn chống Trung Quốc của tân thủ tướng Malaysia
Sau 5 ngày viếng thăm Trung Quốc, thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, hôm thứ 21/08 đã chính thức cho biết là ông đã ngưng 2 dự án của Trung Quốc, trị giá hơn 22 tỷ đô la.
Chính phủ Malaysia tiền nhiệm bị cáo buộc là vẫn ký các thỏa thuận với Trung Quốc, dù biết rằng đó là các thỏa thuận tồi, chỉ vì muốn bù đắp cho một quỹ đầu tư Nhà nước bị tai tiếng tham nhũng, và có tiền để chi cho việc tiếp tục nắm quyền.
Thông điệp của ông Mahathir trong các cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc hay trong những nhận định trước công chúng rất rõ ràng và không một chút mơ hồ.
Phát biểu hôm 20/08 tại Bắc Kinh sau khi gặp đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường, thủ tướng Malaysia cho biết : « Chúng tôi không muốn để xuất hiện một hình thức thực dân mới, vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với nước giàu ».
Ảnh hưởng Trung Quốc tại Malaysia gặp gió ngược
Theo New York Times, trước đây, kịch bản dùng tiền để tăng cường ảnh hưởng mà Trung Quốc thường áp dụng đã từng phát sinh hiệu quả tại Malaysia. Giờ đây tình thế đã khác.
Bắc Kinh đã thành công hoàn toàn trong việc chiêu dụ cựu thủ tướng Najib Razak với những khoản tín dụng dễ dãi và những đề án to lớn, qua đó ký kết được những thỏa thuận có tính chất chiến lược, phục vụ cho những tham vọng của Trung Quốc.
Nhưng vào tháng 5 vừa qua, ông Najib đã bị thua trong cuộc bầu cử. Cử tri Malaysia đã quá mệt mỏi với các vụ tai tiếng tham nhũng vây quanh ông, trong đó có một số dính líu đến các thỏa thuận đầu tư quan trọng của Trung Quốc ở Malaysia.
Còn ông Mahathir, 93 tuổi, được bầu vào chiếc ghế thủ tướng, với nhiệm vụ bao gồm việc đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nợ nần chồng chất, bị bóp nghẹt dưới khoản nợ kếch xù 250 tỷ đô la, mà một phần không nhỏ là nợ các công ty Trung Quốc.
Từ Sri Lanka, Djibouti cho đến Miến Điện hay Montenegro, những nơi nhận tiền từ các đề án hạ tầng cơ sở do Trung Quốc tài trợ trong kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới, đều đã khám phá ra rằng đầu tư Trung Quốc đi kèm theo những điều không mấy thuận lợi như không được đấu thầu công khai, dẫn đến các hợp đồng bị đội giá.
Hiện nay, đã xuất hiện những mối lo ngại theo đó Trung Quốc tung tiền đầu tư ở nước ngoài để giành chỗ đứng ở một số nơi được xem là có giá trị chiến lược cao nhất thế giới, và có dấu hiệu là Bắc Kinh cố tình gài các nước gặp khó khăn vào bẫy nợ để gia tăng ảnh hưởng và uy thế thống trị trong lúc mà ảnh hưởng của Mỹ nhạt đi ở các nước đang phát triển.
Theo đánh giá của nhà kinh tế chính trị người Malaysia, Khor Yu Leng, nghiên cứu về đầu tư Trung Quốc ở Đông Nam Á, thì « Trung Quốc chắc hẳn là đã nghĩ rằng “chúng ta có thể lấy được những hàng giá rẻ ở đấy”… Họ có đủ kiên nhẫn để chơi trò dài hạn, chờ cho những người tại chỗ lậm sâu vào nợ rồi đến lấy tất cả về cho Trung Quốc. »
Theo lời của ông Mahathir, khi có mặt ở Bắc Kinh, ông đã hủy một hợp đồng với tập đoàn Xây Dựng Viễn Thông Trung Quốc – CCCC (China Communication Construction Company) nhằm xây dựng tuyến đường xe lửa ở bờ biển phía đông – East Coast Rail Link, được cho là tốn kém cho chính phủ Malaysia 20 tỷ đô la.
Ông cũng hủy bỏ một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ đô la, xây đường ống dẫn khí đốt với công ty con của một tập đoàn năng lượng khổng lồ của Trung Quốc.
Trước đó ông đã ra lệnh tạm dừng các dự án đó, điều đã khiến cho một số nhà phân tích cho rằng ông muốn đàm phán lại hợp đồng nhân chuyến thăm Trung Quốc. Thế nhưng rốt cuộc ông đã loan báo việc hủy các hợp đồng đó, giải thích rằng « toàn bộ vấn đề là phải vay quá nhiều tiền, điều mà Malaysia không cáng đáng nổi và không thể trả nổi vì đó là những dự án mà Malaysia không cần ».
Một báo cáo ngày 16/08 của bộ Quốc Phòng Mỹ nói rằng « ý đồ của Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường BRI là nhằm phát triển quan hệ kinh tế chặt chẽ với các quốc gia khác, bẻ quyền lợi các nước này đi theo quyền lợi của Trung Quốc và răn đe những động thái tranh chấp hay chỉ trích Trung Quốc trên những vấn đề nhạy cảm ».
Theo báo cáo này thì « kinh tế của những quốc gia tham gia vào Con Đường Tơ Lụa Mới có thể trở thành lệ thuộc vào vốn liếng Trung Quốc mà Trung Quốc có thể sử dụng để thu lợi cho chính mình ».
Tân bộ trưởng Tài Chính Malaysia, Lim Guan Eng, đã nêu lên ví dụ của Sri Lanka mà cảng nước sâu do một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc xây dựng đã không thu hút được khách hàng, và quốc gia Nam Á mang đầy nợ này đã bị buộc phải nhượng cảng và khu đất chung quanh cho Trung Quốc trong thời hạn 99 năm, và như thế là giao cho Trung Quốc một tiền đồn sát một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất.
Ông Lim khẳng định : « Chúng tôi không muốn lâm vào tình cảnh như Sri Lanka, không thể trả nợ và rốt cuộc phải để cho Trung Quốc lấy đi dự án ».
Trả lời phỏng vấn gần đây của báo The New York Times, ông Mahathir đã nói rõ những gì ông nghĩ về chiến lược của Trung Quốc : « Họ biết là khi cho một nước nghèo vay những khoản tiền lớn, thì cuối cùng họ có thể lấy dự án về cho chính họ ».
Thủ tướng Malaysia nói thêm : « Trung Quốc biết rất rõ là chính họ đã phải chấp nhận những thỏa thuận bất bình đẳng mà các cường quốc phương Tây đã áp đặt đối với Trung Hoa trong quá khứ ». Ông Mahathir ám chỉ các nhượng bộ của Trung Quốc sau thất bại trong cuộc chiến tranh nha phiến. « Do vậy, Trung Quốc nên thông cảm với chúng tôi. Họ biết là chúng tôi không gánh vác nổi các món nợ ».
Đối với The New York Times, ông Mahathir là một nhân vật không hề ngần ngại đứng lên chống lại các siêu cường. Lúc làm thủ tướng từ năm 1981 đến năm 2003, ông đã chống lại Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây khác mà theo ông muốn kềm hãm những quốc gia đang phát triển như Malaysia.
Edmund Terence Gomez, chuyên gia chính trị kinh tế Đại Học Malaya nhận định : « Mahathir hiện đang cho rằng Trung Quốc là một thế lực bá quyền. Ông luôn luôn dè chừng trước các thế lực hùng mạnh. Trước đây là Mỹ, bây giờ là Trung Quốc ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét